12/06/2015

Bị cho nghỉ việc vì Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh khuyến khích học trò tìm hểu sự thật trên internet

Thiện Giao, Phóng viên RFA
4/2015









Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, một Cô giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu sự thật qua thông tin trên Internet xãy ra khá lâu rồi, từ năm 2009. Tình cờ tuần rồi chị Anh Đào gởi cho KTSM bài viết phỏng vấn của phóng viên Thiện Giao của Đài Á Châu Tự Do - Radio Free Asia (RFA) phỏng vấn Cô giáo Hạnh, cũng thật tình cờ một người bạn cũ cùng dạy học với chúng tôi tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt tại Việt Nam cho biết anh vừa bị Ty Giáo Dục tỉnh Lâm Đồng cho nghỉ hưu sớm vì giáo án và những lời giảng của anh "có vấn đề" không phù hợp với chính quyền.

Tôi còn nhớ khi còn dạy học tại Việt Nam, cán bộ giáo dục hay rao giảng về lý thuyết giáo dục của nhà nước chủ trương chú trọng về "Hồng" hơn "Chuyên" ("Hồng = Trung thành với Bác/Đảng được coi trọng hơn là "Chuyên" = Chuyên môn của nghề nghiệp). Trường hợp của người bạn chúng tôi ở Đà Lạt và trường hợp Cô Giáo Bích Hạnh là những đìển hình của chế độ giáo dục của XHCN Việt Nam. Với chế độ giáo dục phản khoa học như vậy, và với khẩu hiệu "Trăm Năm Trồng Người" của những người CS, không biết những thế hệ sau này của quê hương chúng ta sẽ ra sao ?

Người bạn của chúng tôi ít ta còn may mắn, dầu có khó khăn hơn với số tiền hưu "rất khiêm nhường" (nguyên văn lời anh nói), anh vẫn có gia đình, vẫn còn hạnh phúc với những gì anh có được, còn Cô giáo Bích Hạnh được biết từ năm 2009 đến nay cô bị trả thù rất thê thãm. Một Cô giáo ngày nay chỉ còn đi làm vườn để sinh sống vì chế độ hà khắt của chính quyền. Được biết hiện nay Cô giáo làm vưòn và nuôi một người con đơn độc. Chồng Cô, một kỷ sư vì lên tiếng bảo vệ cho công bình và chính nghĩa tự do cũng đã bị Đảng và nhà nước loại ra khỏi xã hội. Vì sự khắt nghiệt của chính quyền, anh đã ra đi và hiện nay không một ai biết anh hiện ở nơi nào. (xin đọc bài viết Diễn Đàn Người Dân Việt Nam, phần sau bài phỏng vấn) .

QD xin được giới thiệu loạt bài viết về Cô Giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh qua lời than thở của chị Anh Đào: Nói như đại thi hào Nguyễn Du: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"!

QD - Tháng 4, 2015


______________________________________


Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet

Thiện Giao, phóng viên RFA




Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin một giáo viên dạy văn tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, là thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh, bị cho thôi việc vì sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh là Thạc sỹ Văn chương, người Công Giáo ở Xứ Vĩnh Hòa, Địa Phận Vinh. Chị được UBND Tỉnh Quảng Nam mời về giảng dạy theo dạng “thu hút nhân tài” nhưng đã bị buộc thôi việc vì đã “giới thiệu học sinh tìm hiểu thêm thông tin trên Internet để có cái nhìn đúng đắn hơn về nhiều vấn đề lịch sử”.





Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh




Cô Hạnh còn bị buộc tội "xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.”

Chúng tôi liên lạc với nhà giáo này để tìm hiểu sự việc. Cô cho biết, cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại Học Đà Lạt với luận văn có đề tài “Hoàng Cầm Trong Tiến Trình Thơ Việt Nam Hiện Đại.” Và cô cũng nói rằng, chính cô đã chọn Quảng Nam làm mảnh đất khởi đầu cho nghề dạy học của mình. Xin giới thiệu bài phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với cô Nguyễn Thị Bích Hạnh sau đây.

Bị điều tra và buộc thôi việc

Thiện Giao: Xin được hỏi, các danh từ “thôi việc,” “đuổi việc,” và “ngưng hợp đồng,” danh từ nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi nghĩ không có danh từ nào phù hợp với hoàn cảnh của tôi cả.

Tôi nghĩ tôi làm việc với tinh thần nghiêm túc và với tâm huyết của một nhà giáo. Quyết định của Sở Giáo Dục làm tôi không hài lòng.

Quyết định này không rõ ràng. Bản thân họ, những người ra quyết định, cũng không hiểu rõ những chuyện giữa tôi và học trò. Họ chỉ nghe thông tin từ học trò, từ công an và từ những người khác. Họ làm việc với nhau rất lâu, và rồi đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Tôi thấy rằng hành động của họ là vi phạm quyền dân chủ và không tôn trọng nhân quyền. Họ xử lý công việc liên quan đến tôi mà không hỏi ý kiến tôi và ngay khi công an điều tra sự việc, họ cũng không gặp tôi. Họ chỉ áp lực sang Sở và Sở đưa đến quyết định như vậy.

Thiện Giao: Cơ quan nào có tiếng nói quyết định trong vụ của chị?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Cơ quan có tiếng nói quyết định trong sự thôi việc tôi là Sở Giáo Dục. Nhưng trước đó thì Sở không biết điều gì cả. Công an điều tra trước, điều tra học trò rất kỹ, rất lâu. Sau đó thì họ gặp Hiệu Trưởng, làm việc với Giám Đốc Sở, và Sở đưa ra quyết định buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Giữa chị và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp đồng làm việc không?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi về tỉnh Quảng Nam theo diện thu hút nhân tài. Sở Giáo Dục phân tôi về trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

****

Quý vị đang theo dõi cuộc phỏng vấn Đài chúng tôi với cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, người vừa bị cho thôi việc tại trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vì “xuyên tạc đường lối của Đảng … truyền bá trang web phản động …” Thạc sĩ Bích Hạnh cho biết cô khuyến khích học trò chuyên của mình bớt chơi game mà nên dành thời gian tìm kiếm tri thức trên mạng. Cô đã giới thiệu với học trò các website, chẳng hạn talawas, Hợp Lưu, Tiền Vệ. Liên quan đến luận văn thạc sĩ, cô Bích Hạnh cũng nhận định “Nhân Văn Giai Phẩm cùng nhóm Sáng Tạo là 2 nhóm có khả năng cách tân thơ, cách tân nền văn học Việt Nam. Tiếc rằng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị dập tắt nhanh chóng…” Xin tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

***

Tuyên truyền chống Nhà nước?

Thiện Giao: Báo chí nói chị có những bài giảng không đúng đường lối chính sách luật pháp của Nhà Nước. Theo trí nhớ, chị có nói những điều như vậy với học trò của mình?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Tôi có nói, nhưng với nội dung thế này. Khi lên lớp, tôi dạy bài “Hai Đứa Trẻ,” một bài tiếng Việt, một bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

“Hai Đứa Trẻ” là bài giảng văn rất hay, nhưng thời lượng không cho phép. Khi dạy xong theo phân phối chương trình, tôi có nói rằng các bạn về nhà, đào sâu, tự nghiên cứu, tự tìm tòi thêm về tác phẩm. Đây là một tác phẩm hay, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu trên mạng vì hiện nay trên mạng có nhiều bài viết đăng tải thông tin rất thú vị.

Tôi cũng nói không phải bài viết nào trên mạng cũng hay. Có những bài hay, nhưng cũng có những bài chúng ta đọc và chọn lựa thông tin.

Tôi có nói các bạn cần cẩn thận với thông tin trên mạng, vì gần đây “cô đọc một bài viết trên mạng của giáo sư Lê Hữu Mục nói rằng Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác Hồ.”

Tôi nói các bạn cần cẩn thận khi xử lý thông tin. Lúc đó, một em học sinh phát biểu rằng Bác Hồ là thần tượng của cả dân tộc, tại sao lại có thông tin như vậy. Tôi trả lời, rằng “cô tin sự thật, cái đẹp, chân lý luôn luôn tồn tại, cho dù ai đó có tìm cách phủ nhận, nó vẫn tồn tại.”

Tiếp theo, tôi dạy tiết “phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.” Tôi nói với học trò, cách trả lời phỏng vấn rất quan trọng. Nó cho người ta biết người trả lời phỏng vấn có kiến thức bao nhiêu, văn hóa như thế nào, văn hóa ứng xử ra sao.

Tôi có lấy một ví dụ bên lề, là khi Nông Đức Mạnh ra nước ngoài, có người hỏi “ở Việt Nam nhiều người nói ông là con Bác Hồ, ông nghĩ sao về điều này.” Tôi nói với học sinh, tôi nghe phong phanh ông ta không nói có, cũng không trả lời không, chỉ trả lời “ở Việt Nam, ai chẳng là con, là cháu bác Hồ.”

Tôi chỉ dạy học trò cách trả lời phỏng vấn. Tôi không có ý định nói Bác Hồ có con riêng hay chuyện này chuyện kia. Nhưng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Quảng Nam nói cô Hạnh nói Bác Hồ có con riêng, và Tuyên Ngôn Độc Lập và Nhật Ký Trong Tù không phải của Bác. Đồng thời còn có một nội dung trong đó cô nói không nên thần thánh hóa Bác Hồ.

Tôi không nói là không nên thần thánh hóa bác Hồ. Tôi nói rằng mọi thiên tài đều là con người. Trước khi nhìn nhận là một thiên tài, hãy nhìn nhận họ dưới góc cạnh một con người để thấy chất người trong con người của họ. Tôi không hề có ý định hạ bệ lãnh tụ hay xuyên tạc, phản động. Nhưng Ban Tuyên Giáo kết luận tôi nói 4 nội dung như thế.

Khi đưa ra quyết định, họ kết tội tôi hạ bệ lãnh tụ và cấu kết với thế lực thù địch nước ngoài để làm diễn biến hòa bình.

Thiện Giao: Bây giờ chị định như thế nào?

Nguyễn Thị Bích Hạnh: Khi nhận quyết định, tôi nghĩ tội này là tội của một ai đó chứ không phải tội mà người ta gán ghép cho tôi. Vì vậy, tôi có ý định viết bài, đăng báo và gởi đơn khiếu kiện lên Sở, yêu cầu Sở giải trình nguyên do dẫn tới buộc thôi việc tôi.

Thiện Giao: Xin cám ơn thời gian của chị.


No comments:

Post a Comment