3/24/2016

Tôi sợ một Thủ đô ngàn năm văn vật

Cao Huy Huấn
3/23/2016


Hôm rồi tôi ghé về thăm Hà Nội, đi dạo trên những con phố nửa quen thuộc, nửa xa lạ. Hà Nội vẫn cổ kính, vẫn thơ mộng, quyến rũ, nhưng cũng khiến người ta đôi lúc hụt hẫng đến đau lòng.

Tôi đặt chân đến Hà Nội, hình ảnh Hà Nội trong các bài hát đẹp như thơ, cảm xúc đến nao lòng cứ hiện về trong tâm trí. Từ hàng cây, quán cóc, con đường, ngỏ vắng, và cả những cụ già móm mém yêu thương. Từ những hàng quán mộc mạc, chân chất đến những con người bình dân, hiếu khách, hết mình. Đó là một Hà Nội mà ngày xưa tôi đọc vanh vách trong sách vở, và cảm nhận được qua tâm trí của một gã trai đất “Thủ đô ngàn năm văn vật”, ngàn năm vững chải trước không ít gió sương.

Thế nhưng bỗng chốc giật mình về những gì hiện ra trước mắt, một Hà Nội khiến tôi lắm khi thấy sợ hãi đến ám ảnh trong cả những cơn mơ. Một Hà Nội đã mất đi những hàng cây trăm tuổi, thay bằng những hàng cây xác xơ, èo uột và ốm yếu. Một Hà Nội đã mất đi màu xanh mát mắt, mát lòng, thay bằng khói bụi và những ngày nắng chói chang khiến người ta chỉ cảm thấy sự khó chịu và bực bội.

Ghé thăm phố cổ, những dòng xe ngược xuôi qua lại, càng khiến người ta thấy bất ngờ về nếp sống của người dân thủ đô. Phần đông, họ không đội mũ bảo hiểm. Anh tài xế taxi bảo tôi, ở phố cổ, người ta không đội mũ bảo hiểm nhiều, nhất là các anh chạy xe tay ga, xe càng xịn, như xe SH chẳng hạn, thì tỷ lệ đội mũ bảo hiểm càng thấp, và nó trở thành một nếp sống trên luật. May mắn lắm mới tìm thấy vài ba anh đội mũ bảo hiểm, nhưng nhìn kỹ thì cũng là mũ “thời trang”, kém chất lượng, không đúng yêu cầu luật pháp. Anh tài xế taxi gạt tay “họ đội là quý lắm rồi bác ạ, chứ kỳ kèo mũ thật mũ giả có mà thừa”. Tôi cười nhạt.

Đã không dung mũ bảo hiểm hay đai an toàn đã đành, đằng này người lưu thông cũng không dừng đèn đỏ. Xe chạy tốc độ cao, nhưng đèn đỏ cũng như đèn xanh, đã phóng đi thì không có ý định dừng, thế nên mấy lần tôi suýt gặp nạn vì đèn xanh tôi qua đường mà không để ý phía bên kia chẳng ai chịu dừng đèn đỏ, thậm chí họ còn phóng nhanh hơn. Người bạn Hà Nội bảo tôi rằng, phố cổ bé xíu, người người nhường nhịn nhau mà đi, dừng đèn đỏ làm gì. Rồi anh chỉ tay phía bên kia đường, nơi có vài ba thanh niên chất lên một chiếc xe tay ga, vượt đèn đỏ và lướt ngang qua vài viên cảnh sát giao thông đang đứng chốt. Trông cứ như trong phim, hay như kiểu thủ đô đang dùng một bộ luật giao thông nào khác.

Vất vả rời khỏi những con phố đông đúc và nguy hiểm, tôi ghé vào quán cháo ngan bên đường. Một lần nữa bất ngờ khi cô chủ quán thách giá 80 nghìn một tô, trong khi một tô phở đặc biệt tôi ăn ở Sài Gòn cũng chỉ 50 ngàn; đằng này quán hàng rong nhưng giá lại trên mây. Chuyện trớ trêu là khi thanh toán tiền, nhận tiền thừa, tôi thuận miệng cảm ơn, thì bị trách “cái quái gì cũng cảm ơn” – thế là cảm ơn cũng bị... chửi. Có đứa bạn bảo Hà Nội đang tính chi tiền tỷ để giải quyết nạn nói tục vô thưởng vô phạt tại đất thủ đô, tôi bật cười: “dân mình ngày càng chửi nhau điêu luyện đến mức đau lòng”.

Các hàng quán, cửa hiệu của Hà Nội cũng “kén” khách đáo để. Khách đến mà mặc quần lửng, đi xe cùi (vì tôi ghé chơi nên lấy chiếc xe cà tàng của đứa bạn phóng đi) thì nhân viên chẳng màng cười hay chào nhiệt tình lấy một câu. Bên Tây, người ta quan tâm khách đến quán hay cửa hiệu sẽ chi bao nhiêu tiền, ấy thế mà nhà ta lại theo cái cách khách đến quán mặc đồ hiệu hay không. Đã thế, các nhân viên rất thích tranh luận, thậm chí cãi nhau, chửi luôn cả khách hàng dù cho khách có sai hay có đúng. Thế mà bảo “làm ăn”!

Những ngày lễ tết, Hà Nội như sống trong cực hình của lễ hội. Trong khi Tây chỉ có vài ba ngày tết, hay như Sài Gòn cũng chỉ đến 10 ngày, thì Hà Nội vẫn bảo “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Người ta vẫn miệt mài rượu chè từ sáng đến tối; vẫn rủ nhau cờ bạc, ăn uống, hội hè. Các cung đường lễ hội đông đến ngột ngạt. Những ngày hội “cướp” thi nhau tổ chức, trong đó nổi tiếng nhất là cướp ấn, cướp lộc, cướp tài... Tất nhiên, “cướp” theo nghĩa bóng, nhưng hiện trường các vụ cướp này hỗn độn, kinh hoàng không khác nào các vụ cướp được hiểu theo đúng nghĩa đen. Có anh chàng bon chép cướp lộc, bị bầm mặt bầm đầu vẫn cứ ráng cười vì có miếng giấy đỏ - lộc may mắn đầu năm; có cô vì chen cướp lộc mà rách cả váy, cũng cười vì năm nay chắc sẽ được nhiều may mắn, hay ít nhất là không gặp chuyện chẳng lành.

Các tuyến phố Hà Nội, có lẽ không đâu bằng, gắn chi chít các bảng khẩu hiệu. Nào là xây dựng thành phố văn minh, tuyến đường văn minh, tuyến đường an toàn giao thông, tuyến đường văn hóa... Câu nào nghe cũng hào hứng, hùng hồn, nhưng những gì diễn ra thực tại lại khiến người ta thấy sợ hơn là thấy thích. Một Hà Nội văn mình, cổ kính nay trở thành một Hà Nội với quá nhiều tiêu cực: từ quản lý đô thị, thị trường, hàng quán, nếp sống sinh hoạt, và cả những hình ảnh cùng thói quen tiểu nông.

Đi xa thì nhớ về Hà Nội, về rồi sao tự dưng thấy trong người hiện lên một nỗi sợ vô hình. Sợ rằng bất chợt, một người nước ngoài chỉ vào Hà Nội và hỏi rằng, Hà Nội có thật sự đẹp như trong thơ, trong những bài hát hay không?

No comments:

Post a Comment