2015-10-13
Nhà báo Trần Phong Vũ tại phòng thâu RFA
Nhà báo Trần Phong Vũ, là một nhà hoạt động tôn giáo và văn hóa nổi tiếng ở hải ngoại. Ông là người thành lập tờ báo Diễn đàn giáo dân, là một trong những người góp phần xây dựng tủ sách Tiếng Quê Hương tại Hoa kỳ. Ông cũng từng giữ mục bình luận của Đài phát thanh Sài gòn tại miền Nam trước năm 1975.
Nhân dịp có mặt tại Washington DC ông, giành cho Kính Hòa buổi trao đổi sau đây. Đầu tiên ông nói về sự thành lập tờ báo Diễn đàn giáo dân tại hải ngoại.
Ông Trần Phong Vũ: Tờ Diễn đàn giáo dân là hậu thân của tờ Đường sống mà anh em chúng tôi cho ra đời vào năm 1980 tại Nam California. Nó kéo dài đến năm 1992 khi mà nhu cầu tị nạn không còn nữa thì chúng tôi ngưng, vì tờ báo này làm là để phục vụ đồng bào tị nạn khi đến những hòn đảo ở Đông Nam Á.
Đến năm 2000 khi Linh mục Nguyễn Văn Lý phát động cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền và nhân phẩm ở Việt nam thì chúng tôi cho ra đời tờ Diễn Đàn giáo dân.
Kính Hòa: Hiện thời tờ Diễn đàn giáo dân chú ý những tin tức sự kiện bên trong Việt nam, hay là trong cộng đồng hải ngoại, hay là cho tất cả những người nói tiếng Việt trên khắp thế giới?
Ông Trần Phong Vũ: Đây là tờ báo dành cho mọi giới và mang tính chất thời sự. Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, cái chủ điểm của tờ báo thì chúng tôi chú ý đến việc phản ảnh cho các độc giả ở hải ngoại này thấy được những gì diễn ra trên quê hương chúng ta, và tập chú vào quan điểm đường lối của giáo hội Công giáo trong bối cảnh của đất nước ta hiện nay.
Kính Hòa: Ông có nhắc tới giáo hội Công giáo, thì theo ông vấn đề nào đang là quan trọng của giáo hội Công giáo Việt nam hiện nay?
Ông Trần Phong Vũ: Những vấn đề quan trọng thì có lẽ mọi người chúng ta đều biết cả vì chúng ta đang đối diện với một chế độ chi phối hầu hết người dân Việt nam, trong đó có các tôn giáo. Không phải chỉ có Công giáo mà còn có cả Phật giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài. Tôi nghĩ rằng cái vấn đề của Công giáo cũng là của các tôn giáo khác. Nhưng mà ở đây với tư cách là tờ báo của Diễn đàn giáo dân, những người công giáo ở hải ngoại này quan tâm đến các vấn đề ở Việt nam, thì dĩ nhiên những vấn đề đang xảy ra với giáo hội, với quê hương Việt nam thì chúng tôi cố gắng trình bày cho độc giả hải ngoại này thấy được những gì xảy ra trên quê hương chúng ta.
Đây là tờ báo dành cho mọi giới và mang tính chất thời sự. Tuy nhiên nếu đi vào chi tiết, cái chủ điểm của tờ báo thì chúng tôi chú ý đến việc phản ảnh cho các độc giả ở hải ngoại này thấy được những gì diễn ra trên quê hương chúng ta, và tập chú vào quan điểm đường lối của giáo hội Công giáo
Ông Trần Phong Vũ
Kính Hòa: Trong quan hệ giữa giáo hội Công giáo và những nhà cai trị cộng sản trong những năm gần đây, qua các sự kiện như Thái Hà, Con Cuông, Mỹ Yên thì dường như giáo hội đã bước qua một giai đoạn mà người ta không nghe nói gì tới trước kia trong chế độ cộng sản phải không ạ?
Ông Trần Phong Vũ: Cũng không hẳn là như vậy, bởi vì nếu chúng ta nhìn lại thời xa xưa khi đất nước chưa thống nhất cũng đã có những cuộc vận động của người Công giáo. Vào những năm 50 đã có những cuộc vận động ở Ba Làng, cái nôi của những người cộng sản. Ở đó những người Công giáo thuần thành dưới sự lãnh đạo của một số nhà lãnh đạo công giáo lúc đó đã có những phản kháng làm thành những thời điểm khá quan trọng.
Tới ngày nay thì nó rõ ràng hơn qua các sự kiện như là Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, rồi Mỹ Yên đưa tới cuộc vận động bất bạo động của hàng chục ngàn đồng bào Công giáo.
Kính Hòa: Qua những sự kiện đó thì ông đánh giá thế nào về cách ứng xử của đảng cộng sản Việt nam hiện nay đối với giáo hội Công giáo?
Ông Trần Phong Vũ: Chúng tôi nghĩ rằng nhà nước Việt nam, đảng cộng sản Việt nam đã nhìn ra được cái sức mạnh của tôn giáo, đã nhìn ra được chỉ có ở Việt nam, dù là đảng phái nào thì cũng thuộc về một tôn giáo nào đó, trong đó có hai tôn giáo lớn nhất là Phật giáo và Công giáo. Cho nên ngay từ đầu cái mục tiêu của họ là làm thế nào để triệt tiêu đi sức mạnh của tôn giáo. Chúng ta không thấy làm lạ là mấy chục năm qua họ tập trung làm cách nào để xâm nhập vào Công giáo, gây ảnh hưởng đến Công giáo, làm thế nào để triệt tiêu cái sức mạnh của tôn giáo, trong đó Công giáo là họ đặc biệt rất là quan tâm.
Kính Hòa: Ông vừa nhắc tới là Việt nam không chỉ có mỗi một mình Công giáo mà còn có nhiều tôn giáo khác, tất cả đang chịu một sự đàn áp hà khắc, vậy theo ông thấy có sự liên kết nào giữa họ với nhau không? Ví dụ như ở hải ngoại hay nghe nói đến sự liên tôn, còn trong nước hình như không thấy?
Ông Trần Phong Vũ: Có chứ. Tôi chỉ nghĩ là nó chưa được nhịp nhàng thôi. Tôi lấy ví dụ là cách đây mười mấy hai mươi năm khi Linh mục Nguyễn Văn Lý phát động phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo thì Linh mục Lý có những quan hệ rất mật thiết với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Rồi gần đây có những ủy ban liên tôn có Linh mục Phan Văn Lợi, còn bên Phật giáo có Hòa thượng Thích Không Tánh chẳng hạn.
Kính Hòa: Thưa xin ông cho câu hỏi cuối cùng có quan hệ đến chủ đề tôn giáo, là ông đánh giá thế nào về quan hệ hiện nay giữa Hà nội và Vatican? Và tương lai của nó sẽ ra sao?
Ông Trần Phong Vũ: Đây là một vấn đề mà có lẽ cái thời lượng ít phút không cho phép tôi được nói hết. Nhưng đối với nhà nước cộng sản Việt nam thì họ thấy được sức mạnh của Công giáo trên mặt đối ngoại cho nên họ luôn tìm cách đến gần với Vatican. Mà Vatican là một nơi xa, họ có một vị trí trên toàn cầu, thành ra trên một số lãnh vực, chúng tôi phải thưa thật là có những sự giao tế với nhau mất quân bình. Nghĩa là nó không đáp ứng những gì mà người Công giáo Việt nam chờ đợi, tức là cái nhìn của giáo hội toàn cầu nó có khác với những vấn đề đi vào hoàn cảnh Việt nam. Đôi khi có cả những vấn đề làm cho người Công giáo Việt nam phải buồn lòng.
Quí thính giả muốn tìm hiểu vấn đề đó nên tìm đọc một tác phẩm do anh em Công giáo chúng tôi ở hải ngoại thực hiện với sự cộng tác của một số Linh mục trong nước. Đó là tập Công giáo Việt nam 2005-2015, tập chú vào những biến cố trong mười năm qua, nối tiếp một tác phẩm khác xuất bản năm 2005 là 30 năm Công giáo Việt nam dưới chế độ Cộng sản. Trong đó với những ý kiến của nhiều người trong và ngoài nước có thể giúp quí khán thính giả có một ý niệm về hoàn cảnh của Việt nam hiện nay trên thế giới.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông.
No comments:
Post a Comment