11/19/2015

TPP của Hoa Kỳ đối đầu với FTAAP của Trung Quốc tại APEC

Hương Giang (theo Wall Street Journal)
18/11/2015

Các nhà phân tích nguy cơ và các nhà kinh doanh hoạt động trong vùng cho rằng Hoa Kỳ đã bảo đảm được chiến thắng mang tính chiến lược trong việc đề ra quy tắc mới về thương mại toàn cầu, bằng cách chủ động thảo luận sâu rộng hơn về đầu tư và thương mại, cũng như đề ra tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP.


Lãnh đạo 12 quốc gia tham gia TPP cùng chụp hình trước một buổi họp ở Manila vào ngày 18 tháng 11 – Photo Courtesy: Saul Loeb/Agence France-Presse/ Getty Images

Cali Today News - Tại hội nghị APEC tại Manila vào hôm thứ tư, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những tầm nhìn về thương mại châu Á khá cạnh tranh, khác biệt, cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ganh đua về thương mại cũng như ảnh hưởng quân sự ở một trong những góc quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Đến Phi Luật Tân cùng với các nhà lãnh đạo thế giới khác tham dự Diễn đàn Hợp tác Thương mại Châu Á Thái Bình Dương thường niên, Tổng thống Obama đã đưa ra Hiệp định thương mại TPP như một mô hình mở rộng giao thương xung quanh Thái Bình Dương. Theo Mỹ, Hiệp định mang tính thời đại mới, sâu rộng giữa các quốc gia chiếm hơn ¼ thương mại trên toàn thế giới, nâng cao tiêu chuẩn toàn cầu trong những lãnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, thực hành (luật) lao động và cải tổ các xí nghiệp thuộc chính phủ.
Những quốc gia sáng lập viên như Hoa Kỳ và Nhật đã đạt được thỏa thuận vào tháng trước. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào năm 2017, và Trung Quốc bị loại khỏi cuộc chơi.

Các nhà phân tích an ninh đã miêu tả TPP là một thành phần kinh tế nằm trong chiến lược xoay trục sang Á châu của Washington, bao gồm thắt chặt hợp tác quân sự với các quốc gia như Phi Luật Tân và Việt Nam trong khi thách thức tuyên bố ngang ngược về chủ quyền của Trung Quốc trên tuyến đường hàng hải bận rộn ở biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của các quốc gia sáng lập, ông Obama nhấn mạnh, TPP “được đặt trọng tâm trong tầm nhìn chung của chúng tôi về tương lai của khu vực năng động này.”

“Đây là thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao nhất và tiến bộ nhất chưa từng được đàm phán trước đây,” Tổng thống Obama nói.

Ông Obama cho rằng, hiệp định sẽ mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ, bảo vệ môi trường và người lao động, trong khi ngăn chặn Trung Quốc đề ra những quy tắc thương mại mang tính đòi hỏi thấp hơn, cản trở lợi ích của Hoa Kỳ. Có được sự ủng hộ và phê chuẩn hiệp định từ quốc hội là ưu tiên cấp bách và thách thức trong năm cuối cùng tại Tòa Bạch Ốc của ông Obama.

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương hướng tới Khu vực Thương mại Tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) – một khu vực thương mại tự do trong chương trình nghị sự của APEC hàng năm trời – và không được Mỹ ủng hộ do Hoa Kỳ đang theo đuổi TPP.

Trước các nhà lãnh đạo cấp cao, ông Tập miêu tả khu vực thương mại tự do là cách bảo vệ mối liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực đang phát triển nhanh.

Khối APEC gồm 21 thành viên có đến 144 thỏa thuận thương mại tự do, hơn nửa tổng số toàn cầu.
“Với nhiều thỏa thuận thương mại tự do mới trong vùng, nên có sự quan ngại về khả năng bị phân mảnh,” ông Tập nói, “Vì vậy chúng ta cần thúc đẩy việc thực hiện FTAAP, và thúc đẩy hội nhập kinh tế trong vùng tiếp tục phát triển.” Các quốc gia thành viên APEC đang nghiên cứu FTAAP.

Trung Quốc và quốc gia khác đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các thỏa thuận thương mại trong vùng mà có thể biến thành hiệp định lớn hơn. Hơn nữa, một số nhà phân tích cho rằng, cho đến giờ Trung Quốc có một chiến lược kinh tế toàn cầu rõ ràng hơn Hoa Kỳ: dùng khả năng kinh tế của mình đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những phát triển khác trên thế giới, thông thường thông qua nỗ lực tạo không gian mới cho thương mại và vận chuyển.

Sự trỗi dậy của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á của Bắc Kinh (AIIB) sẽ đóng góp ảnh hưởng trong khi hỗ trợ những nền kinh tế mới nổi cần hàng trăng tỉ Mỹ kim để xây cầu, cảng, đường sá và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Indonesia là một ví dụ. Quốc gia này là một trong số nước đang tập trung thu hút nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nguy cơ và các nhà kinh doanh hoạt động trong vùng cho rằng Hoa Kỳ đã bảo đảm chiến thắng mang tính chiến lược trong việc đề ra quy tắc mới về thương mại toàn cầu bằng chủ động thảo luận sâu rộng hơn về đầu tư và thương mại, cũng như đề ra tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP.

Thậm chí những quốc gia không tham gia TPP cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong một số trường hợp do phải cạnh tranh với các quốc gia thành viên như Việt Nam và Malaysia, như vậy sẽ thúc đẩy cải tổ để thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn.

“Điều đó sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải cạnh trạnh và tăng cường cuộc chơi ráo riết hơn. Có hay không thì đó cũng là một phần của TPP,” Đại diện phái đoàn thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman chia sẻ. “Và điều này tốt cho tất cả mọi người.”

Nam Hàn và Phi Luật Tân đều đang xem xét khả năng tham gia, và Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, mới đây đã bày tỏ với Washington mối quan tâm.

“Cách đánh bại Trung Quốc là cho họ đứng ngoài lề, cách đánh bại Trung Quốc sẽ thành công khi họ nhận ra mình mong muốn được làm một phần trong đó,” ông Bremmer thuộc nhóm Eurasia nói.
Trung Quốc từ chối đưa ra lời bình luận về TPP.

“Thậm chí nếu Trung Quốc không tham gia TPP ngay lập tức, họ sẽ nhận thấy một loạt các tiêu chuẩn mà họ sẽ phải đặt trên bàn,” John Rice, phó chủ tịch hãng General Electric bày tỏ, “Nếu trong vùng áp dụng những tiêu chuẩn này, thì quan trọng Trung Quốc cũng phải hướng theo đó.”

Hương Giang (Theo Wall Street Journal)

No comments:

Post a Comment