11/08/2015

TPP được công khai, các chỉ trích vẫn tiếp tục

Thụy My
06-11-2015 

12 nước tham gia TPP.Nguồn : Freemalaysiatoday.com

Việc công bố toàn văn bản Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoan nghênh như một dấu hiệu minh bạch, nhưng vẫn chưa làm ngưng được những tiếng nói chỉ trích của xã hội dân sự.

Từ các thủ tục gọi thầu cho đến lãnh vực viễn thông, 30 chương của hiệp định thương mại chưa có tiền lệ bao trùm nhiều mảng của nền kinh tế, sẽ được Liên hiệp Châu Âu – hiện đang thương lượng hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ trong không khí ngờ vực – nghiên cứu kỹ lưỡng.

Là người cật lực thúc đẩy TPP tập hợp 12 quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã hoan nghênh hiệp định sẽ giúp Hoa Kỳ « viết nên những quy định cuộc chơi thế kỷ 21 », không để cho những nước khác « như Trung Quốc » làm thay.

Bắc Kinh bị gạt ra ngoài cuộc thương lượng TPP vốn dự kiến mở cửa các thị trường quan trọng cho nông phẩm đối với Canada, Mỹ và Nhật Bản, từ đường, gạo, phô-mai hay thịt bò. Nhưng hôm nay Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đang « nghiên cứu hiệu quả » của TPP.

Theo Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb, việc công khai toàn văn bản hiệp định « tạo cơ hội nghiên cứu văn kiện này và hiểu thêm các lãnh vực thương lượng ».

Sau 5 năm đàm phán căng thẳng, nhiều chi tiết của hiệp định được thỏa thuận vào đầu tháng 10 vẫn được giữ bí mật, gây ra những chỉ trích là TPP tạo thuận lợi cho các tập đoàn đa quốc gia thay vì người tiêu thụ. Việc công khai toàn bộ văn kiện được mọi người hoan nghênh, cho dù còn phải mất nhiều thời gian để phân tích cụ thể.

Các tổ chức xã hội dân sự vốn phản đối TPP ngay từ đầu, đã chỉ trích hiệp định thiếu vắng vấn đề thay đổi khí hậu, quan tâm đến doanh nghiệp thay vì nhân viên, cơ chế bảo vệ các nhà đầu tư cho phép các công ty đa quốc gia kiện Nhà nước ra tòa. TPP cũng vấp phải sự chống đối kịch liệt từ các tổ chức nông dân, đặc biệt tại Nhật Bản, Canada.

Riêng đối với Việt Nam, hôm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố nội dung TPP trong lãnh vực này, với bốn vấn đề lớn : xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản, được tạm thời hạn chế xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực, không áp dụng tự vệ đặc biệt dù WTO vẫn cho phép, công khai về sản phẩm biến đổi gien. Theo Bộ Nông nghiệp, với TPP Việt Nam có 8 cơ hội (mở rộng thị trường, tạo động lực đầu tư vào sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng, việc làm, tiếp cận công nghệ và vốn…). Bên cạnh đó là 7 thách thức (năng lực cạnh tranh, yêu cầu xuất xứ, thiếu vốn, chính sách chưa hoàn thiện…), đồng thời Bộ này cũng đề ra 7 giải pháp.

Giai đoạn phê chuẩn đang mở ra tại các quốc gia ký kết cũng không đơn giản. Ở Hoa Kỳ, thủ lãnh phe Cộng hòa đối lập tại Hạ viện, ông Paul Ryan, đòi hỏi chính quyền Obama « phải giải thích chi tiết » xem các gia đình Mỹ được hưởng lợi như thế nào từ TPP. Tuy vậy đã có một sự bảo đảm đối với các dân biểu Mỹ là cả 12 quốc gia thành viên hôm qua đồng loạt công bố bản tuyên bố chung, trong đó cam kết tránh phá giá để cạnh tranh hay thao túng hối suất với mục đích thương mại.

No comments:

Post a Comment