12/03/2015

Cuộc trò chuyện “khó tin” với sư trụ trì chùa ăn tiết canh, uống rượu Tây...

NHÓM PHÓNG VIÊN 
28/11/2015




Theo những gì cụ Miễn rồi cán bộ cơ sở, cả bà con trong khu vực nói, quả thật chúng tôi cũng chỉ coi đó là “dư luận bà con”, chứ chưa dễ gì quy kết được. Chúng tôi cũng không muốn bàn luận thêm. Nhưng bất ngờ thay, khi có mặt ở chùa Phú Thị, trực tiếp gặp sư trụ trì Thích Thanh Mão, chúng tôi đặt những câu hỏi thẳng thắn, thì sư cũng trả lời toạc móng heo.

Quần nâu, ở trần trùng trục, sư mở cửa cho chúng tôi rồi vào phòng khoác vội chiếc áo, rồi liên tục nghe điện thoại rất bỗ bã, hút thuốc lào sòng sọc, thổi tóp thuốc phìn phịt vào cái xô to, sư giới thiệu (nguyên văn): “Chùa tôi được công nhận di tích quốc gia từ rất sớm, đây, bằng công nhận “to bằng cái mẹt” kia kìa, nhưng bằng công nhận để làm gì, chả được cái gì, động vào làm cái gì là phải xin phép, mệt lắm”. Sư cũng bảo, sư Th (chùa N.T) bên kia nói chả ra gì, cứ “như cái đài ba chục (nghìn)”, chém gió thì “mát như quạt điện”. Nói về việc sư Th xây chùa N.T có hạng mục hai tầng với nhà sàn xanh đỏ, sư Mão bảo “nó thích ở khách sạn thì nó xây, nó ở”. Sư thừa nhận việc mình nghiện thuốc lào mấy thập niên qua, bởi “hút thuốc lào đỡ tốn thời gian, lại đỡ bẩn hơn hút thuốc lá”. Sau đây là sơ bộ những lời “tâm sự” càng nghe càng choáng của sư trụ trì Thích Thanh Mão (lời có biên tập một số từ ngữ cho dễ hiểu, nhưng nội dung không thay đổi):


Nhà sư Thích Thanh Mão vừa hút thuốc lào vừa nói chuyện mình vẫn ăn thịt, ăn tiết canh, uống rượu... Sư Mão còn khoe cái dàn karaoke mấy trăm triệu để trong chùa phục vụ cho “văn hóa giải trí” của mình.

Thưa sư trụ trì, ông thấy việc chùa N.T xây hạng mục hai tầng, lại xây thêm nhà sàn lắp camera giám sát, lại phá hạng mục cổ của di tích quốc gia đi như thế là đúng hay sai?

- Sư Th (trụ trì chùa N.T, chùa được công nhận di tích quốc gia từ năm 1997) xây thế không hợp lý tí nào. Nhà mẫu của chùa thì ông đem phá ra, xây nhà 2 tầng thì phòng dưới thấp quá, tầng trên lủng cà lủng củng, chả đâu vào đâu. Nhà bếp xây kiểu mái nhà của dân tộc Thái, nó không hợp với người đồng bằng; lại còn đem nhà sàn miền ngược về càng không hợp. Nhà sàn, bà con vùng cao dùng là để tiện buộc trâu bò lằng nhằng bên dưới. Nhà sàn đẹp cho dân xã hội, dân bán cà phê, nó không hợp với chùa tí nào. Thằng ấy (sư Th) ngày nào nó chả uống rượu. Nó ngày ba bữa rượu, say suốt ngày làm được cái trò gì, nói thì (văng tục)… nó như cái đài ba chục ấy. (Tiếng hút thuốc lào roen roét). Con người nó không có bản lĩnh, không có tư cách”.

Nhưng nhà này (nhà cũ của chùa Phú Thị) cũng đã bị phá đi để xây nhà mới giả cổ, chính nhà sư Thích Thanh Mão xây lại, cũng gây ý kiến trái chiều trong bà con?

- Nhà này tôi xây 2007! Tôi đang nói, nhà bên sư Th xây kia nó không hợp kiến trúc của chùa. Tôi góp ý nó không nghe, thế thì tôi không nói nữa, đỡ mất thời gian. Bọn tôi bảo ông ấy là ông ấy sống ở thì tương lai, không sống ở hiện tại, mọi thứ của ông ấy phải khác người. Karaoke đồ chơi của ông ấy thì không nói, cả dàn máy của ông ấy bằng cái mi-cờ-rô (mic) của tôi thôi. Chơi dàn karaoke đắt tiền, với các nhà sư chúng tôi, phải hiểu karaoke không phải là ăn chơi mà là văn hóa nghệ thuật bình thường. Dàn karaoke của tôi, riêng đôi mic với hiệu 935, loa của Mỹ, to, loa của sàn nhảy. Nó có giá khoảng 450 triệu đồng. Dùng nhạc sàn, amply trộn vào. Mua cả bộ “trộn”. Trước khi đi tu tôi học kiến trúc đấy chứ.

Xin hỏi thật, chúng tôi thấy các thầy đều ăn mặn, uống rượu, nói năng rất suồng sã, như vậy có vi phạm các điều quy định của giáo lý nhà Phật không ạ?

- Chúng tôi được quyền đi buôn, được quyền làm đủ mọi thứ, chúng tôi làm đúng quyền công dân của tôi. Tôi là công dân đặc biệt mặc áo nâu đi ở chùa thôi. Chúng tôi không bao giờ được say rượu, nhưng ăn thịt thì được, thoải mái. Cốt sao, dù ăn thịt nhưng chúng tôi không tự tay mình giết, không xui người ta giết con vật, khi người ta giết con vật chết thì tôi không nghe tiếng kêu, không thấy máu chảy - nếu làm được như thế thì chúng tôi ăn thịt như ăn rau. Còn uống rượu thì nó sai thật, nhưng mà thanh niên không uống rượu thì nó chán lắm.

Chúng tôi từng gặp cảnh sư ăn tiết canh ở Tây Bắc, ở Lào Cai…

- Thằng Th (nhà sư) ở Lào Cai (ăn tiết canh) chứ gì, nó là học sinh của tôi đấy, học Trường Cao đẳng Phật pháp đấy. Tôi cũng ăn tiết canh bình thường!

Thầy có ăn thật không, chúng tôi nghe người ta cũng nói vậy rất nhiều nhưng chưa dám tin!

- Tôi ăn tốt. Nhiều người không ăn vì họ sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm thôi.

Thế có được... “trai gái” không thầy?

- Phật giáo tuyệt đối không được trai gái… Việc nghiện thuốc lào của tôi tương đối nặng. Năm nay tôi 46 tuổi rồi, hút thuốc lào nhiều năm rồi. Năm ngoái anh Thế H bảo, cho tôi 10 tỉ đồng trùng tu lại chùa mà đã thấy tiền đâu, anh H - Cục trưởng ấy...

Thế còn rượu, thầy xơi có bằng sư Th không, chúng tôi sang lễ chùa, bà cụ nấu cơm cho sư Th bảo, sư
uống suốt?

- Bên giáo lý nhà Phật, giới thứ 5 có bắt kiêng uống rượu đấy. Nhưng kiêng là kiêng không uống say thôi (!?), còn có bệnh thì cứ uống rượu thuốc các thứ bình thường, đàng hoàng thôi. Uống rượu tiếp khách thì uống ít thôi. Nhưng! Rượu tôi dùng bình thường, tôi không lạm dụng. Nhưng cả chai rượu tây Hennessy, một bữa tôi uống hết. Một bữa cả lít, bình thường tôi uống một bữa ngon ngon miệng mà đông anh em vui vui là đã nửa lít rồi.

Nói sư được ăn thịt uống rượu là nói "cố thây, cố cùng"

Nhà sư Thích Đàm Chính - người hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Tiêu ở Bắc Ninh, người được cả nước kính trọng, người không cho phép lập hòm công đức và cúng tiến tiền bạc vào chùa “Những người nói sư được ăn thịt uống rượu là nói “cố thây, cố cùng”, chứ Phật nào dạy thế!”.



Nhà sư Thích Đàm Chính, người hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Tiêu, Bắc Ninh



Phong cảnh thanh tịnh tại chùa Tiêu ở Bắc Ninh


Nhiều vị sư trụ trì nói rằng, sư bây giờ tự do, người trần ăn thịt được thì sư cũng ăn thịt được, cũng ăn tiết canh được, lại còn để râu dài thượt, vì người ta cũng là người, người ta có quyền như thế, xã hội bây giờ “quan niệm” mọi chuyện rất là thoáng. Thưa nhà sư, chúng con nên hiểu chuyện này thế nào ạ?

- Để râu dài lại là một chuyện khác nữa. Phép đến chùa thì theo Phật gọi là phát nguyện, phát là bỏ cả râu bỏ cả tóc cơ mà. Phật dạy là người đã đến chùa, đã là đệ tử chân chính của Phật là không được ăn những tạp lung tung. Người mà ăn thịt, bất cứ thịt gì nói chung, kể cả thịt xúc xích, thịt con cua, con cá, con tôm con tép… tất cả đều là thịt chúng sinh. Phật nói cái này không phải là Phật cấm, nhưng phương tiện thế nào mà mang lại lợi ích được cả của mình và của chúng sinh, chứ không phải chỉ mang lại lợi ích cho riêng mình, ấy là ích kỷ. Phật nói trong sách của Phật là người ăn bất cứ thịt gì, người hôi hám đi vào lễ Phật cũng phải tội. Thứ hai là Phật nói về ngũ uế, tứ thân ngũ uế, không được ăn.

Một vị cao tăng cũng đã hỏi Phật, chẳng hạn như, cũng có người phải chữa bệnh bằng thịt mới khỏi, thì Phật cho phép, nhưng phải ra khỏi (tăng) chúng, không được ăn, mặc áo của chúng, không được nằm giường của chúng, không được ngồi cùng với chúng ăn, phải ở riêng một chỗ, phải bỏ, mặc áo khác, không được mặc áo của chúng nữa. Được ăn để mà chữa bệnh, bao giờ khỏi còn phải ở ngoài một tuần lễ, phải bỏ hết cả những quần áo hay tất cả những gì hôi hám ở bên ngoài, bấy giờ mới được vào nhập chúng, Phật nói như thế mới là đệ tử của Phật.

Thế thì người ta cố tình không hiểu lời Phật dạy rồi. Thầy nghĩ thế nào nếu chúng tôi trực tiếp phỏng vấn những người trụ trì các ngôi chùa, di tích quốc gia của Nhà nước, họ trả lời thế này: Ăn thịt, uống rượu, ăn tiết canh, chơi những dàn karaoke mấy trăm triệu là việc của tôi, vì tôi cũng là người, là công dân mặc áo nâu? Những việc trên đây luật pháp không cấm!

- Những người nói như thế là những người “cố thây, nói cố”, chứ Phật không thể cho ăn thế nào thì ăn. Bao nhiêu giới cơ mà, từ những cách ăn uống đến nơi múa hát dập dìu Phật cũng không cho đến nghe, mắt trông tai thấy thì nhiễm các sắc trần. Phật không cho nghe những chỗ múa hát ấy. Giới thứ 7, ngài nói “chẳng cho di chúc xưng ca tính tình/ những loài cầm sắt tiêu sinh/ cùng nay múa hát dập dình nhởn nhơ/ miễn loài đinh đáo vạc cờ/ cùng nay biếm tiểu lầu tơ chơi bời/ tăng ni tu chửa trọn đời/ giữ cầm giữ cám mạ dời bản thân/ chẳng nghe lả chẳng tới gần/ lánh mình cho dứt thanh trần mới cao/ gì hơn nước chảy thông reo” ...

Chỉ nghe những thanh vắng này, nước chảy, cây lá reo - đấy là để mình nghĩ các điều lành, điều từ bi. Còn ăn uống, như Phật nói đã không nhẫn được mà ăn thịt súc sinh thì nó mất giống từ bi đi rồi.

Vậy là họ đã cố tình nói Phật cho phép ăn để họ ngụy biện cho việc họ đang ăn thịt, ăn tiết canh hằng ngày? Và họ nói với chúng tôi như thế là họ đúng hay họ sai ạ?

- Ai mà nói thế là sai!

No comments:

Post a Comment