10/24/2015

SỰ THẬT VỀ NGHỀ GIÁO VIÊN Ở VIỆT NAM

Ngược Dòng - FB
24/10/2015 


Ghi Chú NL: Bài viết này được chuyền nhau đọc qua FB. Những ai quan tâm đến nền giáo dục của Việt Nam, hãy nghe lời tự thú của một giáo viên trăn trở với nghề của mình.


SỰ THẬT VỀ NGHỀ GIÁO VIÊN Ở VIỆT NAM
( lời tự thú của một giáo viên đầy trăn trở với nghề. FB ngược dòng)

Tôi là một giáo viên THCS và trước đây cũng như các bạn trẻ đang chập chững vào nghề bây giờ, tôi cũng đầy hăng say, yêu nghề, yêu trẻ, phấn đấu hết mình vì nghĩ cứ cố gắng là sẽ thành đạt, tự học và học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thì ắt sẽ thành công trong nghề. Nhưng sau hơn chục năm đi dạy tôi mới biết tôi đã sai ngay từ khi chọn nghề, và đến giờ thì không còn cơ hội làm lại.

Thật buồn vì là nhà giáo, nhìn thấy tiêu cực mà không làm gì nổi, nói ra thì bị trù dập, viết lên thì lại sợ người ta phát hiện ra mình.

Thôi thì tôi cũng cứ viết, viết ra để giải tỏa, viết ra để mong có sự thay đổi cho con em mình, để mong có sự công bằng trong xã hội dù rằng hão huyền, nhưng cái tôi vẫn không mong nhất, đó là họ biết được tôi là ai.

Mỗi thời mỗi khác. Nhớ thời chúng tôi đi học, phòng ốc còn tạm bợ, đồ dùng học tập còn thiếu thốn đến mức kiếm được tấm giấy xi măng bọc sách vở đã là quý, nhãn vở thì tiết kiệm đến mức cắt giấy vuông vắn để dán thay vì mua sẵn, quần áo đi học thì cũng toàn đồ dùng lại của anh chị, thậm chí còn có cả nốt vá, đi học nửa buổi về nửa buổi giúp gia đình đủ việc. Quá dễ dàng nhìn thấy những bạn nhỏ vừa nấu cơm vừa đọc sách, những bạn vừa đi học về là đã chân lấm tay bùn cùng bố mẹ làm đồng hay sáng ra tranh thủ giúp bố mẹ tưới xong vườn rau rồi mới đến trường… Vất vả là thế, nhưng không khó để nhìn thấy những phút thư giãn vui đùa của chúng khi chúng cùng anh em phụ giúp gia đình hay truy bài cùng nhau mỗi lúc ở nhà, cả những tiếng vỗ tay, hò reo của chúng trong những buổi sinh hoạt hè với anh chị thanh niên trong xóm,… Họ, những học sinh ngày ấy chỉ biết học nửa ngày, đêm ngủ, còn thời gian còn lại là để lao động, vui chơi, để giao lưu bạn bè làng xóm,… Việc đi học của họ cũng chỉ gói gọn trong suy nghĩ: việc học là của mình, giờ giấc đi học tự mình phải lo, bài tập của mình mình phải làm, sách vở của mình tự phải đóng bọc lấy, quản lý lấy,… Học sinh thời ấy chỉ khoảng 3-4 cháu đạt giỏi ở mức hơn 8 phảy trong một khối, nhưng ra đời chúng ta không thể phủ nhận được sự thành đạt của họ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Và viết ra như thế, tôi lại thấy nó cũng giống như con đường giáo dục của các nước đang phát triển, đó là hình thành kỹ năng sống cho trẻ. Vậy thì nhìn thực tại xem, trò của chúng ta đang được hình thành kỹ năng sống như thế nào?
Từ trước khi vào lớp 1, con em chúng ta đã phải gồng mình lên với cái cặp nặng trĩu vai để đến lớp hai buổi/ngày, tối về lại thêm nếm nhà cô. Lớn lên tí nữa thì lại học thêm hết ca nọ đến ca kia đến chóng cả mặt, miễn sao cuối năm phải có được cái giấy khen hs giỏi để bố mẹ nở mày nở mặt. Về nhà cơm không biết nấu, học hàng, làng xóm không biết ai với ai, quan hệ thế nào, chỉ biết ngước cặp kính dày lên mà chào hỏi theo tuổi khách đã được coi là ngoan. Thời gian bố mẹ ngồi nói chuyện với con cái cũng chỉ chớp nhoáng, không đủ để con biết được chuyện anh em trong nhà, ngoài ngõ thế nào, con phải xử sự ra sao khi rơi vào trường hợp ấy….

Cái cốt lõi của vấn đề trên lại vẫn là hiện tượng dạy thêm, học thêm. Vâng, có quá nhiều chuyên gia cũng như người dân bàn bạc rồi đưa ra giải pháp về vấn đề đấy rồi nên tôi không đề cập đến nữa. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây là gì? Đó là vừa là một giáo viên cũng vừa là một phụ huynh, mắt thấy, tai nghe, tôi thấy thương các bậc phụ huynh, thương con em chúng tôi và lại thấy tự ái nghề nghiệp ghê gớm nên tôi mới viết lên đây một số vấn đề thực tế không thể chấp nhận được ở trường tôi và nhiều trường bạn mà rất nhiều giáo viên bức xúc như sau:

Thứ nhất: chuyện dân phải đóng góp quá nhiều là có thật, nhất là hiện tượng học sinh vào lớp đầu cấp và lớp đầu khối. Đồng ý là nước mình còn nghèo nên muốn giáo dục phát triển thì “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng việc chi một lượng tiền không nhỏ để chạy trường, lớp cho con mà không vào việc xây dựng trường lớp mà chỉ bù đắp cho túi tiền hiệu trưởng là quá phổ biến! Quy định thu xã hội hóa rất rõ ràng nhưng các nhà trường (mà chỉ đạo là hiệu trưởng) quá khéo léo để moi tiền dân sao cho vừa che mắt được cấp trên, vừa bịt miệng được dân mà vẫn không hề bị kiện tụng. Có ai đó thắc mắc thì được giải thích là: cố gắng vì tương lai của con em các vị! Phụ huynh xì xào các cô các thầy “ăn lắm”, họ đâu biết rằng các cô các thầy nào có nhúng tay vào tí nào!

Thứ hai: Quy định ban giám hiệu không đứng lớp thì không được hưởng 30% phụ cấp dẫn tới các trường vẫn xếp thời khóa biểu cho họ nhưng thực tế là người khác dạy, và họ có dạy thì có ai kiểm tra hồ sơ sổ sách, giờ dự của họ đâu. Họ bảo: họ còn lo nhiều việc của nhà trường, nên đương nhiên các đồng chí khác lại gồng lên dạy thay không công cho họ. Thử hỏi: Ban giám hiệu mất đi 30% đứng lớp ấy họ có mất đi nhiều so với tổng thu nhập trong trường của họ không?

Thứ ba: Việc dạy thêm-học thêm đã được hạn chế rất nhiều sau quy định của các cấp nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh do các PGD còn phải được nhận % dạy thêm của các trường nộp lên để tồn tại nên cứ quy định cấm dạy thêm học thêm nào mới ra thì có khi giáo viên chưa nghĩ nhưng ban giám hiệu các trường đã bàn bạc rồi thống nhất với các trường khác cùng đơn vị để cùng đối phó làm sao vẫn có tiền % từ dạy thêm bằng mọi cách.

Nên:

* chỉ hạn chế được ở những giáo viên không ô dù, còn nhiều giáo viên khác lại được hiệu trưởng dung túng cho dạy thêm một cách công khai vì khéo léo, vì có abc sau lưng, vì nhiều mối quan hệ khác…

* Các Sở/Phòng giáo dục tổ chức cho gv dạy thêm không đồng đều ở các môn: chỉ có toán, văn, anh, lí, hóa thì được các cấp “bảo trợ” . Và nghiễm nhiên, thu nhập của giáo viên trong trường cùng thâm niên cũng khác nhau một trời một vực. Kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy như:

+ giáo viên môn chính được ưu ái hơn môn phụ vì có tiền % nộp và biếu xén sếp nhiều, giáo viên môn phụ và một số gv môn chính không chịu cống nạp thì bị trù. Có gv nghiêm túc, không muốn hùa theo nên thắc mắc thì càng bị giao nhiều việc vặt với lời giải thích: đ/c ấy có năng lực, nhanh nhẹn, nhiệt tình,…!

+ giáo viên môn chính đa số chỉ dạy chính và dạy thêm thu tiền đút túi, gv môn phụ thì dạy chính và thời gian còn lại là làm những việc khác trong trường mà không có thêm thu nhập, đơn giản nhất là đi trực trường cho gv chính dạy thêm. Họ có thắc mắc thì được giải thích là: do chưa làm đủ số tiết theo quy định (19 tiết/tuần), rồi thì cố gắng vì chất lượng chung của nhà trường!

+ quy định dạy thêm của Sở với dạy thêm trong trường rất rõ ràng nhưng khi thực hiện bị biến tướng nhiều kiểu:

– trước đây chưa có quy định dạy thêm gắt gao thì các nhà trường cho gv đăng ký dạy thoải mái và nộp % về, nhưng từ khi có quy định chặt chẽ hơn thì những lớp học thêm buổi tối trong trường ấy được gọi là lớp bồi dưỡng học sinh khá giỏi, lớp phụ đạo, câu lạc bộ môn học,… GV được hưởng lợi nhiều nên hăm hở dạy, phụ huynh thấy con được thầy cô cho vào đối tượng khá giỏi lại hăm hở đóng tiền, BGH ngồi ung dung thu tiền, con trẻ thì hậm hực cắp cặp đi học dù không thích, dù mệt; hậm hực vì lúc thì cô dạy phải trung thực, thật thà nhưng khi sắp đón đoàn kiểm tra hay ai hỏi học thêm cô nào, ở đâu thì cô lại bảo phải nói thế này, thế kia…

+ giáo viên là ban giám hiệu còn được tham gia giảng dạy thì càng dạy thêm nhiều hơn mà càng dễ dàng hơn!

+ Ban giám hiệu dễ dàng kiếm tiền từ nguồn thu của giáo viên nên tìm mọi cách để móc tiền dân để có thêm tiền đút túi:

– Họ tìm mọi cách che mắt các cấp quản lý để tổ chức cho gv dạy thêm trong trường dưới mọi hình thức (tổ chức ra các câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ ôn thi, câu lạc bộ bồi dưỡng học sinh khá giỏi, câu lạc bộ yêu môn học,…) vào mọi lúc (từ sáng tới tận tối) và ở mọi nơi (từ nhà gv cho tới đường đường chính chính trong trường học). Họ họp phụ huynh và như những doanh nhân thành đạt, họ rất biết cách đánh vào tâm lý phụ huynh, họ bảo: vì con em các vị nên chúng tôi mới tổ chức ra các lớp như thế, các vị muốn con em mình có được kết quả cao trong thi cuối cấp thì các vị phải đầu tư,… Vâng, họ giỏi maketting như những doanh nhân giỏi vậy, không hề có đơn thư khiếu nại mặc dù phụ huynh điều tiếng, xì xào rất nhiều.

– Họ còn giỏi ở cách tính toán nữa chứ: họ tính rằng nếu theo quy định thì họ chỉ được “ăn” % của 8 tháng gv dạy thêm thôi (1 tháng hè là tháng 7 và từ tháng 10 tới tháng 4 trong năm học) nên họ họp nhau lại, họ tuyên bố nội bộ với gv rằng sẽ cho dạy hè thông từ tháng 7 cho đến hết tháng 8, việc dạy thêm trong trường học thì phải chờ đến tháng 10, nhưng “vì miếng cơm của anh em” nên chúng tôi sẽ vẫn cho các đ/c dạy thêm ngay từ tháng 9, nếu có đoàn kiểm tra thì chúng tôi sẽ có cách đối phó! Như thế thì cũng chưa đủ để sống nên họ phải nghĩ tiếp, họ phải nghĩ để làm sao có được nhiều hơn nữa.

Thế nên có nhiều mánh khóe lắm! Họ lại tự ý tăng cho mỗi môn một tiết nữa so với quy định nhưng giữ nguyên tỉ lệ ăn – chia. Chưa vừa! Họ thu được đủ số tiền dạy thêm của các lớp nhưng họ lại báo lên phòng giáo dục là mỗi lớp thất thu 10 cháu.

Các vị thử tính xem, một trường học 15 lớp, mỗi lớp 50 trò thì các vị sẽ thấy được họ có được những gì biết rằng: Theo đúng quy định là mỗi tuần học thêm 3 tiết/môn với đơn giản là 3 môn toán văn anh/tuần, mức thu 8000/tiết, thực tế các cháu học thêm 4 tiết/môn. Tỉ lệ ăn – chia những gì theo quy định là 70% gv, 20% nhà trường, 10% nộp về phòng giáo dục, còn không theo quy định thì gv 70%, nhà trường 30%; khoản phải nộp % về PGD thì báo thất thu 10 cháu/lớp.

Các câu lạc bộ họ tổ chức trong trường thu còn cao hơn thế mà lại chẳng phải nộp lên cấp nào cả!
– Trường học dạy chữ-dạy người. Nhưng họ dạy gì cho con em chúng ta? Họ dặn trò của họ trước mỗi ngày, mỗi giờ các cấp quản lý đi kiểm tra dạy thêm học thêm rằng: nếu các thầy cô có hỏi học mấy môn, thì trả lời là…, học mấy tiết một buổi thì trả lời là…, học từ ngày tháng nào thì trả lời là…. Và quyển vở dự phòng của các cháu được lôi ra: đúng ngày, tháng, năm học thêm, có nội dung đàng hoàng,…

Màu mỡ thế nên sinh viên sư phạm các môn dễ kiếm ăn đua nhau chạy vào trường với giá công khai là vài trăm triệu còn các môn phụ thì bỏ nghề quá nhiều so với số được đào tạo. Màu mỡ thế nên một số giáo viên giàu có tích cực chăm lo cho cán bộ các cấp để đạt được những chức danh mong muốn trong khi trình độ chuyên môn thực tế thì quá kém. Màu mỡ thế nên giáo viên các môn chính dù có nhiều bức xúc nhưng họ vẫn cắn răng chịu để kiếm ăn. Màu mỡ quá nên dân ta than cứ than, các nhà trường và ngành giáo dục cứ giả điếc.

Thứ tư: Chống đối với thi vào 10

+ Quy định của chương trình học là đến giữa tháng 5 ở tất cả các khối lớp, nhưng riêng khối 9 vì phải ôn thi vào 10 để đảm bảo chất lượng của nhà trường nên không chỉ cày ngày cày đêm trong năm học, mà đến tầm giữa tháng 4, đầu tháng 5 đã được cắt chương trình của tất cả các môn khác trong giờ chính khóa, thay vào đấy là học văn và toán. Giai đoạn này ai cũng hưởng lợi: gv môn phụ không phải dạy 9, gv văn toán đường đường chính chính dạy thêm thu tiền được ngay vào thời khóa biểu chính khóa. Phụ huynh vì con em nên còng lưng đóng tiền, học sinh vì tương lai nên ra sức học văn toán từ sáng tới đêm ở trường và nhà cô. Từ đầu kỳ 2 thì các em chẳng biết tí gì về các môn còn lại cả.

+ Tỉ lệ HS đỗ vào 10 được tính trên tổng số học sinh dự thi. Vì vậy để nâng tỉ lệ cao lên nhất nhì quận hay thành phố thì cần phải có bài:

– Ép giáo viên nâng điểm học sinh từ khối 6 để lấy điểm cộng. GV nào ý kiến thì bị mắng: không thương hs, không quan tâm đến chất lượng nhà trường, không hiểu cho các mối quan hệ của trường (ý nói con của ông nọ bà kia). Vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải làm. Có quá nhiều trường hợp học sinh được nâng từ trung bình lên giỏi.

– Thi nghề để lấy điểm cộng và thi đua nên các nhà trường quan tâm lắm. Đi coi thi, chấm thi ở đâu gv cũng được quan tâm, chăm sóc để tỉ lệ các cháu đạt giỏi phải cao tuyệt đối.
– Thi học sinh giỏi thì không còn là thi kiến thức, kỹ năng của các em mà được biến thành thi mối quan hệ của giáo viên và phụ huynh với phòng giáo dục. GV dạy thì được chấm bài học sinh của mình đi thi,… Cứ dính đến thi của hs mà có điểm cộng, kiểu gì cũng có lo lót. Chẳng hiểu còn thi để làm gì?

– Tư vấn mùa thi: ngoài nghĩa chính là tư vấn, thực tế là khuyên, ép các em đuối đuối lực học không dự thi mà nộp hồ sơ sang các trường dân lập, dạy nghề. Gia đình nào vẫn muốn con thử sức thi thì họp đi họp lại với ban giám hiệu, sợ phụ huynh nào đã đồng ý không cho con thi mà sau đó đổi ý thì giáo viên sẽ trực tiếp nộp hồ sơ cho các em, còn trừ khi phụ huynh nào cương quyết quá mới cho học sinh thi nhưng sau lưng thì gv chủ nhiệm em đó bị ban giám hiệu mắng chửi đến khổ vì làm ảnh hưởng đến “chất lượng nhà trường”.

Thứ năm: Giáo viên rã rời với hồ sơ, phổ cập, kiêm nhiệm,… chẳng có thời gian tập trung nâng cao chuyên môn thì dạy học sinh cái gì?

+ Các cấp đã giảm tải hồ sơ cho gv, nhưng nhà trường bảo vẫn phải có không thì chúng tôi biết quản lý kiểm tra các đ/c làm sao? Dạy cho học sinh mà giáo viên cứ nơm nớp với việc các cán bộ của tổ chuyên môn, ban giám hiệu, phòng giáo dục, sở giáo dục,… có thể vào dự giờ bất cứ lúc nào, từ đột xuất cho đến định kỳ. Xin hỏi các ông bà quản lý, các ban bệ trong gia đình ông bà có cùng cách dạy những đứa con không? và có đứa nào cũng toàn diện như đứa nào không? Điểm mạnh, điểm yếu của nó bắt nguồn từ ai trong gia đình thì ông bà cũng quá biết. Mà sao các ông bà cứ nhăm nhăm dự giờ người ta một hai tiết rồi đánh giá toàn diện người ta đủ kiểu vậy? Đánh giá qua kết quả học tập, qua đạo đức lối sống, qua những dòng tâm sự, những lời ăn tiếng nói hay hành vi ứng xử… của trò chưa đủ để đánh giá hay sao? Đã thế các cấp lại còn bắt lưu hồ sơ, từ giáo án, sổ nọ sổ kia lại để kiểm tra hàng kỳ, hàng năm rồi lại 3-4 năm sau lục lại kiểm tra để phục vụ trường chuẩn với chả kiểm định. Các cấp có vẻ thừa nhân lực và rỗi việc thật!

+ Kiểm định, trường chuẩn,… chỉ là kiểm tra xem việc lưu trữ giấy tờ thế nào gây mất thời gian của gv. Các cấp trên muốn đơn vị mình nhiều trường đạt chuẩn để thể hiện sức mạnh, các trường lại muốn mình đạt chuẩn để thể hiện năng lực quản lý nên thi nhau hò giáo viên dốc thời gian đi tập hợp, sưu tầm, sáng tác,… cho đủ hồ sơ để kiểm tra. Mỗi năm, phải ròng rã mấy tháng gv không dạy thêm và những gv không có giờ dạy thêm trong buổi đến trường từ đầu giờ sáng cho đến tận 6-7, thậm chí 8-9h tối chỉ để ngoài việc dạy ra là lại vẽ hồ sơ trường chuẩn, kiểm định, hồ sơ chống đối các cấp kiểm tra vì đôi khi bị thất lạc do bê đi bê lại kiểm tra nhiều lần trong năm, rồi thì ẩm mốc, chuột bọ cắn, hay do sửa chữa các phòng … đã bị thất lạc giấy tờ.

Công nhận chuẩn hay đạt kiểm định cũng vẫn là các vị cán bộ của cấp Sở và Phòng GD cũng đã tham gia các đợt kiểm tra trong năm chứ có phải ông bà nào khác đâu, mà sao họ nhiêu khê thế không lấy luôn kết quả kiểm tra của các cấp trước đó (như trường, UBND các cấp, Phòng GD, Sở GD,…) để kết luận mà lại bắt trường tập hợp và lưu lại tất cả những đầu hồ sơ ấy để kiểm tra. Mang tiếng là trống giờ hay nghỉ hè những gv các trường vẫn cứ phải nai lưng ra làm việc để chờ khi mỗi cấp đến cái phòng được trang hoàng sáng bóng, hồ sơ mấy năm chất cao ngất, rồi bảo rút cho tôi hồ sơ của cái này cái kia trong năm này năm nọ tôi kiểm tra, rồi ngó ngó, lật lật y như thật, một tí là xong. Các bác lãnh đạo ấy đến chỉ đơn giản là làm đúng quy trình một cách ngắn gọn, liệt kê đủ ban bệ ra giấy (kể cả ông vắng mặt) để thu đủ “thư”, rồi đi giao lưu với quản lý nhà trường một bữa, sau đó thì ký cho cái quyết định, thế là xong thành chuẩn, thành đạt kiểm định!

Những tháng ấy thì không thiếu kiểu lớp học tự học, trò tự quản,…; giờ học thêm trong trường trở thành giờ làm bài kiểm tra, ngày nghỉ của giáo viên vẫn “phải” đến trường làm việc,… chỉ để đạt mục đích của các cấp quản lý.

Đạt rồi thì BGH vui mừng thông báo cho toàn thể giáo viên và nhà trường. Giáo viên thở phào một cái như trút được gánh nặng rồi hỏi nhau: đạt rồi để làm gì? giả sử không đạt thì học sinh vùng mình không học ở đây thì học ở đâu mà cứ phải bằng được? Học sinh thì thở dài: thế là thầy cô lại dạy rồi, hết được chơi thoải mái!

Thứ sáu: Giáo viên mệt mỏi với thi cử và nhiều suy nghĩ tiêu cực thì học sinh được giáo dục những gì?

+ Thi GVG thì không thể duyệt được, cốt cán dạy mẫu không ra sao nhưng làm giám khảo thì phán như thánh! Mỗi lần thi gvg là đều được những lời “động viên” của BGH: đến nhà cốt cán này, kia, có gì nhà trường…! Không ít giáo viên phải cầm “thư” đến nhà cốt cán để “hỏi bài”. Mà không thi thì bị trù vì mất thi đua của trường, gv môn có dạy thêm không thi thì không những bị trù còn bị đe là không xếp lớp dạy cho mà kiếm. Thi thì các danh hiệu thủ khoa, á khoa đều đã định giá và sắp xếp sẵn, còn lại thì muôn hình vạn trạng! Kể mà sau bao nhiêu chặng gian nan của thi cử ấy rồi phấn đấu ở trong trường học, gv vẫn được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua thì còn có cái động viên nhau, đằng này dưới thì ép nhiều gv thi lấy thành tích, trên thì ép thưởng xuống nên chỉ cho lượng chiến sĩ thi đua cực nhỏ so với số gv đạt giỏi.

+ Cuộc đời con người ta dù làm ở đâu cũng phải có ý chí phấn đấu. Ừ thì giáo viên gọi là phấn đấu để khẳng định mình, xa hơn nữa là lên chức nọ chức kia. Nhưng nên phấn đấu hay không khi mọi mặt trong môi trường làm việc thì quá bức bí như thế? Trường tôi có nhiều giáo viên năng lực, nhiệt tình, khả năng quản lý cũng tương đối tốt ở các mảng được giao, các anh chị cũng đã từng được chiến sĩ thi đua và giáo viên giỏi các cấp,được học sinh yêu quý, kính trọng … Chúng tôi cứ nghĩ rằng những người như thế rồi sẽ được đưa vào tầm ngắm lên cán bộ. Nhưng không! Tầm ngắm cán bộ lại là những em tiu tiu vừa mới ra trường, năng lực còn hạn chế, chưa thành tích, thậm chí lòng nhiệt tình còn không có nhưng gv trẻ bây giờ họ lại có cái mà lớp gv THCS cũ không có, đó là bằng đại học chính quy! Đồng chí nào có ý chí tiến thủ thì xin mời đi học tiếp cao học nhé!

Đấy, không chán chường sao được khi đi làm mà trên đe, dưới búa, thành tích chẳng đến lân. Chẳng hiểu các ông cấp trên nghĩ kiểu gì nữa?

Thứ bảy: Các đoàn thể trong trường không được chuyên biệt hóa mà đã số là giáo viên kiêm nhiệm với nhiều việc khác nhau nên đa số làm việc không hiệu quả, chủ yếu viết hồ sơ khống vì có làm việc thì cũng không thể làm được do ràng buộc trong nhiều mối quan hệ tập thể, vì họ toàn kiêm nhiệm, mặc dù mang tiếng là hoạt động độc lập nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu. Chúng tôi có nói chuyện những bức xúc này với công đoàn hay ban thanh tra trong trường thì họ cũng chỉ cười trừ, báo cáo của họ cuối năm vẫn cứ là mọi điều đều đúng quy định, đều xuất sắc mặc dù trong những lần tâm sự, họ còn bức xúc hơn chúng tôi vì họ biết những thực tế ấy, nhưng họ cũng chỉ kiêm nhiệm, họ không rành luật, họ không thể làm trái, họ bị trên đe, họ sợ bị cấp trên phát hiện thì họ là người chết trước vì họ cũng đường đường là những cấp quản lý trong trường, để tồn tại, họ lại đi từ nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi giáo viên sang bảo vệ các cấp lãnh đạo!

Thế nên, dù có nhiều bức xúc, có cực nhiều sai phạm nhưng khi cấp trên có kiểm tra thì cũng vẫn ngon lành vì mọi việc cấp dưới làm rất kín kẽ ạ!

Vậy thì nguyên nhân xảy ra thực tế trên là do đâu? Phải chăng do bệnh thành tích từ các cấp mà ra? Tại sao tôi nói vậy? Vì quận huyện, tỉnh nào cũng thi đua kiểm định, xây dựng trường chuẩn, lớp học chuẩn, mà muốn đạt chuẩn thì cần cơ sở vật chất trang hoàng (trong khi chờ trên rót vốn thì không có!), cần tỉ lệ học sinh giỏi thật cao và học sinh yếu kém với học sinh bị kỷ luật thật thấp, không có học sinh lưu ban, tỉ lệ giáo viên giỏi, học sinh giỏi, học sinh đỗ vào 10 cũng phải thật lung linh,…. Để đạt được những chỉ số ấy thì chẳng còn cách nào khác là các cấp lại mở đường ngầm cho nhau làm trái để nâng cao thành tích!

Buồn!

FB Vũ Tá Tuấn hay FB Ngược Dòng

No comments:

Post a Comment