12/05/2015

Viết cho một Việt kiều đã nằm xuống trên quê hương thứ hai (1)

Nguyễn Khoa Thái Anh
12/2/2015


LTG. Trong tiếng Việt, có phải ‘quê hương’ là một danh từ thân thương, yêu dấu mà khi sử dụng, con dân – nhất là những người Việt tha hương – ưu ái dành cho Việt-Nam, nơi chôn nhau cắt rún của mình một tình cảm thâm sâu và đặc biệt? Đã bao lâu rồi ‘quê hương’ được coi là nhà, một nơi trú ngụ, sinh sống ấm êm, thoải mái mà người Việt tha phương hằng mong tìm về? Có đúng “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” hoặc “quê hương vẫn là chùm khế ngọt”? Không kể những người Việt hải ngoại về Việt Nam vì công việc làm ăn, còn có những người chọn về Việt-Nam sống cho quãng đời còn lại của mình. Trong bài dưới đây, anh Michael Huỳnh Công Anh đã chọn về Việt-Nam sống, nhưng người viết không hiểu có người bạn thân thiết nào biết được tâm tư sâu thẳm của anh không? Có ai biết được anh đã được thoải mái, hài lòng với quãng cuối đời của cuộc sống Việt-Nam trước khi anh ra đi một cách bất đắc kỳ tử? Hoặc giả anh có chọn sẽ sống hết đời của mình ở Việt-Nam? 



Hình trên: Trái sang Phải: Nguyễn Quí Đức, Hải Đại, Thiện Đỗ, Michael Huỳnh
Hình dưới: Trái sang Phải: Thiện Đỗ, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn-Khoa Thái Anh, Michael Huỳnh, Đệ Trần, Tú Vũ

Riêng tác giả đã có lúc về sống ở Việt-Nam gần nửa năm, và cũng có lúc người mẹ già nua của mình – khi bà còn đi đứng khoẻ mạnh – cũng đã muốn về Hà nội sống – nơi sinh trưởng và một thời vang bóng của tuổi xuân bà. Riêng tôi một đứa con ra đi đã lâu năm vậy mà một năm kia khi về đến phi trường San Francisco tôi cảm thấy an toàn nhẹ nhõm – không phải vì nhà đoan đã vẫy tay cho tôi qua không khám hành lý đầy ắp những món quà và đặc sản quê hương mà vì tôi có thể thở ra, nhất là khi ông nhân viên Customs nhoẻn miệng cười nói: ”Welcome home!“ Xin chọn nơi này là quê hương!

______________________________________

Điện thoại reo từng hồi dục giã, liếc qua màn hình, tên của H. hiện lên màn hình, H. là một người bạn lâu năm không gặp… tôi đưa phone lên tai. “Lặn đâu kỹ vậy H.?” Không trả lời , H. chỉ thốt một câu:

“Ê, you biết Michael Huỳnh chết rồi không?” tôi như bị điện giật bắn cả người.

“Tr.ờ.i! Hồi nào!”

Rồi vài ngày sau đó, hàng loạt các cú điện thoại gọi tới, nhiều lúc bận không kịp nghe để chúng trở thành các cuộc gọi nhỡ, những tin nhắn, text,… khi kết nối được, bạn bè vẫn liên tục bàn tán, phân ưu, chia buồn với nhau – từ điện thoại đến e-mail, cả trên Facebook, Mỹ lẩn Việt tiếp tục chia sẻ về sự ra đi của anh Michael Huỳnh. Phần lớn chúng tôi loan tin, hỏi han, ngỡ ngàng về cái chết ờ Sàigòn của Michael Huỳnh, một đàn anh, một quân sư, một ông ‘xếp’ cũ, một người bạn của người viết cũng như một số người khác mà anh mang nhiều nặng nợ giang hồ. Rời xa gia đình, bạn bè San Francisco sau một cuộc đổi đời, ‘lên voi xuống chó’ như người ta thường ví von. Gần 20 năm nay anh Michael Huỳnh đã về Việt Nam sống ẩn dật.

Sàigòn có phải là đất tạm dung, hay là nơi anh trờ về nương náu vào cuối đời? Nhiều trang báo Việt Nam như VNExpress, Thanh Niên, rồi nhất là báo Người Việt với hàng ‘tít’ giật gân nhất: “Việt kiều Mỹ bị đập đầu chết trong nhà giữa Sài Gòn” Đến hôm nay, có lẽ đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Theo như khám nghiệm của Bộ Y tế Sàigòn, anh Michael chết vì bệnh gan, xuất huyết bao tử. Mà có lẽ như vậy thật, vì khi còn ở Mỹ anh Huỳnh thích dùng rượu mạnh, rượu vang, hút thuốc, nên bị ulcer (lở bao tử).Tuy nhiên theo tính khí cố hữu, nhiều người hiếu kỳ vẫn thích nghe tin đồn, những giả thuyết mang nhiều kịch tính, như anh Anh (Michael) vài năm gần đây thích buôn đổ gốm cổ Nam bộ, tranh vẽ mỹ thuật, v.v.. nên đã bị kẻ gian, hung thủ vào nhà cướp của giết người, mặc dầu tin chưa được kiểm chứng. Hoặc giả ở Việt-Nam những chuyện mờ ám, bất cập lúc nào cũng có thể xảy ra?

Bề ngoài anh Michael có dáng dấp một thư sinh trí thức vóc người nhỏ gọn. Anh là một người kín đáo, trang nhã, lịch thiệp, ít nói nên có lẽ hơi khó hiểu đối với những ai ít hoặc chưa quen biết anh. Trong một đời người, có những giai đoạn khác nhau, anh Anh (Michael) không phải lúc nào cũng là một người đàn ông hoàn hảo, nhưng tất nhiên có nhiều thời kỳ anh là một người thành công về nhiều mặt, từ gia đình ra đến xã hội. Anh có nhiều sở thích và ham muốn và cùng chia sẻ với người viết một vài thú tiêu khiển như phim ảnh và các bộ stéréo cao cấp (high-end audio), máy băng lớn và đĩa than.

Đối với nhiều người không quen biết anh, tên Michael Huỳnh hay Huỳnh Công Anh, giống như tên một người bình thường nào khác, không nói lên điều gì đặc biệt. Nhưng ngày trước nếu có ai làm việc trong công tác xã hội hoặc định cư vào giữa cho đến cuối thập niên 70’s, lan sang cả thập niên 80’s, ai cũng nghe tiếng anh, nể mặt anh.

Michael Huỳnh Công Anh là Tổng giám đốc một Trung tâm định cư Đông Nam Á lớn nhất Hoa Kỳ có tên là Center for Southeast Asian Refugee Resettlement (CSEARR) ở San Francisco. Vào thời đó có nhiều làn sóng người Việt, Lào, Cam-bốt sang Mỹ định cư, đông nhất là ở Cailfornia. Ngân quỹ hoạt động của Trung Tâm lên đến khoảng 2 triệu Mỹ Kim một năm. Trung Tâm CSEARR dưới sự quản trị của anh Michael Huỳnh đã mua được một chung cư lớn cho người Việt và Đông Nam Á ở vùng Tenderloin, và chính những người sống trong chung cư này đã lập ra ban quản trị và tự quản lý lấy với sự huấn luyện của Trung Tâm. Tuy không phải là một chính trị gia, nhiều lúc anh vẫn được mời đi nói chuyện ở nhiều nơi cũng như trên truyền hình về Việt-Nam hay cuộc chiến Việt-Nam. Tôi còn nhớ một cuộc hội luận lớn ở Đại học Nam Cali/University of Southern California (U.S.C.) mệnh danh là Vietnam Reconsidered, quy tụ nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường, chính khách Mỹ, những người có máu mặt, và anh là một trong những người được mời nói chuyện. Nơi đây cũng có sự hiện diện của một vài nhân vật Việt có tên tuổi như Đoàn văn Toại, Ngô Vĩnh Long, v.v..

Anh Anh có một hai câu bất hủ đượm vẻ chua chát khi người Mỹ hỏi vì sao người Vịêt tản cư qua Hoa Kỳ sống, anh trả lời: “Việt Nam không hề kêu gọi người Mỹ sang tham chiến, nhưng sao người Mỹ vẫn qua Việt Nam? Bây giờ các anh (Mỹ) lại hỏi tôi tại sao chúng tôi sang Mỹ sinh sống? Các anh bị thua cuộc ở Việt-Nam, phải bỏ chạy, bỏ rơi chúng tôi và chúng tôi những người may mắn cũng chạy theo các anh lánh nạn Cộng sản thôi!” Cũng như câu anh phát biểu trong cuộc hội nghị ở đại học USC làm bẽ mặt nhiều nhân sĩ Mỹ khi họ than vãn về cuộc chiến tranh Việt-Nam:

“You might have lost the Vietnam war, but we (Vietnamese) have lost a country! Có lẽ các ông đã thất trận trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng chúng tôi (người Việt Nam) đã mất đi một xứ sở!” Rồi đến cuộc vận động đăng ký đi bầu với cộng đồng Việt, hay gây quỹ tranh cử cho ông nghị viên Art Agnos vào Quốc hội tiểu bang California. Cho đến buổi đại tiệc văn nghệ gây quỹ lớn, tổ chức tại Trung tâm Kabuki sang trọng ở San Francisco thúc đẩy chính quyền Hoa Kỳ đón những đứa con lai Mỹ (Amerasians: Bring them Home!) sang định cư tại quê cha của chúng. Anh là một người có nhiều viễn kiến cao xa cũng như có những nhận xét tinh tường về nhiều vấn đề, bắt mạch được những xu hướng cũng như nhược điểm của xã hội và chính phủ Hoa Kỳ. Anh biết dùng người, cổ vũ, khuyến khích và đôn thúc họ ra tay, gom góp tài lực giúp người, giúp đời.

Bỗng dưng như những thước phim sống động được quay lại trong tâm trí, cơ duyên ban đầu dun rủi đưa tôi quen anh đã tràn về qua hình ảnh và âm thanh của hàng chục năm trước.

“Hôm nay các ngài dân biểu, những người hoạch định chính sách và định đoạt số phận của người tị nạn có thể ngồi đây nghe lời điều trần của các hội tương tế MAA’s và cơ quan thiện nguyện thành khẩn cầu xin được quý vị (Quốc hội Tiểu bang) tiếp tục tài trợ cho các chương trình hỗ trợ và dịch vụ của họ, nhưng đối với nhiều trẻ em bất hạnh của cuộc chiến, các trẻ vị thành niên Việt không có người lớn hướng dẫn đã bị lao vào một cơn lốc, sốc đến tận xương tủy của chúng, khiến chúng bị tê dại cả thần kinh hệ, chúng vừa không có cơ may để bình tĩnh và an nhiên sống với gia đình mà cũng chẳng đủ phương tiện để tiếp tục sống một cuộc sống bình thường ở đất nước này (Hoa kỳ).

Một vài tuần trước đây, tôi đã được gọi để thông ngôn cho hai em học trò Việt-Nam. Hai chị em này cho đến khi tôi đến đã gần như bị bỏ rơi, cách ly với những học trò đồng lứa, cho vào một buồng cất đồ dọn dẹp tại một trường Tiểu học ở Oakland, và được phát cho những cuốn sách hình để tô màu cho qua thời gian học hành, bởi vì cả hai đứa bị cấm khẩu không chịu hoặc không nói được. Sau 15 phút nói tiếng Việt với hai em, tôi khơi mào và hỏi về gia đình của hai em, không ngờ khi nghe hỏi: cha mẹ các cháu đâu? Hai cháu đang ở với ai? Như gãi đúng nọc, đột nhiên cả hai òa lên khóc: “Bố mẹ tụi con bị giết chết rồi” … Hóa ra chúng, đứa cháu gái khoảng 10 -11, cậu bé 8 hoặc 9 tuổi, đã phải chứng kiến ​​thảm cảnh cha mẹ mình bị hải tặc giết trên Vịnh Thái Lan. Mẹ của chúng đã bị hơn một nửa tá đàn ông cưỡng hiếp nhiều lần, người cha đã cố gắng can thiệp và đã bị chém dã man bằng mã tấu và ném xuống sóng dữ. Cô chị 14 tuổi bị đưa vào cabin tên trưởng cướp biển và cưỡng hiếp. Tiếng la khóc thảm thiết của con gái đã khiến bà mẹ cắn và cào cấu những tên hải tặc đang tấn công mình, vì vậy bà ta cũng bị chém bằng mã tấu và ném xuống biển và chết trôi.”

Vậy xin hỏi, xuyên qua chuyện của hai đứa trẻ này, trường hợp của chúng có vẻ tàn nhẫn quá độ, nhưng không có nghĩa đây là một trường hợp đơn lẻ, có ai đó trong chiết tính khôn ngoan vô hạn của mình đề nghị cắt giảm kinh phí cho người tị nạn, nói rằng đây chỉ là chuyện hợp lý và đúng với sổ sách, đặc biệt là trong việc tài trợ cho sức khỏe tâm thần của người tị nạn? Có đúng và hợp lý để mặc các trẻ vị thành niên và các trẻ em không có người lớn hướng dẫn, phó thác chúng cho số mệnh và mặc kệ không làm gì cả, bởi vì chúng tôi không thể có đủ khả năng để tài trợ, để giúp đỡ chúng qua cơn bĩ cực?” (2)

Khi tôi vừa dứt lời điều trần trước Quốc hội California (Sacramento) năm đó cả hội trường im như tờ, có vài tiếng thút thít của mấy người trong hội trường. Nhìn lên trên sân khấu thì ôhô cả cô phụ tá của ông dân biểu Art Agnos cũng sướt mướt, nước mắt lăn dài trên má mịn… Sau khi ông chủ tọa Agnos kết thúc buổi điều trần, hứa sẽ sớm loan báo quyết định của quốc hội California về vụ funding. Còn đang lâng lâng trong cơn xúc động của mình, thì Nguyễn Quí Đức tiến đến gần: “Anh Michael muốn gặp cậu nói chuyện” Đó là lần đầu gặp nhau anh, anh xin số điện thoại của tôi. Mấy tháng sau tôi được anh ấy gọi mời tôi về làm cho Trung tâm Định cư. Nhưng chưa đầy nửa năm sau, anh gọi tôi vào văn phòng riêng: “Tại sao em lại ra đi sớm vậy? Anh có nhiều dự tính cho em… muốn cất nhắc em lên làm giám đốc cho một Trung tâm mới anh sắp mở ở San Mateo”

“Thôi đi anh, mấy tháng nay em chỉ như thằng lon ton, hết mấy bữa ở Intake, rồi lại mấy tuần ở Business Development, rồi một tuần Accounting, Resettlement. chỉ đâu đánh đó!” Rồi anh giảng giải: “Một người đảm trách việc lớn phải biết hết các nhiệm vụ nhỏ trong tổ chức của mình.” Nghe anh nói, tôi cũng thấy có lý, nhưng tôi vẫn quả quyết: “Đường còn dài, anh em mình còn gặp nhau nhiều, nhưng em nghĩ vai trò dạy học của em sẽ cần kíp hơn cho các em lúc này.”

Quả nhiên, mấy năm sau tôi và một số anh em cũng về dưới trướng của anh Michael Huỳnh, hợp tác đắc lực trong những việc công ích có lợi cho người tị nạn lúc đó. Cho đến khi anh bị sa cơ lỡ vận, một người dưới quyền đã vạch áo cho người (hội đồng quản trị) xem lưng và sau đó lên nắm quyền ở Trung tâm Định cư (CSEARR). Có lẽ đây là một cú ngã ngựa lớn trong cuộc đời sự nghiệp của anh Michael. Sau đó, anh Michael ra mổ một văn phòng cố vấn riêng. Có một thời gian anh làm trợ lý cho ông nghị sĩ tiểu bang Art Torres trong chuyện tìm hiểu (fact-finding ở) Việt Nam.

Trong khoảng thời gian này một số anh em chúng tôi gồm những người nghệ sĩ, viết văn hoạt động nghệ thuật lấy tên hội là Mực và Máu, anh Michael đã là một người cố vấn đắc lực, xin được quy chế bất vụ lợi của California, anh góp tay với cả hội không phân biệt xếp lớn xếp nhỏ gì cà. Thời kỳ này anh sống chung, gần gũi với tôi hơn cả. Và có lẽ đây đối với anh cũng là khoảng thời gian buồn vui lẫn lộn, trầm luân hay trầm cảm chỉ là những cơn ngủ vùi, ngủ say cho quên đi những cơn sầu muộn. Chúng tôi, ban tổ chức thường tụ tập ở San Francisco, Palo Alto, San José, trong những buổi trình diễn thơ văn hay hợp tác với NAATA giúp các nhà làm phim Việt-Mỹ trẻ trình chiếu những cuốn phim đầu tay của họ, như The Yellow Lotus/Hoa Sen Vàng của Tony Bùi, Hoặc khi có cơ hội, giới thiệu các văn nghệ sĩ ở Việt-Nam sang giao lưu theo đúng nghĩa của nó, (sorry, rất tiếc trong hội tụi này không có ai kiều vận hay địch vận cái con mẹ gì cả!). Chúng tôi cũng có tổ chức một vở kịch được được Nguyễn Quí Đức phóng tác từ truyện ngắn của nhà văn Lê Minh Khuê “Anh Lính Tony D.” Sau những buổi trình diễn và ra mắt như thế, chúng tôi và anh Michael thường kéo nhau đến một cái Bar ờ San Francisco gọi là Tunnel Top đánh bi-da và ăn nhậu.

Nhưng có lẽ cuộc vui nào rồi cũng đến hồi tàn, “mỗi người một ngã, ai sầu hơn ai” chúng tôi ly tán, người có bồ ruột, người cưới vợ, kẻ lấy chồng, người đi làm xa, hội Mực và Máu cũng thôi hoạt động. Nhưng nỗi trầm luân của anh Michael Huỳnh Công Anh có lẽ sâu đậm hơn cả, cho đến nỗi anh phải thử thời vận, chọn Việt-Nam làm quê hương thứ hai của mình. Nhưng có lẽ câu hỏi nhức nhối nhất của người viết cũng như một số người Việt hải ngoại – kể cả những người Việt trong nước có phải là:

“Quê hương không phải là chùm khế ngọt – vì ở nhiều nơi đất nước đã bị ô nhiễm quá nặng rồi, làm thế nào để sinh ra chùm khế ngọt? Hoặc giả có phải quê hương là nơi đất lành chim đậu? Có nhất thiết nó phải là Việt điểu sào Nam chi? (Con chim Việt đậu cành phía Nam). Có phải nơi con người sống thoải mái nhất, thư thái nhất, thân tình nhất để cuối cùng cái chết của mình cũng không phải rơi vào cô đơn, tẻ lạnh, không một ai chung quanh, không một ai biết đến khi lìa đời, khi trút hơi thở cuối cùng, thì nơi đó có phải là quê hương?.

© Nguyễn-Khoa Thái Anh

© Đàn Chim Việt

______________________________

(1) Anh Michael Huỳnh Công đi du học ở Bỉ trước khi miền Nam thất thủ và sau đó chọn Hoa Kỳ làm quê hương dung thân và lập nghiệp của mình. Đến khi không thấy nơi đây là đất anh có thể tiếp tục xây mộng đẹp nữa, anh chọn về Việt Nam sống. Anh là người kín kẽ, đã không một ai hỏi anh câu hỏi cuối cùng: “ Anh có thoải mái, thư giãn hoàn toàn khi sống ở Việt Nam không?” Riêng tôi, sau khi sống gần nửa năm ở Việt Nam – nhiều lúc trong một đêm trăng trên cao nguyên tôi cảm thấy gần gũi với quê nhà hơn cả, nhưng khi ánh sáng ban mai trở lại trên vạn vật, trong những lúc bôn ba xuôi ngược trên quê hương tôi cảm thấy bất an, và khi trờ về Mỹ nghe câu chào đón của hải quan Hoa kỳ: “Welcome home!” thú thật đã làm tôi mát ruột và cảm thấy thực sự an bình trở lại, mọi lo âu tiêu tán đi mất. Như vậy đối với tôi quê hương thứ hai đã trở thành quê hương thứ nhất? Hay nói trắng ra có phải câu trăn trối cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn với người nhà cho thấy tại sao Việt Nam không phải là nơi an nghĩ lý tưởng của mình: “Đừng chôn tôi gần Việt Cộng.”

(2) “Today you assemblymen, policy and decision makers may sit here calmly and collectedly deciding on the fate of the refugees, listening to testimonies of charitable organizations, MAAs (mutual assistance associations) and voluntary agencies pleading for continuation funding of their services and assistance programs, but for many unfortunate children of the war, many Vietnamese unaccompanied minors have been thrown into a whirlwind, shocked to their core, paralyzed out of their system, they have neither the luxury of being calm and collected nor the wherewithal to continue to live a normal existence. A few weeks ago I was called to interpret for a couple of Vietnamese school children, who up until my arrival was put into a broom closet at this Elementary school in Oakland, giving color books to while away their time, because both have been catatonic, neither could or would speak. After spending 15 minutes speaking Vietnamese to them, I cajoled and prodded them, asking them about their family, unexpectedly when the question: where are your parents? Who do you stay with? As if on clue, suddenly both burst out crying: “Our parents are dead!”…It turned out they, the girl about 10 -11, the boy 8 or 9, had witnessed the killing of their parents by pirates in the Gulf of Thailand. Their mother was raped repeatedly by half a dozen men, the father tried to intervene and was savagely slashed by machete and tossed into the waves. Their 14 years sister was taken into the pirate leader’s cabin and raped. Her blood-curling cried pushed their mother to bite and claw at the attackers, so she too was slashed up by machete and thrown into the sea and drowned.

So I ask you — in light of these two children, their case might sound atrociously over the top, but by no mean a singular happenstance — would someone in his/her infinite wisdom recommend the cuts in funding for these refugees saying that it is just and reasonable for the accounting book, especially in refusing funding for Mental health? Is it just and reasonable to leave these unaccompanied minors and other children like them to their own device and do nothing, because we can’t afford to give money to help them get over their dire situations?”

No comments:

Post a Comment