1/04/2016

An ninh Trung Quốc: Sự thật đằng sau việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times | Dịch giả: Phương Trân
1/3/2016



Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Chủ tịch Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan (DPP) và là ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới, phát biểu tại một sự kiện ở Đài Bắc vào ngày 20 tháng 12, năm 2015. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan vì chiến thắng trong dự kiến của DPP, do đây là một đảng ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. (Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Nếu bạn lướt qua một loạt các bài viết trên báo chí, bạn sẽ có cảm tưởng rằng Mỹ đang vi phạm một vài quy ước quốc tế khi sắp tới đây họ sẽ bán số vũ khí có trị giá 1.83 tỷ USD cho Đài Loan, và dù gì đi nữa thì hành động này của Mỹ cũng là muốn kích động chiến tranh đối với chính trị Trung Quốc.

Điều này hiển nhiên không phải là sự thật, nhưng với sự gia tăng tuyên truyền từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dẫn đến sự ảnh hưởng đối với báo chí phương Tây, sẽ là cần thiết khi những điều này được làm rõ.

Đài NBC News đưa tin vào ngày 17 tháng 12 rằng “Trung Quốc đã triệu mời một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt” sau khi Hoa kỳ công bố việc bán vũ khí. Họ trích lời của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc rằng hành động này của Mỹ đã “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

NBC đã trích dẫn một dòng thông tin được phổ biến sử dụng trong các báo cáo tin tức về việc bán vũ khí, khẳng định quan điểm của ĐCSTQ coi Đài Loan như là một “tỉnh ly khai”. Họ nói rằng trong khi Hoa Kỳ không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng nước này vẫn liên tục bán vũ khí cho Đài Loan theo đúng một thỏa thuận bắt đầu từ những năm 1970.

Quảng cáo

Tất nhiên, bất cứ ai quen thuộc với lịch sử Trung Quốc đều biết tình hình là hơi phức tạp.

Trước đây chính phủ ở Đài Loan đã từng được công nhận là chính phủ chính thức của Trung Quốc, trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó được coi là một chế độ bất hảo.

Liên Hiệp Quốc chỉ thay đổi lập trường của mình về Đài Loan kể từ tháng 10 năm 1971 với Nghị quyết 2758, chuyển ghế “Trung Quốc” trước đó đang của Đài Loan để trao nó cho ĐCSTQ.

Mãi cho đến ngày 1 tháng 1 năm 1979, Hoa Kỳ mới thay đổi sự nhìn nhận về quyền lực chính thức cai trị “Trung Quốc” và chuyển từ Đài Loan sang Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nói cách khác, lịch sử Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, hiện đang được diễn giải thành hành động chống đối của Mỹ hướng về Trung Quốc, thực ra là có ý nghĩa ngược lại. Lịch sử đó đã bắt đầu từ việc bán vũ khí cho một Trung Quốc chính thức và dân chủ, và điều đó đã (và vẫn) bị đe dọa bởi một chế độ thù địch độc tài toàn trị.

Nhiều hãng tin tại Mỹ đã trích dẫn câu chữ từ ĐCSTQ về thỏa thuận vũ khí với Đài Loan – và nếu bạn xem qua tin tức từ các hãng tin được điều hành bởi nhà nước ĐCSTQ, bạn sẽ thấy việc thỏa thuận này khá tai hại. Theo báo cáo từ Tân Hoa Xã, thỏa thuận này bộc lộ một loại “tâm lý” bất chấp luật pháp và quy định quốc tế, và mang một thái độ thù địch.

Nhiều nguồn tin khác của ĐCSTQ còn cân nhắc việc Trung Quốc nên phản ứng lại thế nào. Ban Chính sách Ngoại giao với Mỹ của ĐCSTQ và Học viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã có một báo cáo đề nghị ĐCSTQ sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các ngành công nghiệp quốc phòng có liên quan đến việc bán vũ khí.

Tờ The Wall Street Journal đã đăng một phân tích tương tự như Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Bài báo ngày 17 tháng 12 của họ khẳng định, những lựa chọn của ĐCSTQ nhằm trừng phạt các công ty Mỹ tham gia vào việc bán những mặt hàng này là có giới hạn.

Bài báo này cũng gợi ý một chương trình nghị sự chính trị ở Mỹ, với lưu ý rằng thoả thuận bán vũ khí đã được công bố ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, ngay sau một cuộc đối thoại hiếm hoi giữa lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou).

Tuy nhiên bối cảnh thực tế dẫn đến thoả thuận này lại hoàn toàn khác biệt. Điều mà tờ báo này không đề cập đến là ĐCSTQ đã đe dọa Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới – như tôi đã trình bày chi tiết trong một bản tin ngày 1 tháng 9.

Giữa tháng 5 và tháng 6, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã tổ chức diễn tập quân sự công khai nhắm vào Đài Loan. Trong một hình ảnh về cuộc tập trận này được phát hành bởi giới truyền thông Trung Quốc, các sĩ quan PLA đã họp quân sự trước một bản đồ của Đài Loan.

IHS Jane đã chỉ ra, cuộc tập trận quân sự của PLA trùng với chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 29 tháng 5 của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), ứng cử viên cho Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan.

ĐCSTQ đặc biệt lo lắng về cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan, bởi vì Đảng Dân chủ Tiến bộ ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, và đảng này đang dẫn đầu về số lượng phiếu bầu cử. Trong thực tế, nếu đó là sự thật, bà Thái Anh Văn sẽ là tổng thống kế tiếp của Đài Loan, và đảng chính trị của bà cũng sẽ chiếm một phần lớn trong cơ quan lập pháp.

ĐCSTQ sớm đã tổ chức một cuộc tập trận ở vùng Nội Mông Cổ, lần này với một thông điệp rõ ràng cảnh báo Đài Loan.

CCTV, một trong những kênh phát ngôn chính thức của ĐCSTQ, đã phát sóng một đoạn video vào ngày 5 tháng 7, cho thấy một cuộc diễn tập quân sự mà các cánh quân của ĐCSTQ tấn công vào một tòa nhà trông rất giống với văn phòng tổng thống Đài Loan.

Theo tin tờ Quartz, đoạn video đăng vào ngày 23 tháng 7 nói rõ “một số người cho rằng cuộc tấn công mô phỏng là cách mà Trung Quốc muốn nhắc nhở Đài Loan là họ (Trung Quốc) sẽ thực hiện lời hăm dọa xâm lược nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.”

Tạp chí National Interest đã viết vào ngày 16 tháng 7 rằng quân đội của ĐCSTQ đã và đang diễn tập xâm lược Đài Loan.

Qua những sự kiện này, quân đội Đài Loan đã phát hành một báo cáo vào ngày 27 tháng 10, trong đó khẳng định niềm tin của mình rằng đến năm 2020, ĐCSTQ có thể xâm nhập vào Đài Loan.

Theo tờ nhật báo Today của Đài Loan cho biết “Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch xây dựng lực lượng chung để chuẩn bị giao chiến quân sự với Đài Loan và đang trên đà đảm bảo thắng lợi trong một trận đánh quyết định vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong báo cáo Quốc phòng phát hành hôm nay (27/10)”.

Mãi cho đến sau khi xảy ra các sự việc này, những thoả thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan mới được nối lại.

Ngày 19 tháng 11, Thượng nghị sĩ John McCain (R-Ariz.) và Thượng nghị sĩ Ben Cardin (D-Md.) của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã gửi một bức thư tới Nhà Trắng đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ đã không tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan dưới chính quyền Obama, và yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục duy trì việc này.

“Chúng tôi lo lắng vì lần cuối cùng chính phủ thông báo cho Quốc hội về việc bán một gói vũ khí mới đến bây giờ đã được hơn bốn năm – là khoảng thời gian dài nhất kể từ khi thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan vào năm 1979”, bức thư viết.

Bức thư cũng lưu ý rằng “chúng tôi vẫn lo ngại rằng, sự hiện đại hóa quân sự đang diễn ra ở Trung Quốc và các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan sẽ không được giải quyết thỏa đáng”.

Vì vậy dựa vào bối cảnh này, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là khác hoàn toàn với những gì đang được báo cáo, nhưng bạn sẽ không biết được lịch sử của sự việc này nếu bạn đã chỉ lướt qua các kênh thông tin nhằm đánh lạc hướng độc giả của ĐCSTQ.

Nghiên cứu bổ sung bởi Jenny Li

No comments:

Post a Comment