Theo tờ PhapLuat
12/10/2015
Chị Hương kiệt sức nằm viện sau khi chạy trốn từ Trung Quốc về Việt Nam.
Không cần tay nghề, chẳng cần hộ chiếu, chỉ cần chạy vạy một khoản tiền từ 20 - 30 triệu đồng và quan trọng nhất phải là nữ giới, độ tuổi từ 18 - 35, bất kỳ ai cũng có thể… “xuất khẩu lao động sang Trung Quốc” làm công nhân với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Lời cam đoan ngọt ngào của cặp đôi môi giới khiến chị Nguyễn Thị Hương (SN 1979, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thêm vững tin vào giấc mơ “xuất khẩu lao động”.
Dắt con xuất ngoại mơ đổi đời
Gần năm năm trước, chị chia tay chồng ngay khi vừa sinh con, kinh tế chật vật, phải đi làm thuê cho các chủ rẫy kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khoảng tháng 6/2010, qua câu chuyện từ những người bạn cùng làm rẫy, chị biết bà Xuyến (quốc tịch Việt Nam) và chồng (thường gọi là Thế, quốc tịch Trung Quốc, đều khoảng ngoài 40 tuổi).
Qua vài lần gặp gỡ, Xuyến bày tỏ quý mến, thường khen chị “còn trẻ, khỏe, lại đẹp”. Chồng Xuyến được giới thiệu “là người buôn bán có uy tín, quan hệ rộng” cũng có “ý tốt” muốn giúp Hương “đổi đời” bằng cách giới thiệu chị đi “xuất khẩu lao động sang Trung Quốc” và hứa: Ra nước ngoài, sẽ được dạy nghề để làm công nhân tại các nhà máy, nhận đãi ngộ với chế độ lương bổng, bảo hộ lao động tốt nhất.
Chị Hương thuật lại trong uất ức: “Vợ chồng bà Xuyến nói chắc chắn mỗi tháng làm công nhân bên Trung Quốc trừ hết tất cả chi phí ăn ở, tiêu dùng, mỗi người đều có thể dư ít nhất hơn 10 triệu đồng, tôi đã tin tưởng như thế”.
Mặc dù rất muốn được vợ chồng “thương gia” này giúp đỡ nhưng chị chưa kiếm đủ 30 triệu đồng “lo thủ tục” theo yêu cầu của họ. Thêm vào đó, vì lo không đủ trình độ do chưa hết cấp một, lại vướng bận con gái mới hơn hai tuổi nên Hương do dự chưa quyết định.
Tuy nhiên, khi biết khó khăn này, Xuyến vẫn chấp nhận giúp dù còn thiếu 7 triệu “phí thủ tục” và bảo đảm chị có thể dẫn theo cả con gái sang Trung Quốc làm việc!
Khoảng cuối tháng 7/2010, chị Hương cùng con gái được cặp vợ chồng trên dẫn đi. Sau gần bốn ngày vật vã trên nhiều chuyến xe khách khác nhau, cả nhóm đến huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), tiếp tục đi xe ôm khoảng 40km nữa để đến nhà sàn của một người đồng bào dân tộc ở bản Nà Lốc (xã Bản Lầu).
Theo lời vợ chồng Xuyến, chỉ ở đây Hương mới có thể gặp được người chủ tiếp nhận, bố trí công việc tốt. Mỗi khi phát hiện Hương tỏ vẻ sợ hãi trước khung cảnh lạ lẫm, bà này lại trấn an: “Do em chưa có trình độ, tay nghề nên anh chị phải bố trí công việc như thế này. Em đừng lo lắng. Tất cả cứ để anh Thế sắp xếp”.
Lựa chọn tủi nhục: làm lẽ, hoặc làm gái
Hôm sau, mới sáng tinh mơ, Xuyến lay mẹ con chị dậy ăn sáng và gặp chủ nhận lao động. Người đàn ông được Xuyến giới thiệu là chủ xưởng may lớn bên Trung Quốc tên Chen, hơn 45 tuổi, cao lớn, vẻ hung dữ, tay xăm trổ chằng chịt.
Suốt bữa ăn, vợ chồng Xuyến chỉ nói chuyện với người này bằng tiếng Trung, còn mẹ con Hương cắm cúi ăn vừa vì đói, lại vừa né tránh ánh mắt sắc lạnh của người đàn ông lạ cứ chốc chốc lại nhìn xéo qua chị.
Chập choạng tối hôm đó, Chen dẫn cả nhóm lội bộ suốt hơn ba tiếng theo hướng Tây từ bản Nà Lốc, men theo những đoạn đường đồi núi để đến bên kia biên giới.
Nhác thấy ánh điện từ một căn nhà xây tạm bợ giữa miền quê heo hút, Xuyến nói mọi người đã đến nơi. Hương mừng lắm. Chị đang rất cần nghỉ ngơi nhằm xoa dịu nỗi sợ sệt, pha lẫn lo lắng khi cơ thể đã quá mệt mỏi và đứa con gái bé bỏng cứ ho sù sụ vì lạnh.
“Mày dậy đi!”, - Chen giật phăng tấm chăn mỏng phá tan giấc ngủ mẹ con Hương. Bàng hoàng thức giấc, đứa con gái khóc ré lên sợ hãi rồi nép sát dụi đầu sau lưng mẹ. Chị choàng tỉnh, gương mặt trắng bệch vì sợ hãi, luống cuống không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Bằng giọng tiếng Việt lơ lớ, Chen nạt nộ: “Mặc áo khác cho đẹp hơn vào và đi theo tao! Tao mua mày về để làm việc. Trả xong nợ, mày muốn đi đâu thì đi”.
Chen dẫn mẹ con chị đến một căn phòng có một nhóm năm phụ nữ ngồi bệt trên nền đất, tựa lưng vào bức tường loang lổ trông chán nản, mệt mỏi. Vừa nhìn thấy Chen, họ cúi gằm mặt xuống không ai nói gì. Đẩy cả hai mẹ con vào phòng, Chen quay ra sân gọi điện thoại, một lát sau quay vào cùng bốn người đàn ông lạ mặt, hướng tay về phía nhóm phụ nữ và nói một tràng tiếng Trung Quốc, chỉ trỏ nói cười khả ố.
Người đàn ông khoảng 46 - 47 tuổi, dáng thấp nhỏ nãy giờ mãi chăm chú nhìn Hương bỗng quay hẳn sang nói chuyện với Chen. Chen gật đầu, hất hàm hỏi chị: “Mày về làm vợ ông Zhang đây hay ở lại làm việc cho tao?”.
Chị Hương hoảng loạn cực độ, bật khóc tức tưởi. Sau khi buông tiếng thở dài ngán ngẩm, một người phụ nữ ngồi bên góc tường bỗng cất giọng miền Trung khuyên: “Hắn nói rứa là may cho mi. Tau mong mà chưa được đây. Thà làm vợ mấy lão già còn đỡ hơn làm gái kiếm tiền về cho hắn, chỉ có chết”. Mẹ con chị đành nhắm mắt phó mặc số phận.
Nói là “làm vợ” nhưng khi về nhà “chồng”, chị Hương chỉ được nấu cơm, quanh quẩn làm việc trong bếp và đặc biệt là nhiệm vụ “giải quyết sinh lý” cho đàn ông trong gia đình.
Trong thân phận “nô lệ tình dục”, Hương phải chịu cuộc sống ô nhục, không được làm bất kỳ điều gì theo ý mình, không được bước chân khỏi nhà nếu không có “chồng” hay người nhà đi cùng. Đứa con gái chị mang theo thì họa hoằn mới được cho cái bánh, vài cây kẹo ngọt.
Trốn chạy
Giữa năm 2011, chị Hương bị nhà chồng buộc phải phá thai vì kết quả siêu âm là con gái. Đầu năm 2014, chị lại mang thai, bị bắt đi siêu âm tiếp. Chị chống đối quyết liệt, thậm chí nhiều lần bày tỏ ý định tự sát song không đành lòng bỏ lại đứa con gái còn quá nhỏ.
Kết quả siêu âm xác định thai nhi là con trai. Nhờ vậy, chị được nhà “chồng” “cho phép” sinh con, dù cũng không biết chính xác trong số những người đàn ông trong nhà, ai mới là cha đứa trẻ.
Chị Hương kể, suốt gần 5 năm sống cơ cực tại Xichou (nghi vấn là khu vực Tây Trù, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), chị thấy rất nhiều phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Song, cả Hương và những người phụ nữ trên gặp nhau đều không dám chào, sợ bị nhà chồng phát hiện trừng phạt đòn roi.
Cuối tháng 7/2015, khi đang chăm con, bất ngờ Hương phát hiện một nhóm hơn 10 khách du lịch “người Tây” đi chơi ngang qua nhà “chồng” bằng xe đạp. Chị không còn nhớ lúc đó mình suy nghĩ thế nào nhưng cứ lao vào một tay bế thốc đứa con mới sinh hơn một tuổi, một tay kéo thêm đứa con gái chạy theo nhóm du khách.
Ban đầu, họ chỉ liếc nhìn ái ngại, thậm chí tỏ vẻ bực bội khi bị người phụ nữ lem luốc, tay ẵm, tay kéo hai đứa trẻ lẽo đẽo theo sau suốt hơn cả cây số. Vừa ẵm con chạy theo, Hương dùng tất cả hơi sức còn lại kể về biến cố cuộc đời mình bằng tiếng Việt lẫn diễn tả bằng điệu bộ, hy vọng nhóm du khách phần nào hiểu được sự việc. Biết đâu, họ sẽ tìm cách giải thoát cho chị về Việt Nam.
Hương thật sự may mắn khi trong nhóm du khách “người Tây” vẫn có người hiểu bập bẹ nói được vài từ tiếng Việt, hiểu loáng thoáng câu chuyện. Họ góp ít tiền, thức ăn mang theo đưa cho mẹ con Hương và thuê xe đưa chị đến khu vực biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) – tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Nhờ vào số tiền nhóm người tốt bụng trên trợ giúp, Hương tiếp tục nhờ người dẫn đường đưa ba mẹ con trở về Việt Nam theo đường tiểu ngạch và mua vé xe khách quay lại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).
“Tôi đưa được hai người con về đến Ngọc Hồi là thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát ra từ cõi chết, nhưng sức khỏe suy sụp sau một chặng đường dài nên phải vào viện điều trị. Nhiều người bệnh ở đây thông cảm với những khốn khó của tôi nên đã an ủi, hỗ trợ từng miếng cơm, bát cháo. Mẹ con tôi đang thực sự sống lại rồi”, chị rơm rớm nói cảm ơn khi đang ẵm trên tay cậu con trai nhỏ vẫn chưa được đặt tên vì chẳng biết bố là ai./.
No comments:
Post a Comment