Đêm về khuya. Chỉ còn tiếng toa tàu va vào nhau, tiếng bánh xe nghiến trên đường ray. Trời tối đen, phải dán mắt trên cửa kính mới nhìn thấy một vài ngôi sao mờ từ rất xa. Thỉnh thoảng vài ánh đèn đường loáng qua ngoài cửa sổ. Từ lúc rời ga Vinh, tàu vẫn chưa dừng lại. Tôi đoán là tàu đang ở đâu đó trên địa phận Hà Tĩnh.
Không ngủ được, tôi ngồi nhìn ra cửa sổ nghe tiếng đêm trên chuyến tàu khuya. Tôi nghĩ đến những điều mà lâu nay tôi đã không còn nghĩ đến. Tôi nghĩ đến những điều mà lâu nay tôi đã thu xếp lại chờ cho thời gian trôi qua thêm nữa. Tôi nghĩ đến Quảng Trị và những tang thương đổ nát trên mảnh đất này.
Anh bạn mới quen đã ngủ, nhưng lâu lâu tôi vẫn nghe tiếng anh trở mình. Anh bước lên khoang tàu của tôi hồi chiều, trước khi tàu rời ga Hàng Cỏ. Tàu chưa chuyển bánh thì chúng tôi đã nhận ra nhau: Chúng tôi đều đã ra đi từ Quảng Trị. Anh ra Bắc với bố anh; tôi vào Nam với mẹ tôi. Câu chuyện kéo dài đến quá nửa đêm. Tôi không nhớ hết là chúng tôi đã nói những chuyện gì. Nhưng tôi nhớ là chúng tôi đã nói rất nhiều về Quảng Trị, về cuộc chiến tranh đã đi qua lâu rồi mà dường như chưa bao giờ kết thúc. Bằng sự tinh tế và quý mến nhau, chúng tôi đã khéo léo để không chạm đến những điều mà hai đứa, từ trong sự nhạy cảm và trải nghiệm của những người luôn canh cánh bên lòng nỗi đau quê hương, hiểu rằng vẫn còn những khoảng cách chưa vượt qua được. Và chúng tôi đã nói nhiều đến tương lai.
Quảng Trị sẽ không có tương lai nào cả cho đến khi những người con của nó biết hòa giải với nhau – tôi nói, khi đêm đã về khuya. Một thoáng im lặng trôi qua trong bóng đêm. Tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt. Vài ánh đèn đường loáng qua ngoài cửa sổ. Tôi có cảm giác là anh cũng đang nghĩ điều tôi nghĩ. Tôi có cảm giác cả hai chúng tôi đều hiểu rằng câu chuyện phải dừng lại vì nếu không phải đêm đã khuya thì trước mặt chúng tôi là hố thẳm.
Sáng sớm hôm sau, anh xuống ga Đông Hà, tôi đi tiếp vào Đà Nẵng. Tôi bắt tay anh thật chặt, tiễn anh xuống tàu rồi nhìn theo cho đến khi tàu chuyển bánh. Chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau lúc nào đó.
Từ lâu trong tôi, câu chuyện của Quảng Trị được soi rọi qua câu chuyện giữa những đứa con đã đi xa của nó. Chỉ đo lường cái khoảng cách giữa họ đối với những chuyện đau thương đã xảy ra với Quảng Trị trong cuộc chiến vừa qua, bạn có thể thấy sự vô vọng của xứ sở đó. Không nơi nào trên mảnh đất Việt Nam mà lòng người li tán như ở Quảng Trị. Không nơi nào trên mảnh đất Việt Nam mà nhu cầu hòa giải quốc gia – điều mà chúng ta đã nói đến hơn ba mươi năm nay, và càng lúc càng vang vọng trong tâm thức của nhiều người – trở nên bức thiết như ở Quảng Trị. Nơi đó có một chiều dài lịch sử của chuyện chém giết tàn khốc giữa những người anh em đã làm nên cái quốc gia mà ngày nay chúng ta gọi là Việt Nam.
Nụ cười thành cổ, tác phẩm chụp ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nguồn: Phóng viên ảnh Đoàn Công Tính
Cuộc chém giết gần đây nhất là trận chiến Quảng Trị năm 1972. Trận chiến đó kéo dài từ tháng Tư, khi quân miền Bắc tràn qua sông Bến Hải tấn công Quảng Trị, cho đến tháng Chín, khi quân miền Nam phản công tái chiếm Cổ thành. Trước sau đã có hơn ba mươi ngàn binh lính miền Bắc và hơn hai mươi ngàn binh lính miền Nam bị giết. Đó là chưa nói đến hàng ngàn thường dân vô tội chạy loạn bị sát hại bởi pháo của quân miền Bắc bắn cản quân miền Nam rút lui khỏi Đông Hà.
Ông gách cháu chạy trên đại lộ kinh hoàng. Đông Hà, tháng Tư, 1972. Ảnh: AP
Cổ thành Quảng Trị sau trận chiến 1972. Arh: OntheNet
Chỉ bốn tháng rưỡi sau trận Gettysburg, và phải hai năm sau cuộc nội chiến mới kết thúc, Tổng thống Abraham Lincoln của nước Mỹ, thủ lĩnh của quân miền Bắc, đã nói những điều như thế này để vinh danh hơn bảy ngàn người lính của cả hai phía Bắc-Nam đã ngã xuống trong trận chiến này:
“Chúng ta tiến hành một cuộc nội chiến vĩ đại nhằm thử thách sức chịu đựng bền bỉ của đất nước này… Chúng ta gặp nhau ở đây, trên bãi chiến trường này. Chúng ta đến đây để cung hiến một phần của mảnh đất, nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã hiến dâng mạng sống mình để đất nước tồn vinh.”
Hơn bốn mươi năm sau trận chiến Quảng Trị, và bốn mươi năm sau khi cuộc nội chiến đã kết thúc, số binh lính và thường dân đã chết của một phía chiến tuyến vẫn bị lãng quên. Số phận của họ vẫn bị quyền lực giẫm lên, vẫn bị quyền lực thóa mạ để bảo vệ mục đích chính trị của nó. Ngày nay về Quảng Trị bạn chỉ thấy tượng đài tôn vinh và nghĩa trang liệt sĩ của bên thắng cuộc. Hàng chục ngàn sinh mạng ngã xuống cho cùng một mục đích, ở trên cùng một mảnh đất đó, của phía bên kia đã bị gạt ra bên lề lịch sử. Trước sự thô lỗ và hung bạo của quyền lực chính trị hiện nay, chúng ta không có hy vọng nào cho sự bắt đầu của một tiến trình hòa giải với những tội ác và bất công chồng chất mà nó đã gây ra. Chúng ta không có lựa chọn nào hơn là chờ đợi.
Tướng bắc quân Ulysses S. Grant chấp nhận lời đầu hàng của tướng Nam quân Robert E. Lee tại Appomattox vào năm 1865, như được mô tả trong một bức tranh sơn dầu năm 1920. Không có 3 ngày hay 15 năm tù cải tạo. Tranh sơn dầu của Jean Leon Gerome Ferris.
Nhưng chúng ta có thể bắt đầu tiến trình hòa giải với nhau. Tiến trình hòa giải quốc gia luôn bao gồm hai phần như hai mặt của một đồng tiền: 1. Hòa giải những tội ác và bất công mà quyền lực chính trị đã gây ra trong tiến trình hình thành và thống nhất quốc gia, và 2. hòa giải và xây dựng ý thức quốc gia. Phần đầu thuộc về trách nhiệm của quyền lực chính trị, và như đã nói, chúng ta phải đợi. Phần thứ hai thuộc về ý thức quốc gia ở chính chúng ta. Sự thiếu vắng ý thức quốc gia ở chúng ta có lý do lịch sử. Nó là hậu quả của tiến trình hình thành và phát triển không bình thường của quốc gia Việt Nam. Việc nhận thức lại lịch sử hình thành và phát triển quốc gia sẽ giúp thay đổi thái độ bất dung, tự mãn, hay mặc cảm, và sự thiếu vắng ý thức quốc gia ở chúng ta. Kết quả của tiến trình này là sự bao dung các quan điểm khác biệt, kể cả các quan điểm về nguồn gốc dân tộc, về lịch sử, về chiến tranh và ý thức hệ. Nhận diện quốc gia Việt Nam là sự kết hợp, phần lớn qua chiến tranh, của nhiều cộng đồng văn hóa-lịch sử khác nhau – mà trong đó không có cộng đồng nào, dù đông đến đâu, không có phe phái nào, dù quyền lực chính trị mạnh đến đâu có quyền nhân danh quốc gia để áp đặt bất công hay để loại trừ các cộng đồng văn hóa-lịch sử khác – là bước đầu tiên trong tiến trình hòa giải.
Sự thô bạo của quyền lực đối với lịch sử là nhằm mục đích bảo vệ quyền lực. Nhưng không lý do gì mà chúng ta, những đứa con của Quảng Trị, không thể hòa giải với nhau để trả lại công lý cho hàng chục ngàn người đã bị giết trong trận chiến Quảng Trị.
Trên chuyến tàu đêm về sáng đó, tôi đã mơ đến điều này: những đứa con của Quảng Trị ra đi từ hai phía hãy ngồi lại với nhau, hãy nói cho nhau nghe chúng ta đang nghĩ gì về cuộc chiến tranh vừa qua, về trận chiến Quảng Trị. Chúng ta nghĩ gì về hình ảnh người cha ôm con xác con mình, về ánh mắt của những em bé lạc trong khi chạy loạn, về những xác chết chồng chất trên Đại lộ Kinh hoàng trong những tấm hình của Bettman. Có thể bốn mươi năm vẫn chưa đủ và chúng ta cần năm tháng trôi qua nhiều thêm nữa để câu chuyện về lịch sử đau thương của Quảng Trị có ý nghĩa. Nhưng hãy ngồi lại với nhau. Câu chuyện giữa chúng ta là thước đo cho sự sẵn sàng hay không của một tiến trình hòa giải ở bình diện quốc gia.
Nếu chúng ta chưa hòa giải được để bao dung với những người đã chết, để trả lại cho họ sự công bằng lịch sử mà họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, thì tiến trình hòa giải quốc gia ở Việt Nam là vô vọng. Và cùng với sự vô vọng đó là sự vô vọng về một tương lai.
Trận chiến Quảng Trị năm 1972 là trận chiến tàn khốc nhất, dã man nhất trong suốt chiều dài 1000 năm lịch sử chiến tranh giữa những người Việt Nam. Chúng ta tin rằng đó là trận chiến cuối cùng. Nhưng trận chiến đó vẫn chưa kết thúc…
Trần Minh Khôi
Nguồn: Trận chiến Quảng Trị và triển vọng hòa giải quốc gia. Trần Minh Khôi, Facebook, May 3, 2015.
dv
No comments:
Post a Comment