Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các trạm nghiên cứu, chế tạo tàu phá băng, máy bay chuyên dụng hay cử nhiều đoàn thám hiểm tới Nam Cực nhằm biến ước mơ chinh phục lục địa băng thành hiện thực.
Một đội nghiên cứu Trung Quốc tháng trước trở về từ Nam Cực. Ảnh: China Photo Press
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mùa thu năm ngoái tới Hobart, thủ phủ bang Tasmania, Australia, để ký một hiệp ước thời hạn 5 năm. Theo đó, tàu bè, và trong tương lai là máy bay của Bắc Kinh, được phép dừng tiếp nhiên liệu và lương thực tại Australia trước khi tiếp tục hành trình tới Nam Cực, khu vực được cho là có nguồn dầu mỏ, tài nguyên khoáng sản lớn, đặc biệt, sở hữu lượng nước sạch tích tụ trong các lớp băng dồi dào.
Đứng trên boong một chiếc tàu phá băng chở các nhà khoa học Trung Quốc tới Nam Cực, ông Tập cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện tại một trong ít nơi trên Trái Đất vẫn chưa được con người khai thác này.
Phải đến năm 1985, khoảng 7 thập kỷ sau khi hai nhà thám hiểm Robert Scott và Roald Amundsen lần đầu đặt chân tới điểm cực nam của Trái Đất, một đội gồm các chuyên gia từ Bắc Kinh mới có cơ hội cắm cờ Trung Quốc trên trạm nghiên cứu với tên gọi Vạn Lý Trường Thành, xây dựng trên đảo King George thuộc Nam Cực.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện tỏ rõ quyết tâm chinh phục vùng đất này khi đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khám phá Nam Cực. Động thái trên khiến không ít quốc gia, nhất là Mỹ và Australia, phải đặt nghi vấn về mục đích thật sự của Bắc Kinh.
Trung Quốc năm ngoái mở trạm nghiên cứu thứ 4 tại Nam Cực và tiếp tục lựa chọn địa điểm để mở cơ sở thứ 5. Nước này cũng vừa đầu tư chế tạo thêm chiếc tàu phá băng thứ hai cùng nhiều máy bay, trực thăng có khả năng làm việc trong môi trường băng tuyết.
Theo New York Times, hoạt động của Trung Quốc tại Nam Cực đang mở rộng chóng mặt nếu so sánh với tốc độ phát triển của 52 nước từng cùng ký tên trong Hiệp ước Nam Cực. Thỏa thuận trên, đạt được vào năm 1959, nghiêm cấm khai thác khoáng sản và triển khai các hoạt động quân sự tại châu lục này.
Chuyến thăm Tasmania của Chủ tịch Tập là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trong khâu chuẩn bị để có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên ở Nam Cực khi bản hiệp ước hết hiệu lực, một số chuyên gia Trung Quốc và Australia nhận định.
Tìm chỗ đứng vững chắc
Tàu phá băng Xuelong của Trung Quốc cùng đoàn thám hiểm đang tiến hành các hoạt động khảo sát và chuẩn bị xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 trên lục địa băng. Ảnh: People's Daily
|
"Đến nay, nghiên cứu của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các yếu tố tự nhiên, nhưng chúng ta đều biết ngày càng có nhiều mối bận tâm về an ninh tài nguyên trong khu vực", NY Times dẫn lời ông Yang Huigen, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Địa cực của Trung Quốc, nói. Ông Yang hồi tháng 11 năm ngoái tháp tùng Chủ tịch Tập trong chuyến công tác tới Hobart.
Với suy nghĩ này, học viện của ông vừa thành lập một bộ phận mới dành riêng cho việc nghiên cứu tài nguyên, luật pháp, đặc điểm địa chính trị và phương pháp quản lý tại Nam Cực và Bắc Cực, ông Yang cho biết thêm.
Trong khi đó, Australia, đối tác chiến lược của Mỹ, đồng thời có mối quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc, đang theo dõi mọi động thái của Bắc Kinh với thái độ có phần dè chừng.
"Chúng ta không nên ảo tưởng về một chương trình hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước", ông Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc Phòng Australia, đánh giá. "Các bước đi của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung năng lượng và thực phẩm lâu dài của nước này".
Tính chính xác của những nhận định trên được tái khẳng định khi tháng trước, một công ty nông nghiệp lớn của Trung Quốc công bố kế hoạch đẩy mạnh khai thác một loài tôm nhỏ giàu protein xuất hiện rất nhiều ở Nam Cực. Bắc Kinh ước tính hàng năm sẽ thu hoạch khoảng hai triệu tấn tôm loại này.
Bởi việc phân định ranh giới ở Nam Cực vẫn chưa rõ ràng nên nhiều quốc gia hiện tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền đối với lục địa băng bằng cách xây dựng các trạm nghiên cứu hay đặt tên cho những vùng đất tại đây.
Bắc Kinh không nằm ngoài xu thế khi đang chuẩn bị mở cơ sở nghiên cứu thứ 5. Những người làm bản đồ Trung Quốc đồng thời đặt tên cho khoảng 300 địa điểm mới ở Nam Cực. Con số chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.
Trong cuộc cạnh tranh ngầm giành một chỗ đứng vững chắc trong tương lai ở Nam Cực, những thành tựu khoa học cũng có thể trở thành công cụ gây ảnh hưởng.
Trung Sơn, trạm nghiên cứu thứ 4 của Trung Quốc ở Nam Cực. Ảnh: Xinhua
|
Các nhà khoa học Trung Quốc đang nỗ lực để đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên khôi phục được một lõi băng chứa các bong bóng khí cung cấp dữ liệu về tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất từ 1,5 triệu năm trước tới nay. Liên minh châu Âu (EU) và Australia từng thất bại trong việc hiện thực hóa dự án tốn kém và khó khăn này.
Trung Quốc tin rằng Dome Argus hay Dome A, điểm cao nhất phía đông Nam Cực, là nơi phù hợp nhất để tiến hành khoan thăm dò. Đây được xem như một trong những địa điểm lạnh giá nhất trên thế giới, với nhiệt độ luôn dưới -50 độ C. Dù vậy, vào năm 2005, một đoàn thám hiểm Trung Quốc vẫn tới khám phá khu vực này sau đó xây dựng một trạm nghiên cứu vào năm 2009.
Trung Quốc cũng đang xây một tàu phá băng mới có giá trị lên tới 300 triệu USD. Con tàu này dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới. Bắc Kinh còn mua thêm một máy bay cánh cố định công nghệ cao được lắp ráp tại Mỹ để làm nhiệm vụ thăm dò độ sâu các lớp băng.
Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Canterbury, New Zealand, tác giả của cuốn sách sắp xuất bản "Trung Quốc: Cường quốc nơi Địa cực" (China as a Polar Great Power), cho hay một số nhà khoa học Trung Quốc còn tin rằng họ có nhiều triển vọng tìm thấy các mỏ khoáng sản và nhiều nguồn tài nguyên quý tại đảo Inexpressible, nơi Bắc Kinh dự định đặt trạm nghiên cứu thứ 5.
"Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch dài hơi, khiến nhiều nước không ngừng suy đoán về mục tiêu thật sự cũng như lợi ích của họ tại Nam Cực là gì", bà Brady nhận xét.
Tuy nhiên, mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm, khai thác khoáng sản là hiển nhiên khi nó từng được nêu ra "rõ ràng và dõng dạc trước người dân Trung Quốc" như lý do chính để họ đầu tư vào Nam Cực, bà Brady nhấn mạnh.
Nhưng có lẽ tham vọng này chưa thể trở thành hiện thực bởi những khó khăn đến từ điều kiện làm việc khắc nghiệt hay sự bất ổn về giá cả nguyên vật liệu. Mặt khác, khai thác thương mại dầu mỏ, khoáng sản ở Nam Cực vẫn bị cấm. Trữ lượng thực tế của các nguồn tài nguyên cũng khó nắm bắt khi chỉ được ước lượng bằng cách so sánh với các môi trường địa chất tương tự hay dựa vào dữ liệu viễn thám, ông Millard F. Coffin, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Hàng hải và Nam Cực tại Hobart, cho biết.
Du lịch cũng là một yếu tố tiềm năng tác động tới kế hoạch khai phá Nam Cực của Bắc Kinh. Lượng du khách Trung Quốc tới Nam Cực còn khá khiêm tốn nhưng điều này sẽ nhanh chóng thay đổi, ông Anthony Bergin phó giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận xét.
"Trong tương lại không xa, Nam Cực sẽ xuất hiện rất nhiều những chuyến tàu Trung Quốc, với thủy thủ đoàn người Trung Quốc và chở toàn du khách Trung Quốc", ông Bergin bình luận.
Vũ Hoàng (theo NYT)
No comments:
Post a Comment