Mường Giang (Vietbao.com)
3/31/2016
Mới đây báo chí tại Trung Cộng đã đồng loạt đăng tải sự lên tiếng của các chuyên gia môi trường tại Hoa Lục, trong đó có Giáo sư Đại học về môn địa chất là Yuan Aiguo. Theo họ thì tình trạng ô nhiễm đang xãy ra trên sông Dương Tử rất nguy kịch, ngoài việc gây bệnh ung thư vì nước uống, dòng sông có thể chết trong 5 năm sắp tới, do việc đổ xuống đây tất cả các loại rác rưởi, trong đó có hóa chất độc hại và cả xác tàu thuyền bị chìm. Hiện 80% nguồn nước ngọt của Thượng Hải là do sông Dương Tử cung ứng (80% thiếu vệ sinh và có chứa hoá chất). Dù Tàu Cộng cố bưng bít nhưng thảm trạng cũng đã bị phanh phui trên dòng sông Tùng Hoa.
Xem như vậy làm sao các dòng sông thiêng của VN như Hồng Hà, Đà Giang, Lô Giang và quan trọng nhất là sông Cửu Long, đều phát xuất từ bên Tàu, chảy qua tỉnh Vân Nam, trước khi vào lãnh thổ chúng ta, chắc chắn cũng đang mang chung số phận của sông Dương Tử. Có điều chừng nào VC mới dám công khai lên tiếng phản đối Tàu, trong lúc miền Nam đang hạn hán kinh khiếp vì nước sông Cửu Long gần như sắp cạn kiệt. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm nguy kịch chết người, đến với đồng bào khi sử dụng nguồn nước sông để uống. Hởi ơi, người Việt đã làm nên tội lỗi gì trong quá khứ, mà nay con cháu phải nhận lãnh những oan khiên tàn khốc của nợ đời, do chính bọn lãnh đạo CSVN mang tới, sau ngày 30-4-1975.
1 - ĐẬP THỦY ĐIỆN: VŨ KHÍ MÔI SINH CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG CỘNG
Giang Nam là tên gọi của lưu vực hạ nguồn sông Dương Tử, do nhà Thanh (1644-1912) đặt ra, gồm các tỉnh Giang Tây, Giang Tô và Triết Giang. Miền này thời Đường, Tống được gọi là Giang Châu, nguyên là đất đai của Bách Việt (Ngô Việt, Mân Việt, Âu Việt và Lạc Việt…), thủ công tinh xảo, dân trí thanh lịch, non nước hữu tình.
Sông Dương Tử còn có tên là Trường Giang, đứng thứ ba trên thế giới sau sông Amazone (Nam Mỹ) và sông Nil (Đông Phi), có chiều dài 6380km, phát nguyên tại vùng rừng núi Thanh Hải (Tây Tạng), từ trên độ cao 6600m, chảy qua phía tây Tứ Xuyên, xuống phía bắc Vân Nam, rồi đổi hướng chảy ngược lên phía đông Tỉnh Tứ Xuyên, ngang qua các tỉnh Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô và ra Biển Đông tại Hoàng Hải. Nếu tính luôn các phụ lưu, chi nhánh chằng chịt khắp miền Hoa Trung, thì chiều dài của sông Dương Tử lên tới 80.000 km, với hơn 12 triệu dân, gồm 55 sắc tộc, sinh sống ở hai bên bờ sông với đủ nghề.
Trên thượng nguồn, sông Dương Tử có 3 khe núi lớn gồm 25 thác đổ, nhiều nơi nước chảy xiết nhất là vào mùa mưa, khiến cho các ghe thuyền xuôi ngược dễ bị chìm vì đá ngầm. Đó là hẽm Kingtanxia dài 5km, hẽm Wuxia dài 25km và hẽm Xilingxia dài 47km., tuy ngày nay đã được nạo vét nhưng tàu qua lại vẫn phải có hoa tiêu hướng dẫn để tránh nguy hiểm.
Lưu vực sông Dương Tử hiện nay có hơn 400 triệu người sinh sống. Ngoài ra vùng này còn có 5 hồ lớn, thường được nhắc nhớ trong các tác phẩm thơ văn của Trung Hoa. Phân Dương Hồ, chứa nước ngọt, rộng tới 5000 km2, nằm trong tỉnh Giang Tây, gần thành phố Vũ Hán. Động Đình Hồ có các sông Tiêu và Tương đổ nước vào và thông với Trường Giang qua sông Hán. Hồ nằm phía tây tỉnh Hồ Nam, nổi tiếng với Nhạc Dương Lầu, măng tre Thần Châu và quít ngọt Động Đình Hồng. Thái Hồ chứa nước mặn nằm giữa hai tỉnh Giang Tô và Giang Tây. Sào Hồ và Tây Hồ.
- ĐẬP THỦY ĐIỆN TAM HIỆP TRÊN SÔNG DƯƠNG TỬ:
Tháng 12-1994, Trung Cộng chính thức khởi công xây dựng Đập Thủy Điện Tam Hiệp (Three Gorges Dam), trên khúc sông Dương Tử, chảy trong tỉnh Hồ Bắc, vừa để khống chế nạn lụt hàng năm, đồng thời xây dựng một nhà máy thủy điện với công suất tổng cộng lên tới 12.000 MW. Để thực hiện công trình trên, đảng cộng sản đã đuổi hơn 1,5 triệu người dân bản địa, đồng thời làm xáo trộn sinh hoạt của 20 thành phố lớn nhỏ trong vùng.
Tam Hiệp, địa điểm được chọn để xây dựng đập thủy điện, là tên một khúc sông Dương Tử dài hơn 200km, từ phía tây tỉnh Tứ Xuyên, chảy qua phía đông tỉnh Hồ Bắc, được coi như điểm nối của vùng thung lũng Tứ Xuyên với các đồng bằng miền Hoa-Trung, phía dưới hạ nguồn. Khúc sông này chảy qua ba hẽm núi lớn và 25 thác đổ. Theo nhận xét của nhiều bậc thức giả trong và ngoài nước, thì dự án Đập Thủy Điện Tam Hiệp tuy đã được manh nha từ thời Dân Quốc, do Tôn Dật Tiên đề xướng. Nhưng bị các hội bảo vệ môi trường sinh thái địa cầu chống đối, vì nó sẽ hủy diệt vĩnh viễn cảnh quan thiên nhiên trong vùng, đồng thời xóa tên 140 thành phố lớn nhỏ, 4500 làng mạc, 30.000 ha đất trồng trọt, hằng ngàn di tích lịch sử và tiêu phí một ngân khoản khổng lồ, mà không chắc đạt được kết quả mong muốn.
Với nước Tàu, từ trước tới nay sông Dương Tử là nguồn nước tưới cho cả khu vực đồng bằng Hoa Trung, miền đất cá và gạo, chiếm nửa tổng sản lượng của cả nước. Nhưng đồng thời sông Dương Tử cũng là tai ương ngàn năm của Hán Tộc, riêng trong thế kỷ XX lụt lội đã gây cho hơn 300.000 dân chúng trong vùng thiệt mạng. Giống như sông Mekong, sông Dương Tử cũng phát xuất từ Tây Tạng, chảy qua khu vực Tam Hiệp, trước khi vào thành phố Trùng Khánh, được coi như lớn nhất hiện nay tại Hoa Lục.
Từ nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất cũng vẫn là mục tiêu chính trị, khiến cho Bắc Kinh đã nhắm mắt lao vào một công trình rất tốn kém về tiền bạc, sức người lẫn thời gian, gây ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề tâm lý, khi đàn áp đuổi dân, phá hoại các công trình kiến trúc bao đời trong vùng. Thực hiện được đập thủy điện này, về quốc tế Trung Cộng sẽ hãnh diện có thêm một kỳ quan, sau Vạn Lý Trường Thành. Về kinh tế, Đảng Cộng Sản nuôi hy vọng, nhờ nó giúp mức phát triển 11% hàng năm qua nguồn cung cấp điện cho công nghệ và sinh hoạt.
Đây là một cái đập khổng lồ, kinh phí dự chi tốn khoảng 30 tỷ đô la, thực hiện trong 14 năm. Chiều cao của dập 607 bộ, chiếm một diện tích hơn 1 dặm vuông., bao gồm một hồ chứa nước dài 370 dặm và một hệ thống khóa đặc biệt: Hút nước từ các nguồn nước khác khi thiếu, cũng như xả nước vào mùa lụt, vừa giúp sự giao thông trên sông Dương Tử, đồng thời vét vơ nước từ các con sông khác, qua hệ thống kênh đào, để tưới cho các vùng đất khô hạn xa xôi ở phía tây.
So với các đập thủy điện khác trên thế giới, dập Tam Hiệp không cao và rộng hơn nhưng lại trội nhiều về sức mạnh, với 26 Turbin mà trọng lượng mỗi chiếc 400 tấn/1 chiếc, sẽ tạo ra 18.200 magawatt điện, công suất tương đương với 18 nhà máy điện nguyên tử. Đập này mạnh hơn các đập Itapu (giữa Brazil và Paraguy có công suất 12.600 megawatt ), dập Guri ở Venezuela có 10.300 megawatt, dập Grand Coulee ở Colorado của Mỹ có 6809 megawatt và đập Sayano Shushensk ở Nga với 6400 megawatt.
Theo nhận xét của thế giới, Trung Cộng đã tốn hết 75 tỷ mỹ kim cho công trình vĩ đại này (chứ không phải 19 tỷ như tuyên bố của đảng). Vì mục tiêu chính trị, Trung Cộng không cần biết tới tính khả thi và hiệu quả kinh tế của dự án, hầu như đều bị sự phê bình chỉ trích của các nhà đầu tư và tài chính quốc tế. Bởi thế nên không làm lạ khi nghe Phó giám đốc xây dựng đập là Cao Guangjing, nói rằng muốn biết đập có hoàn hảo hay không, phải đợi tới 30 năm sau mới thấy được.
Chưa hết, Trung Cộng còn cho biết sau khi hoàn tất đập Tam Hiệp vào năm 2008, Đảng lại tiếp tục xây thêm 10 đập khác trên thượng nguồn sông Dương Tử, nối tiếp vùng Tam Hiệp. Điều lo lắng nhất của người Tàu hiện nay, là làm thế nào để có thể giảm nhanh chóng một biển nước khổng lồ, luôn được chứa trong hồ với độ cao từ 512-574 ft, khi mùa mưa tới. Thãm kịch về đập thủy điện Banqiao ở Hồ Nam, vào năm 1975 mưa nhiều vở đê kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống đập chung quanh, gây lụt lội làm chết hơn 230.000 người. Nhưng Trung Cộng đã ém nhẹm tới gần đây thế giới mói biết. Ngoài ra đập thủy điện Tam Hiệp lúc chưa khánh thành nhưng đã có nhiều dấu hiệu bể nứt xuất hiện. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa anh em (Tàu,Nga, VC, Bắc Hàn, Cu Ba), gần hết ngân khoản của các công trình xây dựng, đều bị cán đảng và quan quyền lớn nhỏ, móc ngoặc với nhà thầu, chia, chặt, xén, bỏ túi.. cho nên đâu có kiến trúc nào được toàn vẹn, vì vậy chưa bàn giao đã lung lay hay sứt mẽ là cái chắc.
- HỆ THỐNG ĐẬP THỦY ĐIỆN TẠI TỈNH VÂN NAM, TRÊN SÔNG MEKONG VÀ HỒNG HÀ CHẢY VÀO VN:
Sông MeKong phát nguyên từ Tây Tạng, chảy qua Trung Hoa, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Kampuchia và VN rồi ra Biển Đông tại chín cửa lớn nhỏ, nên phần sông chảy trong lãnh thổ VN, mới có tên là Cửu Long Giang. Cũng vì dòng sông có sự liên hệ của nhiều nước, nên đã có chương trình hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong, do nhiều tổ chức và các định chế tài chính quốc tế tham gia. Trên lý thuyết, đã có tới sáu chương trình và dự án phát triển con sông trên. Chương trình Ủy ban sông Mekong (MRC), do LHQ khởi xướng từ năm 1957, nhằm quản lý nguồn nước và tài nguyên của sông, được xúc tiến mạnh sau năm 1975, khi chiến tranh Đông Dương lần 2 chấm dứt.
Năm 1992, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) lại khởi xướng chương trình hợp tác sông Mekong, giữa các nước liên hệ (GMS), thúc đẩy sự đầu tư khai thác của các nước trong vùng, qua các dự án đầu tự do ADB chi phối. Năm 1993, Nhật Bản đề xướng diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương (F&DI), chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng có sông Mekong chảy qua. Tiếp theo Nhật lại đưa thêm dự án AEM-MITI nhằm giúp Miến Điện, Lào, Kampuchia chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Cũng năm 1993, Thái Lan lại đề xướng chương trình hợp tác sông Mekong, nhằm phát triển khu vực sông chảy qua các nước Tàu, Miến Điện, Thái Lan và Lào.
Tháng 12-1995, Tân Gia Ba và Mã Lai lại đề xướng dự án hợp tác phát triển sông Mekong của các nước thành viên Asean có sông Mekong chảy qua, ưu tiên là đặt hệ thống đường sắt.. Nhưng tất cả đều là lý thuyết, vì Trung Cộng là nước ở thượng nguồn sông Mekong, chẳng bao giờ tôn trọng các ảnh hưởng, sự tác động và lợi ích kinh tế của những nước khác ở hạ nguồn. Trung Cộng đã ỷ mình nước lớn, nên đã bất chấp sự phản đối của các nước liên hệ, bao chục năm qua đã xây dựng cả hệ thống Đập Thủy Điện trên sông Mekong, trong tỉnh Vân Nam, gây thiệt hại nhiều nhất cho hai nước hạ nguồn là Kampuchia và VN.
Thật ra âm mưu khống chế sông Mekong, được Trung Cộng manh nha từ năm 1970. Do sự cô lập và bưng bít nên mãi tới năm 1989 khi Đặng Tiểu Bình mở cửa đón tư bản vào cứu đảng, người ta mới biết được đại khái là Hoa Lục đang xúc tiến các dự án đập thủy điện tại Vân Nam. Theo tài liệu chính thức của Tỉnh Ủy Vân Nam và lời xác nhận của Hiroshi Hiro, người Nhật, một chuyên gia về sông Mekong, cho biết Trung Cộng đã xây dựng tới 14 con dập bậc thềm, trên thượng nguồn sông này, đó là chưa kể các con đập khác ở các phụ lưu và trên sông Hồng Hà. Theo thứ tự từ Bắc xuống Nam, ta thấy các đập thủy điện Liutongsiang, Jiabi, Wunenglong, Tuoba, Huangdeng, Tiemenkan, Guongguoqiao, Công Quả Kiều, Xiaowan, Tiêu Loan, Manwan, Daichaoshan, Đại Triều Sơn, Nuozhado, Nọa Trát Độ, Jinhong, Cảnh Hồng, Ganlanba và Mãnh Tòng.
Sông Mekong hay Dza-Chu (Nguồn nước của đá), phát nguyên từ cao nguyên phía đông Tây Tạng, dài hơn 4000 km, chảy về hướng Nam, băng qua những hẽm núi sâu và rừng núi hoang lạnh của tỉnh Vân Nam với cái tên Lan Thương Giang (Lancang Jiang). Riêng khúc sông chảy giữa biên giới Lào-Thái mang tên Mae Nam Khong. Tại Cam Bot sông lại có tên là Tonle Thom và cuối cùng Cửu Long Giang trong lãnh thổ VN.
Trong cuốn sách 'Lan Thương Giang - Tiểu Thái Dương', do Vân Nam Nhân Dân Thư Xã ấn hành bằng tiếng Tàu, từ đầu tới cuối chỉ đề cao tới tiềm năng của sông cần khai thác, tuyệt nhiên chẳng thấy nói tới hậu quả nào do chuổi đập gây thiệt hại tới các nước ở hạ lưu. Điều này dễ hiểu, vì Trung Cộng luôn coi đó như một bí mật quốc phòng, thứ vũ khí môi sinh chiến lược, để khủng bố VN, quốc gia cuối cùng nơi dòng sông thoát ra biển.
Tóm lại chỉ riêng với ba con đập đầu tiên được xây dựng trên thượng nguồn Mekong là dập Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, với các triền núi cao dùng làm vách hồ chứa nước vào mùa mưa và xả nước trong mùa nắng. Hậu quả sông Mekong sẽ không còn những cơn lụt hằng năm, mang phù sa và các loại thủy tộc, từ thượng nguồn xuống Biển Hồ, sông Tiền, sông Hậu. Cuối cùng các hồ chứa nước tại Vân Nam, sẽ giữ lại hết phù sa và nước ngọt tại chuổi đập bậc thềm, làm cho Biển Hồ khô chết, còn đồng bằng miền Nam ven biển Đông, sẽ bị ngập mặn vì lòng sông thấp hơn mực nước biển.
Trước mắt những con đập tại Vân Nam, thường trực gây bất thường cho dòng sông Mekong, làm xói lở hai bờ, đọng nhiều muối trên đất, nguồn phù sa hằng năm từ thượng nguồn bị giữ lại, làm cho ruộng thiếu nguồn phân bón thiên nhiên. Tai hại hơn, là Trung Cộng đã trút đổ những chất phế thải độc hại từ các nhà máy công nghệ như chì, kẽm, cyanide.. gây ô nhiễm nước uống và hệ thủy sản trên sông, nhất là các loại cá.
Tháng 12-2001, theo tin Asian Pulse cho biết là Trung Cộng lại khởi công xây đập Tiểu Loan trên khúc giữa Lan Thương Giang, lớn thứ nhì trên nước Tàu, chỉ thua đập Tam Hiệp. Đập này có công suất điện 4200 MW, cao nhất thế giới 292 m, riêng hồ chứa nước lên tới 15 tỷ m3 khối nước, từ nguồn sông Mekong. Đập hoàn thành năm 2010 với kinh phí 4 tỷ đola.
Ngày nay Trung Cộng đã công khai đe dọa thế giới, trực tiếp đối đầu với Mỹ, Nhựt, Liên Âu và LHQ, nên đâu có lạ khi thấy người Tàu toàn quyền khai thác sông Mekong và từ chối tham dự Ủy hội bảo vệ con sông này vào năm 1995 cũng như không cần đếm xỉa tới thảm họa môi sinh của 5 nước dưới hạ nguồn. Thế giới ai cũng nhìn thấy rõ, nhất là mưu đồ dùng sông Mekong như một thủy lộ, khi có cuộc chiến trong tương lai gần.
2 - ĐỒNG BẰNG VÀ SÔNG NGÒI VN, TRƯỚC THẢM HỌA KHỦNG BỐ CỦA TÀU:
Diện tích VN hiện nay là 331.000 km2, trong đó hai đồng bằng Bắc và Nam Việt, xưa nay được coi như là vựa lúa gạo của cả nước. Miền châu thổ Bắc Việt hình thang, giới hạn bởi tứ giác Phủ Lạng Thương, Đồ Sơn, Việt Trì và Phát Diệm., với diện tích 15.000 km2, chỉ chiếm 12% Bắc Phần (115.700 km2), được hình thành bởi phù sa sông Hồng Hà và Thái Bình.
- SÔNG HỒNG HÀ: Phát nguyên từ rặng Ngụy Sơn, kế Đại Lý Hồ trong tỉnh Vân Nam (Tàu), có chiều dài 1200 km, phần chảy trên đất Trung Hoa gọi là sông Ma Lung hay Nguyên Giang. Riêng 500 cây số trong lãnh thổ VN, được gọi là Nhĩ Hà, Hồng Hà hay Sông Thao.
Sông vào địa phận Bắc Việt tại Hà Khẩu (Lào Kai), trước khi ra biển Đông, đã tiếp nhận nhiều phụ lưu quan trọng như sông Lô ở tả ngạn. Sông này còn có tên là Thanh Giang, cũng phát nguyên từ bên Tàu và chảy vào VN tại Hà Giang, rồi đổ vào sông Hồng ở Việt Trì. Sông Lô còn có hai phụ lưu là sông Gầm và sông Chẩy thông với hồ Ba Bể.
Sông Đà bên hữu ngạn, cũng phát nguyên từ Vân Nam, chảy vào VN song song với sông Hồng và đổ vào sông này tại Việt Trì. Ngoài ra còn có nhiều sông nhỏ khác, cũng đổ vào Nhĩ Hà như Nậm Pò, Nậm Na, Nậm Mấc, Ngòi Thia, Ngòi Lao ở thượng nguồn. Phía gần biển, có thêm các phụ lưu Sông Luộc, sông Đuống, sông Ninh Cơ, Trà Lý.. Tất cả đã mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng lúa mùa, miền Hạ Du, ngay từ thời Văn Lang lập quốc cho tới bây giờ. Từ Hà Nội lên Lào Kai, xuyên biên giới đi Vân Nam,có con đường sắt được thiết lập từ thời Pháp thuộc, chay song song với tả ngạn sông Hồng, qua những nhà ga Bảo Hà, Trái Hút, Phố Lu.. mang đầy huyền thoại trong kho tàng văn học dân gian, về các câu chuyện 'Ma-Cọp'.
Lào Kai là tỉnh địa đầu của miền tây bắc, chỉ cách Trung Cộng có cây cầi biên giới Cốc Lếu, nên trong cuộc chiến năm 1979, giặc Tàu gần như làm cỏ thành phố, mãi cho tới năm 1991 mới chỉ có 1700 gia đình trở về nhà cũ của mình.. Ngày nay nhờ chương trình du lịch Sapa và nhất là buôn lậu,nên Lào Kai dân số gần 100.000 người. Thị xã nằm ngay trên ngả ba sông Nậm Thị từ Vân Nam đổ vào sông Hồng. Cầu Hồ Kiều dài 200m, ngăn đôi hai nước, bên này là Lào Kai, phía bên kia là thị trấn Hà Khẩu, thuộc châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam.
Sông ra biền bằng cửa Ba Lạt và Trà Lý ở thị xã Thái Bình. Trước đây khi Trung Cộng chưa xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn của sông chảy trong tỉnh Vân Nam, thì Nhĩ Hà có lưu lượng rất lớn và thay đổi tuỳ theo mùa, từ 300m3/1 giây - 28.000 m3/1 giây nhưng trung bình là 700m3/1giây.. Nước sông dâng cao thường vào mùa mưa, tại Hà Nội có khi dâng cao tới 12m, trong khi mùa nắng mực nước chỉ có 2m.. Từ trước tới nay vùng Hoa Nam và Bắc Phần có nhiều mưa về mùa hè, làm cho mực nước sông Nhị dâng cao rất nhanh. Lúc trước tại Vân Nam, rừng chưa bị đốn để dựng đập nước, nên mùa mưa, phần nào giữ được nước tuôn từ thượng nguồn về.
Nay Trung Cộng xây đập khắp nơi, mùa nắng thì giữ nước ngọt lại trong hồ chứa để mà tưới, trái lại mùa mưa thì mở đập để nước trên sông lẫn trong hồ, tuôn về hạ nguồn, cho nên mấy năm qua, Hà Nội và các tỉnh Bắc Phần luôn bị nạn lụt. Trong khi đó, hệ thống đê điền ở miền Bắc tuy dài hơn 4000km, nhưng lại có quá nhiều khuyết điểm, chẳng hạn như đê phải đắp cao theo tình hình mực nước, khiến cho đê thường bị vở. Ngoài ra vì bị đê ngăn chặn phù sa, khiến cho đồng bằng Bắc Phần lần hồi không được bồi đắp, nên càng lúc thêm cằn cổi, thu hoạch kém, tốn nhiều phân bón.
Riêng hệ thống sông Thái Bình, dài độ 340km, chảy từ Phả Lại, qua Hải Dương ra biển, với các phụ lưu là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu, đều phát nguồn trong nội địa VN. Tuy nhiên vì Sông Nhị có hai phụ lưu ở tả ngạn là sông Đuống và sông Luộc, đều chảy vào sông Thái Bình, cho nên hệ thống sông này cũng bị ảnh hưởng khi nguồn nước hay dòng chảy của sông Hồng bị tắt nghẽn hay bất thường. do những ảnh hửng từ thượng nguồn bên Vân Nam gây ra.
- ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:
Ngày nay đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 12 tỉnh miền tây Nam phần: Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mâu. Khu vực này chiếm một diện tích 40.000 km2 với hơn 16 triệu dân, gồm người Việt, Khmer, Hoa và Chàm. Do cấu tạo môi trường thiên nhiên khác nhau, ảnh hưởng từ sông, biển và khí hậu, nên khu vực này được chia thành bốn vùng riêng biệt:
- Vùng phù sa nước ngọt: Từ nguồn sông chính tại Kampuchia, Mekong chảy vào Nam Phần bằng hai nhánh tại Châu Đốc và Hồng Ngự, xuống tận Mỹ Tho, Bến Tre. Khu vực này chiếm một diện tích hơn 1 triệu Ha, phần lớn là vườn cây ăn trái đủ loại, mọc bạt ngàn theo hai bờ sông Tiền và Hậu, cùng với một hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Đặc biệt giữa dòng sông thường có nhiều cù lao lớn nhỏ như Cồn Phụng, Lân, Qui tại Mỹ Tho, cù lao Ông Hổ ở An Giang, cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt-Cần Thơ), cù lao Bình Hòa Phước tại Vĩnh Long..
- Vùng phù sa nước mặn: Chiếm diện tích khoảng 900.000 Ha, bao gồm lưu vực các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. Đặc điểm vùng này là có nhiều rừng nguyên sinh ngập mặn, nhiều khu vực tập trung hàng ngàn loại chim cò đủ loại tại Vàm Hồ (Ba Tri-Bến Tre), Bạc Liêu hay Chùa Dơi (Sóc Trăng)..
- Vùng bán đảo Cà Mau: Nằm cuối miền Nam nước Việt, rộng chừng 1 triệu Ha và hằng năm được phù sa của sông Hậu, bồi đắp thêm làm cho Mũi Cà Mâu càng lấn ra biển từ 60 đến 80m. Tại đây còn nhiều khu rừng tràm, đước được dùng làm củi đốt từ xưa tới nay Khắp khu vực có nhiều Sân Chim Cò, Cốc hơn 40 loại, sống tại Ngọc Hiển, U Minh, Hòn Khoai. Đây cũng là vựa tôm, cá và đặc biệt là mật ong nổi tiếng của Miền Nam.
- Vùng Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên: Rộng 1 triệu ha, được coi như là những hồ chứa nước thiên tạo, vào mùa sông Tiền-sông Hậu lụt lội, nhờ vào năm miền trũng thấp. Trong số này quan trọng nhất vẫn là Đồng Tháp Mười, với các khu rừng tràm Xẻo Quít (20 Ha), Tràm Chim (2441Ha).. có hơn 141 loài chim sinh sống, nhiều nhất là loài sếu đầu đỏ.
Nói chung đồng bằng sông Cửu Long được tạo thành bởi phù sa của hai nhánh sông Mekong, gọi là sông Tiền (Dòng chính) và sông Hậu, được chia thành chín nhánh nhỏ hình rẽ quạt, đổ ra biển bằng chín cửa, lại tạo thành nhiều cù lao rất phì nhiêu. Trong lãnh thổ VN, phía thượng nguồn, sông Cửu Long làm thành vùng trũng như những hồ chứa nước thiên nhiên trong mùa lụt. Về phía biển, đồng bằng được phù sa bồi đắp cao ráo, thành những giồng để cất nhà cửa, lập vườn cây ăn trái. Dòng sông cho nhiều tôm cá quanh năm, bù đắp phù sa như một thứ phân bón hữu to rất tốt cho đồng ruộng. Toàn vùng, Mỹ Tho được coi là lý tưởng nhất cho nghề nông vì đất đai phì nhiêu, sông rạch đầy tôm cá, người dân làm chơi ăn thiệt, cuộc sống sung túc, tạo thêm dân trí lễ nghĩa với các thú vui nghệ thuật, mà phát triển nhất nếp sống miệt vườn tao nhã qua đờn, ca, hát xướng, thơ ngâm, hò đáp khi chèo thuyền giả gạo.
Sông Tiền Giang chảy ngang qua thành phổ cổ kính Mỹ Tho, trước khi ra biển bằng nhiều nhánh. Giữa những nhánh sông có các cù lao rộng lớn phì nhiêu, làm thành tỉnh Bến Tre nổi tiếng với rặng dừa xanh lơn nhất nước. Trường Trung Học danh tiếng Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho, được coi như là ngôi trường đầu tiên của người Việt tại Nam Phần, trong lúc Sài Gòn mới có ngôi trường Trung học dành cho con cái người Pháp (nay là trường TH.Lê Quy Đôn), lập hồi cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1926, Sài Gòn mới có trường TH.Petrus Ký, dành cho người Việt.
Đất Gò Công sát biển, nổi tiếng với Đức Từ Dũ (Mẹ ruột vua Tự Đức nhà Nguyễn), căn cứ chống thực dân Pháp của anh hùng Trương Định (1863). Ngược về phía nam, xuyên QL4 (nay là QL1), trước khi đến cầu Mỹ Thuận (thay thế phà), hai bên đường lẫn bờ sông, nhà cửa san sát, xen lẫn với vườn đủ loại trái cây và đồng ruộng lúa nước xanh um ngút mắt.
Qua cầu, quẹo về hướng biển non 10 cây số, là tới Vĩnh Long, miền đất hiền lành xinh đẹp nằm trên Sông Cổ Chiên, một nhánh của Cửu Long. Chợ tỉnh trải dài theo bờ sông bồng bềnh những giề Lục Bình hắt hiu trong màu phù sa làm cho nước vàng đục. Thành cổ xưa còn đó với cây đa cổ thụ, làm nhớ tới Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông.. người uống thuốc độc quyên sinh để đền nợ nước, kẻ thỉ rời bỏ quê làng chôn nhau cắt rút, dắt díu gia đình ra tận Bình Thuận tị địa vào năm 1867, khi thành Vĩnh Long bị thực dân Pháp đánh chiếm. Gần chợ nay vẫn còn Văn Thánh Miếu được lập ra thờ Khổng Tử, nhưng ngày nay người Việt đến cúng bái, gần như chỉ biết tới Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông mà thôi.
Bên kia sông Hậu là thành phố Cần Thơ, sung túc bề thế và xinh đẹp chỉ thua Thủ đô Sài Gòn. nên xưa nay vẫn được đời xưng tụng là Thủ phủ của Miền Tây-Nam Nam Phần, phát triển ngay từ đầu thế kỷ XX, ngay khi miền Hậu Giang trở thành vựa lúa gạo nuôi sống cả nước. Nhờ vậy mà cả cánh đồng lau sậy, tràm được, cá sấu, muỗi mòng, giữa sông Hậu và Vịnh Phú Quốc, được khai thác, đào kênh, đắp đường, mở mang làng xóm, trù phú như ngày nay. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ có Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, Nhà máy Điện lực rất lớn, cung cấp điện cho các tỉnh lân cận. Trường Trung học Công lập Phan Thảnh Giản thành lập từ năm 1926,hơn trăm năm qua đã đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài của đất nước, trong đó không thể không nhắc tới Nhà Quân Sử nổi tiếng hiện nay tại hải ngoại là Pham Phong Dinh..
Cuối nước Việt, về hướng biên giới,đầu tiên là Cảng Cá,nằm ngay Vàm sông Ông Đốc, qui tụ nhiều tàu đánh cá lớn khắp vùng. Xa hơn là Ngư Cảng Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang, nổi tiếng nhất nhì trong nước, ngang hàng với Ngư Cảng Phan Thiết-Bình Thuận. Biển ở đây cạn, nhiều bùn lại nhiều muỗi mòng nhưng ngược lại đầy tôm cá. Ngoài khơi Rạch Giá có hằng trăm đảo thuộc chủ quyền VN, trong đó có Hòn Tre diện tích lớn, dân đông.Kế bên là Hòn Sơn Rái nổi tiếng làm nước mắm cá biển.
Sát biên giới Việt-Kampuchia là Thị Xã Hà Tiên,phong cảnh hữu tình với Đông Hồ, núi Tô Châu, ngôi chợ tuy nhỏ nhưng đây cổ kính. Đối diện là Hải Đảo Phú Quốc, lớn nhất VN, chuyên trồng tiêu, làm nước mắm, ngư nghiệp
Từ Chợ Hà Tiên đi ngược lên dọc theo biên giới có Kênh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu đào vào thập niên 1920, thời Vua Minh Mệnh nhà Nguyễn. Kênh này như một thủy đạo, nối liền sông Hậu thông ra Vịnh Phú Quốc. Vùng này trũng thấp, đất phèn mặn, nên ruộng đồng hoàn toàn bị ngập, vào mùa lụt do sông Cưu Long dâng cao. Bảy Núi hay Thất Sơn bao gồm nhiều hòn lớn nhỏ, chạy dài trên 30km, mà đỉnh cao nhất là ngọn Núi Cấm (700m),mây trắng che mịt mù vào mùa đông, trong nuí có nhiều hang động thiên nhiên, trên sườn mọc đầy sắn, đậu, hoa quả và các cây thuốc Nam.
Kế cận là Thị Xã Châu Đốc, nổi tiếng ba miền là Miểu Thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam, được xem là chốn linh thiêng, quanh năm có rất nhiều thiện nam tín nử tới hành hương cúng kính.. Chợ Châu Đốc xây trên bờ sông Hậu, dưới sông tấp nập ghe thuyền. Phia bên kia sông có nhiều Làng Chàm Hồi giáo, chuyên sinh sống bằng ngư nghiệp và nghề dệt dệt tơ lụa.
Thành phố Long Xuyên là thủ phủ của tỉnh An Giang, lúa gạo sung túc, đang phát triển mạnh nghề nuôi cá bè trên sông Hậu. Đây là miền đất được mở mang sớm nhất ở Nam Phần, ngay từ năm 1700 khi Thống Suất Nguyễn Hửu Cảnh, được lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu, tới đây cũng cố biên giới, vì vậy các lưu dân từ Thuận Quảng theo chân đoàn quân vào đậy lập nghiệp rất đông đảo. Tại An Phú, đầu nguồn của sông Hậu trong tỉnh An Giang, nay còn sót lại Búng Bình Thiên, có diện tích rộng hơn 30.000 m2, là một vùng đất bị bỏ hoang vì nước sâu không thể trồng lúa được. Láng mọc đầy Sen và cỏ dại, là nơi chung sống của đủ loài thủy tộc, từ cá tôm, cho tới rắn rùa, sống dưới rừng củ co, bông súng, rau tràng.. cảnh sắc không gì thay đổi như từ hai ba thế kỷ trước. An Phú còn có tới 4 chợ trời biên giới và đông đảo người Chàm theo Hồi giáo cư ngụ.
Sa Đéc hiện nay chỉ là thị trấn, trong khi Cao Lãnh trở thành thị xã tỉnh lỵ của Đồng Tháp. Nằm bên hửu ngạn sông Hậu, Sa Đéc là vùng đất cổ, nổi tiếng với những vườn cây ăn trái của Nam Phần,nhờ khí hậu trong lành so với các tỉnh khác. Chợ Sa Đéc đẹp, vùng lân cận nổi tiếng về sản xuất hoa hồng. Trên con đường từ chợ tới Bắc Vàm Cống, có hai làng nghề truyền thống là Nem Lai Vung và Chiếu Lấp Vò. Ngoài ra tại làng Định Yên, còn có một Chợ chiếu độc đáo, mà người điạ phương gọi là ' Chợ Ma hay Chợ Âm Phủ ', vì chợ chỉ nhóm họp hằng đêm từ 12 giờ khuya tới hừng sáng thì dẹp. Đây là truyền thống đã có từ 100 năm qua, chuyên bán sĩ và lẽ hai loại chiếu ' Hà Niên'là loại chiếu bông vuông nhỏ và loại ' Vẩy Ốc ' màu trắng, bông được in bằng khuôn, làm rất công phu, để lâu không bị bay màu và lên mùi mốc.
Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng, nhiều phèn, vào mùa lụt nước sông dâng cao tới 4m, cá tôm nhiều nhưng muốn có phải mua sắm dụng cụ mới khai thác được.. Tại đây còn có một loại lúa trời, mọc tự nhiên, ăn được nhưng không ngon. Trước đây Đồng Tháp Mười coi như một đồng cỏ khổng lồ, ngày nay nhiều khu vực đã được khai khẩn để trồng lúa. Dân cư tứ xứ tới đây làm ăn rất đông, nhất là khu vực tiếp xúc với hai con sông Vàm Cỏ Đông và Tây.
Tại những tỉnh về phía Nam, nơi hạ nguồn của sông Hậu như Trà Vinh, Sóc Trăng, đồng bằng được phù sa bồi đắp, thành những giồng đất cao ráo, không bị úng lụt vì nước rút ra biển rất nhanh. Đây là địa bàn cư trú cũa người Việt gốc Khmer và người Minh Hương (Tiều Châu chiếm đa số). Ngoài những cánh đồng lúa, ruộng muối cò bay thẳng cánh ở Bạc Liêu, dân địa phương còn trồng nhiều hoa màu phụ như cải, dưa hấu, cây ăn trái.. Với người Việt gốc Khmer, thì thu nhập chính vẫn là cấy lúa ngắn hạn loại Thần Nông, trên đất cao không cần nhiều nước.
3 - TRUNG CỘNG GÂY TAI HỌA TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:
Từ trước tới nay, các tỉnh từ Hà Tĩnh vào tới Quảng Trị, thuộc Miền Trung nước Việt, luôn luôn hứng chịu thảm trạng chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời tiết, thêm vào đó Rặng Trường Sơn lấn ra sát biển, làm cho đồng ruộng cằn khô vì cát lẫn với đá núi. Cho nên trong dân gian đã có câu ca dao 'Trời hành cơn lụt mỗi năm, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm. Lời than thở này bây giờ đã vượt biên giới và trở nên thân quen đối với đồng bào miền Châu Thổ Sông Cửu Long, vì năm nào cũng phải cật lực đối phó với tình trạng lụt lội hay hạn hán, đã trở nên thường trực trong cuộc sống của mọi người.
Trong dòng sinh mệnh của dân tộc Việt, tổ tiên ta bao đời vừa phải ngăn chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng luôn luôn diễn ra cuộc chiến sống chết chống thiên tai bảo lụt, khắp ba miền Trung, Nam, Bắc., mỗi miền có một địa hình, thời tiết khác nhau nên cách phòng chống cũng vô cùng phức tạp.
Dựa vào tài liệu của bao đời lưu lại, ta thấy người xưa đã biết rất rõ ràng phương pháp trị thủy. Miền Trung điạ hình hẹp và dốc, sông ngắn nên lụt lội dâng lên rất mau., phải luôn đề phòng để kịp thời phòng chống. Ở Bắc phần, đồng bằng thấp hơn mực nước sông vào mùa lụt từ 5m ố 7m, vì vậy cần phải đắp đê rất cao để ngăn lụt. Hằng năm vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn bên Tàu chảy về, cộng thêm nước từ miền Trung Du và đồng bằng, lại còn thủy triều và nước biển dâng cao, do ảnh hưởng của bảo, là nguyên nhân mà các thời đại VN trong lịch sử, phải đắp đê ngăn ngừa lụt ở miền Bắc.
Năm 886 sau Tây lịch, miền Bắc đã bắt đầu khởi công xây dựng hệ thống đê điền, doc theo các con sông Hồng,Thái Bình và nhiều con sông quan trọng khác.. Hiện nay qua báo cáo, hệ thống đê tại Bắc Việt dài tới 3500 km,tổng khối lượng đất đá xữ dụng là 400 triệu m3, gồm 260 bờ kè, 800 cống thoát nước. Những con đê với bờ cao, dốc thoải,thảm cỏ xanh rờn, uốn lượn hai bờ sông, đã vẽ nên bức tranh quê làng VN, thật là êm đềm hạnh phúc. Khắp nơi chen chúc ruộng đồng, vườn tược và nhà cửa đình làng, ân hiện sau lũy tre xanh, đã nói lên thể phách văn minh văn hiến của Dân tộc Hồng-Lạc.
Từ khi Trung Cộng lén lút xây dựng các đập thủy diện trên hệ thống sông ngòi chảy qua tỉnh Vân Nam vào năm 1971, thì đại họa cũng bắt đầu đổ ập một cách âm thầm vào non nước VN, qua cảnh dòng sông không còn êm đềm chảy, mà dâng cao đục ngầu, mang đầy rác rưởi, gổ tre, khắp nơi đầy những vực xoáy hung dữ. Năm 1971, mực nước sông Hồng dâng cao tới 14,8 m,gần như lưu lượng nước (80-88%) đổ vào Sơn Tây, trung tâm của đồng bằng Bắc Việt. Từ năm 1920, bờ đê tại Hà Nội chỉ mới cao 11,5m. Năm 1932 là 13,3m và hiện nay đã cao tới 15-15,5m. Ngoài ra còn hy vọng vào các hồ chứa sông Đà, Lô, Gầm, Chảy và Ba Bể.. để hạ bớt mực nước lụt. Câu chuyện thần thoại 'Sơn Tinh Thủy Tinh' thời Tổ Hùng dựng nước, được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp hồi tiền chiến, vẽ lại bằng bức tranh thơ, đã nói lên cuộc chiến quyết liệt của Dân Tộc Việt,trước thảm nạn lụt lội và giặc thù truyền kiếp, cả hai đều xuất phát từ nước Tàu. Vậy mà từ Hồ Chí Minh tới các chóp bu kế tiếp sau này, lúc nào cũng to miệng bưng bợ Trung Cộng, rằng là đồng chí đồng rận, chủ nghĩa xã hội anh em, môi hở răng lạnh, sông liên sông núi liền núi.. cho nên VC mới đem không biết bao nhiêu đất đai biên giới, biển đảo để mà dâng cúng cho quan thầy,cũng đâu có gì lạ.
Đồng bằng sông Cửu Long trái lại bằng phẳng, cho nên trước đây người dân bản địa có tập quán là cứ sống chung với lũ lụt cho tới khi nước rút hết, chứ không làm gì cả. Ta biết Sông Mekong tuy phát nguồn tận Tây Tạng và chảy qua các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Kampuchia mới vào Nam VN. Quan trọng nhất, là dù phần cuối của sông Mekong, với tổng diện tích tự nhiên chỉ có 3,9 triệu ha, chiếm 5% toàn bộ lưu lượng của cả dòng sông. Trong lúc đó hằng năm, miền tây nam Nam phần, phải nhận của sông Cửu Long, hơn 460 tỷ nước, cùng 200 triệu tấn phù sa, tạo nên miền châu thổ phì nhiêu sông Tiền, sông Hậu ngày nay.
Lãnh thổ VN, chỉ có địa hình Nam Phần bằng phẳng, thấp không có đồi núi nhiều (trừ núi Bà Rá, Bà Đen ở miền Đông-Bắc,Thất Sơn ở biên giới phía Tây). Nên dù khắp nơi có đầy kênh rạch, sông ngòi nhưng vào mùa nước lụt, vẫn không chịu nổi ảnh hưởng của thủy triều và lượng nước tuôn về từ thượng nguồn, khiến cho lòng sông không tải kịp nước ra biển, gây nên hiện tượng úng ngập tràn lan kéo dài hằng tháng.
Trước đây khi dòng sông Cửu Long chưa bị biến thái vì các đập thủy điện trên thượng nguồn tại Trung Cộng, Thái Lan, Lào.. thì hằng năm nước ngập, đã mang đến thật nhiều phù sa bồi đắp cho miền châu thổ, làm cho Mũi Cà Mau lấn thêm đất ra biển, sông rạch có thêm nhiều tôm cá và đủ cac loại thủy sản.. Từ năm 1961 tới 1994, miền Tây Nam Phần đã bị sáu trận lụt lớn, làm ngập 1.828.000 Ha ruộng, kéo dài từ 3-6 thang mới rút hết nước.
Thật ra vấn đề lụt lội tại Nam Phần, đã được người Pháp quan tâm từ năm 1926, khi Đông Dương là thuộc địa của thực dân. Qua những hồ sơ lưu trữ, ta biết tới nay vùng này đã bị 31 lần lụt lội lớn nhỏ. Quan trọng nhất là năm 1966, vào mùa lụt, nước sông Cửu Long tại Tân Châu lên tới 5,28m (trước đó mực nước tối đa là 4,6m), đã làm cho toàn thể đồng bằng miền Tây chìm ngập trong biển nước. Trước đây người ta thường có quan niệm về sự lụt lội của Nam phần, là điều phải xãy ra theo chu kỳ qui định của thiên nhiên trong 4 năm. Đó là những giai đoạn 1937-1940, 1946-1949.
Nhưng giai thoại trên, kể cả lụt lội đem phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, coi như đã chấm dứt từ năm 1980, nguyên do vì Trung Cộng đã phá vở gần như tất cả những môi trường thiên nhiên tại thượng nguồn nhưng VN lại lãnh đủ hậu quả, nhưng cứ đem hiệu ứng nhà kính, đã gây ra sự thay đổi thời tiết, khí hậu, để mà đổ thừa hay che dấu sự thực.
Hiện nay có tới 12 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cưu Long, chiếm diện tích 3,9 triệu Ha nhưng vùng lụt lội hằng năm thường tập trung vào 7 tỉnh đầu nguồn là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Long An. Lụt lội hằng năm, làm cho 1 triệu Ha ruộng bị chìm ngập dưới nước sâu trong nhiều tháng, gần 10 triệu đồng bào địa phượng bị thiệt hại, từ nhân mạng tới vật chất. Lụt bây giờ ngập sâu và kéo dài hơn trước, lại đến sớm nhưng rút muộn, ảnh hưởng nặng nề tới nông vụ vốn là chén cơm manh áo bao đời của tầng lớp cư dân miệt vườn. Mặc khác lụt lớn, làm cho đất đai bị mòn xói, phá vở các công trình xây dựng hai bên bờ sông, kể cả đường xá kênh rạch. Riêng trận lụt năm 1996, làm cho 217 người chết trong đó có tới 162 trẻ nít, gây tổn hại tới 2182 tỳ tiền Hồ.
Sông Mekong khi chảy tới Kampuchia, trong tỉnh Kompong Cham thì lòng sông không đủ sức chuyển vận lưu lượng nước từ thượng nguồn, nên phần lớn ruộng đất trong vùng cũng bị ngập nước nhiều tháng, từ tháng 7-12 hằng năm. Nhờ nước tràn bờ nên lưu lượng giảm. Thêm vào đó tại NamVang, sông Cửu Long có một chi nhánh lớn là sông Tonle Sap, đã dẫn nước về chứa trong Biển Hồ có thể tích tới 80 tỷ m3.Nước này lại chảy ngược ra sông chính vào mùa khô.
Cũng tại Kompong Cham, sông Cửu Long lại chia thành hai nhánh: Nhánh chính tới Neak Luong và chảy vào VN tại Tân Châu gọi là Tiền Giang. Nhánh Phụ còn gọi là sông Bassaac vào Châu Đốc, đó là sông Hậu và ra Đông Hải bằng chín cửa nhưng nay cửa Ba Lai tại Bến Tre đã bị cát biển và phù sa bít kín. Tại đầu nguồn, vì lưu lượng nước quá mạnh, nên dòng sông thường bị tràn bờ, đã tạo nên vùng nước úng thủy Đồng Tháp Mười và Khu trũng Tứ Giác Long Xuyên. Ngoài ra vùng này còn phải tiếp nhận một khối lượng nước phèn, hơn 77% từ Kampuchia tràn sang trong mùa lụt.
Từ năm 1961 tới nay, miền Tây Nam Phần đã bị nhiều trận lụt rất lớn và thiệt hại, vào các năm 1961-1966-1984-1991-1994 với mực nước dâng cao từ 4,67m ố 5,28m. Năm 1978 tại Tân Châu, nước lên cao 4,88m làm 87 người chết, gây hư hại 307.000 Ha lúa và 9000 căn nhà. Năm 1994 mực nước lụt lên tới 5,11m làm chết 407 người, gây tổn thất 283.000 Ha lúa, 2799 căn nhà bị nước cuốn, thiệt hại tới 2284 tỷ tiền Hồ.Năm 1995 lại lụt, làm 150 người thiệt mạng, cuốn trôi nhiều nhà cửa và ruộng lua.
Nguy cơ trùng trùng nhưng Đảng chẳng những chẳng giải thích một lời nào về thảm họa vì đâu nên nổi, trái lai vẫn cứ ru ngủ đồng bào nạn nhân bằng luận điệu tuyên truyền như Mùa Nước Nổi Hay Sống Chung Với Lũ.. nhờ đó mà đồng ruộng Miền Nam được kéo dài tuổi trẻ, vì có sự bồi đắp của phù sa. Trong khi đó,thực chất gần như đất đai màu mở, cá tôm thủy sản quý của thiên nhiên ban cho các dòng sông Hồng Hà, Mekong.. đã bị chuổi đập lớn nhỏ trên 14 cái, được xây dựng tại Vân Nam giữ lại. Kế tiếp những gì may mắn thoát được, lại bị kẹt ở chuổi đập của Lào-Thái. Cho nên ngày nay, Kampuchia và VN chỉ còn nhận đủ những thứ cặn bã, trong đó có hơn 80% các quặng, hóa chất.. được thải từ hằng trăm nhà máy bên Tàu, đổ xuống dòng nước, tống ra biển, như chúng đã làm trên sông Dương Tử, mà chính báo chí tại Trung Cộng, vừa to tiếng tố cáo.
Khôi hài nhất là bọn Tàu trắng Á Châu và các nước Tây Phương, trong cái gọi là Ủy Ban hợp tác và bảo vệ sông Mekong, lúc nào cũng to miệng về những chuyện trên mây,mục đích vẫn là những dự án đầu tư kiếm lời, chứ đâu thấy ai nhắc tới hiểm họa, khủng bố mà Trung Cộng đã gây cho các nước ở hạ nguồn sông Cửu Long.
4 - ĐỒNG RUỘNG MIỀN NAM KÊU CỨU VÌ NẠN XÂM NHẬP NƯỚC MẶN:
Từ năm 1980 tới nay, các sông ngòi ở VN hầu hết đều biến đổi kỳ lạ: Mùa mưa thì tràn nước gây nên lụt lội, trái lại về mùa nắng nước thiếu gây nên cảnh khô hạn. Tại Nam Phần, chính việc thiếu hụt nước tại các sông, đã liên quan tới sự tấn công, xâm nhập của nước mặn từ biền tràn vào sông, trong các đợt thủy triều.
Đã có trên hằng triệu Ha lúa và hoa màu tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, bị nước mặn xâm nhập khốc liệt, vừa gây tổn hại tới thu hoạch cũng như làm cho mọi người trước nguy cơ thiếu nước ngọt để ăn uống,tắm giặt. Đây là thảm họa chỉ mới xãy ra tại Nam Phần từ sau thang 5-1975, hiện tượng nước mặn theo thủy triều chảy sâu vào nội địa các tỉnh sát biển, nơi cửa sông Cửu Long. Sở dĩ có tình trạng trên,vì ảnh hưởng của hai yếu tố từ lưu lượng nước tại thượng nguồn và vùng hạ lưu, cộng thêm lượng nước mưa cũng như sự bốc hơi vào mùa nắng.
Thông thường hằng năm, từ cuối tháng 4-5, nước mặn theo thủy triều chảy sâu vào nội địa, khiến cho nước ngọt tại các kênh rạch không còn dùng được để mà tưới ruộng lúa và hoa quả, gây nên cảnh hạn hán thất thu. Theo định luật khoa học, thì tiêu chuẩn độ mặn cần có trong lượng nước ngọt để phục vụ cho nông nghiệp là 4%. Trong khi đó nguồn nước lợ (nước ngọt đã bị nước mặn xâm nhập), độ mặn chỉ có 2% nhưng cũng chỉ để tưới ruộng tạm thời khi không còn một lối thoát nào khác. Nguyên do vì thứ nước lợ này, chỉ có tác dụng cứu khô ngắn hạn, nếu để lâu, nước bốc hơi làm cho nồng độ muối trong ruộng tăng lên cao, làm chết hết lúa.
Do phần lớn đồng ruộng ở miền Nam, không có hệ thống bờ ruộng và kè đê tốt, nên đã lãnh đủ sự xâm nhập của nước mặn chảy vào ruộng,với số lượng bị ảnh hưởng lên tới 1,1 ố 1,3 Ha theo báo cáo của các cơ sở Nông Nghiệp. Ngoài ra nước mặn còn gây tổn hại rất lớn đối với những đồng bào nuôi các loại thủy sản như tôm, cá, ốc.. để xuất cảng.
Nạn nước mặn xâm nhập đồng ruộng được đánh giá trầm trọng, bắt đầu từ năm 1977, trên sông Vàm Cỏ Tây và Tiền Giang. Tại đây nước mặn chảy sâu vào nội địa từ 8-12km, nhiều hơn những năm trước. Trên sông Vàm Cỏ Tây, nước mặn theo thủy triều vượt qua Tuyên Nhơn về hướng thượng nguồn hơn 30km và kéo dài tới 10 ngày mới rút. Tại Mỹ Tho, nước mặnvào sông Tiền ít hơn và chỉ ở lại có 4 ngày. Nhưng vì nhu cầu nước tuới, đồng bào đã vô tình giúp nước mặn tràn lan nội địa. Những năm 1985-1986, vùng Tuyên Nhơn-Đồng Tháp, tình trạng nước mặn xâm nhập có giảm so với các năm trước, nhờ con kênh Hồng Ngự mới đào, dẫn nước Vàm Cỏ Tây thông qua sông Tiền. Bắt đầu từ thập niên 1990 Đồng Tháp Mười được khai thác triệt để diện tích ruộng lúa, nên lượng nước ngọt dùng để tưới trở thành thiếu thốn, tạo điều kiện cho nước mặn càng ngày càng dâng cao, xâm lăng tới tăp vào sâu trong nội địa.
Năm 1993, nước mặn theo sông Vàm Cỏ Tây, lên tới thượng nguồn và ở lại Tuyên nhơn tới 50 ngày. Trên Tiền Giang, do nhu cầu xữ dụng quá nhiều nước, nên ranh giới giữa nước ngọt và nước mặn cũng thay đổi từng năm. Tại Mỹ Tho, nước mặn đã vượt qua vài cây số và nằm lai tới 17 ngày mới rút ra biển. Năm 1998, tình trạng trên lại tái diễn một cách khốc liệt. Nguyên do vì mùa nước nổi tại đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1997, diễn ra thật bất thường, nước từ thượng nguồn đổ về rất ít và rút đi rất sớm Tình trạng trên gây ra khô hạn kéo dài, tạo điều kiện để nước mặn dâng lên cao và ùn ùn kéo vào sông Vàm Cỏ Tây, chảy sâu vào nội địa tới 15-20km.
Trên sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên tuy lưu lượng có kém so với các năm trước, nhưng vẫn còn sức mạnh, làm giảm thiểu phần nào sự xâm nhập của nước mặn, tuy nhiên cũng đã gây thiệt hại cho hơn 200.000 Ha ruộng lúa. Trong khi đó, vùng tứ giác đầu nguồn Long Xuyên và phía Tây sông Hậu, lại bị ảnh hưởng rất nặng bởi sự xâm nhập của nước mặn, vào sâu trong nội địa từ 16-20 km và ở lại hơn 3 tháng.
Sự xâm nhập của nước mặn vào các sông ngòi miền Nam, là nguyên nhân chính làm các nhà máy đường phải đóng cửa ngưng hoạt động, vì nước ngọt từ năm 1999 đã tăng lên 30.000/1m3 tiền Hồ. Từ đây nước mặn tấn công vào đất liền sớm hơn mấy năm trước. Tóm lại, không riêng gì Tuyên Nhơn, Mỹ Tho.. mà hầu như các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long như Vàm Mỹ Hoá (sông Hàm Luông-Bến Tre), Trà Vinh,, An Thuận, Bến Trại, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ đều bị nước mặn xâm nhập phá hoại tàn khốc và không có triệu chứng nào, báo hiệu thảm họa trên sẽ ngừng hay chấm dứt. Thêm vào đó, từ mấy năm nay thời tiết lại thay đổi đột ngột, gió chướng thổi manh hơn mấy năm trước, dồn nước mặn vào sông nhiều hơn, đồng lúc thủy triều tại cửa sông hoạt động thêm dữ dội, trong khi lưu lượng dòng sông từ thượng nguồn chảy xuống càng lúc càng yếu dần, không đủ triều cường giữ giới hạn giữa hai con nước như mấy thập niên trước.
Hởi ơi viết chuyện nước mà đau lòng với nước'
'Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mõi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta'
(Bà Huyện Thanh Quan)
Hay 'Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể, lại mưa về nguồn'
(Tản Đà)
Vẽ hửng hờ và êm ả của giòng sông, vào lúc chiều tà hay khi trăng treo trên đầu núi, không biết Nguyễn Du tiên sinh sống lại, đứng trước những thảm họa trên,đang ào ạt trút xuống những giòng nước thân thương đó, từng phút, từng giây, từng trong hơi thở của nhip sống Dân Tộc Việt, có còn đủ cảm hứng để hạ bút đề thơ:
'Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác, biết là về đâu'-/-
Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 3-2016
MƯỜNG GIANG