3/10/2016

Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông

Ka Đặng chuyển ngữ, CTV Phía Trước
3/10/2016


11 tỷ là số lượng thùng dầu ước tính ở Biển Đông
190 nghìn tỷ (5.4 nghìn tỷ mét khối) là số lượng khối khí đốt tự nhiên ước tính ở Biển Đông
3 nghìn tỷ đô la là tổng giá trị thương mại hằng năm đi qua Biển Đông




Các đảo/bãi đá được chia màu bởi các nước đang chiếm đóng: Trung Quốc (đỏ), Philippines (vàng), Malaysia (xanh), Việt Nam (tím) và Đài Loan (xanh dương). Nguồn: C.I.A., NASA, China Maritime Safety Administration

Những gia tăng căng thẳng gần đây

Những tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán trên Biển Đông tiếp tục gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, có nguy cơ leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự. Hoa Kỳ đã tìm cách giữ vững quyền tự do hàng hải và hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á vốn đang phải chịu ảnh hưởng bởi các tuyên bố cương quyết về lãnh thổ và những nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc. Mùa thu năm 2015, Hoa Kỳ đã báo hiệu rằng họ sẽ thách thức sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp này bằng cách đưa máy bay quân sự và cử các tàu thuyển tới gần một số hòn đảo.

Trong những năm gần đây, hình ảnh từ vệ tinh đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Trung Quốc trong việc cải tạo đất ở Biển Đông bằng cách mở rộng diện tích của các hòn đảo, hoặc hoàn thành các dự án tạo ra những hòn đảo mới. Ngoài việc bồi thêm cát vào các rạn đá ngầm hiện có, Trung Quốc còn xây dựng các cảng, căn cứ quân sự và các phi đạo, đặc biệt là trên quần đảo Trường Sa.

Bối cảnh

Các tuyên bố về chủ quyền trên diện rộng của Trung Quốc lên khu vực biển này – và cả quyền sở hữu vô căn cứ 11 tỷ thùng dầu chưa được khai thác và 190 nghìn tỷ foot khối (5.4 nghìn tỷ mét khối) khí gas tự nhiên tại đó – đã gây thù nghịch với các bên tranh chấp như Malaysia, Việt Nam, Brunei, Đài Loan, Indonesia, và Philippines. Vào đầu những năm 1970, các quốc gia đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo và những vùng khác nhau như trường hợp của quần đảo Trường Sa, qua đó có thể chiếm hữu được các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các ngư trường phong phú, trong khu vực Biển Đông thể như là của chính họ.

Trung Quốc viện dẫn rằng theo luật pháp quốc tế, quân đội nước ngoài không được phép tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo, chẳng hạn như các chuyến bay do thám, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo Hoa Kỳ, các quốc gia phải có quyền tự do hàng hải ở các vùng EEZ trên biển và không cần phải thông báo cho các bên tranh chấp về các hoạt động quân sự. Những tuyên bố của Trung Quốc đe dọa các đường giao thông trên biển, trong đó có các tuyến đường hàng hải quan trọng phục vụ cho mục đích thương mại và sự đi lại của các lực lượng hải quân.



Bãi đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Ảnh: U.S. Navy

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng ba phi đạo trên quần đảo Trường Sa để gia tăng sự hiện diện của mình trong vùng biển tranh chấp này. Trung Quốc đã cảnh báo các nước láng giềng Đông Nam Á về việc chống lại các dự án thăm dò dầu và khí đốt tại khu vực tranh cãi, gây trở ngại cho các hoạt động khảo sát địa chấn và thăm dò dầu khí của những quốc gia khác. Để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc trong vùng biển quốc tế, Hoa Kỳ đã huy động các tàu khu trục làm nhiệm vụ tại khu vực Biển Đông. Hiện tại, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đang xem xét một đơn kiện đưa ra bởi Philippines để chống lại Trung Quốc, dù cho Bắc Kinh không công nhận thẩm quyền của tòa án.

Những mối quan tâm

Hoa Kỳ, duy trì mối quan tâm to lớn trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải này, đã bày tỏ sự ủng hộ cho một thỏa thuận về một quy chuẩn ràng buộc trong ứng xử và các biện pháp dựa trên sự tin tưởng. Hoa Kỳ đóng một vai trò trong việc ngăn chặn những hành động leo thang quân sự do tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, hiệp ước quốc phòng của Washington với Manila có thể đưa Hoa Kỳ vào cuộc xung đột Trung Quốc–Philippines trên các mỏ khí gas tự nhiên nhiều tiềm năng lớn tại bãi Cỏ Rong (Reed Bank) đang tranh chấp, hoặc các ngư trường béo bở tại Bãi Cạn Scarborough.



Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Biển Đông. Ảnh: Georgetown Journal of International Affairs

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về những tuyên bố lãnh thổ cũng có thể đe dọa đến lợi ích quân sự vàthương mại của Hoa Kỳ. Sự thất bại của những nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á trong việc giải quyết các tranh chấp bằng cách thức ngoại giao có thể làm bào mòn luật pháp quốc tế hiện đang giúp quản lý các tranh chấp trên biển và tạo nên tính bất ổn bởi sự gia tăng hành vi quân sự.

© 2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

No comments:

Post a Comment