5/10/2015
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Sau năm năm ráo riết họp hành, lần cuối là trận việt dã từ ba ngày tại Atlanta mà thành cả tuần, sáng Thứ Hai, mùng năm Tháng Mười, 12 bộ trưởng hữu trách hoan hỉ thông báo rằng 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Với giới chức chuyên môn, còn lại chỉ là chuẩn bị chi tiết kỹ thuật, pháp chế và phiên dịch để có một văn kiện thống nhất cho các nước duyệt xét và phê chuẩn theo pháp chế riêng của từng nước.
Nhưng từ đấy, chuyện kinh tế lại thành chính trị.
Về kinh tế, sau Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA ký kết năm 1992, và Tổng Thống Bill Clinton ban hành năm 1993 tại Hoa Kỳ, Hiệp Ước TPP là biến cố lớn nhất. Nó liên quan đến kinh tế của 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương - là Úc (Australia), Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Khối TPP sản xuất ra khoảng 28 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 40% sản lượng toàn cầu. Dẫn đầu sẽ là Hoa Kỳ cùng nền kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản, hai đối tác của Mỹ trong hệ thống NAFTA là Canada và Mexico. Nếu thành công, Nam Hàn và Đài Loan cũng sẽ tham dự trong vài năm tới...
Về chính trị, Trung Quốc vẫn đứng ngoài, bị hụt hẫng với kế hoạch “Đối tác Kinh Tế Toàn Diện Cấp Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership) đang đàm phán cùng 10 thành viên của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và năm nước Á Châu là Úc, Ấn, Nhật, Nam Hàn và New Zealand (Tân Tây Lan). TPP cũng đẩy sáng kiến của Tổng Thống Vladimir Putin về Liên Hiệp Âu-Á Eurasian Union vào hậu trường.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, TPP là vành đai vây quanh con đường tơ lụa Nhất Đới Nhất Lộ và dự án của Bắc Kinh về Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB. Xuất thân là nhà vật lý học và sử gia, tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Ash Carter có hình ảnh võ biền về TPP: Một hàng không mẫu hạm đối đầu với Trung Quốc. Trong lời chào mừng sáng Thứ Hai mùng năm, Tổng Thống Barack Obama dùng ngôn ngữ hòa bình hơn, mà chắc nịch không kém: Hoa Kỳ buôn bán với 95% dân số còn lại của địa cầu thì không thể để Trung Quốc đặt ra luật chơi cho các nước. Việc chuyển trục về Châu Á mà chính quyền của ông nói từ bốn năm trước nay mới có một hình dạng kinh tế và sẽ là một di sản của Obama.
Nhưng Hoa Kỳ của Obama lại chẳng dứt khoát như vậy. Dù nội dung chưa được công bố trong chi tiết, Hiệp Ước TPP đã bị tấn công từ cả hai phía tả hữu, vì những lý do đặc thù của nền dân chủ đầy tính mị dân của nước Mỹ.
Từ cánh cực tả theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị Sĩ Bernard Sanders gọi đó là sự thắng thế của các đại tổ hợp và bọn tài phiệt. Quan điểm của ông được nghiệp đoàn quý tộc AAFL-CIO nhiệt liệt ủng hộ. Và được một đại tổ hợp cổ vũ, hãng xe hơi Ford, vì sợ là các nước đối tác có thể phá giá đồng bạc để bán xe và phụ tùng rẻ hơn. Đang ở vòng tranh cử sơ bộ với Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton cũng cuốn theo chiều gió: Bỗng nghi ngờ dự án TPP mà bà triệt để tán thành khi còn là ngoại trưởng. Và quên bẵng tiền lệ NAFTA mà Tổng Thống Clinton đã coi là thành tích.
Từ cánh hữu, xưa nay vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch, một vài dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa cũng lại trở cờ mà phản đối. Vì từ nay tiểu bang nhà sẽ gặp sự cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ ngoại quốc, nhất là các tổ hợp dược phẩm gốc sinh học “biologic.” Mà năm tới nước Mỹ lại có bầu cử. Nền chính trị của Hoa Kỳ có dấu hiệu tự sát vì giới dân cử chỉ mong tái đắc cử nên thường xuyên o bế cử tri của mình mà khỏi đếm xỉa đến quyền lợi hay lợi ích chung của quốc gia.
Theo một nguyên tắc dễ hiểu mà khó chấp nhận, phái bộ của 12 nước đã đàm phán khoảng bảy chục vấn đề then chốt xếp trong 30 chương. Và sau khi hoàn thành thì mới công bố nội dung đã thỏa thuận với nhau. Với nhiều người thì đây là chuyện khó chấp nhận vì họ không được theo dõi việc đàm phán trong chi tiết. Vì thế, chính trường Hoa Kỳ sẽ thêm sôi động khi nội dung này được công bố nay mai. Nay mai là những màn đấu võ nghị trường sẽ kéo dài qua đầu năm tới rồi bị chìm trong nhiễu âm của cuộc tổng tuyển cử 2016.
Cho nên, chúng ta sẽ còn được thấy chuyện kinh tế bị đẩy vào một góc và chính trị sẽ ồn ào lấn át tất cả. Nhìn rộng ra ngoài, nền kinh tế giàu mạnh và có sức sáng tạo nhất là Hoa Kỳ không mấy quan tâm đến 11 đối tác kia. Họ sẽ phải chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ để bán hàng vào Mỹ mà cũng gặp làn sóng “Made in USA” tràn vào sân nhà vì phải giảm hoặc triệt tiêu 18 ngàn loại thuế biểu khác nhau. Việc mua bán dễ dàng sẽ đem lại lợi ích cho mọi người trong cuộc, nhưng là lợi ích không đồng đều vì sức cạnh tranh mở rộng với nhiều thành phần hay cơ sở kinh doanh có ưu thế tương đới. Các thành phần bị cạnh tranh đều muốn được bảo vệ và đấy là lúc các chính khách nhập cuộc để kiếm phiếu. Càng gần ngày bầu cử thì họ càng sốt sắng bảo vệ quyền lợi của cử tri!
Vì vậy, chúng ta chưa nên vội mừng khi thấy 12 phái bộ đã thức qua đêm Chủ Nhật để hoàn thành một cam kết mà họ gọi là lịch sử. Xin đợi năm sau.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Sau năm năm ráo riết họp hành, lần cuối là trận việt dã từ ba ngày tại Atlanta mà thành cả tuần, sáng Thứ Hai, mùng năm Tháng Mười, 12 bộ trưởng hữu trách hoan hỉ thông báo rằng 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Với giới chức chuyên môn, còn lại chỉ là chuẩn bị chi tiết kỹ thuật, pháp chế và phiên dịch để có một văn kiện thống nhất cho các nước duyệt xét và phê chuẩn theo pháp chế riêng của từng nước.
Nhưng từ đấy, chuyện kinh tế lại thành chính trị.
Về kinh tế, sau Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA ký kết năm 1992, và Tổng Thống Bill Clinton ban hành năm 1993 tại Hoa Kỳ, Hiệp Ước TPP là biến cố lớn nhất. Nó liên quan đến kinh tế của 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương - là Úc (Australia), Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Khối TPP sản xuất ra khoảng 28 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 40% sản lượng toàn cầu. Dẫn đầu sẽ là Hoa Kỳ cùng nền kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản, hai đối tác của Mỹ trong hệ thống NAFTA là Canada và Mexico. Nếu thành công, Nam Hàn và Đài Loan cũng sẽ tham dự trong vài năm tới...
Về chính trị, Trung Quốc vẫn đứng ngoài, bị hụt hẫng với kế hoạch “Đối tác Kinh Tế Toàn Diện Cấp Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership) đang đàm phán cùng 10 thành viên của Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và năm nước Á Châu là Úc, Ấn, Nhật, Nam Hàn và New Zealand (Tân Tây Lan). TPP cũng đẩy sáng kiến của Tổng Thống Vladimir Putin về Liên Hiệp Âu-Á Eurasian Union vào hậu trường.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, TPP là vành đai vây quanh con đường tơ lụa Nhất Đới Nhất Lộ và dự án của Bắc Kinh về Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB. Xuất thân là nhà vật lý học và sử gia, tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là Ash Carter có hình ảnh võ biền về TPP: Một hàng không mẫu hạm đối đầu với Trung Quốc. Trong lời chào mừng sáng Thứ Hai mùng năm, Tổng Thống Barack Obama dùng ngôn ngữ hòa bình hơn, mà chắc nịch không kém: Hoa Kỳ buôn bán với 95% dân số còn lại của địa cầu thì không thể để Trung Quốc đặt ra luật chơi cho các nước. Việc chuyển trục về Châu Á mà chính quyền của ông nói từ bốn năm trước nay mới có một hình dạng kinh tế và sẽ là một di sản của Obama.
Nhưng Hoa Kỳ của Obama lại chẳng dứt khoát như vậy. Dù nội dung chưa được công bố trong chi tiết, Hiệp Ước TPP đã bị tấn công từ cả hai phía tả hữu, vì những lý do đặc thù của nền dân chủ đầy tính mị dân của nước Mỹ.
Từ cánh cực tả theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị Sĩ Bernard Sanders gọi đó là sự thắng thế của các đại tổ hợp và bọn tài phiệt. Quan điểm của ông được nghiệp đoàn quý tộc AAFL-CIO nhiệt liệt ủng hộ. Và được một đại tổ hợp cổ vũ, hãng xe hơi Ford, vì sợ là các nước đối tác có thể phá giá đồng bạc để bán xe và phụ tùng rẻ hơn. Đang ở vòng tranh cử sơ bộ với Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton cũng cuốn theo chiều gió: Bỗng nghi ngờ dự án TPP mà bà triệt để tán thành khi còn là ngoại trưởng. Và quên bẵng tiền lệ NAFTA mà Tổng Thống Clinton đã coi là thành tích.
Từ cánh hữu, xưa nay vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch, một vài dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa cũng lại trở cờ mà phản đối. Vì từ nay tiểu bang nhà sẽ gặp sự cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ ngoại quốc, nhất là các tổ hợp dược phẩm gốc sinh học “biologic.” Mà năm tới nước Mỹ lại có bầu cử. Nền chính trị của Hoa Kỳ có dấu hiệu tự sát vì giới dân cử chỉ mong tái đắc cử nên thường xuyên o bế cử tri của mình mà khỏi đếm xỉa đến quyền lợi hay lợi ích chung của quốc gia.
Theo một nguyên tắc dễ hiểu mà khó chấp nhận, phái bộ của 12 nước đã đàm phán khoảng bảy chục vấn đề then chốt xếp trong 30 chương. Và sau khi hoàn thành thì mới công bố nội dung đã thỏa thuận với nhau. Với nhiều người thì đây là chuyện khó chấp nhận vì họ không được theo dõi việc đàm phán trong chi tiết. Vì thế, chính trường Hoa Kỳ sẽ thêm sôi động khi nội dung này được công bố nay mai. Nay mai là những màn đấu võ nghị trường sẽ kéo dài qua đầu năm tới rồi bị chìm trong nhiễu âm của cuộc tổng tuyển cử 2016.
Cho nên, chúng ta sẽ còn được thấy chuyện kinh tế bị đẩy vào một góc và chính trị sẽ ồn ào lấn át tất cả. Nhìn rộng ra ngoài, nền kinh tế giàu mạnh và có sức sáng tạo nhất là Hoa Kỳ không mấy quan tâm đến 11 đối tác kia. Họ sẽ phải chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ để bán hàng vào Mỹ mà cũng gặp làn sóng “Made in USA” tràn vào sân nhà vì phải giảm hoặc triệt tiêu 18 ngàn loại thuế biểu khác nhau. Việc mua bán dễ dàng sẽ đem lại lợi ích cho mọi người trong cuộc, nhưng là lợi ích không đồng đều vì sức cạnh tranh mở rộng với nhiều thành phần hay cơ sở kinh doanh có ưu thế tương đới. Các thành phần bị cạnh tranh đều muốn được bảo vệ và đấy là lúc các chính khách nhập cuộc để kiếm phiếu. Càng gần ngày bầu cử thì họ càng sốt sắng bảo vệ quyền lợi của cử tri!
Vì vậy, chúng ta chưa nên vội mừng khi thấy 12 phái bộ đã thức qua đêm Chủ Nhật để hoàn thành một cam kết mà họ gọi là lịch sử. Xin đợi năm sau.
No comments:
Post a Comment