8/08/2015

Cần xóa cơ chế "đảng cử dân bầu"

Lê Kiên


Đảng nói rất hay về dân chủ. Nhưng đồng thời Đảng bao giờ cũng cố gắng tối đa để siết chặt “dân chủ” trong bàn tay sắt của mình. “Đảng cử dân bầu” là một trong những biện pháp để làm điều đó. Nói cho cùng, có chế độ toàn trị nào mà không sợ dân chủ thực chất? Xóa “Đảng cử dân bầu” là đặt Đảng vào sự thử thách thực sự, buộc Đảng phải lo lắng đến phản ứng của người dân. Duy trì “Đảng cử dân bầu” thì yên chí lớn: tất cả những vị trí lãnh đạo đều một tay Đảng sắp xếp. Quyền lực ở đấy mà quyền lợi cũng ở đấy.

Xóa cơ chế “Đảng cử dân bầu” là một đề nghị chính đáng, nhưng chỉ thực hiện được ngày nào Đảng ý thức được chế độ toàn trị nhất định không thể nào đứng vững được nữa và Đảng phải đặt dưới sự lựa chọn của nhân dân, chứ không phải khư khư bám vào Điều 4 Hiến pháp và dùng tất cả sức mạnh của bộ máy chuyên chính để bắt nhân dân phải chấp nhận vị trí lãnh đạo của Đảng. Dân chủ là một thành tố của phát triển; muốn đất nước “sánh vai cùng cường quốc năm châu” thì không thể không dân chủ. Càng duy trì “Đảng cử dân bầu” thì càng làm cho đất nước lụn bại và xét cho đến cùng càng làm cho chính Đảng suy yếu. Cái thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa dân chủ và toàn trị chỉ có thể phá vỡ một khi Đảng quyết tâm lột xác, trở thành Đảng của dân tộc, lấy dân tộc làm mục đích tối thượng của mình.

Bauxite Việt Nam



TTO - Đó là kiến nghị của trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tại phiên thảo luận Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) ngày 16-6.



Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công - Ảnh: TTXVN

Ông Nghĩa cho rằng phần lớn công việc của Quốc hội đều do đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện, còn các đại biểu khác chỉ tham gia ở mức độ nhất định.

Do đó, để tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, việc quy định nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên đến 50% là cần thiết.

“Lúc đó chúng ta có khoảng 250 đại biểu chuyên trách, một nửa số này hoạt động ở các cơ quan của Quốc hội, còn lại 63 đoàn đại biểu Quốc hội chỉ có hai đại biểu chuyên trách là không nhiều, bảo đảm hợp lý. Nếu công tác chọn lựa tốt thì tôi nghĩ chỉ cần một nửa số đại biểu Quốc hội mỗi năm tham gia giám sát đến cùng một vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài thì cả nước có đến 250 vụ oan sai được giải quyết, chắc rằng cảnh "con ong, cái kiến kêu gì được oan" mà Nguyễn Du than thở sẽ vắng hẳn trong đời sống hiện nay” – ông Nghĩa nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) bình luận: “Nói nôm na Quốc hội vẫn còn cơ chế mặt trận, chưa có cơ chế khác. Như vậy làm sao số đại biểu chuyên trách này không còn là mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp?”.

Ủng hộ quan điểm của ông Nghĩa về việc tăng đại biểu chuyên trách, ông Lịch lên tiếng: “Cử tri kỳ vọng với tỉ lệ chuyên trách này, số này không mặt trận nữa mà là những người chuyên nghiệp, có trách nhiệm rõ ràng và không hành chính hóa theo kiểu một ủy ban có ba loại chuyên trách, trừ ông chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, thường trực, không thường trực, dân bầu giống nhau nhưng đẳng cấp khác nhau”.

“Cần xây dựng cho được cơ chế giải pháp hữu hiệu mang tính khả thi cao, nhằm xóa bỏ mặc định Đảng cử dân bầu vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu, nặng theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia Quốc hội, nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, địa phương, không ngại vất vả, dự họp Quốc hội hàng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp Quốc hội” - đại biểu Huỳnh Nghĩa kiến nghị.

Ông Nghĩa cho rằng dự thảo luật quy định tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội vẫn còn thiếu một phẩm chất rất quan trọng, đó là tư duy phản biện.

“Thực tế cho thấy khá nhiều cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay hình như thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh. Đây không phải là chuyện "bới bèo ra bọ" mà là thái độ khoa học cần thiết phản biện là dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ” - ông nói.

Ủng hộ quan điểm của các đại biểu Trần Du Lịch và Huỳnh Nghĩa, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nói: “Từ thực tiễn cuộc sống cảm nhận được, tôi tha thiết đề nghị ban soạn thảo khi thiết kế các điều luật cần làm bật lên vai trò trung tâm của đại biểu, thông qua việc gắn bó mật thiết với cử tri như một trong những điều kiện tối thiểu mà người đại biểu phải đáp ứng. Cần tăng cường hơn nữa đại biểu chuyên trách cùng sống, cùng ăn, cùng làm với nhân dân, cử tri, doanh nghiệp thì mới có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hay những hiến kế đa dạng, phong phú trong nhân dân”.

“Tôi nghĩ sức sống của hoạt động nghị trường chính nằm ở sự gắn bó mật thiết này và có mang được nhiều hơn hơi thở của đời sống dân sinh, sinh hoạt làm ăn của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp vào hoạt động nghị trường hay không cũng chính nằm ở điều cốt yếu này” - ông Tâm nói thêm.


L. K.

No comments:

Post a Comment