8/02/2015

Cán bộ CS điều khiển phá rừng - hậu quả thảm khốc là nước lũ


Đặng Trung Kiên (LĐ), từ Việt Nam
17/4/2015


 


Chỉ trong vài năm, UBND tỉnh Đắc Nông ký quyết định cho các doanh nghệp (DN) tư nhân thuê hàng chục nghìn hécta rừng tự nhiên. Không lâu sau, hàng nghìn hécta rừng cho thuê đã bị cạo trọc, đất đai bị lấn chiếm hầu hết… Thiệt hại về rừng lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nhưng nói như lãnh đạo tỉnh Đắc Nông, nghiêm trọng hơn là việc phá rừng còn có dấu hiệu tiếp tay từ cán bộ nhà nước. Và “nóc nhà” của Đông Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ có nguy cơ bị sa mạc hóa, dẫn đến nguy cơ khô hạn, lũ lụt... đe dọa các khu vực này.

Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tổ chức ngày 9.4 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông - đã có một phát biểu gây sốc. Không xử lý được phá rừng là do... có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, nhận rừng, buôn bán đất đai, có chỉ đạo “bật đèn xanh” cho phá rừng. Theo ông Luyện, tài nguyên rừng ở Đắc Nông đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng lẫn chất lượng, độ che phủ chỉ còn 39%.

Thực tế cho thấy, trong các nguyên nhân mất rừng tại Đắc Nông, đáng chú ý là tình trạng ồ ạt giao rừng cho tư nhân, trong khi các DN này không đủ năng lực tài chính để đầu tư, không đủ năng lực bảo vệ rừng, thậm chí còn cố ý phá rừng, mua bán đất đai trái pháp luật.

Hiện toàn tỉnh có 40 dự án sản xuất nông - lâm nghiệp trên đất rừng, với tổng diện tích cho thuê hơn 31.600ha, trong đó có 14.300ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ. Chỉ sau vài năm, đã có gần 5.000ha rừng tự nhiên cho các DN này thuê bị chặt phá, đất đai bị lấn chiếm cùng nhiều hệ lụy khác.

Trong các DN để mất rừng, đứng đầu là Cty CP kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt. Cty được UBND tỉnh cho thuê 993ha rừng tự nhiên tại huyện Đắc Song, theo kết quả kiểm tra mới đây thì diện tích rừng bị chặt phá lên tới 893ha, thiệt hại cho Nhà nước hơn 145 tỉ đồng giá trị rừng. Sau khi mất 86,3% diện tích, chỉ còn lại 100ha, mới đây Cty gửi tờ trình xin… trả lại rừng cho tỉnh.

Tương tự, Cty TNHH Vĩnh An thuê 580ha, để mất 578ha, thiệt hại 56 tỉ đồng; Cty TNHH Bảo Châu thuê 97ha, mất 100%, thiệt hại 12,3 tỉ đồng; Cty TNHH Minh Phúc thuê 204ha, mất 150ha, thiệt hại 13,6 tỉ đồng; Cty TNHH Phi Long thuê 134ha, mất 121ha, thiệt hại 9,5 tỉ đồng…

Ngoài ra, còn nhiều DN khác để mất rừng với diện tích đặc biệt lớn, nhưng cơ quan chức năng chưa xác định được giá trị thiệt hại. Trong đó, Cty TNHH Long Sơn mất 501/507ha, Cty CP Kiến Trúc Mới mất 643/924ha, Cty CP tập đoàn giấy Tân Mai mất 352/1.500ha…

Giao Công an tỉnh điều tra

Theo Sở NNPTNT, trong 40 dự án trên, chỉ có 10 dự án thực hiện tương đối tốt, nhưng cũng phải xem xét trách nhiệm để mất rừng. 22 dự án khác chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, để rừng bị phá chiếm 28,8%, tình hình lấn chiếm phức tạp, đất đai bị chiếm giữ 26,7% diện tích cho thuê.

Sở kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 3.300/9.600ha của các dự án này, chỉ đạo xác định giá trị thiệt hại để buộc bồi thường, đồng thời giao cho Công an tỉnh điều tra sai phạm của các DN để xử lý. Đặc biệt, 9 dự án còn lại để mất rừng trên 90% do buông lỏng quản lý, diện tích đất bị xâm canh trái phép trên 83%, nhiều DN có biểu hiện mua bán đất trái pháp luật.

Cùng với đề xuất thu hồi toàn bộ 3.000ha của 9 dự án này, sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các chủ dự án để xử lý, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Nông - cho biết, theo quy định, nếu nguyên nhân mất rừng do chủ quan như thiếu trách nhiệm thì chủ dự án sẽ bị xử lý hình sự, nếu do khách quan thì xem xét trách nhiệm và yêu cầu bồi thường.

Còn theo ông Nguyễn Đức Luyện thừa nhận, do mất rừng trên diện rộng, Đắc Nông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và sa mạc hóa. Nhưng Đắc Nông là “nóc nhà” của Đông Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ nên nguy cơ khô hạn, lũ lụt, sa mạc hóa do mất rừng còn trực tiếp đe dọa các khu vực này.

No comments:

Post a Comment