3/31/2016

Ở trọ trên quê hương

Song Chi.
3/31/2016

Những ai đã từng sống và làm việc ở những quốc gia văn minh phát triển, có một thể chế chính trị tự do dân chủ và tiến bộ, có thể nhận thấy một điểm chung ở các quốc gia ấy là thái độ sống và làm việc của hầu hết tất cả mọi người, từ nhân dân tới chính quyền, đều tận tâm, tận hiến, vì đất nước, xã hội, vì tương lai của mình, của con cháu mình và những người khác.

Sở dĩ từ người dân cho tới chính quyền tại các quốc gia ấy có thái độ như vậy là vì những lý do rất rõ ràng như sau: người dân biết họ là chủ nhân của đất nước, họ có quyền bầu chọn đảng cầm quyền, bầu chọn chính phủ-tức là bầu chọn những người xứng đáng, đại diện họ làm việc cho đất nước cho nhân dân, và nếu những con người đó và cả cái đảng cầm quyền đó làm việc không tốt thì nhân dân có quyền “tống cổ” đi thông qua những lá phiếu.

Người dân đi làm cực khổ, cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội, nhưng họ cũng biết rằng xã hội và nhà nước sẽ lo lắng, giúp đỡ khi họ cần-lúc còn nhỏ chưa làm ra tiền thì được hưởng giáo dục miễn phí, nếu học cao hơn bậc trung học thì mượn nợ nhà nước sau này ra đi làm trả lại dần dần, trong đời có bất cứ việc gì cần như mua xe, mua nhà, lập gia đình, kinh doanh…đều có thể vay nợ ngân hàng nhà nước sau này trả, với điều kiện là có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Lúc đau ốm, tai nạn, khi về già, người không có đủ sức khỏe hay bị khiếm khuyết về thể chất, tâm thần không thể làm việc nuôi thân thì nhà nước nuôi cả đời…

Người dân làm việc, đóng thuế và biết rõ đồng tiền thuế của mình sẽ đi về đâu, tiêu vào những việc gì, có chính đáng hay không. Bên cạnh đó, nếu có chuyện gì xảy ra, luật pháp công bằng sẽ bảo vệ họ, sẽ giành lại công lý cho họ. Chính vì thế mà người ta an tâm làm việc, cống hiến, với khát vọng muốn làm cho xã hội, đất nước ngày một tốt đẹp hơn, vì tương lai chung của các thế hệ mai sau trong đó có con cháu mình.

Còn quan chức, chính khách và cả chính quyền đều hiểu rất rõ rằng người dân bầu họ lên và cũng có thề “phế truất” họ nên họ phải làm việc xứng đáng. Họ được bầu lên là để làm việc, để cống hiến, chứ không phải để đè đẩu cưỡi cổ, làm cha làm mẹ nhân dân.

Ngược lại, trong một xã hội độc tài không có tự do dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, chẳng hạn như ở VN, tâm lý từ người dân cho tới nhà cầm quyền khác hẳn. Có thể gọi đó là “tâm lý ở trọ”.

Quan chức, chính khách của nhà nước cộng sản VN cũng tận tụy nhưng là để phục vụ cho cái đảng cộng sản, cho quyển lợi và sự tồn tại của đảng, của phe nhóm và của chính mình, chứ không phải phục vụ cho đất nước, nhân dân.

Đất nước tụt hậu thê thảm so với các nước láng giềng và trên thế giới, tham nhũng tràn lan, nợ công ngập đầu, từ kinh tế cho tới chính trị, quốc phòng bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Cộng, cái họa mất nước luôn treo lơ lửng, xã hội bát nháo, đời sống người dân đa phần vẫn quá khổ lại còn bị tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ…Họ cũng mặc kệ, đắp tai ngoảnh măt làm ngơ, chỉ lo tranh giành ghế, giữ ghế, lo vơ vét làm giàu và khi có tiền thì chuyển thành những cơ sở kinh doanh, bất động sản, các trương mục ngân hàng an toàn ở nước ngoài, đưa con cái đi học ở nước ngoài…để nếu VN có chuyện gì thì họ đã có sẵn cơ ngơi ở một quốc gia đáng sống khác, chả phải lo lắng gì.

Đất nước này chỉ như một cái mỏ cho họ vơ vét, khai thác, họ không muốn và cũng không dám có bất cứ sự thay đổi nào để làm cho đất nước trở nên khá hơn. Tâm lý “ở trọ” là ở chỗ đó.

Còn người dân? Đa phần cũng đang ở trọ trên chính quê hương mình. Miệt mài kiếm sống, không quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, không thấy và cũng không muốn thấy, không lên tiếng trước bất cứ chuyện sai trái, bất công, phi lý nào của xã hội, của chế độ… Chúng ta đã từng nghe quen những câu nói sau ở người này người khác: “Chậc, lo làm ăn kiếm sống, lo cho bản thân cho gia đình thôi, ba cái chuyện chính trị chính em đã có đảng và nhà nước lo, quan tâm làm gì cho thêm rách việc”. “Nói nhiều thì cũng có thay đổi được gì đâu, còn mang vạ vào thân”…

Đã có rất nhiều bài viết về sự thờ ơ, vô cảm của người Việt. Thờ ơ, vô cảm từ những chuyện nhỏ như thấy người bị nạn giữa đường ngại giúp vì sợ phiền hà, im lặng trước một cảnh bất công vì sợ liên lụy, cho tới những vấn đề lớn liên quan đến cả xã hội, đến vận mệnh tương lai của đất nước, dân tộc.

Tại sao tại có tâm lý ở trọ trên chính đất nước mình ấy?

Đối với quan chức, chính khách của đảng và nhà nước cộng sản, trước hết do họ được tuyên truyền giáo dục theo kiểu nhồi sọ từ bao lâu nay rằng đảng viên, quan chức phải phục vụ đảng, quyền lợi của đảng là trên hết. Đảng đứng trên cả đất nước, cả dân tộc, cả đất trời (kiểu suy nghĩ ấy thể hiện ngay trong những biểu ngữ như “Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước”), đảng đứng trên cả Hiến pháp (chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” (“Tổng bí thư: ‘Đề phòng thế lực muốn xoá bỏ điều 4 Hiến pháp’, VNExpress).

Ngay từ ban đầu, cái muc tiêu đấu tranh giành chính quyền của đảng cộng sản đã rất là “tư lợi” (“bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”, trong lời dịch tiếng Việt của bài hát Quốc tế ca L'Internationale). Vào đảng là có quyền lợi, là tha hồ kiếm chác bổng lộc, một người làm quan cả họ được nhờ, cho nên phải gắn với đảng chứ không phải vì đất nước, dân tộc. Và họ tin rằng chế độ này sẽ tồn tại lâu dài, không có gì làm nó sụp đổ được.

Nhưng cũng có một thiểu số, trong thâm tâm không thật tin rằng cái đảng này, cái nhà nước này được đa số người dân yêu quý, ngược lại, luôn luôn lo sợ chế độ sẽ bị sụp bởi các “lực lượng thù địch”, bọn phản động, bọn “diễn biến hòa bình” ngày càng đông đảo…Và vì lo sợ nên họ càng vơ vét tích trữ tài sản để có chuyện gì thì họ, con cháu họ cũng vẫn an toàn sung sướng.

Thêm vào đó, đa số các quan chức Việt từ trên xuống dưới có được chức vụ không do dân bầu mà do quan hệ, chạy chọt, đấu đá tranh giành nên khi đã ngồi vào ghế thì phải lo chụp giựt, vơ vét cho nhanh kẻo có lúc bị kéo xuống, bị đá ngã ngựa v.v…

Về phía người dân, khi phải sống trong một chế độ mà nhân dân không có được bất cứ một quyền nào cả, kể cả quyền chỉ trích những cái sai của nhà cầm quyền một cách đúng đắn và ôn hỏa, không được nhà nước giúp đỡ hỗ trợ trong bất kỳ việc gì, không có chế độ an sinh xã hội, cũng không được pháp luật bảo vệ nếu không có tiền, có thế hoặc có quan hệ, không có gì lạ nếu người ta phải thủ thân, phải tự lo cho mình, lúc đau ốm tai nạn tuổi già, lo cho tương lai của con cái. Bao nhiêu nỗi lo.

Rồi hàng ngày chứng kiến bao cảnh bất công phi lý, chứng kiến nhà nước nói một đằng làm một nẻo, những “tôi tớ của nhân dân” thì giàu có nứt đố đổ vách, ăn trên ngồi trước hưởng đủ mọi quyền lợi còn dân đen thì khốn khổ đủ đường, kẻ tham lam cơ hội bất tài không tử tế thì leo cao luồn sâu sung sướng, người tử tế lương thiện có tài thì bị thiệt thòi, bị chà đạp…lòng tin vào nhà cầm quyền, vào luật pháp, vào tương lai của đất nước ngày càng mất đi. Những ai có tiền thì tìm cách đưa con cái đi học, đi sống ở nước ngoài, và khi cần hoặc có cơ hội cũng sẽ ra đi.

Thế là cả một xã hội, từ dân đến quan, cứ như đang ở trọ trên chính đất nước mình.

Đất nước thay đổi bắt đầu từ mỗi người dân. Và sự thay đổi ấy bắt đầu từ trong suy nghĩ, tư duy.

Từ ý thức chính người dân mới là chủ nhân thật sự của đất nước chứ không phải đảng và nhà nước cộng sản. Mọi đảng phái, chế độ chỉ là tạm thời. Dân tộc, quốc gia mới là mãi mãi. Bắt đầu từ những việc nho nhỏ như lên tiếng trước việc một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn sắp bị chặt trụi cây, một học sinh bị thầy giáo sàm sỡ, một người dân bị kết án oan, môi trường bị ô nhiễm, thức ăn bị nhiễm độc, đồng hành cùng những người dân oan bị mất đất hay xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc ngang ngược quân sự hóa biển Đông, tham gia tự ứng cử vào quốc hội…tất cả đều là chuyển biến từ tâm lý, thái độ của người ở trọ sang người chủ của đất nước.

Để đến một ngày những người chủ ấy sẽ đứng lên buộc đảng và nhà nước cộng sản phải rút lui trong một cuộc bầu cử công khai chính thức để một chính đảng khác xứng đáng hơn, có trách nhiệm hơn lên lãnh đạo, chấm dứt kiểu hành xử nắm quyền mà như đang ở trọ đối với đất nước, dân tộc.

No comments:

Post a Comment