GNsP (02.05.2015) – Bắc Ninh – Sau Thư góp ý của Đức Giám mục Giáo phận Kontum về Dự thảo 4 Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng, nay đến lượt Giáo phận Bắc Ninh đã có văn bản nhận định và góp ý về dự thảo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng.
Văn bản này có 3 nhận định và 7 đề nghị:
GIÁO PHẬN BẮC NINH
Số: 11/2015/CV-TGM
V/v Góp ý Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Bắc ninh, ngày 30 tháng 04 năm 2015
NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Kính gửi Bộ Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Chính Phủ,
Nhận được công văn số: 40 /TGCP – PCTT ngày 10 tháng 4 năm 2015 về việc góp ý dự thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo 4) của Bộ Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Chính Phủ, chúng tôi, bao gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo Bắc Ninh có một số nhận định và góp ý như sau:
Bản góp ý dự thảo luật bằng file pdf (1)
Bản góp ý dự thảo luật bằng file pdf (2)
I. Nhận Định
Theo Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10.12.1948) mà chính phủ Việt Nam đã ký: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổii tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phượng hoặc tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư (điều 18).
Theo Hiến Pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Ngĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013): Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (điều 14). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. (điều 24).
Theo quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế… (Nhận Ðịnh Và Góp Ý Dự Thảo Sửa Ðổi Hiến Pháp Năm 1992).
Sau khi đối chiếu với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Liên Hiệp Quốc, Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi năm 2013) và quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chúng tôi có một số nhận định sau:
Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện. Do đó, quyền con người phải được nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.
Bản dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, không bắt kịp đà tiến của xã hội. Xã hội loài người nói chung và Việt Nam nói riêng vận hành và phát triển theo hướng dân chủ tự do. Tuy nhiên, nhìn chung Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013. Chúng tôi nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.
Theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những văn bản quy phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dân. Nhưng nhìn nhận cách khách quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin – Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép.
II. Một số đề nghị:
1.Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo không thấy có điều nào nói đến tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các tổ chức tôn giáo được hưởng và quy định rõ ràng tư cách pháp nhân như các tổ chức xã hội khác.
2.Pháp luật quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay các tổ chức xã hội, cá nhân hay tổ chức nước ngoài cũng được mở bệnh viện, trường học. Do đó, chúng tôi đề nghị các tôn giáo và chức sắc được hưởng quyền bình đẳng đó.
3.Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ. Nhưng Dự thảo 4 cho thấy có nhiều bất cập và hạn chế về quyền này. Các tổ chức và chức sắc tôn giáo thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như: tổ chức lễ nghi tôn giáo, đào tạo, phong chức phong phẩm….
4.Điều 56 của Dự thảo 4 quy định quá tỉ mỉ và khắt khe về việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Điều này đi ngược với chủ trương của chính phủ về cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
5.Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo cần công nhận quyền sở hữu, bảo vệ đất đai và các tài sản của mọi người, trong đó có tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo như đã khẳng định trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (điều 17) mà tuyệt đại đa số các quốc gia tiến bộ trên thế giới đang thực hiện.
6.Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được pháp luật bảo vệ chứ không phải là bảo hộ.
7.Chương X và chương XI của Dự thảo 4 không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự nó mâu thuẫn với điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến Pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013.
Trên đây là một số những nhận định và góp ý chân thành, chúng tôi hết sức mong muốn Luật tín ngưỡng, tôn giáo thực sự là một văn bản luật tiến bộ, vì hạnh phúc của người dân, trong đó có niềm hạnh phúc lớn nhất là được tự do thực hành niềm tin tôn giáo và đời sống tâm linh của mình. Có như thế xã hội mới ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp, tất cả nhằm mục đích phục vụ con người hợp với sự phát triển chung của nhân loại trong đó có dân tộc Việt Nam.
Nơi nhận:
– Như trên
– Lưu văn phòng
T/M. GIÁO PHẬN BẮC NINH
LINH MỤC TỔNG ĐẠI DIỆN
(ấn ký)
GIUSE NGUYỄN ĐỨC HIỂU
GPKONTUM (05/05/2015) KONTUM
No comments:
Post a Comment