7/03/2016

FORMOSA: NHÀ NƯỚC HƯỞNG LỢI HAI LẦN

Chu Tất Tiến (Việtbáo.com)
7/2/2016


Theo tin các báo Cộng Sản Việt Nam, ngày 30 tháng 6, 2016, Ngài Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì một cuộc họp báo có, cùng với sự tham dự của các lãnh đạo các bộ Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, để thông báo là Formosa đã đồng ý bồi thường 500 triệu đôla cho vụ cá chết tại biển miền Trung. Theo Mai Tiến Dũng, thì số tiền bồi thường thiệt hại này để dùng vào nhiều mục đích, trong đó có “cải tạo môi trường…thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Cũng theo tin báo, ngày 3 tháng 7, Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng Sản đã ra lệnh giao cho các Bộ Ngư nghiệp, Bộ Tài chính… “dự thảo chính sách hỗ trợ, trình Chính phủ sớm nhất để quyết định và đưa vào thực hiện kịp thời, trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ; khôi phục môi trường; hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân…” Cũng theo Nguyễn Xuân Phúc, thì ““Hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu..., sẽ được công bố cụ thể, minh bạch nhằm sử dụng hiệu quả số tiền bồi thường của Formosa.

Những người không hiểu thực tế tình hình đã vội vui mừng, cho rằng dân biển miền Trung phen này sẽ được bồi thường thỏa đáng, thoát được nguy cơ bị đói, và sẽ có cơ hội đi biển tiếp tục với phương tiện đền bù của Formosa. Nhưng những người đã thông hiểu cách hành sử của nhà nước, thì lại lắc đầu ngao ngán, cho rằng kết quả vụ đền bù này cũng lại chỉ làm giầu thêm cho các lãnh đạo Đảng mà thôi trong khi dân biển vẫn tiếp tục đói kém.

1-Về môi trường: Từ 90 ngày trước đây, ước lượng khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, đa số là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế, những nhà nuôi cá bè bị thiệt hại khoảng 35 tấn cá bè. Người ta chụp được nhiều tấn cá chết nằm xếp lớp dưới đáy biển tại những vùng lục địa nông, còn ngoài ra, tại vùng thềm lục địa sâu hơn thì không ai có thể tìm hiểu và chụp hình được. Như thế, việc bồi thường 500 triệu mang quá nhiều mục đích mơ hồ như thế sẽ chẳng thế nào bồi thường được việc tạo lại giống cá mới lành sạch trong cả một thế hệ kế tiếp, vì có những “trường cá” (school fish) bị ảnh hưởng thuốc độc nhẹ và vừa phải, không làm cá chết ngay, mà sống sót mang theo mầm bệnh để rồi lại tạo ra những “trường cá” mới mang mầm bệnh mới cho đến thế kỷ nào thì không ai biết. Vì thế, nếu sử dụng cả số tiền 500 triệu đô cũng chưa đi đến đâu, nói chi đến việc phải phân chia qua quá nhiều mục đích. Đời sống dân biển vẫn còn bấp bênh vì sẽ không thể đánh bắt trong một thời gian ngắn, và nếu có, cũng sẽ phải bán với giá bèo, vì người tiêu thụ sẽ chỉ mua vì tham rẻ, bằng không thì chẳng ai mua. Chính Nhà nước cũng công nhận là đánh bắt cá trong một thời gian gần là không được, cho nên mới có vụ hướng dẫn để “chuyển đổi nghề nghiệp!”. Chuyển sang cái gì? Ở đâu? Đã từng làm nghề cá qua bao đời ông cố, ông sơ đến nay, mà chuyển đổi nghề nghiệp thì chỉ có nghề “đi ăn xin” là thích hợp nhất.

2-Về hệ thống tham nhũng: Theo như chỉ thị của Nguyễn Xuân Phúc, thì sẽ có rất nhiều Bộ, Cơ Quan xúm vào làm việc tinh toán chia chác số tiền này. Mà những người đã quen với việc điều hành đất nước của các lãnh đạo Cộng Sản biết rõ rằng mỗi cơ hội bằng vàng như thế này, thì lãnh đạo chẳng dại gì mà không chấm mút, mỗi người một số lớn. Theo Cụ Nhạc Sĩ lão thành Tô Hải thì trung bình tỷ lệ tham nhũng, rút ruột công trình là 70-80%. Thí dụ cụ thể, trong chương trình Ngàn Năm Thăng Long, một người thầu 6000 cái áo dài cho đại hội toàn quốc, nhận trên giấy tờ là khoảng trên 200,000 đồng một chiếc, nhưng Thủ Trưởng cho ký giấy nhận thầu chỉ đưa có 70,000 một cái áo mà thôi. Nếu người nhận thầu chê ít thì giao cho người khác! Vì thế, mà có những công trình cầu, cống, chưa giao hàng đã sập, có những đoạn đường vừa làm xong mất bao nhiêu tỷ đồng, đã sụp hố chân trâu. Nhiều bệ cầu bị làm bằng bê tông cốt tre. Nhiều khu gia cư vừa giao xong thì tường bể, ống nước vỡ, sàn nhà nghiêng, trần vôi rớt xuống đầy nhà…Vậy, với 500 triệu đô này, trung bình 70% sẽ bị dâng nộp cho các lãnh đạo, nghĩa là sẽ mất ngay 350 triệu cho trung ương, xuống dưới cấp tỉnh, bị xén đi 70% nữa, xuống tới cấp huyện, xã, lại 70% nữa. Ước tính, đến tay người dân chỉ còn vài triệu. Mà người dân sẽ không được lãnh ngay như các Quan Lớn, mà sẽ chi từ từ, năm này qua năm khác, qua bao nhiêu lần làm thủ tục giấy tờ, hoạnh họe lên xuống, khi ngư phủ cầm được tiền trong tay, sẽ chỉ là mớ tiền lèo, đủ mua vài chục gói mì ăn liền là quý hóa lắm rồi.

Trong khi đó, thì nhóm lãnh đạo trung ương vui mừng như mở cờ trong bụng. Đã bán khu Vũng Áng cho Formosa được cả trăm triệu đô la rồi, nay lại được Formosa dâng thêm lần nữa, tha hồ mua vàng đeo đầy bụng, đầy chân tay như con trai của Nguyễn Tấn Dũng để chụp hình, hay chế thêm mấy bộ bàn ghế bằng vàng ròng như Nông Đức Mạnh, khoe chơi với khách sộp, hoặc cho con rể mua vài Câu Lạc Bộ thể thao tại Mỹ, mở một lô nhà hàng McDonald, hoặc tạc thêm mấy bộ tượng để thờ chính mình như Lê Khả Phiêu…

Còn số phận của cá: Hai tháng trước đây, ngay sau vụ cá chết nổ ra, chính nhà cầm quyền đã tuyên bố “cá chết vì thủy triều đỏ”, “cá chết vì người ta tắm nhiều”, “cá chết vì tiếng động do người tắm tạo ra”, và nhiều nguyên nhân mà lãnh đạo đổ thừa cho cá, đến nỗi có dư luận cho rằng: “cá chết là do đuối nước”, “Cá chết do nước biển quá mặn”, “Cá chết là vì già”, “Cá bơi nhiều quá bị chuột rút nên chết”, và: “Cá chết do tuổi cao sức yếu”. Bây giờ thì cá mới được long trọng khai tử, và hồn cá mới được siêu thoát vì Đảng đã công nhận là “chết vì do Formosa thải chẩt độc ra biển!”

Thế mới biết làm thân cá dưới chế độ Cộng Sản cũng khốn khổ khốn nạn, chết mà cũng phải được Đảng công nhận, mới được chết. Và cũng biết thêm là “Làm lãnh đạo Đảng Cộng Sản sướng thật! 

No comments:

Post a Comment