WESTMINSTER, California (NV) - Cả phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt đầy kín, không còn một chỗ trống, cựu tù nhân cải tạo mang danh H.O. tấp nập đến tham dự buổi giới thiệu cuốn sách mới xuất bản của hai nhà văn Huy Phương và Võ Hương An, “Chân Dung H.O. và Những Cuộc Đổi Đời” vào chiều Chủ Nhật, 10 Tháng Năm.
Tác giả Võ Hương An (trái) giới thiệu một cựu tù Cộng Sản còn giữ được một
tấm bảng đeo ngực có chữ H.O. của cơ quan IOM khi ra phi trường
xuất cảnh đi Hoa Kỳ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Số anh em H.O. đến tấp nập ngay trước giờ khai mạc khiến không khí buổi giới thiệu sách như một buổi hội ngộ của các cựu tù nhân “cải tạo.”
Có lẽ trong số khách tham dự có rất ít người không là H.O. nên buổi giới thiệu sách không chỉ là những mục thường có như giới thiệu tác giả, giới thiệu nội dung tác phẩm, nhận xét về tác phẩm của bạn bè thân hữu.
Buổi giới thiệu sách này lại rơi vào một buổi hội ngộ H.O. khi các diễn giả như Giáo Sư Phạm Cao Dương và ký mục gia Bùi Bảo Trúc đề cập đến vấn đề H.O. như một sự kiện lịch sử, khi tác giả Huy Phương giới thiệu đến một số H.O. tham dự, vừa từng là thân hữu của tác giả, vừa là những H.O. có những hoàn cảnh rất đặc thù trong cuộc đổi đời khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Giáo Sư Phạm Cao Dương đã nhận định sâu sắc rằng, cuốn sách là một tác phẩm của lịch sử. Nó động đến rất nhiều khía cạnh của một giai đoạn lịch sử trong đó lớp người từng là những anh hùng an dân cứu nước, “được cải tạo” thành những tên “ngụy quân” có tội “trời không dung đất không tha” phải bị giam giữ trong các “hỏa ngục đỏ.”
Sau đó, họ lại “được cải tạo” trở thành những công dân của một nước “hùng mạnh, văn minh nhất thế giới.” Sau hai lần “cải tạo,” những H.O. này đã được đi từ nơi “hỏa ngục” đến chốn “thiên đàng.” Cuộc đổi đời của họ ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ sau là lớp con cháu của họ. Lần “cải tạo” đổi đời thứ nhất cho con cháu họ hiểu thế nào là tự do, thế nào là Cộng Sản, thế nào là hạnh phúc, thế nào là đói khổ, thế nào là quyền sống, quyền được giáo dục, quyền được làm việc, nghĩa là quyền được làm người. Đến lần “cải tạo” thứ hai thì lớp con em đã được huấn luyện trong những lò luyện bằng đau khổ, áp bức, bất công, phi nhân trước đó, nay được bà “tiên tự do” hóa phép cho được hưởng cuộc đời mới mà tương lai nằm trong tầm tay của mình.
Đại diện cho lớp trẻ này là cô Jocelyn Nguyễn, ái nữ của ông Nguyễn Văn Đán, một cựu tù H.O. Cô phát biểu rất rành rọt và lưu loát bằng tiếng Việt dù cô đến Mỹ mới có 6 tuổi.
Cô Jocelyn Nguyễn. (Hình: Người Việt)
Khi được mời lên phát biểu, cô đã “Thưa các bác, các chú” rồi kể rằng khi cô cùng gia đình được ra phi trường đi Mỹ thì cả nhà đều khóc. Trong con mắt của đứa trẻ mới 6 tuổi cô đã hiểu rằng đó là những giọt nước mắt hòa trộn nhiều tâm trạng, tâm trạng lo âu có thể bị ngưng chuyến đi, bị bắt lại, có thể là tâm trạng của cha mẹ khi phải rời bỏ quê hương mà không biết có ngày trở lại hay không, tâm trạng lo âu về một tương lai chưa biết thế nào... Nay thì mọi sự đã qua, cô đã hiểu nguyên do vì đâu cô được có mặt trên phần đất thiên đàng này và cô đã không ngớt nói điều này với những bạn bè cùng thế hệ với cô.
Trước những phát biểu của thế hệ con em H.O., ký mục gia Bùi Bảo Trúc nhận định “đây là những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử dân tộc.”
Phần văn nghệ phụ diễn không có những ca nhạc sĩ mà bằng những trình bày một vài ca khúc của các H.O. làm ở trong tù bầy tỏ tâm trạng của mình đã được thu vào các CD.
Bài “Anh Ở Đây” của nhà thơ Thục Vũ được phổ nhạc, được ban tổ chức cho phát lên. Cả hội trường hàng trăm người đã yên lặng lắng nghe để hồi tưởng lại những ngày ở trong ngục tù Cộng Sản.
Cũng thế, bài thứ hai là “Hai Hàng Cây So Đũa,” thơ Nguyên Huy, nhạc Trọng Minh, diễn tả tâm trạng của người tù được vợ con thăm lần cuối trước khi lên đường vào Biển Đông đem con đi tìm tự do.
Trở lại với tác phẩm “Chân Dung H.O. và Những Cuộc Đổi Đời” của Huy Phương và Võ Hương An, đó là một tập tài liệu khá phong phú về chương trình H.O. kể cả về tài liệu, tiến trình hình thành chương trình này và những cuộc đổi đời từ trên những đau thương đổ nát để xây dựng nên những cơ ngơi dù chưa huy hoàng nhưng cũng đã là những bệ phóng cho tuổi trẻ Việt Nam vươn cao ở xứ người.
Các diễn giả đều đưa ra nhận xét rằng tác phẩm được trình bày khúc chiết rõ rệt qua lời văn súc tích của các tác giả. Đó là một tác phẩm không chỉ để đọc mà thôi mà còn là một tài liệu, một chứng tích lịch sử cho các thế hệ sau.
Nguyen Huy
Quý độc giả muốn có sách có thể liên lạc (949) 241-0488, hoặc email: xbnamviet@gmail.com.
No comments:
Post a Comment