18/08/2015 by Doi Thoai
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-08-17
Ngày 25 tháng 3 năm 2015 tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế (CPJ) mở chiến dịch “Tháo còng báo chí” (Press Uncuffed ), Tạ Phong Tần được nêu tên trong danh sách 9 người trên khắp thế giới
Vào đầu tháng tám năm nay, tin từ gia đình của người nữ tù nhân chính trị Tạ Phong Tần cho biết là cơ quan công an Việt nam đã tiếp xúc với bà với lề đề nghị bà làm đơn xin đi Hoa Kỳ để được trả tự do. Tin này cùng với những thông tin về đợt đặc xá sắp tới nhân ngày quốc khánh Việt nam 2/9, làm nhiều người hy vọng là sẽ có một số tù nhân chính trị được thả trước thời hạn.
Hy Vọng
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị nhận xét những diễn biến xung quanh đợt đặc xá nhân ngày 2/9 năm nay:
“Ngày hôm 15 vừa rồi thì ông Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch hội đồng đặc xá trung ương đã ngồi cùng với một ban liên ngành gồm Bộ công an, Tòa án tối cao, Mặt trận Tổ quốc, và Bộ tư pháp. Thì theo luật về đặc xá thì các cơ quan này họ sẽ tư vấn cho hội đồng đặc xá trung ương những trường hợp đặc xá đặc biệt. Ở đây chúng ta hiểu những trường hợp đặc xá đặc biệt là họ không có căn cứ trên tiêu chuẩn nào cả. Tức là có thể người đó không có nhận tội, không chịu cải tại, hay cái việc mà họ đánh giá hạnh kiểm, lao động trong trại là kém.
Việc ân xá đặc biệt nằm trong hai lý do. Một là vì lý do nhân đạo, hai là vì các mối quan hệ quốc tế của họ mà họ sẳn sàng đặc xá những tù nhân như vậy. Thì đây là trường hợp đầu tiên mà truyền thông chính thống Việt nam đưa tin về những trường hợp đặc xá đặc biệt.”
Tuy nhiên theo ghi nhận của anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của tổ chức dân sự Voice thì chuyện đặc xá đặc biệtđã từng được truyền thông chính thống trong nước đề cập đến. Đó là vào năm 2013 khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ.
Xung quanh chuyện có thả tù nhân chính trị vào ngày 2/9 tới đây hay không, Luật sư Nguyễn Văn Đài đề cập đến chuyện Bộ chính trị, cơ quan quyền lực nhất Việt nam đã họp vào lúc ông Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang ở Hawaii để đàm phán về Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương:
“Những cái chuyện này từ xưa đến nay rất hiếm khi xảy ra, bởi vì khi Bộ chính trị đã họp, để ủy thác một vị Bộ trưởng việc đàm phán với Hoa Kỳ, thì chắc chắn nó liên quan đặc biệt đến những vấn đề chính trị, những vấn đề nhân quyền.”
Việc ân xá đặc biệt nằm trong hai lý do. Một là vì lý do nhân đạo, hai là vì các mối quan hệ quốc tế của họ mà họ sẳn sàng đặc xá những tù nhân như vậy. Thì đây là trường hợp đầu tiên mà truyền thông chính thống Việt nam đưa tin về những trường hợp đặc xá đặc biệt
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Theo ông Đài thì ông hy vọng là sắp tới đây các tù nhân chính trị như bà Tạ Phong Tần, nhạc sĩ Việt Khang, ông Phạm Minh Vũ,… và một số người nữa sẽ được trả tự do.
Nhà báo Trương Duy Nhất, cũng là một người tù chính trị vừa được trả tự do trong năm nay cũng hy vọng là những người như ông Đài đề cập cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được trả tự do. Ông nhận xét rằng trong chuyến thăm Việt nam vừa qua, ông John Kerry Ngoại trưởng Mỹ có lên tiếng về vấn đề nhân quyền, và vì thế ông Nhất rất hy vọng là người nữ tù chính trị Tạ Phong Tần sẽ được trả tự do.
“Khi Ngoại trưởng Hoa kỳ đã nêu tên thì những sức ép, những động thái đối với chính phủ Việt nam tất nhiên có đủ sức mạnh để chị Tần có thể đi.”
Nhưng một cựu tù chính trị khác là ông Nguyễn Tiến Trung lại có một nhận định tương đối khác:
“Theo Trung thì sẽ có một số trường hợp tù nhân chính trị được thả. Nhưng mà một số người được quốc tế chú ý đặc biệt như chị Tạ Phong Tần, hay anh Trần Huỳnh Duy Thức thì sẽ khó khăn hơn nhiều tại vì nhà nước Việt nam muốn các anh chị ấy ra nước ngoài chứ không phải ở trong nước, cho nên là nếu các anh chị ấy không muốn rời Việt nam thì Trung nghĩ là khó được đặc xá trong đợt này.”
Nhà báo Trương Duy Nhất lại cho rằng điều đó không thành vấn đề, ông chứng minh bằng trường hợp người tù chính trị Nguyễn Văn Hải Điếu Cày, một người bạn tù của ông được trả tự do sang Hoa Kỳ:
“Trước khi anh Hải Điếu cày đi thì Bộ công an họ cử một đoàn vào làm việc cũng theo như cái kiểu họ làm việc với chị Tạ Phong Tần bây giờ. Họ bảo anh ấy làm một cái đơn xin ra tù trước thời hạn, nhưng mà đời nào anh ấy làm! Rồi cuối cùng anh ấy cũng đi.”
Vô hiệu hóa và đổi chác
Trong lịch sử tù chính trị ở Việt nam trong vài chục năm trở lại đây đã có nhiều trường hợp người tù bước thẳng từ trại giam ra sân bay để đi ra nước ngoài, như ông Đoàn Viết Hoạt, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải,… Nói về việc này, anh Nguyễn Anh Tuấn tự đặt mình vào vị trí của nhà cầm quyền Việt nam:
“Mình cứ tưởng tượng mình là nhà nước thì mình sẽ chọn ai. Thứ nhất trong bối cảnh hiện nay sẽ chọn những người nào mà phía Mỹ gia tăng áp lực. Những người đó có thể là Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, hoặc Anh Ba Sàm, tức là các trường hợp phía Mỹ người ta gia tăng áp lực nhiều. Một phương án nữa, ưu tiên của họ nữa là sẽ chọn những người mà họ tin rằng sau khi ra tù thì sẽ không còn tranh đấu gì được nhiều, ví dụ như hồi năm ngoái, trường hợp Đinh Đăng Định, khi đó đang bệnh tật, thì họ nghĩ rằng cho ra tù thì không sớm thì muộn cũng qua đời thôi, không thể đóng góp gì được nhiều nữa.”
Trường hợp anh Hải Điếu cày, rồi trước đây là trường hợp Cù Huy Hà Vũ, rồi anh Nguyễn Tiến Trung, những trường hợp này khi trả tự do thì đồng thời lúc đó lại có những thỏa ước giữa Việt nam và Mỹ
nhà báo Trương Duy Nhất
Ông Nguyễn Tiến Trung cũng chia sẻ quan điểm này khi nói về những người tù bước thẳng từ trại giam ra sân bay quốc tế:
“Theo Trung thì có lẽ họ sợ những người đó có một sự ảnh hưởng lớn trong xã hội, hay họ sợ những người có thể trở thành lãnh tụ của phong trào dân chủ, nên không thể để trong nước mà phải trục xuất ra nước ngoài.”
Trở lại vấn đề công luận lâu nay nói rằng chính quyền Việt nam đổi chác số phận những người tù chính trị để lấy những quyền lợi thương mại, ngoại giao, nhà báo Trương Duy Nhất có nhận xét:
“Cái đó có đúng hay không thì phải hỏi các quan chức chính phủ, tôi không thể trả lời cái điều đó được. Nhưng mà sự việc nó xảy ra là như thế này: từ xưa đến giờ, một số nhân vật, một số vụ án nổi cộm, có hiệu ứng, ví dụ như trường hợp anh Hải Điếu cày, rồi trước đây là trường hợp Cù Huy Hà Vũ, rồi anh Nguyễn Tiến Trung, những trường hợp này khi trả tự do thì đồng thời lúc đó lại có những thõa ước giữa Việt nam và Mỹ!”
Chính quyền Việt nam chưa bao giờ công nhận chuyện đổi chác như vậy. Tuy nhiên trong bộ luật về đặc xá hiện hành, được ra đời vào năm 2007, có điều số 21 về những trường hợp đặc xá đặc biệt, điều này nói rằng những trường hợp đặc xá đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Như vậy những lời bình luận về việc nhà nước Việt nam đổi tù chính trị lấy lợi ích ngoại giao bấy lâu nay không phải là không có cơ sở.
Trả lời chúng tôi rằng liệu khi nào thì chuyện này sẽ chấm dứt, Luật sư Nguyễn Văn Đài trả lời:
“Việc này không phụ thuộc vào chính quyền cộng sản Việt nam, cũng không phụ thuộc vào Hoa kỳ. Mà việc này kết thúc khi nào là phụ thuộc vào nội tại phong trào dân chủ Việt nam. Khi phong trào dân chủ Việt nam tự mình đứng lên, đủ sức mạnh gây áp lực chính phủ Việt nam không được bắt người một cách tùy tiện, không chà đạp công lý và Hiến pháp nữa, thì lúc đó mới chấm dứt. Còn nếu như chúng ta, phong trào dân chủ Việt nam còn rất là yếu, phải trông chờ vào sức ép của Mỹ, EU hay là các nước khác thì chuyện mặc cả này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.”
Còn người cựu tù nhân chính trị trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung thì nói rằng nếu việc độc quyền cai trị của đảng cộng sản Việt nam vẫn còn tiếp tục thì việc đổi chắc đó sẽ không chấm dứt.
No comments:
Post a Comment