3/10/2016

Nguyễn Tấn Dũng: Gửi công hàm đến các nước thượng nguồn "xin" xả đập thủy điện sông Mê Kông (hậu quả của sự thiếu trách nhiệm của CSVN - đã không là thành viên có quyền bỏ phiếu của Tổ chức các nước bên sông Cửu Long

Một Thế Giới (báo trong nước)
07-03-2016



Đây là một trong những giải pháp cấp bách được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo trong buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về phòng chống hạn, mặn vào sáng nay 7.3.

Có thể bạn quan tâm

Chính quyền và người dân “gồng” mình chống hạn, mặn

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ta từ cuối năm 2014. Đây là hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nước ta.

Đến nay nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hạn, mặn.

Tại buổi làm việc nhiều tỉnh thành đã báo cáo và thống kê với Thủ tướng về mức hộ ảnh hưởng do hạn mặn gây ra cho bà con. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh Bến Tre cho biết: “Đến nay Bến Tre đã bị nhiễm mặn gần hết, 164 xã phường thì chỉ còn lại 4 xã của huyện Chợ Lách không có nước mặn".

Vụ đông xuân, Bến Tre xuống giống 14.759ha, đến nay đã bị thiệt hại 13.845ha. Chắc chắn Bến Tre sẽ bị thiệt hại 100% vì lúa Bến Tre đang giai đoạn trổ đòng, với tình hình nước mặn như hiện nay, chắc chắn lúa sẽ không trổ được.

Còn huyện Ba Tri có tổng đàn bò 150.000 con, yêu cầu rơm rất lớn. Trong khi lúa thiệt hại, rơm không có nên Bến Tre phải bán bớt bò vì không có rơm cho bò ăn, mỗi con thiệt hại khoảng 10 triệu đồng...”.


Nhiều kênh rạch đã khô kiệt nước

Ngoài ra, nước sinh hoạt của Bến Tre cũng thiếu trầm trọng. Hiện Bến Tre có 350.000 hộ dân thì có 88.000 hộ thiếu nước ngọt. Các nhà máy, bệnh viện, trường học có học sinh cư trú, nhà máy chế biến công nghiệp đang thiếu nước ngọt. Thiệt hại chung, lên đến khoảng 200 tỷ đồng.

Ông Hạo nói: “Chúng tôi đã chỉ đạo cho người dân Bến Tre phải biết thu giữ nước mưa. Hiện nay một số nơi đang dùng vải nhựa để trải xuống ao giữ nước mưa. Tiến hành xây dựng các điểm trữ nước ngọt, hỗ trợ các vùng ven biển các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu, thùng...”.

Đợt xâm nhập mặn này, Cà Mau là tỉnh bị sớm nhất, từ 2015 và đầu 2016 đã bị nhiễm hoàn toàn. Lượng nước các kênh rạch Cà Mau cạn kiệt, các kênh gần như khô đáy, gây khó khăn sản xuất, chữa cháy và sinh hoạt đời sống.

Cà Mau đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1. Mực nước khu vực rừng tràm thấp hơn cùng kỳ 3 tấc, trên 42.000ha rừng bị khô hạn, khoảng 4.000ha nguy cơ cháy cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm). Mỗi ngày mực nước trong rừng tràm giật xuống từ 1-2 phân. Nếu cháy xảy ra không có nước để chữa cháy. Thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Còn Kiên Giang, tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra nhiều năm qua, nhưng năm nay mức độ đến sớm và nặng nề, nhất là huyện Kiên Lương thiếu nước. Kiên Giang đã bổ sung thêm 20.000m3 nước ngầm cho Rạch Giá. Các vùng hải đảo, trong đó huyện Kiên Hải phải chở nước ngọt sang đảo để cung cấp nước cho người dân trên đảo.

Hiện Kiên Giang đang đắp 96 đập tạm giữ nước ngọt, tiếp tục đắp thêm 5 đập lớn: Rạch Giá - Hà Tiên, Kênh Nhánh, Rạch Giá - Long Xuyên… mới đảm bảo kênh chứa nước thời gian tới.

Khoảng 155.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt

Do có sự chủ động về công tác phòng ngừa hạn mặn, nên mức độ thiệt hại của Sóc Trăng so với các tỉnh trong vùng tươn đối nhẹ. Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi có 1 thị xã không làm lúa, có 1 huyện làm 1 vụ lúa tôm… Thiệt hại chỉ 12.800ha lúa, trong đó khoảng 4.000ha thiệt hại 70%.

So với 1 số tỉnh, Sóc Trăng thiệt hại không lớn do sự chủ động từ đầu, chỉ đạo các ngành, tổng rà soát, mua các thiết bị đo độ mặn. Khi nào nước bên ngoài độ mặn cao thì chúng tôi ngăn và ngược lại, thời gian đóng mở các cống theo độ mặn ngọt của nguồn nước.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích lúa thiệt hại toàn vùng ĐBSCL từ cuối năm 2015 đến nay gần 139.000ha; trong đó, 86.000ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau: 49.343ha, Kiên Giang: 34.093ha, Bạc Liêu: 11.456ha và Bến Tre: 13.844 ha.

Thời gian tới, nhiều diện tích lúa đông Xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch (hiện tại đã thu hoạch được hơn 40% diện tích); do vậy, diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán sẽ không nhiều, dự kiến khoảng 46.000ha.

Đối với vụ hè thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6.2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước nghiêm trọng, gồm: 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung và 11.000 hộ được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã (huyện Chợ Lách) nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn!

Do hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là 2 cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Do nắng nóng kéo dài, bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm và phát sinh dịch bệnh...

Căng mình chống hạn mặn

Bộ NN&PTNT dự báo, mùa khô 2015 - 2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6.2016, muộn hơn cùng kỳ. Cụ thể từ tháng 3 trở đi, các vùng cách biển 30 đến 45km, nguồn nước nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Các vùng cách biển từ 45 đến 65km có khả năng bị mặn cao (>4gl) xâm nhập. Nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6.2016.

Các vùng cần đặc biệt chú ý như Gò Công, Trà Vinh, các khu vực trong phạm vi cách biển 30-45km có khả năng có nước ngọt từ đầu tháng 3 đến, sau thời gian này độ mặn sẽ lên cao, không lấy được nước. Vùng Long Phú - Tiếp Nhật (Sóc Trăng), có nước ngọt từ đầu tháng 3 đến ngày 7.3, cần tranh thủ lấy nước.

Riêng vùng ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) mức độ xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ vận hành các cống ngọt hóa ven quốc lộ 1 từ Bạc Liêu đến Cà Mau. Cần lưu ý vận hành hệ thống Quản lộ Phụng Hiệp để giải quyết tình trạng này.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân tái sản xuất.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng ngay tại buổi làm việc phòng, chống xâm nhập mặn. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước và các địa phương nhanh chóng hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân để chi trả tái sản xuất vụ tiếp theo.
NTD muốn phải nhanh chóng hỗ trợ dân tái sản xuất

Thiên tai lớn diện rộng như thế này thì số nghèo sẽ tăng lên. Ngân hàng chính sách cũng phải phát huy hết trách nhiệm trong lúc này…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Đây là hiện tượng thiên tai nặng nề kéo dài nhất trong lịch sử, đến nay vẫn còn đang diễn ra phức tạp. Qua hội nghị này đề nghị các địa phương chung sức cùng với nhân dân khắc phục vượt qua thiên tai lịch sử này. Coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Chính quyền địa phương tìm mọi cách hạn chế nhiều nhất những khó khăn vất vả của đồng bào. Phải làm hết sức để dân bớt vất vả khó khăn, thiệt hại thấp nhất. Trước mắt, phải đảm bảo nước ngọt hợp vệ sinh cho dân, không để dân thiếu nước!”.

Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh bị thiên tai cần sớm đề xuất, đề nghị số lượng thiệt hại để Chính phủ có hướng hỗ trợ. Tập trung ngăn mặn, giữ ngọt chống sạt lở biển Tây và biển Đông.

Hàng loạt kiến nghị

Ông Phạm Vũ Hồng Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kiến nghị: Về lâu dài, đối với bờ biển Tây của Kiên Giang có chiều dài gần 200km. Theo ước tính nếu làm hết các cống ngăn mặn khoảng 6.000 tỉ, đề nghị Chính Phủ sớm đầu tư để xây dựng các đê, cống kịp thời ngăn mặn. Ngoài ra, cần đẩy nhanh triển khai dự án cung cấp nước cho khu vực ĐBSCL….

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành, cần quy hoạch rừng tràm U Minh Hạ, tính toán quy hoạch các đê cống, chống sạt lở. Đề nghị sớm đầu tư hồ chứa nước ngọt vườn quốc gia U Minh Hạ. Đề nghị cho chủ trương xây dựng các công trình ngăn mặn sông Cái Lớn, Cái Bé...
Theo báo Thanh Niên, Thủ tướng Chính phú Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL.

Về lâu dài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Bộ TN&MT phải có dự báo, rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung của vùng ĐBSCL, phải căn cứ vào diễn biến của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, kết hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT cùng với địa phương, rà soát quy hoạch lại hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi tổng thể của cả vùng. Xác định các dự án cấp bách để có hướng đầu tư xây dựng. Từng tỉnh phải tính lại, quy hoạch lại việc cấp nước ngọt cung cấp cho dân sao cho hợp lý và ứng phó tốt được với thiên tai.

Bên cạnh đó, các địa phương thống nhất cần có chỉ đạo tổng thể: vào mùa vụ, trồng cây gì, loại lúa gì cho thích hợp. Phải có cơ chế quản lý nước ngầm, cây giống đối với khu vực ĐBSCL. Sóc Trăng đang làm được nhiều loại giống lúa chịu mặn khá cao, nên thời gian tới Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các nhà khoa học lai tạo các giống lúa, cây chịu mặn để thích nghi…

Minh Hạnh

No comments:

Post a Comment