Đăng ngày 24.11.2015
GNsP (24.11.2015) – Ngày 24/11/2015 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án của em Nguyễn Mai Trung Tuấn với cáo buộc ‘Cố ý gây thương tích’ nhằm bỏ tù một cậu bé 15 tuổi. Điều gì sẽ xảy ra cho em? Liệu em có còn được quay về để đi học bằng bạn bằng bè, chăm lo cho cô em gái nhỏ tuổi hơn được ăn học tử tế? Hoàn cảnh của Tuấn vô cùng đặc biệt, cha mẹ em đã bị bắt và bị kết án vì đã phản kháng đấu tranh bảo vệ tài sản hợp pháp cho gia đình em. Tuấn cũng là nạn nhân của vụ cưỡng chế đất đai một cách bất công này.
Bé Thảo Ly –em gái Tuấn 14 tuổi; Bà Mai Thị Kim Hương –mẹ của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Ông Nguyễn Trung Can –bố của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Mai Trung Tuấn bị đem ra xét xử vào sáng ngày 24.11.2015
Một số tình tiết được coi như một cách ép buộc và hướng dư luận xem Tuấn như một cậu bé rất ‘ghê gớm’ so với lứa tuổi còn ăn chưa no, lo chưa tới. Trong bản Kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát khẳng định rằng, Tuấn đã dùng một ca màu xanh trong đó có chứa chất axit để chống đối lại nhóm cưỡng chế, mà cụ thể là vào ông Nguyễn Văn Thủy thuộc nhóm ‘bảo vệ cưỡng chế’. Việc kết luận như vậy đã là hợp lý và có tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi chứng minh chất lỏng trong ca màu xanh có chứa chất axit? Nếu có đúng như vậy thì động cơ và mục đích của Tuấn có phải là một hành động có tính toán từ trước để chống trả vào nhóm cưỡng chế? Chúng tôi được biết, gia đình Tuấn rất nghèo và mưu sinh bằng việc sửa xe, có chất axit trong nhà để phục vụ công việc, chứ em Tuấn không tích trữ axit để chống trả vào lực lượng cưỡng chế.
Theo thông tin chúng tôi có được, khi nhà cầm quyền quyết định cưỡng chế tài sản gia đình Tuấn đã bày binh bố trận rất kỹ lưỡng. Từng nhóm người được chia ra làm những nhiệm vụ khác nhau, và được chỉ đạo bắt người tại hiện trường, có nhóm đứng đàng xa để quay phim chụp hình, có nhóm làm nhiệm vụ tách rời gia đình để dễ bề cưỡng chế và bắt giữ. Khi đoàn cưỡng chế xâm nhập vào khu vực thuộc chủ quyền tài sản của gia đình Tuấn, em đã cảnh báo sẽ làm mọi cách để bảo vệ tài sản quyền lợi hợp pháp của gia đình. Thế nhưng đoàn người hùng hổ này vẫn tiến đến quyết tâm cưỡng chế. Mọi sự hoảng loạn, với một đứa trẻ 15 tuổi, em đã bị cuốn vào cuộc tranh chấp một cách bất an với ý định là chỉ bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình.
Liệu có sự mớm cung trong quá trình điều tra không? Trong khi bị điều tra, Tuấn luôn trả lời là em không xác định người mà Tuấn đã tạt ca nước có chất gì không biết và vào ai không rõ. Nhưng khi viện kiểm sát phúc cung đã mớm cho Tuấn từng cung cách, màu sắc quần áo như “người mà Tuấn tạt vào người có áo màu xanh đúng không?, áo xanh công an đúng không?…” Tại sao Cơ quan Điều tra lại hỏi em Tuấn như vậy trong khi mọi sự đang hoảng loạn, rất đông người và nhiều sắc phục quần áo khác nhau? Tại sao lại cứ phải khẳng định đối với một đứa trẻ 15 tuổi đó là áo màu xanh công an? Những câu hỏi đó nhằm mục đích khiến cho Tuấn cuốn theo tư duy của công an để buộc Tuấn phải xác định là đúng hành động, đúng người mà mình đã tạt ca nước màu xanh. Tuấn cho rằng em không bị ảnh hưởng bởi một ai, mà chỉ duy nhất một điều là bảo vệ hợp pháp tài sản của gia đình mình trước nguy cơ bị lấy mất.
Chuẩn bị xử sơ thẩm, cuộc gặp giữa luật sư với gia đình cho biết, ông Thẩm phán Mai Thanh Liêm đã yêu cầu gia đình Tuấn bồi thường để giảm nhẹ hình phạt cho em. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thủy đội bảo vệ cưỡng chế yêu cầu gia đình Tuấn bồi thường trên 61 triệu đồng, và ông này còn đòi làm thẩm mĩ lưng. Theo kết quả giám định tỉ lệ thương tật của ông Nguyễn Văn Thủy là khoảng 35 %, đủ căn cứ truy tố với khung hình phạt dành cho Tuấn từ 5 đến 15 năm. Hiện tại, ông Thủy đang khỏe mạnh và vẫn đi làm công việc tốt.
Sơ lược về khu vực nhà Tuấn thì theo thông tin chúng tôi có được, khu vực đất đai, nhà cửa gia đình Tuấn nằm trong khu vực chợ, không nằm trong khu vực trong quy hoạch. Người dân tại địa phương nói rằng mặt tiền của khu vực chợ rất đắc địa và có giá, đang có và sẽ thành lập một dự án xây trung tâm thương mại. Chính sách đền bù đất đai không hợp lý, có ‘một số người’ được sắp xếp, ưu đãi vào những chỗ đất tốt, có giá trị lớn nhưng ngược lại đa số lại bị đẩy đi nơi xa hoặc mất đi rất nhiều đất đai mà không được đền bù thỏa đáng.
Tuấn có tội hay không xin để cho dư luận nhìn nhận và đánh giá, tin hay không vào một phiên tòa này thể hiện được công lý hay không xin cũng nhường lại cho dư luận.
Theo luật định, trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật qui định ..
“Ước mơ nhỏ bé của Tuấn là được trở về nhà tiếp tục đi chăn vịt để nuôi em gái được đi ăn học” đó là lời Tuấn đã nói với Cơ quan Điều tra khi họ hỏi về ước mơ của em sau khi ra tù. Thương cảm cho gia đình Tuấn và bản thân Tuấn, một đứa trẻ mới 15 tuổi đã bị ảnh hường về tâm lý và suy nghĩ một cách trầm trọng vì chính sách thu hồi đất đai không có công bằng và sự thật.
Paulus Lê Sơn
No comments:
Post a Comment