8/17/2015

CSVN vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Thạnh Hóa, Long An!


Nguyễn Thiện Nhân
14-08-2015



Cưỡng chế đất ở Thạnh Hóa, Long An ngày 14/4/2015

Chính quyền huyện Thạnh Hóa và chính quyền tỉnh Long An đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là vi phạm Luật đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Những cơ quan nhà nước đã vi phạm pháp luật trong vụ án này là: UBND huyện Thạnh Hóa, UBND tỉnh Long An, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, Tòa án nhân dân Tỉnh Long An.

Cái sai của UBND huyện và UBND tỉnh lẽ ra phải được tòa án điều chỉnh cho đúng pháp luật, nào ngờ, quan chức bênh vực nhau, kéo bè kéo cánh. Cả tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa và Tòa án nhân dân tỉnh Long An đều vi phạm pháp luật, xử ép người dân. Sau những phiên tòa oan trái là sự tham gia của hàng trăm cán bộ công an và lực lượng cưỡng chế làm náo động cả khu vực chợ Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Sự việc trở nên nhức nhối, chấn động khi 13 người trong thân nhân của 3 hộ bị cưỡng chế đã đứng lên chống lại sự cưỡng chế đất và gây thương tích cho các nhân sự phía chính quyền ngày 14/4/2015.

Ngày 4/8/2015, VKSND huyện Thạnh Hóa ra một bản cáo trạng dài 17 trang dành cho 12 người bị khởi tố tội “chống người thi hành công vụ” và “cố ý gây thương tích” trong vụ cưỡng chế đất ở Thạnh Hóa Long An ngày 14/4/2015. Bản cáo trạng nêu chi chít, đầy đặc những tình tiết bất lợi cho những người bị cưỡng chế mà không có tình tiết nào chỉ ra nguyên nhân sâu xa của sự việc chấn động dư luận này.

Sự việc càng làm người quan tâm oặn lòng thắt ruột khi người thứ 13 vừa bị bắt và có nguy cơ bị khởi tố trong vụ án này là cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn vừa tròn 15 tuổi. Ba mẹ cháu cũng nằm trong danh sách những người bị bắt và khởi tố theo Điều 257 BLHS về tội “chống người thi hành công vụ”.

Gia đình cháu Tuấn bị mất đất lại có đến 3 người phải đối diện tù tội, chỉ còn lại duy nhất người em gái của Tuấn đang tại ngoại, cháu chưa đủ hiểu biết để có thể bảo vệ tốt cho ba mẹ và anh đang bị bắt giam. Vì đâu nên nỗi? Do họ “chống người thi hành công vụ” ư? Chúng ta cần phân tích để nhận ra nguyên nhân, bản chất của nó. Có như vậy mới mong hoàn thiện hệ thống luật pháp và quản lý nhà nước một cách thấu tình đạt lý. Bởi bản chất con người thường có xu hướng chống lại thế lực làm tổn hại lợi ích của của mình, và mức độ phản kháng sẽ tăng lên kịch trần khi họ bị “kẻ mạnh” đẩy vào bước đường cùng phải mang nỗi uất hận của một con người “không còn gì để mất”!

Chính quyền địa phương vi phạm pháp luật nghiêm trọng!

Phân tích sau đây sẽ cho thấy sự sai trái của chính quyền địa phương. Sự phân tích dựa trên luật pháp tại thời điểm áp dụng để thực hiện dự án thu hồi đất: Luật đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Số liệu đưa ra trong bài viết này dựa trên sự thẩm định thực tế của người viết.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tạo – chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do họ không đồng ý với mức giá bồi thường, ban đầu là 80 ngàn đồng/m2. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã nâng mức giá lên 300 ngàn đồng/m2, đúng mức giá đền bù của nhà nước theo từng giai đoạn đã được quy định nhưng họ cũng không chịu. Đồng thời họ cũng cho rằng diện tích mà các bản đồ trích đo là không chích xác và không đủ diện tích đất thực của họ. Chúng tôi đã vận động, giải thích rõ nhiều lần họ vẫn không chịu. Họ đã ở trên diện tích đất ấy mấy chục năm nhưng do khu vực trên là đất công nên cả ba hộ dân đều chưa có giấy chủ quyền. Tuy cả ba hộ dân trên không thống nhất chọn phương án tái định cư nhưng huyện cũng ban hành quyết định giao nền tái định cư cho cả 3 hộ. Cả 3 hộ không nhận. Suốt quá trình từ năm 2009 đến nay, ông Can đã có 5 lần khiếu nại, ông Tài có 3 lần khiếu nại và bà Nhanh có 1 lần khiếu nại, UBND huyện đều giải quyết theo đúng quy định.” – Lời ông Tạo đăng trên Báo tuổi trẻ ngày 15/4/2015

Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP qui định như sau:

Điều 8. Điều kiện để được bồi thường đất

Người bị Nhà nước thu hồi đất, có một trong các điều kiện sau đây thì được bồi thường:
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở, mua nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến thời điểm có quyết định thu hồi đất chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp.

5. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

6. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất đó không có tranh chấp.

7. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

8. Hộ gia đình cá nhân sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến thời điểm có quyết định thu hồi đất, mà tại thời điểm sử dụng không vi phạm quy hoạch; không vi phạm hành lang bảo vệ các công trình, được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã công bố công khai, cắm mốc; không phải là đất lấn chiếm trái phép và được ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi xác nhận đất đó không có tranh chấp.

9. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý, mà hộ gia đình, cá nhân đó vẫn sử dụng.

Ông chủ tịch huyện cho rằng: “Họ đã ở trên diện tích đất ấy mấy chục năm nhưng do khu vực trên là đất công nên cả ba hộ dân đều chưa có giấy chủ quyền”.

Tuy nhiên, căn cứ trên Điều 8 Nghị Định 197/2004/NĐ-CP thì các hộ bị cưỡng chế đủ điều kiện được bồi thường đất bởi đất có nguồn gốc của người dân từ trước 1975, sau này chính quyền không cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) bởi những mảnh đất này nằm trong khu vực qui hoạch làm đê bao của con sông. Không thể cho rằng những mảnh đất này “vi phạm quy hoạch; vi phạm hành lang bảo vệ các công trình, đất lấn chiếm trái phép” bởi không thể nói cái có trước vi phạm cái có sau, những mảnh đất này có nguồn gốc tư nhân từ trước năm 1975 kế thừa từ cá nhân này qua cá nhân khác thì không thể nói nó “vi phạm” những qui hoạch của chính quyền sau 1975.

Giá bồi thường được qui định tại Điều 56 Luật đất đai 2003 như sau:

Điều 56. Giá đất do Nhà nước quy định
Việc định giá đất của Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp;

b) Các thửa đất liền kề nhau, có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau;

c) Đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo quy hoạch thì mức giá như nhau.

2. Chính phủ quy định phương pháp xác định giá đất; khung giá các loại đất cho từng vùng, theo từng thời gian; trường hợp phải điều chỉnh giá đất và việc xử lý chênh lệch giá đất liền kề giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Căn cứ vào nguyên tắc định giá đất quy định tại khoản 1 Điều này, phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất do Chính phủ quy định, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất cụ thể tại địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định.

4. Giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 hàng năm được sử dụng làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo Điều 56 Luật đất đai 2003, giá đền bù cho 3 hộ bị cưỡng chế phải đảm bảo nguyên tắc “Sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường”. Giá đền bù căn cứ vào Giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 hàng năm.

Những mảnh đất này thuộc khu vực chợ Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Năm 2007-2008, dựa vào đâu mà chính quyền đưa ra giá đền bù là 80.000đồng/m2 ? Trong khi tại thời điểm 2007-2008 giá thị trường là 2 triệu đồng/m2 . Chính quyền Thạnh Hóa cố giấu đi cái thực tế, chỉ nói những cái trên giấy mực do chính họ ban hành. Tại sao chính quyền không cho Công ty định giá bất động sản tham gia định giá độc lập cho công bằng?. Được biết, hiện nay có nhiều công ty định giá bất động sản hoạt động, chi phí định giá không cao, công việc định giá rất dễ dàng, nhanh chóng. Chi phí định giá sẽ rất nhỏ so với chi phí mà chính quyền đi vận động, họp hành và cưỡng chế. Rõ ràng chính quyền đã sai trái. Nguyên nhân của sự sai trái này ai cũng có thể dễ dàng hiểu được khi những lô đất của quanh đó thuộc KDC (giáp chợ Tuyên Nhơn) mọc lên được bán với giá hàng chục lần giá đền bù.

Ông Nguyễn Văn Tạo – chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho rằng khu vực này là “đất công”, nói theo ngôn ngữ luật pháp thì chính quyền cho rằng các hộ bị thu hồi đất thuộc “đối tượng không được bồi thường đất”. Vì thế mà chính quyền không đền bù thỏa đáng (sát giá thị trường) mà chỉ đền bù mức giá “rẻ mạt”. Điều này hoàn toàn vi phạm Luật đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP như đã phân tích trên đây.

Từ đó kéo theo sự sai trái của chính quyền trong vấn đề đất tái định cư, chính quyền địa phương đã “bán” cho người bị thu hồi đất những nền đất cách đó gần 3km với giá 800.000đ/m2 , trả trong vòng 2 năm. Vị trí khu tái định cư có giá trị thấp hơn nhiều so với vị trí đất thu hồi, người bị thu hồi đất lại không được cấp mà phải “mua” với giá 800.000đ/m2

Trong khi theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP, quyền tái định cư của người bị thu hồi đất được qui định rất rõ ràng như sau:

Khoản 2 Điều 6(Nghị định 197/2004/NĐ-CP): “Người bị thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc bằng nhà, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thực hiện thanh toán bằng tiền.”

Khoản 1 Điều 13(Nghị định 197/2004/NĐ-CP): “ Người sử dụng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở được bồi thường bằng giao đất ở mới, nhà ở tại khu tái định cư hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi và phù hợp với thực tế ở địa phương.”

Lẽ ra chính quyền phải sửa sai, nào ngờ sai trái nối tiếp sai trái, tòa án cũng bênh vực quan chức của UBND, xử những hộ gia đình này thua kiện. Họ trở thành “dân oan” khiếu kiện hết cấp này đến cấp khác vẫn vô vọng, bế tắc.

Thật khôi hài, sau đó UBND nâng giá đền bù lên 300.000đ/m2, quá ít ỏi so với giá thị trường. Hiện nay (2015), giá thị trường đất nền khu vực này là 15-20trđ/2, gấp 50-60 lần giá đền bù! Ngoài phần đền bù này, chính quyền còn hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng nếu hộ đó không “mua” đất tái định cư.

Ác nhân thất đức

Xuất phát từ sai trái của chính quyền mà người dân thiệt hại quá lớn. Đất của hộ ông Can, giá thị trường là 1,5 tỷ đồng mà đền bù chỉ 23 triệu đồng. Phần tài sản gắn liền với đất(nhà cửa) được đền bù 100.584.580 đồng… Tổng cộng, hộ ông Can chỉ nhận được 133.722.120 đồng. Với số tiền đền bù ít ỏi, hộ ông Can không thể nào mua đất xây nhà mới.

Chính quyền địa phương đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng đẩy người dân đến bước đường cùng, đối diện nguy cơ không nhà cửa, sống lang thang màn trời chiếu đất. Điều này thật ác nhân thất đức. Những người làm quan có hiểu biết pháp luật tại sao họ hành xử vô cảm lạnh lùng đến thế, họ không mang dòng máu con người chăng?!

Chưa hết, chính quyền còn lập đoàn vận động, tuyên truyền rằng đất thu hồi là “đất công” không được cấp sổ nên đền bù như thế là “đúng qui định của pháp luật”, sẽ cưỡng chế ai chống lại quyết định thu hồi, mỗi ngày sẽ cưỡng chế 2 hộ. Người dân thấp cổ bé họng, hoang mang lo lắng, do hiểu biết pháp luật kém, lại e ngại va chạm chính quyền nên họ đã nhận tiền đền bù giá rẻ mạt, nhiều hộ dân cứ tưởng rằng đất không có sổ đỏ thì không thể được đền bù nhiều hơn, họ cắn răng chịu đựng sự oan ức, chấp nhận ký tên nhận tiền. Thương thay!

Những ông quan chức vô cảm, quan liêu, thiếu trách nhiệm và vi phạm pháp luật cho tới giờ này vẫn còn chễm chệ trên những chiếc ghế, gieo nỗi oan khiêng cho người dân.

UBND huyện Thạnh Hóa được UBND tỉnh Long An phân quyền, trực tiếp làm việc với người bị thu hồi đất và ra những quyết định trái pháp luật. UBND tỉnh Long An cũng vi phạm pháp luật, vì chiếu theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP, trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh tại Khoản d,đ,e Điều 43 qui định như sau:

d) Phê duyệt giá đất; ban hành bảng giá tài sản tính bồi thường, quy định các mức hỗ trợ và các biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền; phương án bố trí tái định cư, phương án đào tạo chuyển đổi nghề theo thẩm quyền được giao;

đ) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo thẩm quyền pháp luật quy định;

e) Bảo đảm sự khách quan, công bằng khi xem xét và quyết định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này;

Cái sai của UBND huyện và UBND tỉnh lẽ ra phải được tòa án điều chỉnh cho đúng pháp luật, nào ngờ, quan chức bênh vực nhau, kéo bè kéo cánh. Cả tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa và Tòa án nhân dân tỉnh Long An đều vi phạm pháp luật, xử ép người dân. Sau những phiên tòa oan trái là sự tham gia của hàng trăm cán bộ công an và lực lượng cưỡng chế làm náo động cả khu vực chợ Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Sự việc trở nên nhức nhối, chấn động khi 13 người trong thân nhân của 3 hộ bị cưỡng chế đã đứng lên chống lại sự cưỡng chế đất và gây thương tích cho các nhân sự phía chính quyền ngày 14/4/2015.

Báo chí nhà nước im lặng trước sự sai trái của chính quyền địa phương

Một câu hỏi nữa là tại sao sự sai phạm của chính quyền ở Long An không hề bị đưa lên báo chí trong nước?

Một thứ quyền lực vô hình đáng sợ bao trùm lên hệ thống báo chí cũng như truyền thông nhà nước, trong một chế độ mà lĩnh vực truyền thông bị kiểm soát nghiêm ngặt và lệ thuộc nhiều vào quyền lực nhà nước. Tại sao vụ án ở Tiên Lãng truyền thông rầm rộ còn vụ án này thì không?

Đó chính là vì lý do “nhạy cảm” khi gia đình Nguyễn Trung Can gồm ông Can, vợ và con trai ra đường hô to “đả đảo cộng sản” và những khẩu hiệu động chạm chế độ. Hộ bà Phùng Thị Ly cũng phản đối chính quyền. Nguyên nhân đưa đến sự việc này là do những hộ này bị chính quyền dồn đến đường cùng, cuộc sống lao đao khốn đốn. Họ đã khiếu kiện mỏi mòn từ Tòa án sơ thẩm, đến phúc thẩm rồi đến tối cao. Tất cả đều vô vọng. Quyền lợi chính đáng của họ không được hệ thống thực thi pháp luật bảo vệ. Hệ thống báo chí và truyền thông nhà nước vì sự “nhạy cảm”, không muốn bị rắc rối bởi sự việc “liên quan chính trị” nên đành câm nín khiến cho sự oan ức bị dồn nén đến cực độ và bùng nổ ngay ngày cưỡng chế 14/4/2015.

Trong những bài báo nhà nước viết về vụ cưỡng chế này đều căn cứ vào những lời của quan chức địa phương, giấu đi những yếu tố hết sức quan trọng trong vụ án chấn động, điều này đã gây tổn thất không đo đếm được cho nạn nhân là 3 hộ bị cưỡng chế đồng thời gây thiệt hại kinh tế cho toàn bộ 109 hộ dân bị thu hồi đất trong vụ việc này.

Sau vụ cưỡng chế ngày 14/4/2015, lực lượng an ninh chìm ẩn mình quanh khu đất cưỡng chế nhằm giám sát theo dõi những ai đến tiếp xúc người trong gia đình những hộ cưỡng chế. Nhiều người đã bị bắt về trụ sở khi đặt chân đến đây. Điều này gây khó khăn cho những nhà báo, blogger hay những người đấu tranh cho tự do ngôn luận trong việc tiếp cận sự thật. Bản thân người viết bài này khi đến gần nơi bị cưỡng chế để thăm gặp và tìm hiểu thông tin đã bị an ninh chặn đường sách nhiễu khi đang trên đường về.

Chính quyền nên sửa sai như thế nào

Năm 2011, Vụ án Đoàn Văn Vươn với mùi gas, tiếng súng còn dư âm khiến dư luận bất bình với cách hành xử sai trái của chính quyền Tiên Lãng. Thế nhưng, chính quyền Thạnh Hóa, Long An không rút ra bài học nào, lại trượt trên vết xe đổ gây tổn thất nặng nề cho người dân và mất uy tín chính quyền.

Ngọn lửa dân oan đang lan tỏa khắp từ Nam ra Bắc lên đến hàng nghìn người, họ là những người bị mất mát cả vật chất và tinh thần, thiết nghĩ dân oan cần được cảm thông hơn là đàn áp, xử tù.

Chính quyền đã bắt giữ cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, trong khi trước đó cha mẹ cháu đều bị bắt giam vì chống lại sự cưỡng chế. Dư luận trên mạng cho rằng theo pháp luật, chính quyền không được giam giữ cháu Tuấn vì hành vi của cháu Tuấn không thuộc trường hợp “phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Vì vậy, dựa trên Bộ luật hình sự, chính quền cần xem xét phóng thích cháu Tuấn để giảm áp lực dư luận.

Chợt nhớ, bài học từ câu chuyện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã dẫn đến cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền và giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Trong vụ án này, chính quyền cần sửa sai để an lòng dân, trả lại quyền lợi chính đáng theo pháp luật cho những người dân thấp cổ bé họng không may mắn bị thu hồi đất.

Cần xử lý những quan chức và cán bộ liên quan. Không nên để xã hội rối loạn, khủng hoảng từ thói trịch thượng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, chèn ép người dân thấp cổ bé họng và ngồi xổm lên luật pháp của quan chức địa phương.

Nguyễn Thiện Nhân

No comments:

Post a Comment