11/17/2015

Thiếu tiền xây cầu, bỏ mặc dân đu dây vượt sông - trong khi đó CSVN tiêu 1,400 tỉ để xây tượng và khu "tưởng nhớ" HCM ở Sơn La, cùng trên 56 tượng HCM trong tương lai

NguoiViet
6/2014

ÐẮK LẮK (NV) - Biết rằng hàng trăm cư dân của mình ngày ngày “đánh cược với thủy thần” khi đu dây qua sông, nhà cầm quyền xã vẫn phải “im hơi lặng tiếng” vì không có tiền để xây cầu.




Vượt sông sâu bằng cách đu dây, một cách đánh cược với tử thần. (Hình: VTC News)

Ðó là lời “tự thú” của ông Ðoàn Hữu, chủ tịch xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Ðoàn Hữu cho biết, xã Hòa Lễ nằm cách thị trấn Krông Kma khoảng 10 cây số, ở về phía bắc bên kia bờ sông Krông Ana. Con sông có chiều ngang rộng 50 m này vô tình trở thành bề mặt chứng kiến cảnh biết bao nhiêu lượt người đu dây để vượt sông.

Hàng ngày, người dân phải miễn cưỡng làm quen với cảm giác lạ khi “chơi” trò đu dây: tay bám vào chiếc ròng rọc, đu người theo đà ròng rọc chạy qua một sợi dây thừng, từ bên sông này sang bên sông kia. Ông Lê Văn Bình, cư dân xã Hòa Lễ được coi là người “sáng tạo” cách vượt sông bằng dây cáp. Ông này nói rằng, vượt sông kiểu đu dây tuy sợ thật, nhưng không nguy hiểm bằng cách đi xuồng, nhất là vào mùa mưa lũ.

Còn theo ông Ðoàn Hữu, xã đã báo cho cấp trên biết tình hình vừa kể, nhưng không nghe ai nói gì. Ông tự đoán rằng kinh phí xây cầu băng qua sông Krông Ana vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Vì vậy, các viên chức chính quyền địa phương hầu như làm ngơ để chuyện người dân đu dây vượt sông tái diễn mỗi ngày.

Sự kiện này thật ra không lạ với người dân vùng cao nguyên phía Bắc. Cách nay vài tháng, báo Lao Ðộng trích đăng hình ảnh được tung lên mạng xã hội cho thấy, người dân huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đu cả người và chiếc xe gắn máy bằng sợi dây thừng, tòn ten trên thung lũng. Vùng đất thấp phía dưới sâu hàng trăm thước, đầy nứa, tre trước nhọn hoắt chĩa lên trên.



Vượt suối bằng cách chui vào túi nylon, nhờ người túm túi bơi qua bên kia bờ. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Chưa hết, trước đó dư luận hoảng kinh với hình ảnh cho thấy, thầy cô giáo và học trò một trường tiểu học đã phải chui vào bao nylon, nín thở, nhờ người biết bơi túm túi kéo sang bên kia suối. Họ qua suối, đến trường ở bản Sang Lang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Ðiên Biên để đi học hoặc đi dạy.

Còn tại huyện Ngọc Hồi, Ðắk Lắk, người dân vượt sông Pôkô cũng bằng cách đu dây. Theo báo Tuổi Trẻ, đoạn sông Pôkô dài khoảng 20km, đi qua ba xã Ðắk Ang, Ðắk Dục, Ðắk Nông và thị trấn Pleican. Trận lụt dữ dội hồi năm 2009 đã cuốn phăng nhiều chiếc cầu treo bắt ngang. Cho đến nay, người dân vẫn qua lại sông bằng cách đu người theo một cái ròng rọc móc vào sợi dây thừng.

Người tổ chức “vượt sông bằng dây thừng” nói đã bỏ tiền ra mua đoạn dây tốn 5 triệu đồng, tương đương 250 đô la, và vì vậy bắt đầu giúp người vượt sông để thu hồi vốn và kiếm lãi mưu sinh.

Ðoạn dây thừng từ bờ sông này sang bờ sông bên kia dài khoảng 150m. Người đu tòn ten trên dây thừng cách mặt nước sông chừng vài chục thước. Một đoạn clip được tung lên mạng cho thấy, một cô gái được người chủ dây thừng đưa qua sông, la “bài hãi” vì sợ.

Tất cả những điều nghịch lý kể trên cho thấy, trong khi giới đại gia tậu xe hơi đắt tiền, lao vào thú chơi đồ cổ, chơi chim quý, cây cảnh tốn bạc tỉ... người dân các vùng cao vẫn phải đánh cược mạng sống của mình mỗi ngày trên những chiếc sợi dây thừng. (PL)

No comments:

Post a Comment