Ông Đoàn Văn Vươn được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng sau khi được đặc xá trở về ngày 31/8.
Một nông dân nổi tiếng vừa được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 tuyên bố sẵn sàng tiếp tục ‘đứng lên’ trước áp bức, bất công.
Ông Đoàn Văn Vươn được trả tự do hôm 31/8 sau hơn 3 năm rưỡi thi hành bản án 5 năm tù về tội danh ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ.’
‘Người nông dân nổi dậy’ Đoàn Văn Vươn được mọi người biết tiếng từ vụ án gây chú ý công luận về chính sách trưng thu đất đai của Việt Nam khi ông cùng gia đình dùng vũ khí tự tạo chống trả lực lượng cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi đầu năm 2012, khiến 6 nhân viên công lực bị thương.
Kết thúc vụ án, 6 thành viên trong gia đình ông Vươn bị bắt và bị khởi tố; một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác, bị cách chức, và được hưởng án treo.
Vụ án Đoàn Văn Vươn được xem là đỉnh điểm xung đột đất đai xuất phát từ những bất cập về luật và chính sách thi hành luật đất đai tại Việt Nam. Vụ này thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều bạn trẻ đã khởi xướng các cuộc vận động thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho ông.
Trò chuyện với Tạp chí Thanh Niên VOA ngày ra tù, người được mệnh danh là ‘anh hùng áo vải’ Đoàn Văn Vươn nói ông không hối tiếc về việc đã làm vì đó là điều cần thiết giúp phơi bày ra ánh sáng những bất công-áp bức và ông nhấn mạnh sẽ không ngần ngại lặp lại hành động của mình nếu tái diễn tiêu cực.
Bản thân tôi đã vận dụng hiến pháp và pháp luật Việt Nam để khiếu nại-tố cáo và làm hết tất cả những việc có thể. Tôi cũng đã khởi kiện ra tòa và được tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Hải Phòng giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên. Ủy ban huyện Tiên Lãng đã chấp nhận, tiếp tục giao lại đất cho tôi và tôi rút lại đơn kháng cáo. Nhưng sau đó, người ta bất chấp pháp luật, ép tôi phải bàn giao đất. Tôi không chấp nhận và họ đã tổ chức lực lượng cưỡng chế để áp đặt. Tôi không còn con đường nào khác nữa. Nếu như phải chết, nằm tại đất này và phải xông lên. Từ tiếng súng, tôi đi tìm công lý.Ông Đoàn Văn Vươn nói.
Đoàn Văn Vươn: Khi chấp hành được 1/3 mức án, cải tạo từ khá trở lên sẽ được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Trà Mi: Một trong những điều kiện không thể thiếu để được đặc xá là làm đơn ‘nhận tội’, ‘xin khoan hồng.’ Ông có làm việc này không?
Đoàn Văn Vươn: Cái đấy bắt buộc phải làm. Nếu không làm, không được giảm án, không được đặc xá.
Trà Mi: Như vậy cuối cùng ông đã phải ‘nhận tội’ dù việc này trước đây tại tòa ông đã cương quyết từ chối?
Đoàn Văn Vươn: Vâng.
Trà Mi: Vì sao ông thay đổi quan điểm của mình?
Đoàn Văn Vươn: Khi tôi vào vòng lao lý, mong mỏi lớn nhất là làm sao sớm được trở về cùng gia đình. Không còn con đường nào khác ngoài việc phải chấp nhận những điều kiện họ quy định.
Trà Mi: Ngay từ buổi đầu khi ra tòa, chắc ông cũng biết nếu ‘nhận tội, xin khoan hồng’ sẽ được mức án nhẹ hơn. Vì sao lúc đó ông cương quyết từ chối?
Đoàn Văn Vươn: Tại tòa, quan điểm của tôi rất rõ. Tôi khẳng định hành vi của chúng tôi không phải là ‘giết người’ hay ‘chống người thi hành công vụ.’ Chúng tôi đã đưa ra những chứng cứ nhưng tòa hoàn toàn bác bỏ. Khi chấp hành án, trong cả một quá trình rất dài đều nung nấu một điều là làm sao sớm được trở về. Cho nên, không còn con đường nào khác, buộc phải chấp nhận. Đây là buộc phải chấp nhận. Kể cả bây giờ đã được về rồi, tôi vẫn còn muốn phải đấu tranh việc này cho rõ ràng.
Trà Mi: Ông nghĩ mình sẽ làm bằng cách nào?
Đoàn Văn Vươn: Theo pháp luật Việt Nam, việc kháng cáo, khiếu nại, hay giám đốc thẩm thì kể cả khi mình đã chấp hành xong bản án mình đều có quyền đòi hỏi việc này.
Trà Mi: Ông quyết định sẽ kháng cáo?
Đoàn Văn Vươn: Tôi sẽ đề nghị giám đốc thẩm việc này để giải quyết cho ‘thấu tình đạt lý’. Về tội danh người ta đưa ra là ‘giết người’ với khung hình phạt từ 12 năm tới chung thân hay tử hình, nhưng người ta chỉ xử tôi 5 năm vì đã có những áp lực và có kết luận của Thủ tướng rằng hành vi làm trái (của chính quyền địa phương) là nguyên nhân gây nên. Tuy mức án 5 năm, nhưng với tôi, xử tôi về tội ‘giết người’ là không đúng vì tôi chỉ phòng vệ chính đáng.
Trà Mi: Báo chí Việt Nam nói vụ việc xảy ra năm đó do gia đình ông ra tay trước, rằng lực lượng thi hành công vụ chưa ra tay đã bị tấn công. Thực hư ra sao?
Đoàn Văn Vươn: Chúng tôi đã cảnh báo trước khi người ta xuống cưỡng chế bất hợp pháp chúng tôi. Đầm nhà tôi có 2 quyết định giao đất và 2 quyết định thu hồi đất. Trong đó chỉ có quyết định thu hồi 19,3 hecta được giải quyết ở cấp tòa và người ta ra quyết định cưỡng chế ở khu đất 19,3 hecta này. Chúng tôi không hề tổ chức chống lại việc cưỡng chế ở diện tích 19,3 hecta mà chúng tôi tổ chức để bảo vệ giữ lại khoảng đất 21 hecta chưa bị áp dụng theo quyết định cưỡng chế.
Trà Mi: Hôm đó, bên nào ra tay trước thưa ông?
Đoàn Văn Vươn: Trên diện tích 21hecta chưa có quyết định cưỡng chế, chúng tôi đã rào để cảnh báo cấm không cho người đi lại. Họ đưa lực lượng cưỡng chế có cả cảnh sát cơ động, súng ống, chắn đạn v..v.. Họ xuống rất hùng hồn. Họ yêu cầu giao đất, chúng tôi dứt khoát không chấp nhận. Lúc đó chúng tôi chỉ đặt cảnh báo đầu tiên là mìn tự chế và vỏ bình gas không có gas, không xảy ra thương tích nào cho ai cả. Bản thân tôi đã qua bộ đội công binh, tôi hiểu và tính toán được là có thể kiềm chế được. Mục đích chúng tôi đánh dọa, tạo tiếng vang để cảnh báo thôi. Thế nhưng người ta không dừng lại. Quân đội và công an tiến hành nổ súng, bắn thẳng vào nhà mà bên trong người thân chúng tôi đang ở trong nhà. Chúng tôi vẫn cứ nằm ém, nhưng người ta bước tiếp tới hàng rào cảnh báo cuối cùng, cách 18 mét. Người ta tháo phá hàng rào. Người ta nổ súng, tiếp tục nổ súng và phá hàng rào. Không còn con đường nào nữa, chúng tôi buộc phải nổ súng để chống trả.
Buộc những nông dân như chúng tôi phải đứng lên làm những việc này thật sự là một điều vô cùng tai hại. Bản thân tôi và tất cả dân Việt Nam đều không muốn. Người ta đẩy chúng tôi vào tỉnh cảnh buộc phải đứng dậy. Từ vụ việc nhà tôi, tôi khẳng định nếu không dám ra tay thì mất hết. Buộc phải lựa chọn con đường: phải đứng lên, phải chống trả quyết liệt.Nông dân Đoàn Văn Vươn.
Trà Mi: Cho dù bên công lực bắn trước nhưng họ không gây thương tích cho ai trong khi tiếng súng nhà ông Vươn gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ. Cho nên, họ buộc ông tội ‘giết người’, ông nghĩ sao?
Đoàn Văn Vươn: Người ta sử dụng vũ khí quân lực. Nếu viên đạn của họ hôm đó trúng người thân nhà tôi thì chắc chắn chết. Còn chúng tôi chống trả lại bằng súng hoa cải và đạn 1,5 li chỉ bắn được chim, nếu bắn vào người chỉ ở mức gây bị thương nhất định, không thể gây tử vong. Ở khoảng cách 18-20 mét, tôi khẳng định với súng hoa cải mà tôi đã bắn vào lực lượng đấy không thể gây chết người.
Trà Mi: Vụ việc xảy ra là một cú sốc vì chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Ông Vươn nghĩ gì khi ra tay hành động như thế?
Đoàn Văn Vươn: Bản thân tôi đã vận dụng hiến pháp và pháp luật Việt Nam để khiếu nại-tố cáo và làm hết tất cả những việc có thể. Tôi cũng đã khởi kiện ra tòa và được tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Hải Phòng giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên. Ủy ban huyện Tiên Lãng đã chấp nhận, tiếp tục giao lại đất cho tôi và tôi rút lại đơn kháng cáo. Nhưng sau đó, người ta bất chấp pháp luật, bất chấp bản thỏa thuận thay cho một bản án của tòa và ép tôi phải bàn giao đất. Tôi không chấp nhận và họ đã tổ chức lực lượng cưỡng chế để áp đặt. Tôi không còn con đường nào khác nữa. Nếu như phải chết, nằm tại đất này và phải xông lên. Từ tiếng súng, tôi đi tìm công lý. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ được như thế vì nếu không giữ được đất, cả gia đình tôi không thể sống được, bị mất hết toàn bộ, không còn cái gì nữa.
Trà Mi: Ông nói lúc đó, ông ‘chỉ nghĩ được như thế’ nhưng giờ đây, sau bao nhiêu năm nhìn lại những gì phải trả giá cho hành động lúc đó, ông có hối tiếc-ân hận không hay cảm thấy đó là điều cần phải làm?
Đoàn Văn Vươn: Tôi hoàn toàn không hối hận, không ân hận. Việc này cần thiết phải làm. Nếu không làm thì không những vụ của tôi mà còn kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến quyền lợi của những người nông dân khác, những người dân Việt Nam cũng sẽ cùng cảnh ngộ như thế này. Nếu tiếp tục xảy ra như tương tự, tôi cũng sẽ sẵn sàng.
Trà Mi: Kết cục câu chuyện có đúng như những gì ông dự tính?
Đoàn Văn Vươn: Trước khi tôi ra tay, bản thân chỉ nghĩ rằng sẵn sàng chết ngay để chiến đấu với lực lượng cưỡng chiếm bất hợp pháp này. Nếu mình có phải hy sinh thì đây cũng là một tiếng vang, một lời cảnh tỉnh cho chính phủ Việt Nam, cho dư luận lên tiếng để nhà nước Việt Nam phải vào cuộc để làm rõ và yêu cầu chính quyền huyện Tiên Lãng rút lại các quyết định thu hồi đất. Đó là mong muốn và mục đích tôi làm việc này. Mong muốn đó cho tới giờ mới được đáp ứng một phần nào. Thứ nhất, chính phủ Việt Nam cũng đã kết luận việc làm trái và yêu cầu huyện Tiên Lãng rút lại các quyết định thu hồi đất. Trước mắt, người ta chưa làm thủ tục nhưng cũng đã giao lại cho gia đình nhà tôi quản lý, sử dụng. Tôi cũng đã tiếp tục khởi kiện, yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng phải bồi thường các thiệt hại do các quyết định hành chính của họ gây ra.
Trà Mi: Nếu ngày hôm đó ông không ra tay, ông có nghĩ kết cục sẽ khá hơn kết cục ngày hôm nay chăng?
Đoàn Văn Vươn: Nếu hôm đó tôi không ra tay, toàn bộ tài sản của nhà tôi sẽ mất trắng và gia đình nhà tôi chắc sẽ không sống nổi đến ngày hôm nay.
Trà Mi: Trong vụ việc này, ông Vươn thấy ông được và mất những gì?
Đoàn Văn Vươn: Cái được của tôi là giữ được tài sản hợp pháp, được dư luận trong và ngoài nước cùng những người yêu chuộng công lý trên thế giới ghi nhận. Cái mất là tôi và người thân lâm vào vòng lao lý và toàn bộ tài sản khi họ tổ chức cưỡng chế. Ngôi nhà họ đã bồi thường. Còn những tài sản lưu động khác, như trang thiết bị phục vụ nghề tôm cá, đều bị thiệt hại. Từ thông báo của họ không cho tôi đầu tư sản xuất từ năm 2007 mà phải đội đơn đi khiếu kiện một thời gian dài, những thiệt hại đó rất lớn.
Trà Mi: Kết cục vụ việc: người nông dân ở tù, quan tham bị mất chức. Cách giải quyết của phía chính quyền trong vụ việc này, ông thấy thế nào?
Đoàn Văn Vươn: Giải quyết như thế là chưa thấu tình đạt lý. Phi lý ở chỗ người ta là những người chức trách, thừa biết việc này là sai trái mà vẫn cố tình làm. Thế nhưng tòa án bỏ qua và cho họ hưởng án treo. Trong khi đó, chúng tôi là những người phòng vệ, bảo vệ chính đáng tài sản của mình lại bị bắt đi tù.
Trà Mi: Đi tìm công lý ôn hòa không được giải quyết. Cùng đường phải dùng tới bạo lực-bạo động thì mới được giải quyết. Điều đó cho ông suy nghĩ thế nào?
Đoàn Văn Vươn: Buộc những nông dân như chúng tôi phải đứng lên làm những việc này thật sự là một điều vô cùng tai hại. Bản thân tôi và tất cả dân Việt Nam đều không muốn. Người ta đẩy chúng tôi vào tỉnh cảnh buộc phải đứng dậy. Từ vụ việc nhà tôi, tôi khẳng định nếu không dám ra tay thì mất hết. Buộc phải lựa chọn con đường: phải đứng lên, phải chống trả quyết liệt.
Trà Mi: Với chính sách đất đai tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều người đã đang và sẽ lâm vào tình cảnh của ông, ông muốn chia sẻ điều gì với họ?
Đoàn Văn Vươn: Mình phải am hiểu pháp luật, phải dũng cảm đứng lên kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chân lý.
Trà Mi: Với giới hữu trách, ông có điều gì muốn nói?
Đoàn Văn Vươn: Tôi muốn nói rằng tất cả những người thực thi pháp luật hãy thực hiện đúng theo những gì pháp luật quy định. Tôi chỉ mong muốn họ làm công tâm, xứng đáng làm công bộc cho người dân Việt Nam như khẩu hiệu của nhà nước từng nói.
Trà Mi: Còn về luật đất đai của Việt Nam, ông Vươn thấy thế nào?
Đoàn Văn Vươn: Cho đến nay tương đối có thay đổi nhưng còn nhiều bất cập. Hiến pháp có nhiều những từ chung chung, cần tách bạch rõ ràng. Ví dụ điều 67 Luật Đất đai năm 2003 nói rằng ‘cho dân thuê đất không quá 20 năm.’ Những người áp dụng luật, nếu bảo 1 năm thì cũng ‘không quá 20 năm’ mà bảo 20 năm thì cũng ‘không quá 20 năm.’ Nó khiến cho các cấp chính quyền địa phương tùy tiện áp dụng, dẫn tới mâu thuẫn, tranh chấp.
Trà Mi: Đất đai ở Việt Nam theo mô hình xã hội chủ nghĩa nghĩa là dân có quyền sử dụng nhưng quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Việt Nam đi từ mô hình phong kiến qua xã hội chủ nghĩa với ý tưởng cho ‘dân cày có ruộng’. Nhưng xét cho cùng, với mô hình xã hội chủ nghĩa, dân cày dù có ruộng nhưng ruộng cũng không phải của họ, cũng chỉ là một hình thức họ làm thuê mà thôi. Ông nghĩ sao?
Tôi hoàn toàn không hối hận, không ân hận. Việc này cần thiết phải làm. Nếu không làm thì không những vụ của tôi mà còn kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến quyền lợi của những người nông dân khác, những người dân Việt Nam cũng sẽ cùng cảnh ngộ như thế này. Nếu tiếp tục xảy ra như tương tự, tôi cũng sẽ sẵn sàng.Ông Vươn nói.
Đoàn Văn Vươn: Chính cái đó là mấu chốt rất vướng cho đất đai Việt Nam. Luật Đất 1987 ghi rằng đất đai sở hữu của nhà nước. Đến 1993, khái niệm đó được đổi thành đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện làm chủ sở hữu, nhà nước có đặc quyền giao đất và thu hồi đất.
Trà Mi: Có người cho rằng tư hữu hóa đất đai là một giải pháp tốt. Là một nông dân, ông Vươn thấy giải pháp này thế nào?
Đoàn Văn Vươn: Tư hữu đất đai là gốc của mọi vấn đề. Mô hình đó sẽ khẳng định những người có đất có những quyền được bảo đảm chắc chắn hơn là quyền sử dụng đất.
Trà Mi: Khép lại mọi chuyện đã qua, ông Vươn thấy từ đây ông sẽ bắt đầu thế nào khi mà đất đai vẫn có nguy cơ có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào?
Đoàn Văn Vươn: Sắp tới, tôi phải tiếp tục đầu tư để khai thác, thu hồi những công sức và vốn liếng đã bỏ ra đầu tư. Còn sợ hay không, tôi không sợ gì cái việc đó.
Trà Mi: Vì ông không nghĩ họ sẽ tái diễn hành động đó với ông?
Đoàn Văn Vươn: Tôi cũng chưa dám khẳng định họ có tái diễn hay không. Nhưng nếu họ cố tình làm trái các quy định của luật pháp thì buộc cũng phải đứng lên.
Trà Mi: Có người xem ông là ‘anh hùng áo vải’, nhưng cũng có người gọi ông là thành phần ‘chống đối’, ‘bạo động’. Một định nghĩa về mình, ông Vươn sẽ nói gì?
Đoàn Văn Vươn: Không dám nhận mình là ‘anh hùng áo vải.’ Mọi người ủng hộ tôi, tôi rất cảm ơn. Còn bảo tôi là ‘chống đối’, ‘bạo động’ là sai hoàn toàn và họ hiểu lầm. Hành động của tôi để thức tỉnh các cấp chính quyền ở Việt Nam xem xét lại những người mà họ chọn làm thi hành công vụ, làm cán bộ phục vụ công bộc cho dân. Phải xem xét lại và chỉnh đốn lại. Tôi chỉ muốn nói một điều là người nông dân hãy mạnh dạn làm ăn và dám đấu tranh để bảo vệ thành quả, đất đai, và các tài sản hợp pháp được luật pháp Việt Nam quy định.
Trà Mi: Cảm ơn ông rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Đoàn Văn Vươn: Cảm ơn quý đài đã quan tâm đến tôi và gia đình tôi.
Trà Mi-VOA
07.09.2015
dv
No comments:
Post a Comment