11/20/2015

Đảo nào trong vùng biển Đông có vị trí quan trọng nhất về mặt quân sự?

Greg Austin
13/10/2015

Trong kho lưu trữ tin tình báo quân sự Hoa Kỳ trong khoảng thập niên 30 đến 40 có nhiều dữ kiện hoạt động của quân đội Nhật tại Á Châu trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ.

Một điều đặc biệt trong số tài liệu đó nhắc lại cho chúng ta vai trò của đảo Hải Nam trong vị thế địa chính trị của biển Đông so với quần đảo Trường Sa, không quan trọng bằng, ít ra là về mặt quân sự. Lịch sử của đảo Hải Nam và tầm quan trọng chiến lược của nó trong cuộc chiến Hoa-Nhật (1931-1945) và sau đó, thường không được nhắc đến trong những trao đổi thời cuộc gần đây.

Một điện tín ngoại giao của Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng Hai, 1933 báo cáo quân đội Nhật xâm chiếm lấy đảo Hải Nam. Điện tín ghi rằng việc kiểm soát đảo này “sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát vùng biển Đông giữa đất liền và đảo Luzon (của Phi Luật Tân) cũng như giảm bớt tầm ảnh hưởng của Singapore (Anh quốc đang kiểm soát)”.

Theo các tài liệu trong kho lưu trữ hành động này của Nhật được quan tâm nhiều hơn sự việc Nhật sáp nhập quần đảo Trường Sa vào ngày 30 tháng Ba, 1933, và tiếp theo đó là chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Nhật cho rằng quần đảo Trường Sa không có ai ở trước khi được dân Nhật đến vào năm 1921, tuy nhiên trước đó ít nhất có hai đảo đã được Anh quốc sáp nhập. Tài liệu năm 1939 cho thấy cách nhìn của chính quyền Hoa Kỳ về chủ quyền của Trường Sa vào lúc đó. Việc phản đối của Hoa Kỳ chính yếu là Nhật không thể nào sáp nhập toàn bộ quần đảo Trường Sa dựa vào lý cớ là đang quản lý một vài đảo nhỏ trước đó.

Điều đáng lưu ý bây giờ đối với Trường Sa là việc nhắc đến Pháp sáp nhập nhiều đảo này vào năm 1933. Tài liệu tình báo Hoa Kỳ nhắc đến việc Trung Quốc gửi tàu chiến đến vùng này để phản đối việc Pháp sáp nhập. Bản tường trình ghi nhận là các đảo này chỉ là các bãi san hô nhỏ bé, hoặc đảo hoang, “một vài đảo có ngư phủ Trung Quốc ghé đến”, nhưng vào lúc đó chẳng có quốc gia nào giành lấy và dường như không có mặt trong bản đồ. Vào năm 1933, ngay khi Nhật đang chiếm đóng Trung Quốc và Hoa Kỳ, Anh, Pháp đang đeo đuổi kiểm soát thuộc địa ở nhiều nơi, các đảo này được đánh giá là không quan trọng.

Các tài liệu chính thức của Hoa Kỳ từ 1943 trở đi liên quan đến việc thu xếp Trường Sa, sau khi đánh bại Nhật giúp chúng ta hiểu thêm cách đánh giá chiến lược của Hoa Kỳ về các đảo này. Mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ hậu chiến là với những lãnh thổ có tầm chiến lược quan trọng. Hoa Kỳ cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa không phải là mối quan tâm sống còn cho các quốc gia, tuy nhiên có lợi ích cho các quốc gia ven biển như Trung Quốc, Phi Luật Tân và Đông Dương, và an toàn cho đường giao thương hàng hải.

Sau khi phe cộng sản nắm quyền vào năm 1949, họ mở chiến dịch tấn công phe quốc gia Tưởng Giới Thạch đang nắm giữ các đảo dọc theo bờ biển Trung Quốc từ bắc chí nam.

Sau khi chiếm lấy đảo Hải Nam vào tháng Năm năm 1950, Quân đội Giải phóng Nhân dân chuẩn bị xâm chiếm Đài Loan với 4000 tàu có động cơ và 200.000 bộ đội.

Lập trường ngoại giao của Hoa Kỳ đối với cuộc nội chiến Trung Quốc là giữ thế trung lập, nhưng sau khi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn vào ngày 24 tháng Sáu, 1950, Hoa Kỳ đổi lập trường. Lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đến Đài Loan vào năm 1950 để bảo vệ.

Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch xâm chiếm Đài Loan. Quyết định này là một đắng cay cho Trung Quốc vì hải quân Trung Quốc còn quá yếu lúc bấy giờ.

Đối với Trung Quốc, việc tuyên bố chủ quyền của Trường Sa cũng như của Đài Loan được xem như giai đoạn chót của cuộc chiến giải phóng và thống nhất đất nước. “Chiến dịch đảo” mà Mao khởi động năm 1949 vẫn tiếp diễn. Trung Quốc lấy lại các đảo Hồng Kông năm 1997 và Macau năm 1999. Đối với Trung Quốc, biên cương biển vẫn chưa ổn định sau gần 500 năm bị ngoại xâm.

Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa nhưng chúng ta đừng quên rằng đối với Trung Quốc, hai hòn ngọc của biên cương biển về mặt chiến lược quân sự chính là đảo Đài Loan (36.000 km2) và Hải Nam (33.000 km2).

Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên tóm lược

Nguồn: The Diplomat

No comments:

Post a Comment