10/26/2015

Chuyện xây dựng nông thôn mới và một triệu tỉ đồng

VietTuSaiGon
25/10/2015


Một triệu tỉ đồng, nếu chia cho 63 tỉnh thành để thực hiện nông thôn mới, vị chi mỗi tỉnh được 15,625 tỉ đồng, viết bằng chữ là mười lăm ngàn sáu trăm hai mươi lăm tỉ đồng. Trung bình, mỗi tỉnh có 15 huyện, như vậy, mỗi huyện được số tiền một ngàn không trăm bốn mươi mốt tỉ sáu trăm triệu đồng. Và mỗi huyện có khoản mười xã, như vậy, mỗi xã được một trăm tỉ không trăm bốn mươi mốt triệu đồng, số tiền này đã trừ đi những râu ria chấm mút sổ sách trong quá trình làm việc, kết toán. Và số tiền một triệu tỉ đồng là số tiền do đại diện chính phủ đề xuất để xây dựng nông thôn mới.

Trong số tiền 1 triệu tỉ đồng này, sẽ có sự phối hợp giữa chính phủ, các nhà đầu tư và địa phương, trong đó địa phương chịu chừng 13%, trung ương 12%, số còn lại huy động từ các nguồn khác như vay ODA, các doanh nghiệp đầu tư, tiền thuế, tiền bán vé số nhà nước… Với con số như chính phủ đề xuất, có lẽ, nông thôn Việt Nam chỉ trong phút chốc trở thành những khu trang trại đẹp như giấc mơ, cả Singapore cũng không thề sánh kịp.

Nhưng thực tế thì như thế nào? Hiện tại, mức nợ công trên đầu người dân Việt Nam đã lên gần mức 1000 USD. Đường sá thì miễn bàn, nơi đâu cũng thấy hư hỏng, tù đọng, ổ gà ổ voi và nhiều thứ khác… Và năm nào các thành phố lớn cũng bị ngập lụt, những vùng thôn quê thì bị mưa lũ, xả đập thủy điện, con người càng ngày càng trở nên nhạy cảm với thiên nhiên, sự nhạy cảm này không nằm ở tính rung động về tri thức, tâm hồn mà lại là nhạy cảm chạy nạn.

Trong khi đó, về phía nhà nước, các quan chức đầu ngành hết nghĩ ra trò này lại nghĩ ra dự án khác, tốn từ vài ngàn tỉ đến cả triệu tỉ đồng nhưng kết quả thì dân không được gì cả. Ví dụ như dự án nông thôn mới sắp tới. Khi được công nhân nông thôn mới, chính quyền địa phương sẽ được gì và người dân sẽ được gì?

Trước nhất, chính quyền cấp xã sẽ bỏ ra một số buổi để kêu gọi người dân tự nguyện dọn cỏ sạch sẽ ở các con đường đê, đường làng, dọn cỏ xong, được đãi một bữa nước ngọt hoặc bữa nhậu gọi là “hồi công”, không có đồng thù lao nào. Trong khi đó, ngân sách của xã thì bị cắt xén bởi tay Chủ tịch mặt trận tổ quốc, tay này sẽ lên dự án có khi là vài chục triệu đồng cho việc chuẩn bị đón nhận nông thôn mới.

Sau khi được công nhận nông thôn mới, phái chính quyền địa phương lại viện cớ “toàn dân và nhà nước cùng làm” để “vận động, kêu gọi” mà trên thực tế là bắt buộc, gài bẫy để người dân chấp nhận mất trắng một phần đất mặt tiền để mở rộng đường nông thôn. Xin nhấn mạnh chỗ này, trong dự toàn xây dựng nông thôn mới có cả tiền đền bù cho nhà cửa, đất đai của dân. Nhưng khoản này lại được thay bằng nước miếng “vận động, kêu gọi” của chính quyền địa phương và khoản tiền dư ra nhờ khỏi phải đền bù cũng không biết đi về đâu. Đó là chưa nói đến việc cắt xén, rút ruột các công trình nông thôn, làm ê a, cả năm trời chứa thấy gì và làm xong vài tháng lại hư…

Từ Bắc chí Nam, đi đâu cũng gặp kêu gọi và vận động xây dựng nông thôn mới, gặp cảnh người dân có khi phải mất cả trăm triệu đồng để tự đập bỏ phần mình đã xây dựng, sau đó lại xây dựng mới theo diện hẹp hơn vì bị đường lấn. Đường mở rộng, người dân luôn tưởng rằng đó là việc tốt của nhà nước và mình phải cùng chung tay đóng góp nhưng không hề biết rằng thực ra, đường rộng là mình bị cướp cạn khoản tiền đền bù và mình đang gánh thêm món nợ công trên vai. Vì đâu phải tiền tự dưng mà có, toàn tiền đi vay cả, chỉ có dân là mơ hồ, không biết.

Cũng trên nếp nghĩ này, người Việt Nam nói chung, có thể nói là đại đa số dân Việt Nam khi nói về đất nước, thường bảo với nhau là “Bây giờ sướng rồi, những năm 1980 không có gạo mà ăn, tìm miếng thịt heo đỏ con mắt. Bây giờ muốn gì có nấy, như vậy nhà nước này giỏi, đảng Cộng sản giỏi chứ. Đường sá thênh thang, xe cộ tấp nập…”. Cái cách nghĩ này đã thành nếp, không cần tư duy, không cần phân tích và thậm chí là không cần suy nghĩ, thấy sao nói vậy.

Nhưng cái thấy sao nói vậy là thấy từ bên ngoài chứ cũng không thấy được bản chất bên trong. Điều này cũng dễ thông cảm bởi nhà nước Cộng sản Việt Nam có bao giờ chia sẻ thông tin về tài chính với nhân dân đâu. Nhưng gì thuộc về tiền bạc, ngân sách đều được họ biến thành “bí mật quốc gia”, nhân dân không được biết và không được phép biết. Cũng chính nhờ nhân dân không biết gì mà họ tha hồ nói láo, nhân danh cả dân tộc ngót nghét một trăm triệu con người để đi vay ODA, vay đủ hạng, bán trái phiếu, công trái... để mang tiền về bỏ túi gần sạch rồi thì vẽ chuyện xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu phố mới. Kết quả là càng xây càng hỏng, càng mới thì càng mục ruỗng, bệ rạc.

Nếu nhân dân biết được rằng nhà nước Cộng sản không những không giỏi dang như mình tưởng mà còn lợi dụng mình để vay ra một đống nợ, sau đó xây dựng lốp nhốp để cho có và lại tiếp tục bóc lột trên lưng người dân bằng đủ các loại thuế thì miễn bàn. Hay nói cách khác, nếu nhân dân thấy được rằng lâu nay đất nước tưởng là phát triển, giàu có nhưng thực chất là tiền đi vay, đi xin, đi quì gối chịu nhục để ăn tiền mà cứ bu lu boa loa là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn mình thì chắc chắn là dân phải khinh, phải coi cái đảng đang cầm quyền là một thứ đảng ăn bám, lừa bịp.

Chính vì sợ điều đó mà đảng Cộng sản đã cố tình bưng bít, giấu nhẹm những gì họ làm, giấu nhẹm những món nợ họ đã vay và nhân dân phải trả trong tương lai. Và càng vay bao nhiêu thì giới quan lại từ trung ương tới đại phương càng nhanh giàu bấy nhiêu, chỉ có nhân dân là khổ, nhân dân không được hưởng gì ngoài sự mất mát, chịu đựng bất công và kêu trời không thấu.

Trở lại chuyện xây dựng nông thôn mới, nói đúng hơn đây là một kịch bản mới nhằm một mặt mị dân, làm cho nhân dân nghĩ rằng nhà nước có trách nhiệm với dân. Mặt khác, họ lại tiếp tục tư túi, sống vương giả, xa hoa trên khoản tiền mồ hôi, xương máu và danh dự của nhân dân. Suy cho cùng, thứ mà họ làm được chính là đi vay nợ, thả sức tiêu xài, lấy một ít để mị dân, phần trả nợ thì đã có nhân dân lo, đời này không trả được thì đời sau, đời sau nữa sẽ trả.

No comments:

Post a Comment