Liễu còn thắm bên cầu Thê Húc
Nước Hồ Gươm đã đục hay trong
Có ai qua chợ Đồng Xuân
Xin mua giúp hộ một bông hoa gầy
Chiều hôm qua tôi đến viếng linh cửu Cố Nhạc sĩ Anh Bằng, tác giả của nhiều bản nhạc mà rất nhiều người "di cư" vào Nam năm 1954 trong tuổi trưởng thành rất thích nghe vì có một bài hát của Anh Bằng đã nói lên tâm trạng của họ; tâm trạng của những người đã sống những năm tháng sau tuổi 20 ở Hà Nội hay những thành phố miền Bắc.
Không khí buổi chiều trong nghĩa trang thật buồn đối với những người dưới ông trên dưới 20 năm, vì ông là một nhạc sĩ nổi tiêng sau cùng đã di cư vào Nam khi họ còn hiểu được những tâm tình với tác giả "Nỗi Lòng Người Đi", bây giờ đã vĩnh biệt những kỷ niệm chung.
Bỏ Hà Nội, Bỏ Hải Phòng cùng gia đình khăn gói vào Nam, những người có chút ăn học đều cảm thấy không thể quên được những kỷ niệm, mà cho đến trên 60 năm sau, những kỷ niệm này vẫn còn rõ như in trong lòng người xa xứ sở; nhất là những người không một lần trở lại quê hương như Nhạc sĩ Anh Bằng.
Xin gửi quý bạn ngàymaiviệtnam một bài viết về những ngày tháng đó. bài Câu Thơ Ngày Cũ của tác giả TSL.
Bùi Hồng Lĩnh
TSL, 2006
Khi vào miền Nam, tôi được sáu tuổi. Những hình ảnh của Hải Phòng cả năm trước ngày rời cửa bể này để di cư còn in rõ trong đầu óc đã không còn nhanh nhẹn của tôi.
Những tháng năm đầu khi tạm sống ở Khánh Hội, bên kia sông của thành phố Sài-Gòn, tôi đã trải qua những kinh nghiệm thời sơ khai của việc lấy nước uống và tắm giặt cho gia đình. Nước đục ngầu và vàng đục lấy từ giếng lên, để trong lu sành hay thùng phi. Sau đó nước trong lu được quấy với phèn chua, để lắng trong vài ngày cho nươc trong lên trước khi múc ra tắm giặt hay nấu ăn. Đêm đêm, ngọn đèn dầu hỏa được thắp lên dưới mái nhà tranh, vài tiếng trước khi đi ngủ. Để giải trí, cậu bé sáu tuổi và bạn hàng xóm ngày ngày leo qua chiếc cầu khỉ để nghịch ngợm trong một nghĩa địa gần nhà, chạy nhẩy bên những ngôi mộ, đi theo những đám ma, hay đuổi theo những con đom đóm khi trời chạng vạng tối.
Vài năm sau, khi đã dọn nhà về Sài-Gòn và cắp sách đến trường, tôi vẫn không bao giờ quên được những hình ảnh thời thơ ấu ấy, nhất là hình ảnh một tấm ảnh to bằng tờ sách học treo ở trên tường từ những ngày ở Khánh Hội cho đến khi về Sài-Gòn.
Tấm ảnh chụp lại một phần của một hồ nước, giữa hồ là một ngôi chùa nhỏ và đến chùa bằng cách qua một chiếc cầu nhỏ. Lơ thơ trên cầu là vài cành lá của một cây trồng bên chùa. Trên góc tấm ảnh có nhiều hàng chữ viết. Bức tranh có sự êm đềm vàyên lặng khiến tôi nhìn mãi, từ lúc chưa đi học, cho đến khi lên trung học, mà không thấy chán.
“Cậu bé sáu tuổi ấy, sau vài năm đi học, đã biết đọc, biết viết, đã học Quốc Văn Giáo Khoa Thư và đã thuộc được nhiều bài “Học Thuộc Lòng” mà thời đó, học trò nào cũng phải trải qua. Cậu bé ấy đã thuộc lòng bài “Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” hay “Chiếc áo lót mình của người sung sướng” hay “Ngày Tựu Trường”. Cậu bé cũng biết chút ít Lịch Sử của nước mình và việc phân chia đất nước năm 1954 cũng như lý do gia đình cậu bé di cư vào sống ở miền Nam nước Việt.”
Một ngày, tình cờ nhìn lại tấm ảnh treo trên tường, vì đã biết đọc biết viết, tôi mới biết rằng, những hàng chữ trên góc là bốn câu thơ, và hồ nước kia là Hồ Gươm, chiếc cầu kia là cầu Thê Húc, và soi bóng trên cầu là cành Liễu, một nơi chốn ở Hà-Nội. Tôi như lạc hồn vào những ngày mới rời Hải Phòng sau khi đọc những câu thơ này. Bốn câu thơ giản dị nhưng gieo vào lòng tôi những cảm giác lâng lâng mà sau này khi lớn lên tôi mới biết đó là lòng hoài cảm. Những hình ảnh trong tranh bây giờ sống động, như có hồn và người viết những câu thơ này như muốn gửi gấm tấm lòng của mình vào bốn câu thơ đó.
Tôi nghĩ đến cha tôi và những ngày cơ cực lo cơm áo hàng ngày cho gia đình trong những tháng năm xưa. Bây giờ tôi biết là cha tôi cũng có những nỗi buồn xa quê trong khi làm lụng nuôi gia đình, và gửi gấm nỗi nhớ qua bốn câu thơ, in chữ nghiêng như lả trên mặt nước hồ Gươm, khi treo bức tranh này trong căn nhà tranh ở Khánh Hội:
Liễu còn thắm bên cầu Thê Húc
Nước Hồ Gươm đã đục hay trong
Có ai qua chợ Đồng Xuân
Xin mua giúp hộ một bông hoa gầy
Liễu trên cầu lúc nào chả thắm; nước hồ, đã có gì thay đổi đâu mà không còn trong. Chợ Đồng Xuân có gì đặc biệt để được nhắc đến? Bài thơ giản dị, trải bầy tâm hồn của người viết dễ dàng như dòng nước mắt tự nhiên rơi xuống. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi thông cảm được những trăn trở của người thơ này, không biết là ai. Tôi nghĩ đó là những nuối tiếc những kỷ niệm và hình ảnh mà không còn dịp nhìn lại nữa, sau sự ra đi đột ngột, giã từ – dường như vĩnh viễn – đất nước, nơi mà thi sĩ đã sống.
Thế nhưng, tại sao lại “Hoa gầy”
Tôi nói chuyện với cha tôi về “hoa trong chợ Đồng Xuân” và hỏi cha tôi có phải hoa ở miền Bắc gầy – khẳng khiu – nhỏ, hơn bình thường hay câu thơ muốn biểu lộ sự ngậm ngùi của thi sĩ, sợ rằng sau này, thành phố xưa, mà biểu tượng là Hà Nội, sẽ không còn như những ngày cũ nữa. Cha tôi cũng không có câu trả lời, chắc cũng cùng tâm trạng với người thơ đó.
Bài thơ theo tôi nhiều năm đến nỗi tôi cũng bắt chước thi sĩ này, làm một bài thơ dài, nhớ về những địa danh miền Bắc, khi học lớp đệ Ngũ trung học, đăng trong báo tất niên của trường, mặc dù có những nơi chỉ được nhắc đến trong văn thơ như: Ải Nam Quan, Chùa Một Cột, núi đồi Yên Thế, và mặc dù tôi không có chút kỷ niệm gì ngoài sự tưởng tượng về miền đất xa xôi ấy.
Hình ảnh bức tranh và bốn câu thơ, nhất là hình ảnh của chiếc “hoa gầy”, theo tôi qua cả thời trung học, đại học, và càng về già, hoa có vẻ lại càng gầy hơn nữa. Tôi cũng không hiểu tại sao, theo tôi, hình ảnh “Hoa gầy ở chợ Đồng Xuân” lại luôn luôn gắn liền với hình ảnh đất nước, với những biến đổi của thời cuộc. Có lẽ sự đất nước chia đôi với giòng sông Bến Hải đã mang thêm ý nghĩa chính trị vào cành hoa chợ Đồng Xuân chăng, và đã gửi vào lòng cậu học trò nhỏ tuổi những bài học vỡ lòng về chính trị chăng?. Đất nước đẹp như hoa, nhưng gầy guộc, và tôi, vô tình, không bao giờ trực tiếp, chỉ muốn nhờ người mua hộ cho tôi những bông hoa này thôi. Tâm trạng của tôi - đứng bên lề của quê hương và đứng bên lề mọi chuyện - hình như cũng bắt nguồn từ ý nghĩ “xin mua giúp hộ” của thi sĩ vô danh này, người thi sĩ yêu nơi sinh nhau cắt rốn nhưng phải, hay muốn rời bỏ, sau đó nhắn gửi và trông chờ những người ở lại gắn bó, sống còn với đất đai thay mình.
Đã trên 50 năm từ ngày chỉ biết nhìn những câu thơ trong hình vì chưa biết đọc chữ, cho đến nay, bức hình không còn nữa, và không những cha tôi, mà tôi cũng đã già rồi, nhưng ấn tượng xâu xa của “bức tranh kỷ-niệm” vẫn in sâu; vẫn nuôi dưỡng tâm hồn tôi chắc cho đến ngày tôi không còn suy nghĩ được nữa. Ngày đó, chắc hoa vẫn còn gầy, và tôi, còn ai quen biết để nhờ mua hộ. Tấm ảnh ngày xưa, không biết lưu lạc nơi nào.
Khi vào miền Nam, tôi được sáu tuổi. Những hình ảnh của Hải Phòng cả năm trước ngày rời cửa bể này để di cư còn in rõ trong đầu óc đã không còn nhanh nhẹn của tôi.
Những tháng năm đầu khi tạm sống ở Khánh Hội, bên kia sông của thành phố Sài-Gòn, tôi đã trải qua những kinh nghiệm thời sơ khai của việc lấy nước uống và tắm giặt cho gia đình. Nước đục ngầu và vàng đục lấy từ giếng lên, để trong lu sành hay thùng phi. Sau đó nước trong lu được quấy với phèn chua, để lắng trong vài ngày cho nươc trong lên trước khi múc ra tắm giặt hay nấu ăn. Đêm đêm, ngọn đèn dầu hỏa được thắp lên dưới mái nhà tranh, vài tiếng trước khi đi ngủ. Để giải trí, cậu bé sáu tuổi và bạn hàng xóm ngày ngày leo qua chiếc cầu khỉ để nghịch ngợm trong một nghĩa địa gần nhà, chạy nhẩy bên những ngôi mộ, đi theo những đám ma, hay đuổi theo những con đom đóm khi trời chạng vạng tối.
Vài năm sau, khi đã dọn nhà về Sài-Gòn và cắp sách đến trường, tôi vẫn không bao giờ quên được những hình ảnh thời thơ ấu ấy, nhất là hình ảnh một tấm ảnh to bằng tờ sách học treo ở trên tường từ những ngày ở Khánh Hội cho đến khi về Sài-Gòn.
Tấm ảnh chụp lại một phần của một hồ nước, giữa hồ là một ngôi chùa nhỏ và đến chùa bằng cách qua một chiếc cầu nhỏ. Lơ thơ trên cầu là vài cành lá của một cây trồng bên chùa. Trên góc tấm ảnh có nhiều hàng chữ viết. Bức tranh có sự êm đềm vàyên lặng khiến tôi nhìn mãi, từ lúc chưa đi học, cho đến khi lên trung học, mà không thấy chán.
“Cậu bé sáu tuổi ấy, sau vài năm đi học, đã biết đọc, biết viết, đã học Quốc Văn Giáo Khoa Thư và đã thuộc được nhiều bài “Học Thuộc Lòng” mà thời đó, học trò nào cũng phải trải qua. Cậu bé ấy đã thuộc lòng bài “Con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” hay “Chiếc áo lót mình của người sung sướng” hay “Ngày Tựu Trường”. Cậu bé cũng biết chút ít Lịch Sử của nước mình và việc phân chia đất nước năm 1954 cũng như lý do gia đình cậu bé di cư vào sống ở miền Nam nước Việt.”
Một ngày, tình cờ nhìn lại tấm ảnh treo trên tường, vì đã biết đọc biết viết, tôi mới biết rằng, những hàng chữ trên góc là bốn câu thơ, và hồ nước kia là Hồ Gươm, chiếc cầu kia là cầu Thê Húc, và soi bóng trên cầu là cành Liễu, một nơi chốn ở Hà-Nội. Tôi như lạc hồn vào những ngày mới rời Hải Phòng sau khi đọc những câu thơ này. Bốn câu thơ giản dị nhưng gieo vào lòng tôi những cảm giác lâng lâng mà sau này khi lớn lên tôi mới biết đó là lòng hoài cảm. Những hình ảnh trong tranh bây giờ sống động, như có hồn và người viết những câu thơ này như muốn gửi gấm tấm lòng của mình vào bốn câu thơ đó.
Tôi nghĩ đến cha tôi và những ngày cơ cực lo cơm áo hàng ngày cho gia đình trong những tháng năm xưa. Bây giờ tôi biết là cha tôi cũng có những nỗi buồn xa quê trong khi làm lụng nuôi gia đình, và gửi gấm nỗi nhớ qua bốn câu thơ, in chữ nghiêng như lả trên mặt nước hồ Gươm, khi treo bức tranh này trong căn nhà tranh ở Khánh Hội:
Liễu còn thắm bên cầu Thê Húc
Nước Hồ Gươm đã đục hay trong
Có ai qua chợ Đồng Xuân
Xin mua giúp hộ một bông hoa gầy
Liễu trên cầu lúc nào chả thắm; nước hồ, đã có gì thay đổi đâu mà không còn trong. Chợ Đồng Xuân có gì đặc biệt để được nhắc đến? Bài thơ giản dị, trải bầy tâm hồn của người viết dễ dàng như dòng nước mắt tự nhiên rơi xuống. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi thông cảm được những trăn trở của người thơ này, không biết là ai. Tôi nghĩ đó là những nuối tiếc những kỷ niệm và hình ảnh mà không còn dịp nhìn lại nữa, sau sự ra đi đột ngột, giã từ – dường như vĩnh viễn – đất nước, nơi mà thi sĩ đã sống.
Thế nhưng, tại sao lại “Hoa gầy”
Tôi nói chuyện với cha tôi về “hoa trong chợ Đồng Xuân” và hỏi cha tôi có phải hoa ở miền Bắc gầy – khẳng khiu – nhỏ, hơn bình thường hay câu thơ muốn biểu lộ sự ngậm ngùi của thi sĩ, sợ rằng sau này, thành phố xưa, mà biểu tượng là Hà Nội, sẽ không còn như những ngày cũ nữa. Cha tôi cũng không có câu trả lời, chắc cũng cùng tâm trạng với người thơ đó.
Bài thơ theo tôi nhiều năm đến nỗi tôi cũng bắt chước thi sĩ này, làm một bài thơ dài, nhớ về những địa danh miền Bắc, khi học lớp đệ Ngũ trung học, đăng trong báo tất niên của trường, mặc dù có những nơi chỉ được nhắc đến trong văn thơ như: Ải Nam Quan, Chùa Một Cột, núi đồi Yên Thế, và mặc dù tôi không có chút kỷ niệm gì ngoài sự tưởng tượng về miền đất xa xôi ấy.
Hình ảnh bức tranh và bốn câu thơ, nhất là hình ảnh của chiếc “hoa gầy”, theo tôi qua cả thời trung học, đại học, và càng về già, hoa có vẻ lại càng gầy hơn nữa. Tôi cũng không hiểu tại sao, theo tôi, hình ảnh “Hoa gầy ở chợ Đồng Xuân” lại luôn luôn gắn liền với hình ảnh đất nước, với những biến đổi của thời cuộc. Có lẽ sự đất nước chia đôi với giòng sông Bến Hải đã mang thêm ý nghĩa chính trị vào cành hoa chợ Đồng Xuân chăng, và đã gửi vào lòng cậu học trò nhỏ tuổi những bài học vỡ lòng về chính trị chăng?. Đất nước đẹp như hoa, nhưng gầy guộc, và tôi, vô tình, không bao giờ trực tiếp, chỉ muốn nhờ người mua hộ cho tôi những bông hoa này thôi. Tâm trạng của tôi - đứng bên lề của quê hương và đứng bên lề mọi chuyện - hình như cũng bắt nguồn từ ý nghĩ “xin mua giúp hộ” của thi sĩ vô danh này, người thi sĩ yêu nơi sinh nhau cắt rốn nhưng phải, hay muốn rời bỏ, sau đó nhắn gửi và trông chờ những người ở lại gắn bó, sống còn với đất đai thay mình.
Đã trên 50 năm từ ngày chỉ biết nhìn những câu thơ trong hình vì chưa biết đọc chữ, cho đến nay, bức hình không còn nữa, và không những cha tôi, mà tôi cũng đã già rồi, nhưng ấn tượng xâu xa của “bức tranh kỷ-niệm” vẫn in sâu; vẫn nuôi dưỡng tâm hồn tôi chắc cho đến ngày tôi không còn suy nghĩ được nữa. Ngày đó, chắc hoa vẫn còn gầy, và tôi, còn ai quen biết để nhờ mua hộ. Tấm ảnh ngày xưa, không biết lưu lạc nơi nào.
No comments:
Post a Comment