12/12/2015

CẦU TÕM. Hàng ngàn "cầu tõm" "hoạt động" giữa thành phố? (Đã 40 năm từ ngày CSVN nắm chính quyền, tại sao tình trạng mất vệ sinh và dễ bịnh này vẫn tăng mà không giảm? - nmvn)

Thu Hồng - Nghi Anh
07:45 11/12/2015


Không ai biết TP. HCM có bao nhiêu "cầu tõm" bởi chưa có con số thống kê cụ thể.

Chỉ biết rằng, số lượng nhà cửa ven và trên kênh rạch mà Sở Xây dựng đưa ra, lên đến 20.000 căn. Đó là chưa kể, hàng ngàn lượt ghe tàu tấp nập trên các tuyến sông rạch mà mọi sinh hoạt của con người đều trút xuống nước.

Chảy nổi không kênh ơi?

Tại xóm thuyền gần đường Trần Xuân Soạn, Q.7, một đám trẻ con giành nhau chỗ làm “quận công” ngay trên chiếc thuyền neo dưới dòng kênh Tẻ. Người mẹ từ dưới ghe nhoài người lên cười: “Dọc con kênh này có bao nhiêu cái nhà sàn, bao nhiêu thuyền ghe buôn bán neo đậu thì cũng có bấy nhiêu cái nhà tiêu xả thẳng ra sông”.

Chị dẫn chúng tôi ra sau ghe chỉ vào một cái sạp bên dưới có khoét lỗ hình chữ nhật, được quây tạm bằng tấm vải. Nhìn sang ghe cạnh rồi xa hơn, hàng chục ghe lớn, ghe nhỏ đậu chen chúc dọc bờ kênh Tẻ, ghe nào “sang” thì chốn riêng ấy được quây bằng tôn, ván, kém hơn thì quây phên tre, tấm bạt hoặc chỉ để hờ hững tấm vải thưa, khi nào ai có nhu cầu thì quây lại.

Hàng trăm hộ dân đang lấy ghe làm nhà, neo đậu dọc các tuyến kênh của thành phố để buôn bán và lo cho con ăn học. Chỉ riêng hơn 3km dọc đường Trần Xuân Soạn, chúng tôi đếm có gần 100 ghe neo đậu, bám trụ, thi thoảng sáu tháng hoặc một năm mới về quê.

Rào bằng tôn, hoặc gỗ tạm, các cầu tõm cứ thản nhiên thải xuống sông, kênh rạch

Tương tự, bên kia bờ kênh Tẻ là đường Tôn Thất Thuyết, Q.4 cũng tấp nập cảnh buôn bán của giới thương hồ đổ về theo con nước. Dọc bến Bình Đông, Q.8 có hàng trăm phương tiện neo đậu bỏ hàng hóa cho thương lái, hầu hết những người được hỏi về “chuyện tế nhị” đều không ngần ngại nói nếu không đi thẳng xuống kênh thì đi đâu?

Đó là chưa kể, hàng ngàn lượt phương tiện từ khắp các tỉnh đổ về thành phố giao thương, không ai tính nổi lượng chất thải mỗi ngày đổ thẳng ra sông rạch. Dọc các tuyến kênh, hàng trăm căn nhà ven và trên kênh vô tư xả chất thải. Không khó để thấy những cái chòi nhỏ quây bằng tôn, vải hoặc ni lông nhô hẳn ra kênh, dù “cách tân”, kín đáo hơn kiểu “cầu tõm” miền Tây. Những ngôi nhà kiên cố có phần kín đáo hơn, “giấu” được nhà xí nhưng chất thải thì vẫn đổ thẳng xuống kênh.

Q.7 còn có rạch Bà Bướm, với hàng trăm căn nhà lấn chiếm rạch nhiều năm qua. Những ngôi nhà tường gạch, mái tôn với nhà xí không đúng quy cách, nối ống xả thẳng ra kênh. Chúng tôi đến cống xả rạch Bà Bướm nhánh 3 (P.Phú Thuận) nơi có 16 căn nhà chiếm đóng lòng rạch, mục sở thị khung cảnh “trên xả, dưới chịu”.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện làm nhà vệ sinh, bà H. - một người dân ở đây hỏi lại: “Nhà sàn trên kênh thì dẫn ống đi đâu?”. Mỗi khi nước ngập, triều cường dâng, rác, phân, xác chuột cứ thế trôi lềnh bềnh khắp nơi, rồi đổ về chỗ trũng.

Tuyến rạch Bàu Trâu dẫn ra kênh Tân Hóa - Lò Gốm, một bên thuộc Q.6 bên kia là Q.Tân Phú cũng nhấp nhô nhà ven hai bên. Con rạch dài hơn 2km, nước đã đen thui, bốc mùi hôi thối, mỗi ngày phải hứng chịu thêm một khối lượng chất thải của người dân. Nhà nào ở đây cũng có một ống nhựa chỉa thẳng xuống kênh.

Đến P.27 và P.28, Q.Bình Thạnh những ngày triều cường nước dâng mấp mé đường chính, nhìn mặt nước đen quánh, nổi lềnh bềnh giấy, rác, phân… chúng tôi không khỏi rùng mình. Ghé vào một quán bún riêu gần khu câu cá giải trí T.T. ở P.28 hỏi thăm, ông Bảy Đ. - một người dân sống lâu năm ở đây ngao ngán lắc đầu: “Nhắc là hết muốn ăn bún. Thấy cán bộ Ủy ban, Hội Phụ nữ phường xuống vận động hoài mà có ai thay đổi thói quen đâu…”.

Chúng tôi qua cầu dọc theo đường Võ Duy Ninh, chạy cặp bờ kênh Văn Thánh, theo nhánh kênh ngang KP.6, P.22, nhìn những ngôi nhà vách tôn rỉ sét trên kênh đang lõm bõm chảy nước mà tiếp tục rùng mình…



Thành phố quyết liệt, nhưng...

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM có 3.020 tuyến sông, kênh rạch dài tổng cộng 5.075km với hàng chục ngàn hộ dân lấn chiếm. Từ năm 1993 đến nay, thành phố đã giải tỏa di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 36.000 hộ dân sống trên và ven kênh. Thực trạng ô nhiễm lòng kênh, mặt nước do việc lấn chiếm kênh rạch đã được nhận diện từ lâu nhưng thành phố chưa thể giải tỏa hết 20.000 hộ còn lại vì chi phí lớn.

Ông Sỳ Bảo Duy, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành thoát nước mưa thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cho biết: “Chưa có thống kê về số lượng nhà vệ sinh không đúng quy cách của các hộ sống ven kênh rạch. Trừ số ít trường hợp nhà lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ kênh có đất để làm hố xí, còn lại đa số nối ống cho thẳng xuống kênh”.

Theo báo cáo vào tháng 4/2015 của Sở Y tế TP.HCM về tình hình nhà trên sông, kênh rạch, ao hồ và các loại nhà tiêu khác không hợp vệ sinh, tại sáu quận và năm huyện của TP có 4.314 nhà tiêu không hợp quy cách, trong đó số cầu tiêu nằm ngay trên sông là 3.502 cái, thậm chí có 41 hộ không có nhà đi tiêu phải đi trực tiếp trên đất.

Ngày 20/4/2015, UBND TP đã chỉ đạo loại bỏ ngay nhà tiêu không hợp vệ sinh, thực hiện biện pháp xử lý, tiêu độc, khử trùng những nơi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2015. Nhưng đến nay, gần hế t năm 2015, hàng chục ngàn “cầu tõm” vẫn tồn tại giữa lòng thành phố.

Báo cáo của Sở Y tế là đã đáng báo động, nhưng khi được chỉ đạo rà soát lại, chỉ riêng Q.Bình Thạnh đã ghi nhận 1.403 “cầu tõm” trên sông nằm rải rác tại 11 phường, cao hơn gần 1.000 cái so với báo cáo (408 cái).

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó phòng Tài nguyên - môi trường Q.Bình Thạnh cho biết: “Quận ủy, UBND quận rất kiên quyết trong việc giải tỏa, thay thế những nhà vệ sinh trên kênh rạch. Trong năm, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát toàn bộ. Theo kế hoạch, đến tháng 6/2016, quận phải xóa hết số nhà vệ sinh không hợp quy cách này. Chủ trương của quận, đây là vấn đề không bàn cãi gì thêm mà phải kiên quyết bắt tay thực hiện”.

Từ tháng 8/2015, Phòng Tài nguyên - môi trường của Q.Bình Thạnh đã cử cán bộ, phối hợp các phường đến từng hộ dân vận động, bàn phương án thực hiện cho từng hộ. Cuối tháng 9/2015, sơ kết giai đoạn 1 của kế hoạch, quận đã xóa được gần 400 “cầu tõm”.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của các cán bộ tham gia chương trình này, hiện còn đến mấy trăm hộ, bàn mãi vẫn chưa tìm được hướng ra vì dân hỏi “Treo bồn rồi sập nhà tôi, quận tính sao?”, chẳng cán bộ nào có thể trả lời được! Chi phí lắp đặt một bồn treo, hoặc bể tự hoại hiện có giá từ 5 đến hơn 20 triệu đồng, đắt hơn nhiều so với chi phí xây một nhà vệ sinh tự hoại trên nền đất (giá từ 3 đến 5 triệu đồng). Đây cũng là một thách thức lớn với công trình xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh của thành phố dù chủ trương chỉ đạo của thành phố là rất quyết liệt.

Nói về “cầu tõm” ven đường Trần Xuân Soạn, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường Q.7 cho biết: “Hiện quận đã di dời 400/420 hộ ven kênh Tẻ, dự kiến đến quý I/2016 sẽ di dời hết số còn lại. Riêng lượng ghe tàu “đóng trụ” để buôn bán dọc kênh, chúng tôi đã vận động người dân sắp xếp di dời chỗ khác, khu vực này không được phép kinh doanh, không phải bến neo đậu”.

GS-TS Lê Huy Bá - Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng các hộ dân sống ven kênh rạch là hộ nghèo, tiết kiệm tiền không làm hố xí tự hoại đúng quy cách, nhiều hộ khá hơn thì ý thức kém, chỉ nghĩ “nhẹ mình” là xong chuyện, không quan tâm đến cộng đồng xung quanh.

Chính quyền địa phương quản lý chưa nghiêm để xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh, không nhắc nhở, vận động người dân xây hố xí đúng quy cách. “Có ba cái hại của “cầu tõm” là nguy cơ bệnh tật cho người dân sống trên và quanh khu vực đó, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và mất mỹ quan đô thị. Một thành phố văn minh không thể để tồn tại hàng ngàn “cầu tõm” như thế”, ông Bá nói.

Bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo: “Quy tắc của nhà vệ sinh hợp quy là nhằm ủ, diệt mầm bệnh. Việc thải phân thẳng ra kênh rạch không chỉ không diệt được mầm bệnh mà môi trường nước còn phát tán nhanh mầm bệnh, nhất là các mầm bệnh về tả, lị, thương hàn, giun sán…”.

Thu Hồng - Nghi Anh

No comments:

Post a Comment