Lê Công Sơn
5/22/2016
5/22/2016
Chùa Ngọc Hoàng đẹp và linh thiêng
Sau khi có tin Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ viếng thăm chùa Ngọc Hoàng, ngôi chùa cổ linh thiêng ở Sài Gòn, trong chuyến thăm chính thức VN từ ngày 23.5, công tác an ninh tại đây đang được kiểm soát rất nghiêm ngặt.
Chùa Ngọc Hoàng (hay còn gọi là Phước Hải) có từ lâu đời trên đất Sài Gòn xưa, hiện tọa lạc ở đường Mai Thị Lựu, Q.1, chỉ cách 100 m là thông ra đường Điện Biên Phủ, tiếp giáp với rất nhiều nhà dân và khu vực văn phòng khá sầm uất, còn một hướng ra chợ Đa Kao buôn bán khá tấp nập.
Di tích trăm tuổi
Theo tài liệu của Sở VH-TT TP.HCM, ngôi chùa cổ 124 năm tuổi này đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 15.10.1994. Ban đầu chùa có nhiều tên gọi khác nhau: người Pháp gọi là chùa Đa Kao hoặc Empereur de Jade, còn người Việt gọi là chùa Ngọc Hoàng, người Hoa gọi là Ngọc Hoàng điện, đến năm 1982 mới đổi tên thành chùa Phước Hải. Có một học giả người Pháp từng nhận xét: “Đây là ngôi chùa đẹp nhất ở Nam phần và thú vị nhất do có các tư liệu quý về tôn giáo của người Hoa ở Đông Dương”.
Cuốn Hành trình di sản văn hóa TP.HCM ghi chú các mốc thời gian rất rõ: chùa Phước Hải do sư tổ Lưu Minh (người Trung Quốc) sang xây dựng vào năm Nhâm Thìn (1892), đến năm Canh Tý (1900) thì chùa được hoàn thành và làm lễ khánh thành vào năm 1906. Theo học giả Vương Hồng Sển: “Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo Minh sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền lập chùa vừa để thờ phượng, vừa để làm nơi hội kín”. Sau này, theo thời gian chùa Phước Hải bị xuống cấp nên phải tiến hành trùng tu nhiều lần vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986 và mới nhất là vào năm 2006.
Khác với khuôn viên rộng lớn, rợp mát cây xanh bên trong, cổng chùa và con đường Mai Thị Lựu phía trước mặt đều có chung đặc điểm là khá nhỏ. Chùa có tường rào bao bọc kiên cố, gồm “Ngọc Hoàng cung, Thủy Nguyệt cung” bên phải và “Ngọc Hư cung” bên trái. Vị thần tối cao được thờ phụng tại đây là Ngọc Hoàng thượng đế. Ngoài ra, trong chùa còn thờ Phật, bồ tát và các vị thần. Bên dưới điện thờ Ngọc Hoàng có đặt 7 bài vị. Bài vị lớn nhất đặt ở giữa có ghi hàng chữ “Ngọc Hoàng đại thiên chuyên cung cao thượng đế”, còn các bài vị khác ghi một số các vị thần như: Nam tào, Bắc đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên đại thánh, Quan thánh đế quân, Thần Nhật, Nguyệt. Ở gian phía trái từ cổng chính bước vào, là nơi trang trọng thờ Kim Hoa thánh mẫu và 12 mụ bà (Mẹ sanh - Mẹ độ).
Các phái đoàn tiền trạm tại chùa Ngọc Hoàng chiều 21.5
Phòng thờ Kim Hoa thánh mẫu coi sóc việc sinh nở ở trần gian và tượng 12 mụ bà đặt bên dưới để cầu con, cầu tự thu hút các bậc cha mẹ hiếm muộn khắp thập phương. Những người bán nhang vào cúng viếng tại chùa cho biết người đến cầu tự sẽ buộc sợi chỉ màu đỏ vào cổ tay và mang bộ đồ nhang đèn (thường mua ở trước cổng) vào khấn vái. Vì có nhiều cặp thành công nên tiếng lành đồn xa và tục lệ này vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Các ngày lễ lớn nhất trong năm của chùa là mùng 9 và 10 tháng giêng âm lịch, trong đó mùng 9 là vía Ngọc Hoàng thượng đế (gọi nôm na là vía trời), mùng 10 là ngày vía đất đai. Ngôi chùa này có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần, tâm linh không chỉ của người Hoa, người Việt quanh vùng, mà còn cả du khách thập phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi chùa cũng từng là cơ sở do hòa thượng Thích Vĩnh Khương tổ chức nuôi giấu cán bộ cách mạng. (xưa chống nay cầu cạnh Mỹ và cán bộ đặc công giết dân vô tội, không thể gọi là cán bộ cách mạng được - nmvn)
Căng thẳng trước giờ G
Chiều 21.5, trước cổng chùa Ngọc Hoàng có rất nhiều xe biển số xanh và xe chuyên dụng đậu san sát nhau chở các phái đoàn của Mỹ và cơ quan chức năng VN đến tiền trạm. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có khoảng hơn 20 người trao đổi khá căng thẳng, trong đó nhiều người nước ngoài cao to, đeo kính đen chỉ trỏ khắp các vị trí từ cổng tới bãi đỗ xe, sau đó đứng lại bàn luận.
Trao đổi trước sân khoảng 30 phút, đoàn tiền trạm bắt đầu vào bên trong chùa. Mặc dù hôm qua là ngày lễ Phật đản, người dân đi cúng viếng rất đông nhưng đoàn tiền trạm vẫn cẩn thận, tỉ mỉ làm việc.
Tại khu vực làm lễ tắm cho Phật, có khá đông du khách đang thực hiện nghi thức này. Các bảo vệ tại chùa khi được hỏi thông tin về chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama cũng như những việc chuẩn bị tiếp đón vị khách quý này thì đều trả lời một câu: “Không thấy, không biết”, có người chỉ lắc đầu, không nói lời nào. Đa số quản lý chùa đều là người Hoa nên sự “bí mật” này hầu như không ai tiết lộ.
Theo thông cáo từ Văn phòng Thư ký báo chí của Nhà Trắng vào ngày 20.5 (giờ Mỹ), Phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược truyền thông Ben Rhodes cho biết sau khi rời Hà Nội đến TP.HCM vào chiều 24.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu, Q.1. “Ngài tổng thống sẽ có cơ hội bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với truyền thống, văn hóa của người VN”, theo ông Rhodes. Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa hiếm hoi trong lịch trình dày đặc của ông Obama trong 3 ngày thăm VN nhằm tăng cường hợp tác về mọi mặt.
- Chùa Ngọc Hoàng là chùa tàu.
ReplyDelete- Gọi là đình mới đúng vì không có sư trụ trì.
- Nghe một cô giáo việt cộng từng dạy trong chùa có thờ Mã Viện.