TBKTSG Online) - Lương của người lao động Việt Nam tăng rất ít, và vẫn ở mức rất thấp, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.
Nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm, đạt 4,36 triệu/người/tháng trong giai đoạn 2010-2014.
Thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động nông thôn thấp hơn của thành thị, tuy nhiên khoảng cách cũng đã cải thiện đáng kể (từ 66% năm 2010 lên 73.2% năm 2014) do thu nhập thành thị giảm trong khi thu nhập của nông thôn lại tăng.
Khảo sát cho biết, trong quí 4 năm 2014, thu nhập bình quân tháng của lao động nhóm ngành “nông-lâm nghiệp và thủy sản” vẫn thấp nhất, chỉ đạt 2,85 triệu/tháng, so với ngành “công nghiệp-xây dựng” có mức 4,24 triệu đồng/tháng và nhóm ngành “dịch vụ” có mức 4,9 triệu đồng/tháng.
Tính theo nghề, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất (3 triệu đồng/lao động/tháng). Thu nhập bình quân quí 4-2014 của nhóm “lãnh đạo” là cao nhất (6,93 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 2,33 lần lao động giản đơn); tiếp đến là nhóm “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” (6,38 triệu đồng/lao động/tháng), bằng 2,15 lần nhóm “lao động giản đơn” (3 triệu đồng).
Bà Hương nhận xét, cơ cấu lao động của Việt Nam khá tụt hậu trong khối ASEAN với tỷ lệ lao động nông nghiệp cao thứ 4 sau Lào, Indonesia và Myanmar. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm chậm, năm 2014 vẫn chiếm gần 47% tổng lao động xã hội nhưng giá trị được tạo ra từ ngành này chỉ chiếm 17,16% tổng giá trị GDP của cả nước, cho thấy năng suất lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp.
Nghiên cứu của viện cho biết, năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của Châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam tính theo sức mua tương đương của đồng đô la Mỹ tại thời điểm 2005 ($PPP, 2005) là 5.440 đô la Mỹ, thuộc nhóm bốn nước thấp nhất trong ASEAN (Myanmar, 2.828 đô la Mỹ; Campuchia, 3.900 đô la Mỹ; và Lào, 5.396 đô la Mỹ), thấp hơn của các nước còn lại trong khối ASEAN: chỉ bẳng 55% của Indonesia (9.848 đô la Mỹ); 53% của Philippines (10.026 đô la Mỹ), 40% của Thái Lan (14.754 đô la Mỹ), 20% của Malaysia (35.751 đô la Mỹ), và 1/15 của Singapore (98.072 đô la Mỹ).
Bà Hương trích dẫn tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, chiếm 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN, do tác động của việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, 60% trong số việc làm này là việc làm yếu thế.
Bà Hương dự báo, nhu cầu lao động tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí đốt; thông tin và truyền thông; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội; trong khi lao động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm.
Từ Hoàng . Thoibaokinhte
No comments:
Post a Comment