5/02/2016

Giải Pháp Nào Cho Nạn TC Cúp Nước Ngọt

Vi Anh (Vietbao)
5/2/2016


Một ngàn năm Trung Hoa cướp đất, trị dân Việt Nam, mà đất nước ông bà Việt Nam vẫn giành lại, giữ được đất nước mến yêu, còn Nam tiến từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà mau để có non sông gấm vóc là Việt Nam và dòng giống dân Lạc Hồng được Biển Đông cưu mang, Trường sơn ôm ắp như ngày nay. Nên không có gì phải sợ Trung Cộng ranh con, tuổi đời không bằng tuổi lẻ của lịch sử 4.000 năm của quốc gia dân tộc VN. Không có gì phải ngại cái trò TC quậy dậy sóng Biển Đông, làm cạn dòng Cữu Long nước ngọt của VN. Đất nước ông bà người VN đã có giải pháp từ xa xưa rồi, không coi nước mặn của Biển Đông là tai hoạ, là bất lợi, mà có cách cùng sống với nước mặn của Biển Đông một cách hài hoà và bền vững.

Người viết bài này, một người sanh ra, lớn lên ở Miền Tây tức Đồng Bắng Sông Cữu Long, nay đã trên 80 tuổi rất mừng khi nghe, rồi đọc một phóng sự ngày 15 tháng Tư năm 2016 trên đài phát thanh Pháp RFI. Giáo sư Võ tòng Xuân một người gắn bó với Miền Tây gần như suốt đời, nhắc lại kinh nghiệm của tổ tiên người Việt nam tiến và khai phá Miền Tây, đã biến cái hại nhiễm mặn thành cái lợi trong nông nhiệp để sống hài hoà bền vững với hạn hán và nạn nước mặn tràn vào đất liền khi sông Cữu Long dòng nước chảy xuống yếu.

Giáo sư Xuân không hoảng hốt trước những con số thiệt hại mùa màn do các nước thượng nguồn như TQ giữ nước cho 9 đập thuỷ điện của họ, làm cho Miền Tây mùa màn thất bát, nước mặn lấn vào có nơi khoảng 90 km. Giáo sư không ngồi đó la làng, mà tìm ra một giải pháp đối phó nạn thiếu nước ngọt cho đồng bắng sông Cữu Long trồng trọt, nuôi cá tôm.

Là một giáo sư tiến sĩ, thời VN Cộng Hoà Ông được trọng vọng, đi tu nghiệp, đi thỉnh giảng, hội nghị ở nhiều nước. Ông không rời bỏ quê hương, mà ở lại ngay Miền Tây và được chế độ mới lưu dụng. Những kỹ sư nông nghiệp ở Miền Tây đa số là học trò Ông. Ông hiện là Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Ông chủ trương nông nghiệp Việt Nam nay phải đa dạng hóa hơn để thích ứng với tình trạng khô hạn và ngập mặn ngày càng nặng, thay vì chỉ chú tâm đến cây lúa.

Trong cơn quốc biến nông nghiệp do TC gây ra. Ông tìm về cội nguồn, tìm giải pháp từ kinh nghiệm của những tiền nhân nam tiến đợt ba, 300 năm trước đã khai hoang, khai khẩn Miền Tây Nam Việt. Một giải pháp khác với của người Tàu. Không có chuyện trị thuỷ mà cùng sống với nước ngọt lẫn nước mặn, một cách hài hoà và bền vững, không tốn kém phải ngăn sông, cản biển.

Giáo sư nói thay vì phải tốn 1.000 tấn nước ngọt là tài nguyên quí hiếm - tài nguyên như chúng ta biết có nơi trên thế giới trở thành nguyên nhân chiến tranh - để có 1 tấn lúa, thì tại sao chúng ta không dùng để tưới 1 mẫu tây (hectare, ha) vườn tược, huê lợi sẽ cao hơn.

VN hiện nay sản xuất hơn 6 hay 7 triệu tấn gạo, quá dư thừa, thì tại sao chúng ta không bớt trồng lúa gạo, mà tăng trồng cây trái, nuôi cá tôm ít tốn nước ngọt hơn.

Vì quá chuyên canh lúa nên coi nước mặn là một nguy cơ thiệt hại. Vì Nhà Nước cứ cổ võ các tỉnh ven biển trồng lúa, khoảng 260.000 ha nên khi bị hạn và thiếu nước ngọt, thì lúa má thiệt hại gần 5.600 tỷ đồng.

Chớ nếu những vùng ấy nuôi cá tôm, trồng vườn tược thì đâu bị thiệt hại dữ vậy, không bị thiếu nước ngọt như vậy. Người Miền Tây đều biết cá tôm ở vùng nước lợ như cá cháy, cá chìa vôi, cá vồ, cá kèo ngon ngọt thịt; trái cây vùng bờ biển như dừa xiêm, cam quít, xoài ngọt cơm, ngọt nước hơn miền thuần nước ngọt.

Giáo sư có nói ông bà VN ở Đồng Bằng Sông Cữu Long không coi có nước mặn là một tai hoạ mà sống hài hoà với nó. Mùa nước lớn, Sông Cữu Long đưa nước ngọt về nhiều, dân Miền Tây cho vào đồng ruộng, vườn tược. Đông ruộng nào cũng có chỗ trủng chứa nước ngọt thiên nhiên hay nhơn tạo, là lung, bào, đìa chứa nước ngọt. Cá trắng cá đen vào sống trở thành nguồn lợi không nhỏ cho nông thôn. Đa số mắm đồng là do tát đìa bắt cá quá nhiều, ăn không hết phải làm mắm ăn hay bán suốt năm.

Còn nước của những lung, bàu, đìa ấy thừa sức tưới rẫy, dẫn vào vườn qua mương đề tưới cây ăn trái qua suốt mùa khô. Miền Nam có hai mùa mưa nắng thôi nên bên cạnh nước chứa thiên nhiên còn có nước mưa cung ứng nước ngọt nữa.

Công tâm mà nói nhà cầm quyền CSVN cũng cố gắng giải quyết thiên tai, địch hoạ này đang hoành hành vựa lúa của cả nước. Nhà cầm quyền CSVN dùng biện pháp cầu cứu Trung Quốc xả nước giúp chống hạn hán trầm trọng ở miền Tây. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN Phạm Thu Hằng hôm 14/3 cho biết “Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 4/4". Nhưng theo tính toán của các chuyên viên VN nếu đúng là Trung Quốc có xả nước vào 15-3, thì phải đến ngày 20 tháng 3, sớm nhứt cũng phải mất 6 này nguồn nước mới về tới đồng bằng sông Cửu Long. Và nguồn nước ngọt từ sông Hậu dẫn về Bạc Liêu thông qua kênh Quản lộ Phụng Hiệp phải thêm 4 ngày nữa. Đó là chưa nói các nước Thái Lan, Lào và Cambodia vốn cũng đang hạn hán, sẽ lấy nước bằng hệ thống cống và trạm bơm. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho rằng Thái Lan, Lào, Cambodia gặp hạn hán nghiêm trọng, nhất là Thái Lan đang tìm cách đưa nước từ sông Mekong vào đến Biển Hồ sẽ hút gần hết theo quy luật điều tiết tự nhiên, nên khi nước từ Trung Quốc chảy xuống, đi qua các quốc gia này, họ sẽ tận dụng lấy và về đến Việt Nam còn rất ít khoảng 3 đến 4% lượng nước về đến đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy việc lấy nước hiện chỉ hỗ trợ cho mục đích sinh hoạt, chứ không thể cứu được diện tích đất nông nghiệp.

Đến đây nhớ lại thời Việt Nam Cộng Hoà, VN với tư cách là nước hạ nguồn có giành được quyền phủ quyết đối với việc xây đập của các nước thượng nguồn trong tổ chức HARZA Mekong. Qua thời VN Cộng sản tái ký hiệp ước dưới áp lực của TQ, VNCS không bảo lưu được quyền ấy, nên các nước thượng nguồn trong đó có TQ xây cả chục đập thuỷ điện, cho Lào và Miên vay vốn cũng xây rất nhiều đập. VNCS trở thành nạn nhân thua cuộc trong trận chiến nước ngọt. Người hay tố chức làm chánh trị thiếu hiểu biết, sai lầm là cả quốc gia dân tộc phải chịu khổ.

No comments:

Post a Comment