9/14/2015

Nền giáo dục VN: Tổng hợp các ’đặc trưng xã hội chủ nghĩa’

Nguyễn Thanh Văn
10/9/2015




Nhận xét về nền giáo dục Việt Nam hiện nay, trong một bài viết gần đây (1), nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã cho rằng, đó là một nền giáo dục tiếp nối các đặc tính dở dang, chắp vá của nền giáo dục miền Bắc trước đây. Theo ông Vương Trí Nhàn thì đó là nền giáo dục vốn dĩ đã “tiên thiên bất túc”, tức là sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, đã bất thành nhân dạng. Cho nên đến nay, với một vài thay đổi trên bề mặt thì bản chất của nền giáo dục vẫn vậy; mà theo các diễn tả của ông Vương Trí Nhàn thì dù có “cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học.”

Một nền giáo dục “tiên thiên bất túc”

Từ bản chất “tiên thiên bất túc” và vì đã “cạn kiệt năng lực (để) tự cải hóa” nên nền giáo dục đào tạo ở Việt Nam lúc nào cũng rất “lình xình” như từ trước đến giờ. Càng cải cách càng bị lún lầy sâu trong vũng bùn giáo dục “xã hội chủ nghĩa” không lối thoát theo đúng các đặc trưng vốn có của nó.

Với mục tiêu phục vụ cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các đợt cải cách giáo dục những năm vừa qua, ngoài những đặc trưng của một nền giáo dục “tiên thiên bất túc” (2) đã mang thêm một “đặc trưng mới”. Đó là chi tiêu những khoản tiền khổng lồ để đạt được những hiệu quả rất nhỏ, mà tiền đi đâu thì chẳng ai biết.

Về vấn đề này, Ts Đặng Văn Định, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, từ năm 2004 đến 2014, vốn ODA đã lên tới 2,157 tỷ mỹ kim đã được dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề nói chung và đại học nói riêng tại Việt Nam, để được bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế, mà rốt cuộc nó vẫn cứ “lình xình“, mà theo nhận định của các tổ chức quốc tế thì:
Hệ thống đảm bảo chất lượng ở cấp quốc gia chưa hoàn chỉnh, chưa tách được cơ quan đảm bảo chất lượng bên ngoài ra khỏi sự chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp của Bộ Giáo dục, Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục vẫn chưa được thành lập.
Việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong còn mang tính đối phó với yêu cầu của bên ngoài chứ chưa phải là một nhu cầu từ bên trong với mục đích tự cải thiện.
Cơ chế đảm bảo chất lượng hiện nay chưa tạo được sự độc lập giữa 3 hoạt động: tự đánh giá (do các trường thực hiện), đánh giá ngoài (do một cơ quan độc lập bên ngoài nhà trường thực hiện), và công nhận kết quả (do cơ quan quản lý nhà nước trong giáo dục đại học hoặc hiệp hội các trường đại học thực hiện).
Các tiêu chuẩn chất lượng chưa thể hiện được quan điểm phân tầng (stratification) đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Chưa có hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng để thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo; vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp trong việc kiểm định chương trình đào tạo vẫn hoàn toàn vắng bóng.
Nhân sự hoạt động trong toàn hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực.
Hệ thống thông tin phục vụ quá trình đánh giá còn yếu và thiếu, và tính minh bạch của thông tin còn thấp.

Trong bài viết trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam số ra ngày 27.08.2015, Ts Đặng Văn Định cho biết rất khó nhận định chắc chắn về chất lượng, hiệu quả ODA. Ông cho rằng, các báo cáo của những ban ngành liên hệ “rất hiếm khi thấy những con số biết nói”.

Cũng theo TS Định, có những dự án giáo dục trong 5 năm đã ngốn hết 150 triệu mỹ kim vốn vay ODA, nhưng đáng tiếc là không có luận giải, công khai chi tiết kết quả đã đạt được, do đó không thể kết luận số tiền vay 150 triệu mỹ kim đó đã “đi vào đâu” và hiệu quả đạt được là gì?

Có lẽ câu trả lời cho những “ẩn số” của số tiền 2 tỷ mỹ kim, vốn vay ODA đem lại lợi ích gì cho giáo dục Việt Nam, đã được một học sinh lớp 8 là em Vũ Thạch Tường Minh trả lời một cách tổng quát qua câu nói "Giáo dục Việt Nam bây giờ quá thối nát". Hoặc như điều học sinh Nguyễn Thành Nhân muốn nói với Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam:”Học sinh - sinh viên chúng tôi không thể cứ mãi là chuột bạch cho các cuộc thử nghiệm vĩ đại của các vị đâu.” Phát biểu của hai học sinh vừa kể chỉ là vài thí dụ nhỏ trong tổng thể của nền giáo dục oặt ẹo (vì bất túc) cộng thêm những “cải cách giáo dục” lung tung sau này.

Bản chất nền giáo dục XHCN và những mục tiêu cải cách

Chẳng riêng gì học sinh, sinh viên, mà cả dân tộc Việt Nam đã bị đảng CSVN dùng vào cuộc thí nghiệm XHCN, để đến nay kết quả như thế nào thì mọi người đều đã biết. Cụ thể là đất nước đang có nguy cơ tụt hậu thua cả Lào và Kampuchia.

Mục đích của giáo dục là đào tạo ra những thế hệ cho tương lai của đất nước, vì vậy quốc gia nào cũng có những nền tảng giáo dục (vẫn được gọi là ’triết lý giáo dục’) để đạt được những mục tiêu mong muốn. Với chế độ CSVN, mục tiêu của nền giáo dục là nhằm đào tạo ra khối quần chúng để phục vụ chế độ; tương tự như dưới thời phong kiến, thực dân, những nền giáo dục liên hệ là nhằm đào tạo ra lớp người để phục vụ cho các chế độ đương thời.

Lịch sử nhân loại đã cho thấy, chế độ cộng sản là chế độ đi ngược lại sự tiến hoá. Câu nói đùa nổi tiếng của bà Phạm Chi Lan cách đây không lâu: “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!” chỉ phản ánh một khía cạnh trong tổng thể “đi ngược lại sự tiến hoá” của chế độ cộng sản mà thôi.

Năm ngoái, bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận đã bị cộng đồng mạng dồn dập nhạo báng khi ông trả lời báo chí triết lý giáo dục của Việt Nam là “Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã chịu khó đọc bản nghị quyết dài 9 trang này và nhận định rằng: “Chẳng có gì là triết lí cả. Cũng như các văn bản khác của Nhà nước (và đảng), toàn là những ngôn từ chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tuy nhiên, có một câu có vẻ có liên quan đến ’triết lí giáo dục’, đó là câu: ’Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.’” (3).

Thực ra, nếu đọc kỹ văn bản dài hơn 7 ngàn chữ này thì người ta thấy những mục tiêu nền giáo dục phục vụ xã hội chủ nghĩa được bản nghị quyết ghi ra cụ thể và nhấn mạnh nhiều lần.

Chẳng hạn như: “Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc”, “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo”, hoặc: “Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên. Bảo đảm các trường học có chi bộ; các trường đại học có đảng bộ”, v.v...

Trong mục quan điểm chỉ đạo mà hầu hết chỉ nói chung chung, thì nghị quyết 29 có điểm (điểm số 7) ghi rằng: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”. Đây dường như chỉ là lời hô hào suông (như đặc tính chung của các nghị quyết đảng), vì nó mâu thuẫn những mục tiêu phục vụ xã hội chủ nghĩa được đề cập ở trên.

Học thuyết XHCN đã bị nhân loại vứt bỏ từ lâu, thế nhưng đảng CSVN vẫn cố níu kéo, và lại dùng nó làm nền tảng chỉ đạo cho nền giáo dục để “chuẩn hoá, hiện đại hoá” hầu hội nhập với quốc tế thì không còn gì phi lý bằng.

Kết luận

Với nền giáo dục mà bản chất là “tiên thiên bất túc”, phải sửa đi sửa lại bằng những “cải cách” hổ lốn, đã tạo ra tiến trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam được nhà báo Nguyễn Trần Sâm ghi nhận lại như sau:

“Tiến trình phát triển của giáo dục VN từ 1975 đến nay có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài đến gần cuối thể kỷ XX, là giai đoạn Cổ Hủ, còn giai đoạn 2, khoảng thời gian còn lại, là giai đoạn Điên Loạn. Điều đáng sợ là giai đoạn Điên Loạn vẫn đang tiếp diễn với mức độ điên loạn “tăng dần đều”, và không biết còn kéo dài đến bao giờ”. (4)

Có lẽ mọi người (kể cả những người trong đảng CSVN) đều phải thừa nhận thực tế được nhà báo Nguyễn Trần Sâm đưa ra ở trên.

Với đợt cải cách giáo dục theo nghị quyết 29, cùng với ban cải cách giáo dục mà trưởng ban là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (gốc công an), phó ban là trưởng ban tuyên giáo Đinh Thế Huynh (ngành chuyên nói dối); cả hai đều vô giáo dục (theo nghĩa đen), và một phó ban khác lả phó thủ tướng Vũ Đức Đam (người có bằng cấp nhưng không phải là trí thức, cũng là tác giả của nhiều câu nói ngờ nghệch gần đây); người ta thấy, giai đoạn điên loạn giáo dục với mức độ tăng dần đều không biết còn kéo dài đến bao giờ, không chỉ là nhận định bi quan của nhá báo Nguyễn Trần Sâm, mà là một hiện thực ngay trước mắt.

- - -

Ghi chú:

1. “Mấy Cảm Nhận Về Sự Khác Biệt Giữa Giáo Dục Miền Nam Và Giáo Dục Miền Bắc, ”http://vuongtrinhan.blogspot.ca/2014/12/may-cam-nhan-ve-su-khac-biet-giua-giao.html

2. "Tiên thiên bất túc" là khái niệm y học cổ truyền phương đông, diễn giải việc thai nhi khi nằm trong bụng mẹ chưa phát triển đầy đủ (bất túc-không đủ), khi sanh oặt ẹo, thiếu dinh dưỡng, còi cọc.

3. Nguyễn Van Tuấn-Triết lý giáo dục, https://www.danluan.org/tin-tuc/20140501/nguyen-van-tuan-triet-li-giao-duc#sthash.yxWfGvBW.dpuf

4. NGUYỄN TRẦN SÂM – Đằng sau những thái cực trong quan điểm giáo dục là cái gì?https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/07/5010-guyen-tran-sam-dang-sau-nhung-thai-cuc-trong

No comments:

Post a Comment