3/16/2016

Bao giờ giá dầu lửa có thể ổn định trở lại?

Hà Tường Cát/Người Việt
3/11/2016


HOA KỲ - Hôm Thứ Sáu 11 tháng Ba, 2016, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đưa ra dự đoán là giá dầu đã rớt xuống đến đáy, và trong thời gian tới sẽ dần dần lên trở lại.




Những giếng bơm dầu tại khu mỏ Bashneft PAO gần thành phố Neftekamsk, Liên Bang Nga.(Hình: Andrey Rudakov/Bloomberg via Getty Images)

Sau khi có lúc chỉ còn dưới $30 một thùng hồi đầu năm, giá dầu thô trên thị trường thế giới bây giờ lên trở lại ở mức khoảng $40 một thùng, do tin tức Saudi Arabia và Nga đồng ý sẽ giảm bớt sản lượng. Saudi Arabia là quốc gia đứng đầu trong tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu lửa và Nga là quốc gia ngoài OPEC sản xuất nhiều dầu nhất.

IEA nói rằng tình hình giá dầu quá thấp kéo dài đã bắt đầu tác động tới các khu vực sản xuất với phí tổn cao và do đó những nơi này buộc phải giảm sản lượng. Theo IEA, năm 2016 sản lượng mỗi ngày của các nước ngoài OPEC sẽ phải giảm bớt 750,000 thùng thay vì 600,000 thùng như dự đoán trước kia. Riêng sản lượng của Hoa Kỳ năm nay giảm 530,000 thùng một ngày.

Trong tháng Hai, sản lượng của OPEC giảm 90,000 thùng mỗi ngày do ngưng trệ sản xuất ở Nigeria, Iraq và UAE. Trong khi đó dầu lửa Iran trở lại thị trường không gây hiệu ứng mạnh như người ta dự liệu. Iran nói sẽ có thể cung ứng cho thị trường 1 triệu thùng dầu mỗi ngày sau khi Tây Phương ký kết thoả hiệp nguyên tử và gỡ bỏ cấm vận. Nhưng IEA cho biết sản lượng của Iran chỉ khoảng 220,000 thùng một ngày và gia tăng từ từ.

IEA không thể dự đoán chắc chắn tới năm 2017 giá dầu có thể ổn định trở lại như thế nào nhưng tin rằng tình hình tiến triển theo chiều hướng tốt.

Vụ dầu lửa mất giá hiện nay là thảm hại nhất kể từ 1970, từ $115/thùng mùa Hè 2014 xuống còn dưới $30. Ở thời điểm giá dầu lên cao nhất năm 2008, một thùng dầu thô giá $145. Từ 2010 đến 2014, giá cả đứng vững ở mức $110/thùng. Tình trạng dầu rớt giá tác động nặng nề đến nhiều quốc gia mặc dầu giới tiêu thụ được hưởng lợi phần nào.

Vùng kỹ nghệ dầu lửa Bắc Hải, Âu Châu, mất khoảng 65,000 việc làm trong 18 tháng vừa qua, nghĩa là 15% lực lượng lao động của kỹ nghệ dầu khí Anh Quốc. Tình hình thêm tệ hại do các công ty hủy bỏ nhũng dự án phát triển do giá dầu quá hạ.

Nguyên nhân chính về giá dầu xuống thấp là do mức tiêu thụ giảm vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, và sản lượng của Hoa Kỳ tăng lên với sự khai thác các mạch dầu trong đá phiến bằng kỹ thuật 'fracking.' Sản lượng dầu nội địa Mỹ tăng gần gấp đôi từ 2008 đã đẩy lui dầu nhập cảng. Dầu lửa Saudi Arabia, Nigeria và Algeria trước kia nhập cảng Hoa Kỳ đã phải đi tìm những thị trường khác. Thị phần dầu lửa Mỹ trên thế giới tăng dần từ 10% năm 2008 lên đến 16%.

Thêm vào đó dầu Iran xuất cảng trong khi Saudi Arabia và Nga không giảm sản lượng, đưa tới tình trạng thị trường dư thừa khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày cho tới tháng Ba. Kinh tế suy kém khiến Trung Quốc không còn là nước tiêu thụ năng lượng mạnh mẽ như những năm trước. Saudi Arabia, nước sản xuất 1/3 dầu lửa trong OPEC chọn đường lối nắm vững thị phần thay vì giảm sản lượng để giữ giá. Với sự xuất hiện của dầu lửa Iran càng làm cho Saudi Arabia khó cắt giảm sản lương vì sợ Iran giành lại thị phần và như thế thỏa thuận với Nga sẽ không dễ dàng được thực thi đầy đủ.

Hiện nay nhiều nước sản xuất dầu lửa buộc phải bán với giá lỗ, hoặc nếu không thì ngân sách quốc gia cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Năm ngoái, ngân sách Saudi Arabia thâm hụt $95 tỷ, tương đương 15% tổng sản lượng quốc gia GDP, và buộc phải cắt giảm tài trợ và chi tiêu cho nhiều chương tình công cộng. Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới, dầu khí chiếm 70% trị giá thu nhập xuất cảng. Ước lượng Nga bị thiệt $2 tỷ với dầu mất giá 1 dollar mỗi thùng.

Thật ra nhiều quốc gia Trung Đông vẫn còn có thể có lời với giá dầu $30/thùng, nhờ phí tổn sản xuất chỉ vào khoảng $10/thùng. Tại Hoa Kỳ, giá thành của mỗi thùng dầu sản xuất từ $30 đến $70 và nhiều công ty buộc phải tạm thời ngưng hoạt động. Brazil, Nigeria, Nga, Venezuela, Canada ở trong số những nước nền kinh tế bị khó khăn vì giá dầu.

Hôm Thứ Sáu một thùng dầu thô loại Brent crude giá $40.79 nghĩa là lên 1.9% và dầu tiêu chuẩn Mỹ US West Texas Intermediate lên 2.5% tới $38.77/thùng.

Dự đoán nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc năm nay 330,000 thùng mỗi ngày, kém xa mức trung bình 440,000/thùng một ngày 10 năm trước.

IEA hy vọng nhu cầu của Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ năng lượng số 1 thế giới vẫn ổn định không thay đổi trong năm 2016. Tuy nhiên cảnh báo tiêu thụ có thể giảm nếu giá dầu tiếp tục lên dần như chiều hướng hiện nay. (HC)

No comments:

Post a Comment