5/01/2016

Biển chết và những ngôi chợ 'lạnh' ở miền Trung


Liêu Thái
(Tường trình từ Quảng Trị)
5/1/2016

Chợ Cửa Việt, Quảng Trị, nơi nổi tiếng là vựa hải sản bán giá sỉ bằng hàng lẻ. Nghĩa là khách du lịch đến Cửa Việt, điều làm người ta ưng ý nhất vẫn là ra chợ mua một ít hải sản về nhờ nhà bếp khách sạn hoặc khu nhà nghỉ nấu hoặc có thể mượn bếp rồi tự tay nấu. Ngành du lịch Cửa Việt xem sự ăn ý, nhịp nhàng giữa chợ và nhà nghỉ là thế mạnh của mình. Thế nhưng...!



Những sạp bán đồ biển không có người bán. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Cũng xin dẫn thêm, đến chợ Cửa Việt, người ta có thể mua bất kỳ loại hải sản nào với giá chỉ dao động từ 50% đến 75% giá ngoài thị trường, phẩm chất thì miễn bàn, hải sản đánh bắt gần bờ có thể còn nhún nhẩy trong rổ. Hải sản xa bờ thì mới đem từ tàu lên. Khách sạn, quán xá sẵn sàng cho khách mượn bếp để tự chế biến hoặc cho đầu bếp chế biến theo yêu cầu của khách. Nói chung, khách du lịch đến biển Cửa Việt nhiều bởi vì nơi đây hiền hòa, con người còn rất hồn nhiên, chân chất.

Bán không được thì em ăn!

Lần này chúng tôi đến chợ Cửa Việt và biển Cửa Việt, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Chợ lạnh lùng, vắng không bóng người. Đến chợ mà chỉ nghe tiếng thở dài, lời ta thán chứ ít nghe ai mời mua hay hỏi bán. Riêng phần hải sản, có đúng hai quầy còn bán. Bởi đây là hai quầy hải sản của một gia đình đánh bắt xa bờ, họ bán dựa vào uy tín và bán để gỡ gạc được đồng nào mừng đồng đó.

Chị Lan, bán cá thu, cá ngừ gần như bật khóc khi chúng tôi hỏi về khả năng tiêu thụ của người dân: “Đói nặng rồi. Nửa tháng nay chợ vắng như cái gì, chẳng biết lấy cái gì mà ví! Không có ai mua hết. Vì họ sợ nhiễm độc. Cá đánh bắt xa bờ như cá thu, cá ngừ đại dương bán cũng không chạy. Toàn bộ hải sản xa bờ đều giảm xuống chưa tới 50% giá để gỡ vốn nhưng gỡ không nổi.”



Sạp cá biển của vợ một ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng lại có ít người ghé. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Như mấy con cá thu này, em ướp lạnh gần một tháng rồi, cứ sáng thì mang ra chợ, bán không được thì trưa mang về bỏ tủ đông, tối để hầm lạnh với muối và sáng ra. Chỉ riêng tiền điện để duy trì không thôi cũng đủ chết. Nhưng bỏ đi thì không đành vì mấy anh biết đó, đánh được con cá như thế này, dôn (chồng) em cược cả mạng sống trên biển. Giờ em giữ lại, bán không được thì em ăn!”

O Phụng, ngồi gần chị Lan, cũng có chồng là thuyền trưởng đánh bắt trên khu vực đảo Hoàng Sa, chua chát nói: “Dôn (chồng) của o đi đánh bắt xa bờ, khổ lắm. Lần này về được một tàu đây thì cớ sự như thế này đây. Chắc chết mất. Mấy bữa trước khi cá chết, nhà o lúc nào cũng đi chợ từ một trăm đến hai trăm ngàn đồng. Bây giờ thì hai chục đến năm chục ngàn đồng.”

“Tình hình kiểu này mà không lo tiết kiệm thì có thể chết đói. Trông chờ vào nhà nước này nghe ớn quá. Chẳng biết đâu mà lần. Thôi thì ráng ăn nhín uống nhịn để tiết kiệm chứ biết mần răng bây chừ! Nhiều người đi chợ có năm ngàn đồng mỗi ngày thôi, mấy tiệm vàng và tiệm tạp hóa ở đây ngồi ngáp gió cả ngày.”

Mẹ ra sau vườn

Rời hàng cá, chúng tôi đến khu vực bán rau củ quả. Có thể nói rằng đây là khu vực bán buôn sôi nổi và sầm uất nhất của chợ. Không riêng gì chợ Cửa Việt mà chợ Khe Sanh, Hướng Hóa, chợ Lao Bảo, hay chợ Đông Hà đều vậy, dường như mọi hướng mua đều đổ dồn về đây.

Bởi theo như o Ngàn, con gái của mệ Ngà, hai mẹ con ngồi bán rau củ quả trong chợ Cửa Việt thì: “Người ta xúm đến mua cá đồng và rau củ quả. Nhưng rau củ quả thì ở đây tự trồng nên không tăng giá như cá đồng.”

“Ví dụ như cá đồng trước đây một ký cá lóc cao nhất là tám chục ngàn đồng, bữa nay lên một trăm hai và một trăm tư nếu cá lớn. Giá tăng từ gấp rưỡi đến gần gấp dôi. Bất kỳ loại cá gì cũng tăng. Người ta xúm nhau đi đánh bắt nên cá lớn cá bé chi cũng bị bắt tuốt. Đang mùa nước cạn nên người ta đánh giã cào không còn con nào. Với đà này mai mốt sông suối cũng sạch cá!”



Con cá đánh bắt xa bờ này được ướp đi ướp lại hai tháng vẫn không có người mua. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Mà khi sông suối không còn cá nữa thì nguy cơ khó mà lường được. Bởi vì bữa nay nhà nhà, người người đều ăn cá đồng. Cũng may là rau cải không tăng giá. Rau cải ở đây tự trồng, người nông dân bán hỗ trợ cho ngư dân, họ quyết không tăng giá.”

Đến hàng rau, chúng tôi gặp những bà mẹ quê với những trái bí, trái bầu èo ọp, u nần vì nắng hạn, dáng ngồi thiu thiu, một cảm giác buồn đến não ruột, nghèn nghẹn. Gặp một cụ già ngồi bên mẹt dưa gan chừng sáu trái, chúng tôi hỏi giá mỗi trái như vậy là bao nhiêu, mệ nói: “Mỗi trái như vậy là năm ngàn đồng, có tăng giá chút đỉnh mà hàng bữa ni hiếm nên mệ mang ra bán.”

“Chừng ni dưa cũng kiếm được ba chục ngàn đồng, đủ đi chợ hai ngày. Mình dân biển nên biết cá biển vẫn có con ăn được như cá đánh bắt xa bờ. Mệ sẽ mua mấy lát cá thu. Trước đây dễ chi ăn cá thu được. Còn bữa ni thì rẻ như cho, mua về hai ông bà già ăn cho nó ngon! Một lát cá thu có năm ngàn đồng, ăn cũng được một ngày. Trước đây phải mười ngàn, có khi hai chục ngàn...”

“Dưa ni là mình tự trồng, ở đây bà con tự trồng dưa mang ra chợ bán. Bây giờ người ta ăn rau củ quả là chủ yếu. Nhưng giá rau ở chợ chỉ tăng chút đỉnh thôi. Không tăng mấy. Bởi toàn dân nghèo với nhau mà. Mai mốt đây rồi đói lăn ra đó vì thất nghiệp, mùa màng thì thua...”

Rời chợ Cửa Việt, chúng tôi thẳng tiến lên chợ Khe Sanh và chợ Lao Bảo. Có vẻ như các chợ này không có gì thay đổi so với trước. Nếu có chăng là giới có tiền, nhà giàu thiếu hải sản chứ nếp quen của các khu chợ này là rau, măng rừng, củ quả rừng, bắp chuối và một ít thịt rừng nếu có, bán cho nhà giàu. Hoạt động mua bán ở đây vẫn diễn ra bình thường.



Rau, củ quả ở quê trở thành thực phẩm được ưa chuộng vì biển chết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chỉ có những người buôn cá thì nghỉ, các sạp cá trống huơ trống hoác và cũng giống như chợ miền xuôi, cá suối, cá đồng lên ngôi. Nhưng khi quan sát kỹ thì chúng tôi nhận ra có rất nhiều thay đổi, vẻ mặt không vui của người mua kẻ bán, hàng hóa ế ẩm, không khí chùng xuống... Hỏi một người bán hàng rằng chợ trên này ảnh hưởng như thế nào bởi cá chết, chị này trả lời: “Ảnh hưởng nặng lắm, nhìn bên ngoài thì không thấy gì, vẫn cứ mua bán tấp nập nhưng thực ra thì ảnh hưởng nặng lắm...!”

“Các loại hàng hóa đều giảm giá và sức mua giảm đi rất nhiều, chỉ có một mặt hàng duy nhất có thể bán nhanh và chạy nhất, đó là nước mắm. Ai cũng mua cả thùng để dành, có người mua cả vài trăm lít và mua cả tấn muối dự trữ. Cũng may là mặt hàng này chưa lên giá!”

“Bởi vì người ta chỉ cần có mắm muối và gạo thì sẽ vượt qua nạn đói, mọi chuyện không thể lường trước được vì nơi đâu cũng có người Trung Quốc, mà có họ thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Họ qua đây họ xem họ như ông tướng, còn dân mình thì họ nhìn bằng nửa con mắt. Đương nhiên vẫn có nhiều người Trung Quốc biết điều và tốt bụng nhưng số người này hiếm lắm. Đi đâu cũng đụng người hống hách, khó chịu lắm...!”

“Nhà tôi bữa nay đi chợ giảm xuống còn một nửa tiền, có thể mai mốt giảm xuống nữa. Nói chung là mọi chuyện đang có chiều hướng xấu đi. Bởi nông dân thì mất mùa, ngư dân thì không ra biển được. Khổ lắm. Ngành du lịch ở đây cũng te tua. Một khi ba nhóm ngành chính này chết thì dân cũng khó sống.”

Chúng tôi tiếp tục đi đến làng chài và các quán ven bờ biển ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Những chuyện buồn cứ liên tiếp đi qua trước mắt...

No comments:

Post a Comment