11/24/2015

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: Tòa từ chối triệu tập hai nhân chứng quan trọng trong vụ án cậu bé 15 tuổi

GNsP - Huyền Trang
25.11.2015

GNsP (25.11.2015) – Tòa án huyện Thạnh Hóa-Long An tuyên phạt trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn –SN 2000, 15 tuổi- 4 năm 6 tháng tù giam về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo khoản 3 Điều 104 BLHS và buộc bồi thường thiệt hại 42.600.000 VNĐ.

Căn cứ chính đẩy trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn vào vòng lao lý chính là kết quả giám định pháp y ‘35%’ thương tật của người bị hại là công an Nguyễn Văn Thủy.



Cậu bé ‘tội phạm bất đắc dĩ’ Nguyễn Mai Trung Tuấn -SN 2000, 15 tuổi- đứng trước vành móng ngựa ngày 24.11.2015. Ảnh: Báo Nhân Dân

Hai nhân chứng quan trọng trong vụ án này là hai giám định viên đã giám định kết quả thương tật 35% cho người bị hại, nhưng Tòa đã bác bỏ triệu tập hai nhân chứng này khi Luật sư Nguyễn Văn Miếng, bào chữa cho Tuấn, yêu cầu.

“Bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn luôn trả lời là ‘không cố ý gây thương tích’, mục đích chỉ có chống lại cưỡng chế của chính quyền về việc thu hồi đất của gia đình Tuấn, nhưng Tòa và Viện vẫn cho rằng hành vi của bị cáo Tuấn là hành vi ‘cố ý’.” Ls Miếng cho hay.

Tất cả những lời bào chữa của Ls Nguyễn Văn Miếng đều không được Tòa đồng ý.

Để hiểu rõ hơn diễn biến bên trong phiên tòa, xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với Ls Nguyễn Văn Miếng.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, Ls là người tham gia phiên tòa với tư cách là người gỡ tội cho bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, vậy xin Ls có thể tóm tắt lại diễn biến phiên tòa là như thế nào ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Phiên tòa sáng ngày 24.11.2015 xử Nguyễn Mai Trung Tuấn có bố-mẹ của Tuấn tới dự với tư cách là cha-mẹ có trách nhiệm bồi thường dân sự, và cậu là Mai Quốc Biển,người giám hộ cho Tuấn. Tại phiên tòa, tôi yêu cầu triệu tập hai người giám định viên của Sở Y tế tỉnh Long An nhưng đã bị Tòa bác, vì lý do những điều Luật sư thắc mắc trình bày với Tòa, Tòa sẽ giải quyết. Tuy nhiên, những điều mà tôi thắc mắc chỉ có giám định viên mới trả lời được, nếu như Hội đồng xét xử [HĐXX] không giải quyết tôi sẽ nhận định theo chủ quan. Sau đó, HĐXX tạm dừng thảo luận, 5 phút sau Tòa tuyên phiên tòa tiếp tục và không đồng ý triệu tập hai giám định viên trên.

Tòa mời 13 nhân chứng, trong đó chỉ có 1-2 người là dân địa phương, còn lại là cán bộ tham gia buổi cưỡng chế hôm 14.04.2015. Những người dân muốn tham dự phiên tòa thì không có ai được tham dự cả.

Bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn luôn trả lời là ‘không cố ý gây thương tích’, mục đích chỉ có chống lại cưỡng chế của chính quyền về việc thu hồi đất của gia đình Tuấn, nhưng Tòa và Viện vẫn cho rằng hành vi của bị cáo Tuấn là hành vi ‘cố ý’.

Đối với vụ án này bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS thì có hai điểm có thể gỡ tội cho Tuấn: Điểm thứ nhất, nếu Tuấn ‘không cố ý’ thì Tuấn sẽ thoát tội, và bản kết luận giám định pháp y về thương tích nếu là 30% thì Tuấn cũng thoát tội luôn. Nhưng bệnh viện [nơi giám định pháp y cho người bị hại] đã cố gắng ép cho Tuấn tình tiết là ‘cố ý gây thương tích’, tức là bị thương tích trong tình trạng Tuấn ‘cố ý’, dùng hung khí nguy hiểm… Điểm thứ hai, về kết luận giám định pháp y, tôi cố gắng trình bày để Tòa xem xét nhưng Tòa đã bác vì trong bản kết luận giám định pháp y này có 4 vấn đề cần đặt ra: Thứ nhất, Bản kết luận giám định pháp y đặt ra tỷ lệ thương tật của người bị hại hiện tại là 35%, một câu hỏi đặt ra là có phải tất cả các thương tích trên người cán bộ Thủy là do bị cáo gây ra hay không, nguyên nhân gây ra các vết thương này là như thế nào, và các vết thương này là cũ hay là mới. Thứ hai, về hình thức, hồ sơ vụ án đã dùng bản sao của kết luận giám định pháp y về thương tích và bản này được đánh dấu mật. Thứ ba, có hai giám định viên đứng tên là người giám định nhưng cuối cùng chỉ có một giám định viên ký tên vào biên bản. Thứ tư, cơ quan pháp y của tỉnh Long An là cơ quan địa phương, tôi cho rằng nó không khách quan, tôi có đề nghị Tòa cho giám định lại với một cơ quan pháp y khác, nhưng Tòa không đồng ý và vẫn áp dụng bản kết luận giám định với thương tật 35%. Như thế với tỷ lệ 35% này, Tuấn bị Tòa án xét vào tội ‘cố ý gây thương tích’ và mức án mà VKS đề nghị là 4 năm 6 tháng tù giam, và cuối cùng Tòa tuyên là 4 năm 6 tháng tù giam đối với Tuấn.

Về mặt dân sự, người bị hại là ông Nguyễn Văn Thủy –cán bộ công an huyện- đã tính toán tại Tòa tất cả các chi phí khám chữa bệnh của ông ấy và đưa ra mức bồi thường là 42.600.000 VNĐ. Ngoài ra, ông sẽ giải phẫu thẩm mỹ các vết thương này với chi phí là 20.000.000 VNĐ, nhưng Tòa nói rằng khi nào ông Thủy đi giải phẫu, có kết quả thì ông yêu cầu bồi thường dân sự sau. Tòa chấp nhận mức bồi thường 42.600.000 VNĐ mà ông Thủy đề nghị. Tôi không đồng ý mức bồi thường này vì không bình đẳng do gia đình bị cáo đang ở trong tình trạng tù tội. Tại phiên tòa, gia đình bị cáo đã chấp nhận đền bù 42.600.000 VNĐ, để mong bị cáo có một mức án thấp nhất, nhưng Tòa vẫn tuyên bị cáo mức án là 4 năm 6 tháng tù giam. Thêm nữa là án phí hình sự là 200.000 VNĐ, án phí dân sự là 2.130.000 VNĐ.

Bà Hương, mẹ của Tuấn, nói sẽ kháng cáo bản án này và yêu cầu ông Biển –người giám hộ cho Tuấn- liên lạc với Luật sư và Tuấn để xúc tiến việc kháng cáo bản án.

Trước khi Tòa kết thúc và ra về thì bà Hương đã la lớn tiếng ‘đả đảo bản án bất chính’, ‘đả đảo phiên tòa bất công’.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, Ls đã tranh tụng những gì với Viện kiểm sát? Họ đã đáp trả ra sao ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Thứ nhất, tôi trình bày một số vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng. Thứ hai, tôi bảo vệ cho hành vi của Tuấn không phải là hành vi ‘cố ý’ và tôi xoáy vấn đề người bị hại và bản kết luận giám định pháp y. Đối với người bị hại thuộc đội ‘bảo vệ cưỡng chế’ thì theo Luật cán bộ Thủy này phải bảo vệ những người thi hành cưỡng chế và những người bị cưỡng chế, [nhưng tại Tòa] ông Thủy nói rằng ông chỉ bảo vệ những người bị thương tích còn những người khác ông ấy không có trách nhiệm. Khi ngôi nhà của ông Can và bà Hương bị cháy thì ông Thủy đã co giò bỏ chạy trước, Tuấn chạy sau, Tuấn hoảng loạn cầm cái ca chứa chất lỏng tạt từ phía sau, nếu ông Thủy là người thi hành công vụ -không bỏ trốn- sẽ bị tạt ngay phía trước, và như vậy ông Thủy không hoàn thành nghĩa vụ là một công an bảo vệ người cưỡng chế và người bị cưỡng chế.

Về bản kết luận giám định pháp y như tôi đã trình bày ở trên là nó không khách quan, và do một cơ quan giám định ở địa phương giám định trong tình trạng người bị hại chưa lành bệnh với tỷ lệ thương tật là 35% -tỷ lệ tạm thời.

Về mức bồi thường dân sự, ông Thủy là cán bộ, theo Luật về chế độ quy định ‘các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ’ thì người thi hành công vụ mà hy sinh sẽ được xem xét là thương binh, được khen thưởng, được phong tặng liệt sĩ… do đó bên các cơ quan nhà nước sẽ trả cho ông Thủy các chi phí này. Tuy nhiên, ông Thủy nói là đã được bảo hiểm trả một số chi phí nhưng còn thiếu 42.600.000 VNĐ nên yêu cầu bị cáo phải trả. Tôi có trình bày trước tòa là việc bồi thường này phải được thương lượng trong tình trạng bình đẳng, bởi vì ông Thủy là người bị hại và được tại ngoại, còn gia đình bị cáo và bị cáo đang ở trong tù, cho nên bây giờ ông Thủy muốn bồi thường bao nhiêu thì gia đình họ đều đồng ý để được mức án thấp nhất cho Tuấn. Những yêu cầu của ông Thủy đưa ra được Tòa đồng ý thì tôi cho rằng đó là không công bằng.

Tất cả những điều tôi trình bày thì VKS không chấp thuận và vẫn cho rằng bị cáo vẫn minh mẫn, sáng suốt trong khi ngôi nhà bị cháy, nghĩa là Tuấn vẫn đủ suy xét để tạt axít, nếu Tuấn rơi vào tình trạng hoảng loạn thì Tuấn sẽ kiếm chỗ nào để núp hoặc tẩu thoát… Bên VKS đồng ý mức bồi thường của người bị hại Thủy.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, Tòa án đã chấp nhận và không chấp nhận những lời bào chữa nào của Ls ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Tất cả những yêu cầu của tôi đều không được Tòa đồng ý.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị kết án tội danh ‘cố ý gây thương tích’, vậy thưa Ls, theo quy định của pháp luật thì những hành vi của Tuấn có đủ để cấu thành tội danh này hay chưa ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Như tôi đã trình bày lúc đầu, vụ án này phải giải quyết hai vấn đề: thứ nhất, Tuấn cố ý hay không cố ý gây thương tích. Thứ hai, bản kết luận giám định pháp y là 30% thì Tuấn sẽ thoát tội. Cho nên trong trường hợp này Tòa vẫn xét cho Tuấn là hành vi cố ý và họ công nhận bản kết luận giám định pháp y 35% là chính xác. Và họ đã xử Tuấn với mức án như trên.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, ý kiến của Ls như thế nào về bản án 4 năm 6 tháng tù giam mà Tòa án tuyên cho trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Tôi cho rằng, bản án này quá cao, bởi vì trong vụ án của gia đình Tuấn được xét xử vào ngày 15-16.09.2015 vừa qua thì mức án cao nhất là 3 năm 6 tháng tù giam. Người lớn ý thức đầy đủ về hành vi chống người thi hành công vụ, còn một đứa bé ‘ăn chưa no lo chưa tới’ mà Tòa phạt ở mức án 4 năm 6 tháng tù giam thì theo tôi là quá cao.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, sức khỏe và tinh thần của em Tuấn trong phiên tòa hôm nay là như thế nào ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Em Tuấn rất minh mẫn, đối đáp nhanh nhạy đối với câu hỏi của HĐXX và VKS đặt ra.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, ông sẽ tiếp tục đồng hành với Tuấn ra sao trong những ngày sắp tới để kêu oan cho Tuấn?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Sắp tới gia đình họ quyết định kháng cáo, bà Hương đã nói chuyện với ông Biển –em trai bà Hương- và với tôi là ráng giúp cho Tuấn trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, cụ thể là xúc tiến quá trình kháng cáo cho Tuấn.

Huyền Trang, GNsP: Thưa Ls, qua vụ án này thì điều gì làm Ls lo lắng nhất ạ?

Ls Nguyễn Văn Miếng: Điều lo lắng nhất của tôi là ý thức phản kháng của người dân bắt đầu trẻ hóa, nếu nhà nước mà không có những chính sách tốt cho những người dân đặc biệt là người dân oan thì tôi cho rằng là tình trạng trẻ hóa có hành vi phản kháng càng ngày càng đông.

Huyền Trang, GNsP: Xin chân thành cám ơn Ls Nguyễn Văn Miếng đã cho GNsP cuộc phỏng vấn này và kính chúc sức khỏe ông.

Xin được phép nhắc lại vào năm 2009, nhà cầm quyền thu hồi đất của hai gia đình là bà Mai Thị Kim Hương [mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn] và bà Phùng Thị Ly với giá đền bù rẻ mạt. Cả hai gia đình không đồng ý, đã đi khiếu kiện nhiều nơi đến các cấp có thẩm quyền, nhưng không được đền bù một cách thỏa đáng. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào ngày 14.04.2015, khi nhà cầm quyền huyện Thạnh Hóa đem lực lượng công quyền đến cưỡng chế đất của hai gia đình này (cưỡng chế đất lần thứ ba). Thấy sự bất công, oan khiên mà cả hai gia đình bà Hương và bà Ly gánh chịu, nên họ hàng đã đồng hành ‘bảo vệ’ mảnh đất của hai gia đình. Còn Tuấn cũng tham gia phản kháng lại chuyện bất công này. Nhiều người đã bị bắt trong đó có Tuấn, sau đó Tuấn được bà ngoại và cậu bảo lãnh về nhà. Tuấn sống tại Bình Thuận và kiếm sống bằng nghề chăn vịt. Đến tháng 8.2015, Tuấn bị bắt lại theo lệnh truy nã. Hiện nay, Tuấn đang bị giam giữ tại trại giam Long An.

Huyền Trang, GNsP

No comments:

Post a Comment