19/9/2015
Hai cha con anh Thành và bé Thanh đều gầy gò, tay chân tong teo như người suy dinh dưỡng. Hàng ngày, cô bé ốm o đó phải lội đầm sâu để hái sen rồi mang đi bán, kiếm tiền nuôi người cha bệnh tật của mình.
Hai cha con anh Thành và bé Thanh đều gầy gò, tay chân tong teo như người suy dinh dưỡng. Hàng ngày, cô bé ốm o đó phải lội đầm sâu để hái sen rồi mang đi bán, kiếm tiền nuôi người cha bệnh tật của mình.
Nơi gia đình em sinh sống là một mái nhà dột nát, chật hẹp, được dựng lên tạm bợ để chống chọi với mưa gió Sài Gòn.
Một anh bạn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một cô bé 11 tuổi ở quận Bình Tân, TP. HCM, hàng ngày phải lội ao, đầm… để hái sen đem ra đường lớn bán kiếm tiền nuôi người cha bệnh tật ở nhà. Câu chuyện anh biết được trong một lần tình cờ đi ngang qua nơi cô bé nhỏ nhắn ấy ngồi bán từng bó sen, anh dừng lại hỏi mua và trò chuyện cùng cô bé. Cô bé ấy đã 11 tuổi nhưng không được đến trường vì phải nặng gánh mưu sinh, khi người cha của em với đôi chân tật nguyền đã mất khả năng lao động từ hơn 1 năm nay.
Một ngày giữa tháng 9, tôi cùng anh bạn ấy đến thăm cô bé phi thường kia. Em dẫn chúng tôi vào nơi mà gia đình nhỏ của mình đang sinh sống. Con đường dẫn vào nhà em là con đường đất sình lầy, ngập lún, hai bên cỏ mọc cao hơn đầu người. Ngôi nhà của hai cha con nằm trên một mảnh đất cằn cỗi đang chờ quy hoạch phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Từ hơn một năm nay, cha của em là anh Nguyễn Văn Thành (45 tuổi, quê Bến Tre) đi lại khó khăn do bệnh tật và đôi chân yếu ớt phải chống gậy.
Tên em là Nguyễn Hồng Thanh, năm nay em tròn 11 tuổi nhưng không được đến trường như những đứa trẻ khác. Một ngày của em bắt đầu bằng việc dậy sớm, lội ra đầm sen trước nhà để mò mẫm hái từng cành sen đẹp nhất đem đi bán kiếm tiền. Mùa này sen không mọc nhiều nên em phải đầm mình trong dòng nước đen ngòm, nặng mùi rác thải mà tìm sen. Em lội tới, lội lui cũng hơn 1 giờ đồng hồ, kéo theo chiếc thùng mút cũ kỹ để đựng từng bó sen vào đó.
Bất kể mưa to hay nắng gắt, mỗi ngày Thanh lội ra đầm khoảng 2 lần để tìm sen. Nhiều hôm Sài Gòn đỏng đảnh mưa suốt từ sáng đến chiều, có khi nặng hạt mà rơi như trút, Thanh dù cố gắng đến mấy cũng không dám lội ra xa quá, đành ngồi bó gối nhìn ra đầm sen. Không bán được sen đồng nghĩa với việc không có tiền nên có hôm hai cha con không ăn gì, có hôm Thanh được người chú nấu chén cơm nhỏ lót bụng để ăn, còn anh Thành thì ăn rau luộc cầm cự.
Giữa đầm sen bát ngát, Thanh kéo theo chiếc thùng làm bằng mút xốp, len lỏi vào từng ngóc ngách để tìm hái những cành sen đẹp nhất.
Khi tìm đủ những cành sen để có thể bán thành từng bó, Thanh mới chịu lội vào bờ.
Sau hai lần dang nắng đầm mình trong ao, người ngợm đầy bùn đất và mồ hôi ướt đẫm trên tóc, Thanh lấy bộ đồ rồi chuẩn bị nước tắm.
Ở ngay giữa Sài Gòn phồn hoa nhưng khu vực em ở lại không có nước sạch, em hứng nước từ một cái ao còn đọng lại nước mưa từ những ngày trước để tắm.
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, Thanh sẽ kể cho cha nghe về một ngày “làm việc” của mình.
Hiện tại, anh Thanh sống cùng người em trai của mình và các cháu, nhưng hoàn cảnh gia đình người em cũng rất khó khăn, chật vật, không thể giúp đỡ được gì cho hai cha con anh. Do cái nghèo cái khổ bám lấy số phận, vợ anh đã bỏ đi từ lâu để lại cô con gái nhỏ do một tay anh nuôi nấng. Ngày còn khỏe mạnh, anh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền lo cho mình và cho con.
“Tôi cũng lội ao hái sen đi bán, có khi giăng lưới đánh cá, làm đủ kiểu để kiếm miếng ăn, con bé Thanh ngày đó ngồi trên bờ nhìn cha nó lội ao, lội đầm, nhiều lần cũng bảo: “Cho con đi với!” nhưng tôi cản. Hơn một năm trước, không hiểu bệnh gì mà bỗng dưng tôi mệt trong người, rồi chân thì yếu dần, đứng không vững chứ nói gì đến lội ao. Rồi Hồng Thanh thay tôi làm việc, nó bảo cha lội được, con cũng lội được. Giờ ngày nào, nó cũng ra đó hái sen rồi đạp xe ra đường nhựa, ngồi bán đến hết mới về…”, anh Thành gạt nước mắt, chia sẻ.
Dường như đã quen với cơ cực, Thanh không cảm thấy mệt mỏi khi trở thành trụ cột của gia đình. Em xem điều đó như bổn phận và trách nhiệm mà mình đương nhiên phải gánh.
Thanh nói, ở đây tuy thiếu thốn nhưng có các anh em chú bác, và có đầm sen, nơi gắn liền với tuổi thơ mình.
Lội nước trong đầm lầy suốt một thời gian dài, đôi chân của em bắt đầu xuất hiện những chứng bệnh ngoài da.
Hôm nay, em không phải đạp xe đi bán vì có một mạnh thường quân đã vào đến tận nhà thăm hai cha con và mua hết số hoa sen em đã hái được.
Một cành sen với giá 2.000 đồng. Một ngày, Thanh kiếm được khoảng 40.000 – 50.000 đồng. Những cũng có hôm, em chẳng bán được cành nào.
Đã từ lâu rồi, anh Thành chẳng đụng vào một hạt cơm. Khi có cơm do em trai mình nấu, anh để cho bé Thanh ăn, còn anh chỉ ăn rau luộc. Do chưa làm giấy khai sinh cho Thanh nên anh cũng không thể cho bé đi học. Nhưng vốn ham học nên Thanh cũng hỏi người em họ của mình cách đánh vần, đọc chữ. Thanh khoe: “Con thuộc hết bảng chữ cái, con có thể viết được họ tên của mình!”. Hỏi rằng Thanh có muốn được đến trường không, em lẳng lặng gật đầu.
Dù đã 11 tuổi nhưng Thanh chỉ biết bập bẹ đánh vần, viết chữ như học sinh mới vào lớp 1.
Sài Gòn lại chuyển mưa, Thanh buồn bã nhìn ra đầm sen, cô bé lo sợ mưa bão làm những cành sen còn sót ngoài kia bị quật gãy, những búp sen không còn đẹp cho đến ngày mai. Nhưng em biết không, hoa sen vốn là biểu tượng của sự thanh khiết và có sức sống mạnh mẽ đến kỳ lạ, giống như Thanh vậy!
Trước khi ra về, anh bạn của tôi còn ngâm thơ làm tặng cô bé: “Hỏi rằng trong đầm gì đẹp bằng sen? Xin đáp còn có cô bé tên Thanh kia kìa!”. Thanh cười trong veo, vẫy tay chào tạm biệt mọi người.
Theo Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment