1/8/2016
Khảo sát những huyền thoại và quan niệm sai lầm về chính sách của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Một cô gái đi xe đạp qua một tấm bích chương quảng bá cho Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Giêng năm 2011. Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới, sẽ được tổ chức vào đầu năm 2016, sẽ xác định tư thế kinh tế và an ninh mới của Việt Nam. Nguồn ảnh: AAP
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã sẵn sàng để tổ chức Hội nghị trung ương thứ mười ba trong tháng 12 [và đã bế mạc hôm 21/12/2015. Hội nghị trung ương 14 sẽ khai mạc vào này 11/1/2015. – TM] Theo tin nội bộ thông báo, đây sẽ là thời gian khủng hoảng trong việc lựa chọn ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội.
Khi Hội nghị Trung ương kết thúc, việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Mười hai sẽ ráo riết bắt đầu cho Đại hội thực sự khai mạc vào cuối tháng Giêng 2016, từ 20 đến 28. Số ứng viên nhiều chưa từng có đang cạnh tranh vào những vị trí hàng đầu trong đảng. [Tuy nhiên, theo những nguồn tin khả tín thì 3 trong 4 nhân vật được đề nghị làm ứng viên vào ghế Tổng bí thư đảng CSVN đều là những người đã quá tuổi 65, Phạm Quang Nghị (1949), Nguyễn Tấn Dũng (1949) và Nguyễn Phú Trọng (1944); Trần Đại Quang (1956) là nhân vật duy nhất trẻ hơn 65 tuổi. – TM] Mặc dù không biết chắc chắn về việc ai sẽ là người lãnh đạo đảng kế tiếp, nhân sự nội bộ chính trị dự đoán sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ với các cường quốc.
Từ trái: Trần Đại Quang (1956), Nguyễn Tấn Dũng (1949), Phạm Quang Nghị (1949), và Nguyễn Phú Trọng (1944). Nguồn DCVOnline tổng hợp
Hai báo cáo gần đây cho thấy hai quan điểm tương phản về các mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm tới. Báo cáo đầu tiên do Joshua Kurlantzick của Hội đồng Mỹ về Quan hệ Đối ngoại viết, tựa đề là “Một va chạm quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Báo cáo này đã được tóm tắt trong The Diplomat.
Báo cáo thứ hai của tác giả kỳ cựu của BBC, nhà báo Bill Hayton cho Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ trong dự án Đối tác An ninh mới của Mỹ tại Đông Nam Á tại Đại học Sydney, có tựa đề là “Việt Nam và Hoa Kỳ. Một Đối tác an ninh mới nổi.”
Theo Kurlantzick,
“Nguy cơ của một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đang gia tăng … nguồn phát triển của lực ma sát có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong 12-18 tháng tới, gây hậu quả nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ.”
Hayton, ngược lại, lưu ý rằng mặc dù mối quan hệ song phương đã trầy trụa vì tranh chấp ở Biển Đông, giới lãnh đạo ở cả Việt Nam và Trung Quốc đã “cách ly” chúng ra khỏi mối quan hệ tổng thể của hai nước. Hayton kết luận bằng cách ghi nhận rằng vào năm 2015, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam coi là êm thắm, cả hai bên đều đã quản lý được dư luận. Ngoài ra“thương mại tiếp tục phát triển và du lịch, bị đình chỉ trong cuộc khủng hoảng năm 2014, đã trở lại.”
Nghiên cứu Kurlantzick khảo sát ba kịch bản có thể xẩy ra có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam – leo thang căng thẳng ở Biển Đông, hai vụ nổ súng dọc biên giới đất liền, và những tương tác hải quân hoặc không quân không lường trước được phát sinh từ các cuộc diễn tập quân sự giữa Việt Nam với đối tác chiến lược mới.
Trong khi không thể loại bỏ hoà toàn tiềm năng của một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, các bằng chứng mà Kurlantzick đưa ra không đủ thuyết phục.
Ví dụ, trong kịch bản đầu tiên, Kurlantzick nói tới việc di chuyển các dàn khoan dầu ở vùng biển tranh chấp, việc tàu đâm vào nhau, và việc trả đũa trong cuộc “xây đạo nhân tạo” là những ngòi nổ gây xung đột.
Mới chỉ có hai sự kiện lớn liên quan đến việc di chuyển dàn khoan dầu, một xẩy ra trong những năm cuối thập niên 1990 và là chót xảy ra năm 2014. Việt Nam đưa tàu chiến ra biển trong vụ đầu tiên nhưng cả hai bên nhanh chóng xoa dịu tình hình. Cuộc thách đố năm 2014 chứng minh là cả hai bên đã cố kiềm chế. Việt Nam công khai cho biết rằng nó sẽ không đưa chiến thuyền ra biển và hải quân Trung Quốc giữ tàu chiến trong khu trừ bị.
Hayton cho rằng nếu Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu hoặc cấu trúc bán quân sự trên Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), “Việt Nam có thể sẽ bị bắt buộc phải có hành động mạnh.” Ngược với Kurlantzick, Hayton kết luận rằng kịch bản giả định này “rất khó mang hình thức đối đầu quân sự. Mục đích sẽ chỉ để buộc Trung Quốc phải rút lui mà không làm đổ vỡ mối quan hệ.”
Đâm hông tàu và dùng vòi rồng phun nước đã chóng trở thành những hình thức đối đầu có kiểm soát của cả hai bên trong năm 2014. Hơn năm năm qua đã có một số báo cáo cho rằng tàu hàng hải dân sự Việt Nam có thể đã đâm tàu đánh cá của Trung Quốc (và ngược lại).
Các phương tiện truyền thông Việt Nam vừa đưa tin về việc Trung Quốc sách nhiễu các tàu dân sự Việt mang nguồn cung cấp cho nhân viên ở Trường Sa và Song Tử Tây. Sự kiện nghiêm trọng nhất diễn ra vào ngày 13 tháng 11 khi một tàu chiến Trung Quốc mở bao che súng 37mm và nhắm vào tầu tiếp vận của Việt Nam trong khi mười nhân viên mặc đồng phục vũ trang với súng trường tấn công đã vào vị trí nhắm. Tàu tiếp vận Việt Nam phải rút lui.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng “Việt Nam cực lực phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại tàu của Việt Nam.”
Kurlantzick lập luận rằng những tuyên bố báo chí loại này “nên được xem như một dấu hiệu chung của tăng căng thẳng giữa hai nước.” Tuy nhiên, những sự kiện này tương đối biệt lập và phát biểu của các giới chức Việt Nam nên được xem như là một phản ứng cho có lệ.
Kurlantzick khẳng định rằng “Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ” trước vấn đề Trung Quốc “xây dựng đảo nhân tạo” bằng cách bắt đầu những cuộc “xây đảo của riêng mình” không được chính xác. Theo Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu, thì Việt Nam có thể bắt đầu đắp đảo của mình trước khi Trung Quốc bắt đầu các dự án của TQ hồi năm ngoái. Việc “đắp đảo” của Việt Nam thực sự rất khiêm tốn và không có dấu hiệu là một phần trong một chu kỳ hành động và phản ứng.
Kịch bản thứ hai Kurlantzick lcũng có thể có vấn đề tương tự. Ông tuyên bố rằng, “biên giới đất liền Trung Quốc-Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng khi các lực lượng an ninh cả hai bên đã nổ súng ít nhất hai lần trong năm 2014 và 2015.” Nhưng ông cũng nhanh chóng công nhận rằng “lý do xảy ra những vụ nổ súng đó còn chưa rõ ràng.” Đúng như thế. Trong cuộc đối đầu vào tháng Năm khi TQ đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển đang có tranh chấp, thì ở đất liền những người khuân vác đang xếp hàng dài ở biên giới Trung Quốc-Việt Nam chờ mang vải để sang bán tại thị trường Trung Quốc. Biên giới Việt Nam-TQ trên đất liền ổn định và chưa có dấu hiệu của sự căng thẳng gần đây như Kurlantzick suy diễn.
Kịch bản thứ ba của Kurlantzick – những phản ứng không định trước liên quan đến các cuộc diễn tập quân sự giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược mới của mình – mô tả sai những sự kiện thực tế. Việt Nam đã chưa, và sẽ không có nhiều khả năng tham gia vào các cuộc tập trận quân sự – định nghĩa hẹp như những cuộc trao đổi các kỹ năng chiến đấu – với các đối tác chiến lược của Việt Nam.
Các dùng thuật ngữ “đối tác chiến lược” của Kurlantzick đã làm lệch ý nghĩa của nó vượt ra ngoài những gì Việt Nam và các đối tác chiến lược hiểu về thuật ngữ này.
Kurlantzick cũng kể cả các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam trong bốn chỉ số cảnh báo sớm chiến lược của ông về cuộc xung đột có thể xẩy ra. Ví dụ, ông nói rằng thông báo về một quan hệ đối tác chiến lược với một quốc gia châu Á của Việt Nam “nên được xem như một dấu hiệu tiềm năng của những căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.”
Quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam không phải là thỏa thuận quốc phòng, quân sự. Đó những tài liệu toàn diện, đa diện gồm chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa và hợp tác người-với-người. Tất cả đều có một đoạn văn ngắn về hợp tác quốc phòng và an ninh liên quan đến các chuyến thăm cấp cao, trao đổi thông tin, thăm cảng, và những hoạt động như thế.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với cùng với các nước lân cận. Indonesia là một ví dụ điển hình.
Việt Nam tiến hành các hoạt động hải quân chung (Naval engagement) – thay vì những cuộc diễn tập quan sự (military exercises) – với Hoa Kỳ, chẳng hạn như thực hiện Ứng xư Tự nguyện khi có Đối đầu không định trước trên. Việt Nam cũng thực tập những bài tập tìm và cứu ở mức độ thấp với các quốc gia khác. Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành tuần duyên hải quân chung ở Vịnh Bắc Bộ mỗi sáu tháng. Những cuộc tuần tra đó gồm cả những cuộc diễn tập tìm và cứu.
Chuyên khảo của Hayton cung cấp một bản tóm tắt hữu dụng về hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hayton trích Đại tá Trần Đăng Thanh, một giảng viên tại Học viện chính trị của Bộ Quốc phòng của Việt Nam, để lập luận rằng cách duy nhất để duy trì hòa bình và ổn định với Trung Quốc “là tránh đối đầu và giữ gìn tình cảm đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.”
Tóm lại, sự cân bằng bằng chứng lịch sử cho thấy rằng Trung Quốc và Việt Nam đã cực kỳ cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ đụng độ ngẫu nhiên giữa các lực lượng quân sự của họ. Trung Quốc và Việt Nam đã và sẽ tiếp tục quản lý những điểm nóng. Thật vậy, muốn biết rõ quan hệ Việt-Trung người ta nên tham khảo dữ liệu trong chuyên khảo của Bill Hayton cung cấp rất chi tiết về 15 cuộc họp và trao đổi giữa các quan chức quân đội Trung Quốc và Việt Nam từ cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014 đến nay.
Hayton cũng giải quyết các vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược trong phân tích của ông về quan hệ Mỹ-Việt. Tuy nhiên, ở đây cũng có quá nhiều hiểu lầm đã len vào. Ví dụ, Hayton nói rằng “một quan hệ ‘đối tác chiến lược toàn diện’ là “mức cao nhất trong từ vựng ngoại giao của Việt Nam” và Việt Nam đã chỉ có quan hệ ở mức đó với hai nước Trung Quốc và Nga. Trong thực tế, quan hệ với Trung Quốc được xem là là một “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” – mức cao nhất trong từ vựng ngoại giao Việt Nam. Nga vẫn là một đối tác chiến lược toàn diện.
Hayton cũng lưu ý rằng cả hai nước Úc và Hoa Kỳ đều nằm ở bậc dưới cùng của hệ thống phân cấp các đối tác toàn diện. Trong thực tế, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người đầu tiên đề nghị một quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này ngụ ý Mỹ muốn có quan hệ quân sự và quan hệ quốc phòng với Việt Nam gần gũi hơn Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận. Trong năm 2013 cả hai nước đã lùi lại từ cuộc thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược và chỉ đồng ý trở thành đối tác toàn diện.
Trước đó, cựu Thủ tướng Kevin Rudd của Australia đã từ chối đề nghị của Việt Nam về một quan hệ đối tác chiến lược với lý do nó chỉ mang tính biểu tượng và quan hệ quốc phòng với Việt Nam thiếu sự thâm sâu như quan hệ quốc phòng của Australia với các “đối tác chiến lược” khác Việt Nam.
Hayton kết luận phân tích của ông với một khảo sát muộn về những đối tác chiến lược khác của Việt Nam – Ấn Độ, Nhật Bản và Nga – và ngụ ý rằng chính sách đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam là một sự phát triển gần đây.
Trong tháng 6 năm 1991, Đại hội lần thứ VII của đảng CSVN tán thành một chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế của Việt Nam với tất cả các nước và nói rằng “Việt Nam muốn trở thành bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới … không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau.” Việt Nam đã ưu tiên cho quan hệ với Liên Xô, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba và “những nước bạn mới” (đáng kể) – ở Đông Nam Á, Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Mười năm sau đó, vào tháng Tư năm 2001, Đại hội Đảng CSVN lần thứ IX, Việt Nam khẳng định, “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác đang tin cậy với tất cả các nước khác” bằng cách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế của họ. Trong mười lăm năm vừa qua Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu này là nền tảng khung của chính sách chiến lược về ngoại giao của họ.
Kurlantzick kết thúc nghiên cứu của mình với bảy đề nghị để Hoa Kỳ có thể giảm thiểu các mối đe dọa xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hayton kết luận bằng cách gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể thúc đẩy Việt Nam là một đối tác chiến lược tích cực hơn bằng cách tôn trọng hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam hơn nữa. Cả hai tác giả không nắm bắt được khung sườn đa phương lớn hơn của chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Châu Âu, và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế. Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Tóm lại, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách cân bằng đa cực – đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ – chứ không phải là một chính sách hẹp cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm sau đại hội đảng lần thứ mười hai.
No comments:
Post a Comment