9/24/2015

Đàn áp vẫn gia tăng ở Việt Nam


Tác giả: Zachary Abuza, Guest Contributor
Người dịch: Trần Văn Minh
22-09-2015

Những người cai trị đất nước đàn áp bất đồng chính kiến một cách có kế hoạch và khôn khéo hơn.

Vào ngày 19 tháng 9 (bài viết ghi là tháng 7), Việt Nam phóng thích một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất, một cựu công an sau trở thành một blogger pháp lý, Tạ Phong Tần, trục xuất cô sang Hoa Kỳ.

Đây rõ ràng là một nhượng bộ trước chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2015, và nêu bật tình trạng khó khăn về nhân quyền ngày càng tăng của Việt Nam.

Chuyến thăm chưa có tiền lệ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Washington DC và Tokyo là một dấu hiệu rõ ràng rằng Hà Nội thấy rõ cả sự phát triển kinh tế lẫn an ninh đều gắn liền với phương Tây.

Hy vọng ngây thơ về việc đi theo người hàng xóm xã hội chủ nghĩa anh em là Trung Quốc, trong tham vọng muốn thống thống trị Biển Đông, đã bị Đảng bỏ sang một bên. Đảng đã tự cam kết theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương.

Nhưng việc hội nhập quốc tế nhiều hơn sẽ kéo theo sự dò xét kỹ lưỡng hơn nữa về nhân quyền của Việt Nam.

Trên nhiều phương diện, việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam vẫn không thỏa đáng; Việt Nam thuộc hàng các nước thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á về các quyền tự do dân sự, các quyền chính trị, bảo vệ pháp lý, tự do tôn giáo, tự do hội họp.
.
Kiểm soát một cách chặt chẽ

ĐCS không cho phép bất đồng quan điểm hoặc thách thức sự độc quyền cai trị của họ. Việt Nam là một trong những môi trường truyền thông bị kiểm soát nhất trên thế giới và là một trong những tên cai ngục hàng đầu thế giới của các nhà báo và blogger.

Chính quyền đã từng đóng cửa hoàn toàn những tờ báo, chẳng hạn báo Người Cao Tuổi, do tường thuật tích cực về tham nhũng của chính quyền, sa thải và bắt giam các biên tập viên, dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt lan rộng. Gần đây nhất là một nhà báo có uy tín bị sa thải khỏi tờ nhật báo cấp tiến nhất nước, báo Thanh Niên, do lời châm biếm của ông về ông Hồ Chí Minh.

Giới cai trị Việt Nam cũng cố gắng kiểm soát Internet, cho dù họ không theo kịp với sự lây lan của công nghệ 3G, 4G và sự xuất hiện khắp nơi của truyền thông xã hội. Xã hội dân sự vẫn còn yếu và bị hạn chế một cách rộng rãi. Chính quyền vẫn tiếp tục dựa vào luật an ninh quốc gia với ngôn ngữ mơ hồ, chẳng hạn như các Điều 88 và 258 của Bộ luật Hình sự, được coi trọng hơn các quyền được hiến pháp đề cao.

Tuy nhiên, về cơ bản, Việt Nam đã khác hơn so với ngay cả 5 năm trước đây, với những thay đổi sâu sắc trong việc tiếp cận thông tin, quyền tự do kinh tế, sự phát triển của xã hội dân sự, quyền thực hành đức tin, và những cải cách gần đây để chấm dứt cách hành xử từng phổ biến một thời của cảnh sát về tra tấn và cưỡng ép nhận tội.

Và điều này vẫn gây thất vọng, như rất nhiều những lời chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt là các chính trị gia và các nhóm người Việt ở nước ngoài, vẫn không thay đổi kể từ thập niên 1990.
.
Cam kết tôn trọng nhân quyền?

Trong chuyến đi tới Washington DC hồi tháng 7, Tổng Bí thư Trọng khẳng định: “Việt Nam rất coi trọng quyền con người”, mặc dù ông thừa nhận có “những hạn chế”.

Trong khi ông thừa nhận rằng nhân quyền vẫn là một điểm khúc mắc trong quan hệ Mỹ-Việt, ông nói rõ rằng nhân quyền “không nên được phép cản trở đà phát triển mối quan hệ song phương, cũng như ảnh hưởng đến việc xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

Với Đảng, giờ đây hỗ trợ phía sau mối quan hệ được cải thiện với phương Tây, chính quyền phải tìm cách trấn áp những người bất đồng quan điểm, trong khi giảm thiểu các phản ứng ngoại giao trái ngược. Lực lượng an ninh đang hành xử với sự kiềm chế khác thường.

Giải pháp ôn hòa về một cuộc đình công chưa từng có trong tháng 3 và tháng 4 năm 2015 là dấu hiệu của áp lực quốc tế lên Hà Nội khi đàm phán về TPP tiến vào giai đoạn cuối cùng. Tương tự như vậy, Việt Nam chỉ bắt 2 nhà bất đồng chính kiến trong năm 2015, giảm mạnh so với năm 2014. Lực lượng an ninh trở nên có kế hoạch và khôn khéo hơn.

Nhưng trước Đại hội Đảng thứ 12 vào đầu năm 2016, bất đồng quan điểm thậm chí còn ít được dung thứ hơn.

Mặc dù với lệnh ân xá 18.298 phạm nhân trong lễ kỷ niệm 70 năm tuyên bố độc lập của Việt Nam, không có đến một người bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là bất đồng chính kiến, được ân xá. Rõ ràng, vẫn có những giới hạn trong sự nhượng bộ mà chính quyền sẽ thực hiện, cho dù họ cũng cho thấy rằng tất cả các lựa chọn nhân sự vẫn chưa hoàn tất trước Đại hội Đảng.
.
Tấn công các luật sư, nhà hoạt động và các blogger

Như vụ bắt giữ và xét xử các blogger và các nhà hoạt động như Tạ Phong Tần và Phạm Thanh Nghiên thu hút giới truyền thông đối nghịch và sự quan tâm ngoại giao, chính quyền đang thực hiện 5 điều để bịt miệng các nhà phê bình và ngăn chặn những người khác.

Đầu tiên, họ nhắm vào các luật sư đại diện cho các tù nhân chính trị. Trong khi vụ bắt giữ trên 100 luật sư của Trung Quốc gần đây lên các trang báo, Việt Nam đã làm điều này trong nhiều năm. Sự sẵn sàng của chính quyền để bắt giữ Lê Công Định, là luật sư nổi tiếng nhất của họ, người đã thắng được một vụ tranh tụng thương mại lớn với Hoa Kỳ tại WTO, nói lên điều đó.

Ông Định bị cầm tù từ năm 2009 tới 2013, chỉ vì bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến khác. Mặc dù bây giờ được tự do, ông đã bị tước quyền luật sư, một nhắc nhở rõ ràng cho các luật sư khác nếu có chú ý đến các vụ kiện nhân quyền.

Các luật sư khác như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ An Đôn đã hoặc bị bắt, giam giữ, hoặc tước quyền luật sư do làm việc về quyền con người, dẫn đến tình trạng thiếu đại diện pháp lý đầy đủ cho những người khác.

Chiến thuật thứ hai là việc sử dụng các tội hình sự khác để né tránh các chỉ trích rằng những người bị kết án là tù chính trị. Luật sư vừa mới ra tù Lê Quốc Quân, cũng như Nguyễn Văn Hải, vào năm 2008 đã bị kết án lần hai vì vi phạm Điều 88 của Bộ luật Hình sự, đều bị buộc tội trốn thuế.

Tương tự như vậy, chính quyền đang bắt đầu sử dụng pháp luật về tội phỉ báng để bịt miệng các nhà phê bình. Trong tháng 7 năm 2012, một tòa án kết án 3 nhà hoạt động do phỉ báng ĐCSVN. Một khi luật được đưa ra, chính quyền có thể lập khuôn cách sử dụng các vụ kiện phỉ báng của Singapore và Malaysia để đánh sập các đối thủ chính trị.

blank
Ảnh: DemocracyVietnam.com
.
Thứ ba, khi các vụ xử thu hút sự chú ý của quốc tế, các cuộc tấn công thân thể của công an chìm đã trở nên phổ biến hơn so với các vụ kết tội chính thức. Trong tháng 11 năm 2014, một nhà báo tự do đã bị đánh gần chết bên ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng 12 năm 2014, một nhà hoạt động dân chủ nữ và blogger, Nguyễn Hoàng Vi, đã bị những người đàn bà có vẻ là nhân viên an ninh đánh đập.

Và không chỉ các blogger độc lập: trong tháng 9 năm 2014, bốn phóng viên của truyền thông nhà nước bị hành hung trong quá trình điều tra tại tỉnh Quảng Ngãi. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tường thuật rằng trong năm 2014, có 14 nhà báo bị đánh đập.

Sau đó có các cuộc tấn công vào nhà hoạt động. Mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội đã chịu thua chiến dịch công khai của các nhóm kiến nghị trực tuyến, chẳng hạn như “Cây xanh cho Hà Nội” và “6.700 người cho 6.700 cây” để ngăn không cho chặt 6.700 cây, và thậm chí sa thải các quan chức chính phủ, nhiều nhà tổ chức biểu tình đã bị đánh đập dã man. Gần đây nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với bút danh “Mẹ Nấm”, đã bị đánh trọng thương trong khi bị tạm giam – mặc dù không bị kết tội – vào tháng 7 năm 2015.

Hai nhà hoạt động đã bị giam giữ tại sân bay trong năm vừa qua trên đường trở về từ nước ngoài: Đoan Trang, một nhà báo công dân cho trang tin tức mạng về nhân quyền “Việt Nam Right Now” và Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Mặc dù cả hai không bị buộc tội, sự giam giữ và thẩm vấn kéo dài ngầm ý để đe dọa.

Chiến thuật thứ tư là tập trung việc giám sát trực tuyến của Chính quyền vào các trọng điểm. Đội quân kiểm duyệt trực tuyến của Hà Nội hầu như không thể bắt kịp với 30 triệu tài khoản Facebook trên toàn quốc, cũng như các blog và các phương tiện truyền thông xã hội khác, ngày càng được phản ảnh trên các máy chủ ở nước ngoài. Vì thế, chính quyền sử dụng các thuật toán riêng của họ để tìm các trọng điểm. Các trọng điểm này được đặt trên căn bản những nhóm người ta tham gia, hoặc những gì đăng tải được chia sẻ nhiều nhất, “thích”, hoặc nêu ý kiến trên đó.

Cuối cùng, chính quyền tập trung sức mạnh cưỡng chế của họ lên các trang web đang cố gắng để thực hiện bước thay đổi quan trọng từ các blog cá nhân lên trang mạng tin tức với nhiều biên tập viên , một sự chuyển đổi quan trọng đối với sự phát triển của báo chí độc lập.
.
Tiêu diệt nền tảng hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến

Việt Nam có rất nhiều blogger can đảm, nhưng chính là việc tổ chức, không nhất thiết là tường thuật, đã đưa nhiều người tới những rắc rối pháp luật nhất. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động của Mạng lưới các blogger Việt Nam của cô mang đe dọa tới cho nhà nước nhiều hơn các bài viết của cô.

Cô ta nói đúng. Nhà nước bị ám ảnh về sự phát triển của truyền thông độc lập có tổ chức.

Điều này được thể hiện trong các bản án. Bản án trung bình cho 16 trong số 23 blogger và nhà báo bị giam cầm trong năm 2014 là 8,1 năm. Bản án trung bình của 4 blogger / nhà báo, là người chủ yếu viết về các vấn đề tôn giáo và tham gia vào các hoạt động dựa trên đức tin, là 11,3 năm.

Bản án của 3 người cố gắng tổ chức xã hội dân sự độc lập, những người sáng lập của Câu Lạc bộ Nhà báo Tự do là 13,5 năm. Bất đồng chính kiến là một tội phạm, tổ chức bất đồng chính kiến, một tội lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, quyết định trong tháng 5 năm 2015 của 20 nhà văn rời bỏ Hiệp hội các Nhà văn Việt Nam và thành lập tổ chức độc lập của riêng họ, Hội Nhà văn Việt Nam Độc lập là vô cùng dũng cảm. Sự phát triển của một xã hội dân sự mạnh mẽ và độc lập là mối đe dọa lớn nhất của chế độ.

Có hy vọng rằng sẽ có những cải thiện rõ rệt. Mặc dù với tất cả những nỗ lực, chính quyền chỉ đơn giản là không thể theo kịp tốc độ và giám sát tất cả các phương tiện truyền thông xã hội. Khả năng bị xâm nhập Internet của Việt Nam là 44%, cao hơn các nước khác trong khu vực, giàu có và kinh tế phát triển hơn. Ở các thành phố, con số cao hơn nhiều.

Có chỗ trống để cải thiện?

Mặc dù việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng thứ 12 vẫn chưa được xác định, hiện nay tình hình thật sự sáng sủa cho những người chủ trương tiếp tục cải cách và hội nhập với phương Tây. Thật khó có thể thấy những người bảo thủ giáo điều nổi lên thành thế lực vượt trội. Như thế, sẽ có sự tiến triển dần dần của pháp quyền [cai trị của pháp luật].

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo liên tục nói về tham nhũng như là một “mối đe dọa sống còn” đối với độc quyền cai trị của Đảng. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ để bài trừ tham nhũng bằng cách lần theo một vài diễn viên cao cấp, đã thất bại trong việc ngăn chặn tham nhũng trong một nền kinh tế mà phần lớn vẫn còn bị mắc kẹt giữa kế hoạch và thị trường.

Hơn nữa, các nhà báo than phiền rất đúng rằng khi họ được phép để điều tra những nhân vật nổi bật này, những kẻ rõ ràng có liên hệ với một quan chức cấp cao, thì họ đang bị lợi dụng để hạ gục đối thủ chính trị, chứ không phải phục vụ như là thanh tra thật sự.

Trong khi tự do báo chí không phải là thuốc chữa bá bệnh cho tham nhũng, như Philippines cho thấy rõ ràng như vậy, nhưng đó là một điều kiện tiên quyết. Nếu đảng muốn duy trì tính hợp pháp, họ phải trả tự do lại cho báo chí, mà ngày càng không thích hợp khi đối diện với sự cạnh tranh từ con số ngày càng tăng các blog độc lập và các trang web mới.

Cuối cùng, có những lời kêu gọi để cải cách từ các cấp cao nhất. Ví dụ, vào giữa năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lên tiếng chống lại cách hành xử phổ biến của công an về việc tra tấn và cưỡng ép nhận tội. Kể từ đó, điều này trở nên một ưu tiên cải cách.

Đã có một số trường hợp trong đó những người bị kết án sai đã được trả tự do và bồi thường, trong khi công an và thẩm phán đã bị kết tội. Việt Nam có một chặng đường dài để đi, nhưng đã có một sự cải thiện có ý nghĩa trong năm qua.

Trong tháng này, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và là thành viên bộ chính trị, công khai kêu gọi sửa đổi các luật an ninh quốc gia mơ hồ, là công cụ chính để đàn áp: “Chúng ta không nên để cho các luật [an ninh quốc gia quá mơ hồ] tồn tại, mở cửa cho hầu như bất cứ ai cũng có thể bị bắt giam”.

Nói thì hay, nhưng hãy chờ xem điều đó được thực hiện, và tất cả các blogger khác được tự do.

.
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia , nơi ông tập trung vào các đề tài chính trị và an ninh Đông Nam Á.






dv

No comments:

Post a Comment