5/09/2015

Biển Đông Càng Ngày Càng Nóng


HÀ NỘI (NV) - Việt Nam gửi công hàm cho các phái đoàn thường trực tại Liên Hiệp Quốc, phản đối Trung Quốc thay đổi nguyên trạng biển Ðông, cùng lúc với việc Trung Quốc tuyên bố có quyền thiết lập ADIZ tại đó.
Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 8 tháng 5, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, loan báo, Việt Nam đã gởi công hàm cho phái đoàn thường trực của các quốc gia tại Liên Hiệp Quốc, phản đối Trung Quốc bồi đắp các bãi đá tại biển Ðông thành đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự.



Trung Quốc cướp bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa bồi đắp bãi này thành đảo nhân tạo. (Hình: CSIS)
Ông Bình nhấn mạnh những hành vi đó của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN.
Ông Bình đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vừa kể.
Cách nay ít ngày, lần đầu tiên, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam và Philippines “xây dựng trái phép” tại biển Ðông. Trong khi Philippines thách Trung Quốc chứng minh cáo buộc đó có cơ sở thì Việt Nam không đề cập đến cáo buộc này.
Ðáp lại những dự báo và lo ngại của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, chuyên gia an ninh - quốc phòng về việc Trung Quốc sẽ sử dụng chuỗi căn cứ quân sự vừa thiết lập tại biển Ðông để khống chế cả mặt biển lẫn bầu trời, hôm 7 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chính thức tuyên bố, Trung Quốc “có quyền lập ADIZ tại biển Ðông.”
ADIZ là cách gọi tắt cụm từ Air Defense Identification Zone - vùng nhận dạng phòng không. ADIZ do mỗi quốc gia tự xác lập dựa trên các qui định của công đồng quốc tế. ADIZ không phải là không phận mà là vùng trời liên quan đến an ninh - quốc phòng của một quốc gia. Do vậy, tất cả các phi cơ dân sự qua lại ADIZ phải thông báo trước, phải theo hành lang bay được qui định, phải giữ liên lạc và thực hiện tất cả các mệnh lệnh của quốc gia kiểm soát ADIZ. Các phi cơ dân sự có thể bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp khác nhau nếu không tuân thủ những yêu cầu vừa kể.
Hồi tháng 11 năm 2013, Trung Quốc từng công bố ADIZ trên biển Hoa Ðông. Bởi phạm vi của ADIZ trên biển Hoa Ðông trùm lên cả những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật và Nam Hàn nên hành động này đã bị cả Nhật, Nam Hàn lẫn cộng đồng quốc tế phản đối bởi gây bất ổn trong khu vực và làm xáo trộn hoạt động hàng không quốc tế.
Giới quan sát thời sự quốc tế tin rằng, tuyên bố vừa kể của Trung Quốc sẽ khiến mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác gia tăng.
Cách nay vài ngày, ông Richard Heydarian, một chuyên gia an ninh-quốc phòng, từng nhận định, trước đây, Trung Quốc chỉ có thể điều động các chiến hạm để xâm nhập biển Ðông. Nay, chuỗi đảo nhân tạo tại biển Ðông sẽ giúp Không quân Trung Quốc khống chế phía trên biển Ðông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Ðông và gia tăng các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không. Các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Ðông sẽ bị đẩy khỏi khu vực này vì đường tiếp liệu cho các hòn đảo mà họ kiểm soát bị cắt.
Những chuyên gia khác thì tin rằng, chuỗi đảo nhân tạo tại biển Ðông và ADIZ mà Trung Quốc xác lập một cách hàm hồ sẽ gây tác hại rất lớn cho giao thương quốc tế vì tự do hàng hải, tự do hàng không bị xáo trộn.
Cũng vì những lo ngại vừa kể, mới đây, một số chính khách và chuyên gia Hoa Kỳ vừa đòi chính phủ Hoa Kỳ sớm có biện pháp trừng phạt Trung Quốc bởi Trung Quốc bất chấp các khuyến cáo của cộng đồng quốc tế, càng ngày càng có nhiều hành động càn rỡ ở biển Ðông. Những chính khách và chuyên gia này cùng cho rằng, biện pháp trừng phạt đầu tiên, có thể áp dụng ngay là loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC 2016, sẽ diễn ra ở Hawaii. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment