8/26/2015

Xây tượng đài: Phải liệu cơm gắp mắm


Cao Huy Huân
25.08.2015

Cả tháng nay, vấn đề HĐND tỉnh Sơn La thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La vẫn nóng trên nhiều diễn đàn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng Sơn La là một tỉnh nghèo, trong khi đó số tiền để xây tượng đài quá lớn, gây lãng phí.

Lãng phí vẫn kéo dài

Việc xây tượng đài, nhiều người cho rằng là chuyện “bình thường”. Tất nhiên, nó sẽ là bình thường nếu số tiền không lên đến hơn nghìn tỷ. Nó sẽ càng bình thường nếu số tiền ấy phù hợp với một nền kinh tế giàu có, dư giả, chứ không phải một nền kinh tế đã chững lại trong nhiều năm, đối diện với không ít khó khăn vĩ mô, lẫn vấn đề nợ công cao ngất ngưỡng như Việt Nam hiện nay.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, nếu tính theo con số của phía Việt Nam, hiện nợ công đã vượt xa mức 50% so với tổng GDP cả nước - mức báo động so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên đáng nói hơn, con số này còn vượt mốc 100% so với tổng GDP theo ước tính của nhiều chuyên gia. Vậy thì 1.400 tỷ có đáng không?

Nếu có ai vẫn trả lời “đáng”, thì có thể xem xét rõ hơn về bức tranh tổng thể của Sơn La – một vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi, gian khó, nơi mà dân cần 1.400 tỷ để xây dựng các bệnh viện tử tế hơn, các trường học đàng hoàng hơn, những con đường chỉnh chu hơn, hay những dự án cải thiện hạ tầng xã hội để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Vậy thì tới đây, đổ 1.400 tỷ cho một dự án chỉ mang tính tinh thần ở một nơi người ta ăn chưa no, mặc chưa ấm, liệu có đáng không? Tin rằng, những người khó tính nhất cũng sẽ bị thuyết phục bởi câu trả lời “không”.

Con người ta sinh ra và lớn lên theo những nhu cầu sinh tồn và phát triển từ thấp đến cao. Khởi đầu là quyền được sống – được bảo vệ, được ăn no, mặc ấm, được học hành, được khám và chữa bệnh trong điều kiện tốt, được thở với nhịp đập của thời đại. Đến khi dân không còn phải học trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường lớp; khám và chữa bệnh trong những bệnh viện ọp ẹp; hay đi lại bằng những con đường đầy gian truân, cược mạng sống bằng những “chiếc cầu” dã chiến tạm bợ, chín phần chết một phần sống... thì khi đó người ta mới nghĩ đến những câu chuyện tinh thần.

Câu chuyện tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng nghìn tỷ đồng, và giờ là khu tượng đài cũng đắt đỏ không kém ở những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, khiến ai nấy đều hoang mang, phải chăng người ta có thể “ấm no” khi nhìn tượng thay cơm? Phải chăng căn bệnh màu mè, hình thức vẫn cứ âm ĩ, xoá bỏ cả những giá trị thực tế mà dân chúng vốn rất cần?

Liệu cơm gắp mắm

Ông bà ta có câu “liệu cơm gắp mắm”. Nước lớn thì “chơi” theo “kiểu lớn”, và nước nhỏ phải “chơi” theo “kiểu nhỏ”. Khi ngân sách có hạn – tiền dân có hạn, thì phải biết cân nhắc trước sau, việc gì nhịn được thời phải nhịn, phải lo cho dân ăn, học trước khi dựng nên những công trình tượng đài đầy tranh cãi, để rồi dân cũng chẳng có thời gian đến thăm viếng, chăm sóc các tượng đài vì phải lao động để kiếm ăn.

Hãy thử làm các phép tính đơn giản: 1.400 tỷ sẽ quy đổi ra hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, tình thương khang trang, tử tế cho những người sống tạm bợ; không ít trường học cho bà con vùng sâu vùng xa; vô số con đường được thắp sáng; hàng trăm cây cầu vượt sông, vượt suối an toàn để dân không còn phải bơi qua sông, đu qua sông, thậm chí chui vào tui ni-lông để được kéo qua sông cuồn cuộn những con nước đục ngầu, hung dữ.

Lương tâm của nhà quản lý

Việc ban hành một quyết định gây ra những phản ứng mạnh mẽ của dư luận không chỉ đặt ra vấn đề trách nhiệm mà còn về cả lương tâm của người lãnh đạo. Tại sao lại bàn về trách nhiệm? Bởi dường như quyết định xây dựng khu tượng đài không thuận lòng dân, dù hội đồng nhân dân đã thông qua nghị quyết chứ không phải một cá nhân nào về mặt danh nghĩa.

Sự so sánh giữa nhu cầu ăn, mặc, học hành, chữa bệnh, an toàn... của dân với nhu cầu về tượng đài dễ dàng cho thấy sự chênh lệch giữa cái dân cần và cái mà các vị lãnh đạo cần. Tuy nhiên, quyết định thông qua dự án tượng đài chứng minh ý thức trách nhiệm của tầng lớp lãnh đạo địa phương sâu sát với dân chúng, hiểu nguyện vọng của dân đang có vấn đề. Thế nên, lẽ ra một dự án cộng đồng được người dân vỗ tay tán thưởng, thì ở đây, dân chúng lắc đầu ngán ngẫm, để rồi chẳng muốn làm quần quật để đóng tiền xây tượng đài khi cái bụng vẫn chưa no, cái thân chưa ấm.

Nếu có ai đó cho rằng các quan chức đã làm hết trách nhiệm, bằng chứng là nghị quyết do chính hội đồng nhân dân thông qua, thì lại nói về vấn đề lương tâm người lãnh đạo. Khi người dân đang khó khăn nhưng các dự án, chưa bàn đến tính chính đáng, phải được các lãnh đạo hướng vào các nhu cầu sinh tồn và phát triển, thay vì những dự án mang “dấu ấn” hình thức của một cơ quan nhà nước. Nhật Bản, Singapore,... trong những giai đoạn khó khăn nhất của quốc gia, họ đã chọn hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế là những mũi nhọn ưu tiên trong các dự án đầu tư phát triển. Kết quả là, sau chưa đầy 10 năm, kinh tế của họ có chuyển biến rõ rệt. Sau chưa đầy 50 năm, từ những quốc gia nghèo đói, họ đã trở thành những cường quốc hàng đầu khu vực với mức thu nhập cao vời vợi của người dân.

Câu chuyện xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, và mới nhất là khu tượng đài Bác Hồ không chỉ để lại một thực trạng đáng buồn về tính “phô trương”, mà còn là vấn đề trách nhiệm và lương tâm của người lãnh đạo với người dân chân lấm tay bùn.





dv

No comments:

Post a Comment