10/29/2015

Tư lệnh Hải Quân Mỹ-Trung Quốc thảo luận tình hình Biển Ðông

Nguoi Viet
28/10/2015

WASHINGTON, DC (NV) - Hai vị tư lệnh Hải Quân của Mỹ và của Trung Quốc sẽ thảo luận với nhau về tình hình Biển Ðông sau sự kiện chiến hạm USS Lassen tuần tiễu bên trong 12 hải lý gần đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Theo tin thông tấn Reuters, Ðô Ðốc John Richardson và Ðô Ðốc Ngô Bang Lập (Wu Shengli) sẽ có cuộc thảo luận qua hệ thống viễn liên truyền hình kéo dài chừng một giờ đồng hồ vào ngày Thứ Năm này.


Khu trục hạm USS Lassen tập trận cùng một số chiến hạm khác của Nam Hàn hồi Tháng Năm. (Hình: US Navy)

Theo nguồn tin, cuộc họp được cả hai bên xúc tiến nhằm thảo luận các hoạt động mới diễn ra ở khu vực Trường Sa gây phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và dư luận bàn tán sôi nổi. Cuộc họp cũng sẽ thảo luận cả về mối quan hệ giữa hải quân hai nước.

Ðây là cuộc thảo luận thứ ba qua hệ thống truyền hình viễn liên giữa hải quân hai nước.

Ngày Thứ Hai vừa qua, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Lassen (từng thăm viếng hải cảng Ðà Nẵng và một số hải cảng Trung Quốc) nhận lệnh tuần tra khu vực Trường Sa.

Chiếc tàu đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý khoảng gần một giờ ở khu vực các đảo nhân tạo Su Bi và Vành Khăn mà Trung Quốc xây dựng từ các bãi đá ngầm trên biển.

Trung Quốc coi khu vực này cũng như hơn 80% Biển Ðông là “lãnh thổ” của họ “từ thời cổ đại” trong khi các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Ðài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần.

Cũng từ tuyên bố ngang ngược đó, Trung Quốc đã bồi đắp bảy bãi đá ngầm cướp của Việt Nam thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ mà giới chuyên viên đều tin chúng sẽ trở thành các căn cứ quân sự trên biển cho cả Không Quân và Hải Quân để Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Ðông.

Theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên, những bãi đá ngầm, đảo nhân tạo không được coi là lãnh thổ để từ đó xác định lãnh hải 12 hải lý.

Tuy nhiên, vì ngang nhiên coi những đảo nhân tạo là “lãnh thổ” nên Trung Quốc coi hành động đi vào bên trong “lãnh hải 12 hải lý” là vi phạm chủ quyền của họ.

Trước khi cho khu trục hạm Lassen đi vào bên trong 12 hải lý, Washington liên tiếp đánh tiếng cho biết sẽ cho tàu đi vào bên trong “lãnh hải” mà Bắc Kinh tự tuyên bố, vì những vùng đó không phải là những vùng cấm bay qua hay cấm tàu chạy qua, theo luật lệ quốc tế.

Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, ông Max Baucus, đến để phản đối chính thức.

Báo nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là tờ diều hâu hung hăng Hoàn Cầu Thời Báo (phó bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân Nhật Báo tại Bắc Kinh, cùng một trụ sở) đe dọa rằng Trung Quốc “không sợ phải đánh nhau với Mỹ ở khu vực” cũng như “quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia và danh dự.”

Báo này còn nói: “Ðối lại với sự sách nhiễu của Mỹ, Bắc Kinh sẽ đối xử với Washington một cách phũ phàng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”

Hôm Thứ Ba, Tân Hoa Xã bình luận rằng, hành vi khiêu khích của Mỹ “làm tăng thêm căng thẳng ở khu vực.”

Cho tới nay, người ta vẫn không thấy Hà Nội phản ứng gì về sự kiện xảy ra ở vùng biển đảo Trường Sa mà Việt Nam vẫn cả quyết mình có chủ quyền với các bằng chứng lịch sử và thực tế “không thể tranh cãi.”

Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy hôm Thứ Tư, 28 Tháng Mười, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho phát ngôn viên Lê Hải Bình phản đối về hai ngọn hải đăng mà Trung Quốc đã xây dựng tại hai đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Ted Osius, phát biểu trên tờ báo điện tử VNExpress hôm Thứ Tư qua bản tin viết rằng: “Tôi cho rằng việc nêu cao tinh thần của luật pháp quốc tế chính là cách để ngăn xung đột. Chắc chắn chúng ta không muốn có xung đột và tôi nghĩ chính các nước trong khu vực cũng không muốn thấy điều này.”

Trong cuộc điều trần ở Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện hôm Thứ Ba, ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, tránh né trả lời trực tiếp các câu hỏi về biến cố xảy ra trên Biển Ðông một ngày trước đó.

Tuy nhiên, một viên chức chính phủ nói rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ còn cho những chiến hạm khác tiếp tục tuần tra ở khu vực trong tương lai. (TN)

No comments:

Post a Comment