6/25/2015

40 ngày nhìn lại 40 năm (phần 2)


Phạm Đình Nhiên

24-06-2015

Tiếp theo: 40 NGÀY NHÌN LẠI 40 NĂM (phần 1)

Đất nước Việt Nam 40 năm tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa:

Trong diễn văn đọc ngày 30 – 4-1-2015 Tổng Bí Thư đảng CSVN tuyên bố rằng ngày 30 – 4 – 1975 “tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với nước ta, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội”. 30-4-1975 cả nước đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội” hàm ý trước đây, từ 1954 đến 1975 chỉ có miền Bắc đi lên chủ nghĩa này; sau 30-4-1975 dảng CS kéo cả miền Nam đi theo.

Chúng ta gác sang một bên cách đổi xử tàn bạo, không tình, không nghĩa của đảng CS đối với những người trong chính quyền miền Nam (công chức, quân nhân) , những người đồng minh của họ, những thành phần đối lập với chính quyền Miền Nam như Dương văn Minh, Vũ văn Mẫu, Ngô công Đức . . . . và cả đồng chí của họ trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam : Trịnh đình Thảo, Nguyễn hữu Thọ, Trần văn Trà, Huỳnh tấn Mẫn . . . để chỉ nhìn vào những thành quả về kinh tế và xã hội của 40 năm đi lên XHCN (tức thực hiện chủ nghĩa Mác-Lénin) vì những lãnh vực này tác động đến toàn thể đời sống của mấy chục triệu người mà đảng CS luôn nhân danh họ để cai trị, nhân danh họ để mở cuộc chiến, chứ không phải chỉ tác động đến 1 nhóm người hay hơn 1 triệu người trong chính quyền miền Nam bị đày đọa, chết chóc trong ngục tù (*).

Chỉ 1 ngày sau khi chiếm được miền Nam, 1-5-1975 đảng CSVN ra lệnh quốc hữu hóa toàn bộ và phong toả các trương mục Ngân Hàng. Những nhà công nghệ, nhà buôn, người có chút tiền gửi tiết kiệm đều bị tịch thu hết, tất cả những số tiền này vào tay đảng CS (chúng tôi nói vào tay đảng CS vì điều 4 Hiến Pháp ghi đảng CSVN lãnh đạo nhà nước Việt Nam). Kết quả là công nghệ và thương mại toàn miền Nam bị đình trệ một phần vì không có tiền để giao dịch, một phần vì lo sợ, e dè đối với chính quyền mới.

Có hoạt động chút nào là những nhà nông bán rau cỏ, lúa gạo hay những nhà thủ công nhỏ đem hàng sản xuất ra chợ bán sống qua ngày. Thành phố Sài gòn một triệu dân, ngoài tính cách là thủ đô miền Nam còn là trung tâm tài chánh kinh tế, nơi tập trung những nhà máy sản xuất hàng hoá bán ra toàn miền Nam, gần như bị tê liệt, nhân công thất nghiệp, công chức cấp thấp của chế độ cũ thất nghiệp (cấp cao đi tù), kéo theo những ngành hoạt động khác như tiệm may, tiệm sửa xe, quán ăn, nhà hàng . . . từ từ đóng cửa.

Tất cả sống lây lất qua ngày bằng đồng tiền dành dụm còn lại.

Nhưng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều khi vật giá leo thang do lạm phát 1 phần vì việc sản xuất bị ngưng trệ, 1 phần vì số tiền đảng CS tịch thu ở các ngân hàng miền Nam được tung ra vơ vét số hàng hoá còn lại (ở miền Nam) như vải vóc, thuốc men, máy móc . . . đem ra miền Bắc như một thứ chiến lợi phẩm.

Hơn bốn tháng sau, 22-9-1975 bất ngờ có lệnh đổi tiền cũ lấy tiền Giải Phóng. 500$ cũ lấy 1$ mới, thời gian đổi là một ngày. Mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000$ cũ lấy 200$ mới, còn lại phải ký thác vào Ngân Hàng nhà nước.

Số tiền ký thác này coi như mất trắng vào tay đảng CS !

Người ta e dè lo sợ, không ai còn muốn làm ăn, kể cả nông dân cũng không muốn trồng lúa nữa vì làm ra cuối cùng cũng bị tước đoạt.

Đòn thứ 2 đảng CS đánh vào người dân Miền Nam và cả miền Bắc là Nghị Quyết Khoá 3 bắt dân chúng cả nước đổi tiền ngày 3-5-1978 . Dân miền Nam cũng như miền Bắc mỗi hộ chỉ được đổi 200 đồng cũ lấy 200 đồng mới (miền Nam được 250$ vì tỷ giá là 0,80$ cũ=1$ mới), số còn lại phải “ký thác” vào Ngân Hàng nhà nước như lần trước !

Cũng “ Dưới Ánh Sáng” của Nghị Quyết khoá 3, đảng CS phá bỏ tổ chức kinh tế hiện hữu ở miền Nam, đánh “tư sản mại bản” ở thành thị, tịch thu toàn bộ máy móc sản xuất, xe cộ, tàu thuyền chuyên chở . . . . Chủ nhân bị bắt đi tù, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu, thân nhân bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Đánh địa chủ ở nông thôn, nhà cửa, ruộng nương bị tịch thu, đồng thời đưa tất cả ruộng đất của nông dân vào hợp tác xã. Nông dân trở thành người đi làm thuê cho Đảng CS trong các Hợp Tác Xã hoặc Nông Trường với tiền công 1 ngày mấy 100 gr thóc hay ngô, khoai tương đương với thóc, như hệt miền Bắc sau năm 1954 !

Không ai còn muốn làm việc hoặc nếu bắt buộc phải làm thì cũng làm lơ là cho xong nên năng xuất rất thấp.

Nông nghiệp là nguồn kinh tế căn bản của Việt Nam từ ngàn xưa và cả đến bây giờ dù đang bước vào công nghiệp hoá nhờ vốn và kỹ thuật của tư bản nước ngoài đem đến, nhưng nông nghiệp vẫn là căn bản để nuôi sống 90 triệu dân và là nguồn hàng xuất cảng chính (nông, lâm, ngư), chúng tôi sẽ trình bày sau. Người nông dân cần cù bao đời gắn chặt với ruộng đất nhưng ruộng phải bỏ hoang vì làm cho Hợp Tác Xã được trả công chết đói, không thèm làm hoặc làm một cách tiêu cực.

Tình trạng này đã xẩy ra ở miền Bắc từ mấy chục năm trước dù ở miền Bắc ruộng đất ít, người đông mà nhiều vùng ruộng vẫn bị bỏ hoang!

Về công nghiệp, sau khi đánh tư sản, những nhà máy ở Saìgòn, chung quanh Saigòn và ở khu công nghiệp Biên Hòa hoàn toàn nằm trong tay đảng CS. Vì quản lý theo mô thức của Marx – Lénine, vì giao cho những cán bộ không có tài, vì tham nhũng nên dần dần hết vốn, hết nguyên liệu, máy móc không hoạt động và không được bảo quản trở thành những cục sắt.

Đất nước cạn kiệt, người dân đói rách khốn cùng, đã thế Đảng còn phải nuôi hàng trăm ngàn cán bộ Cộng Sản từ Trung Ương đến địa phương, các ban ngành đoàn thể và cả một bầy chuột trong chính quyền do Đảng dựng lên nên sau mỗi lẫn đổi tiền cướp cạn của dân lại phải in thêm tiền mới để tiêu, lại gây lạm phát, đồng tiền như mớ giấy lộn phát cho cán bộ (đảng), công nhân viên không đủ sống nên lại phải tìm cách cướp của dân bằng cách đổi tiền .

Cả nước đi xuống vực sâu thay vì đi lên, tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN.

Do đó Đảng CS lại phải ra Nghị Quyết Trung Ương 8, khoá 5, tháng 6/1985 do Trường Chinh chù trì. Dân chúng lại bị “đổi tiền” ngày 4-9-1985 với cung cách cướp đoạt giữa ban ngày như 2 lần trước.

Lý do là “trước tình hình khan hiếm nghiêm trọng trong thanh toán và diễn biến phức tạp của nền kinh tế “, có nghĩa nhà nước của Đảng hết tiền dù đã in thêm rất nhiều tiền gây lạm phát hàng 1.000%. Thời gian từ 1976 đến 1986, trong 10 năm qua 3 lần đổi tiền, chỉ riêng hàng Nông Sản lạm phát lên tới 2.000% vì mọi thứ đều cạn kiệt : nông nghiệp thì nông dân lãn công dài hạn, phản đối tiêu cực (**), công nghiệp thì suy sụp vì bất tài, vì tham ô trong khi Đảng phải nuôi cả 1 bộ máy Đảng to lớn và cả môt guồng máy công an, bộ đội, các viên chức địa phương – có xã lên tới 500 người (ở Thanh Hóa) – để quản lý chặt chẽ và đàn áp dân chúng hầu bảo đảm sự sống còn của Đảng.

Nhưng thiên bất dung gian, dân chúng cả nước sau 2 lần bị tước đoạt dưới danh nghĩa đổi tiền cái quần không có mặc, miếng cơm không có ăn còn gì nữa cho Đảng vơ vét để nuôi hạc, nuôi chuột . Đảng cạn tiền nên các nhà máy, xí nghiệp trả lương bằng hàng hóa sản xuất ra: xí nghiệp sản xuất nồi trả bằng nồi, đinh trả bằng đinh, vải trả bằng vải . . . (không biết xí nghiệp quan tài trả bằng gì?). Do đó Đảng lại phải in tiền, in tới gấp rưỡi so với trước nên lạm phát năm 1986 tăng vượt mức là 774%, chỉ số bán lẻ so với năm 1985 tăng 587,2% .

Dân chúng khốn khổ, gạo khoai bắp không có, cả nước ăn bo-bo trong khi đồng ruộng gần như bỏ hoang hay năng xuất kém! Trong những năm 1985, 1986, 1987 . . . có hàng 100.000 trẻ sơ sinh có cái tên đặc biệt là Bo hay Bo-Bo vì khi các em được sinh ra người mẹ phải ăn bo-bo để có sữa cho con bú những trẻ sơ sinh hồi đó nay đã trên, dưới 30 tuổi).

Đảng thì bên bờ vực thẳm nên Trường Chinh, rồi Nguyễn văn Linh bắt chước Trung Cộng đổi mới, khoán ruộng cho dân, công nhận kinh tế nhiều thành phần, chỉ giữ lại cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa là các xí nghiệp quốc doanh; mời gọi, trải thảm đỏ đón rước Tư Bản ngoại quốc vào xây dựng nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (bây giờ đến lượt Cuba, sắp tới sẽ là Bắc Triều Tiên).

Một thị trường bảy, tám chục triệu dân, nhân công rẻ vốn là ước vọng của các nướcTư Bản. Ngày xưa họ phải đem quân đi xâm lăng mới có thị trường hoặc khai thác nguyên liệu của thuộc địa, nay được trọng vọng, mời mọc.

Tư bản thắng Cộng Sản ở chỗ đó, bất chiến tự nhiên thành.

Đảng CSVN mấy chục năm chủ trương tiến nhanh, tiến mạnh lên XHCN bây giờ đột ngột bước ngoặt về chỗ cũ là nền kinh tế thị trường của tư bản, kinh tế nhiều thành phần vốn có từ ngàn xưa ở VN.

Mấy chục năm Đảng thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản là mấy chục năm người dân Việt Nam đói khổ điêu linh, mấy trăm ngàn người bị đấu tố, bắn giết ở miền Bắc trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất ; mấy trăm ngàn nhà tư sản và địa chủ ở miền Nam bị tịch thu tiền bạc, nhà của . . . bản thân chết rục trong tù; hàng triệu người chống đối hay bị nghi ngờ chống đối chủ nghĩa Cộng Sản bị bắn giết, bị tù đày để bây giờ Đảng rước Tư Bản vào xây dựng Chủ Nghĩa Cộng Sản !

Bao nhiêu xương máu, oan ức, cực nhục của người dân Việt Nam đổ đi đâu?

Trải qua bao nhiêu thất bại khi đem chủ nghĩa Cộng Sản về nước thực hiện, nay theo đường lối Tư Bản, Đảng vẫn nắm chặt quyền và lợi, người dân bán sức lao động cho Tư Bản ngoại quốc mà không đủ ăn, vẫn nghèo đói thê thảm phải nổi lên biểu tình đi tăng lương, hoặc đòi được ăn 1 bữa cơm trưa tử tế!

Đảng đào mồ mả tổ tiên, cướp đoạt ruộng đất của người dân ở Đà Nẵng, Dương Nội, Văn Giang, Saì Gòn, Cần Thơ – nói chung cả nước từ Bắc chí Nam – để xây sân golf và những khu nhà sinh thái sang trọng trị giá năm, bảy trăm ngàn, thậm chí hàng triệu dollar phục vụ Tư Bản, người dân Việt Nam được hưởng gì trong đó?

Tiền Tư Bản rót vào Việt Nam từ trước đến nay mấy trăm tỷ dollar (từ 1988 đến 2004: 46 tỷ, . . . 2007 : 21,3 tỷ, 2008 :31,6 tỷ… ) cộng với kiều hối mỗi năm khoảng 10 tỷ USD chảy đi đâu ?

Các lãnh tụ của Đảng “tự nhiên” giàu có. Cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười, người 2 lần vào đánh tư sản ở miền Nam, đem mấy triệu dollar “làm việc từ thiện”; cựu TBT Lê khả Phiêu nhà có ngà voi, trống đồng cổ; cựu TBT Nông đức Mạnh có bộ ngai nạm vàng tiếp khách; các quan chức cao cấp của Đảng xây nhà thờ tổ lớn hơn đền thờ các vị anh hùng dân tộc ở địa phương gấp mấy lần.

Về công nghiệp trong nước hiện nay, nếu tất cả các xí nghiệp người nước ngoài làm chủ như SamSung Đại Hàn, Intel Mỹ, Pou Yen Đài Loan… rút hết ra thì là con số không, chỉ vẫn là nghề cày cuốc, chài lưới, chặt cây rừng làm căn bản .

Một nguyên Ủy Viên Trung Ương, cựu Bí thư tỉnh An Giang (Long Xuyên) ông Nguyễn minh Nhị dựa vào các con số chính thức của Tổng Cục Thống Kê phân tích : “Về cơ cấu kinh tế, nếu nhìn từ xuất khẩu thì theo Tổng Cục Thống Kê năm 2014, tổng kim ngạch của cả nền kinh tế là 150 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp FDI(chủ nước ngoài) chiếm hơn 2/3 (101 tỷ =67% kể cả liên doanh dầu thô) . Nếu không kể liên doanh dầu thô thì cũng còn là 94 tỷ USD =63% .Trong FDI riêng Sam Sung xuất khẩu khoảng 24 tỷ. Như thế kinh tế nội địa tham gia xuất khẩu chỉ chiếm hơn 30%, khoảng 50 tỷ nhưng trong đó hàng nông, lâm, hải sản chiếm 20,5 tỷ . . . Tôi từng sợ doanh nghiệp FDI sẽ làm doanh nghiệp nội địa của ta liệt kháng. Nhưng nay thì như phân tích cơ cấu kim ngạch xuất khẩu vừa nói, nếu không có FDI thì kinh tế ta sẽ “liệt cần”.

Ông Vũ ngọc Hoàng, UVTƯ, đương kim Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương, trong 1 bài viết đăng trên Tạp chí Cộng Sản ngày 2-6-2015 xác nhận điều đó : “Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu hầu như không có” và “chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng” !

Về mặt Văn Hoá, mấy năm trước 100% học sinh thi bằng Trung Học Phổ Thông không đạt điểm trung bình môn Sử, Bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo cho đó là chuyện bình thường nhưng cả nước có tới “24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ cho 90 triệu dân, tỷ lệ bằng cấp cao nhất ĐNÁ nhưng số thành tích nghiên cứu khoa học được công bố thấp nhất ĐNÁ (theo TS Thái văn Cầu, chuyên gia khoa học không gian Hoa Kỳ). Sở dĩ có việc này vì nạn bằng mua, bằng (học) mướn.

Về mặt Xã Hội, nạn tham nhũng tràn lan trong các tầng cấp Đảng, chính phủ từ Trung Ương đến địa phương, trong tất cả các ban, ngành đoàn thể của Đảng CS. Theo ông Nguyễn công Khế, cựu Tổng Biên Tập 1 tờ báo lớn trong nước, từ 50% đến 70 % Ngân Sách chạy vào túi tham quan . Dân chúng làm cái gì cũng phải đút lót, từ xin nằm bệnh viện cho đến xin cho con đi học, xin giấy tờ khai sinh, hôn thú . . . đó là chưa kể chức tước, lon lá của Công An, Bộ Đội đem ra “đấu thầu” như báo Người Cao Tuổi tố cáo . So với thế giới, tỷ lệ tướng Công An và tướng Bộ Đội của Việt Nam có lẽ cao nhất không nước nào sánh kịp.

Nạn rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, cướp của giết người, nhất là băng đảng, xã hội đen liên kết với Công An lộng hành làm dân chúng điêu đứng.

Trên đây là thực trạng toàn bộ xã hội Việt Nam 40 năm sau khi đảng Cộng Sản thống trị cả nước.

Ghi Chú:

– (*) Theo ông Cù huy Hà Vũ trong bài viết mới đây đăng trên đài VOA thì Văn thư mang bí số TN-QP14 ngày 14-02-1977 của bộ QPVN cho biết có 1.321.506 tù nhân “ tham gia học tập cải tạo để trở thành con người mới sau khi chế độ Saigòn đầu hàng”.

– (**) Nông dân đem phân hoá học đổ ở đầu ruộng lấy chân khoắng cho tan thay vì rải đều. Chỗ nhiều phân thì lúa chết, chỗ không có phân lúa không mọc được. Cách thứ 2 là trâu, bò, lợn được Hợp Tác Xã giao cho nuôi, người ta bỏ đói rồi báo chúng bị bệnh để giết lấy thịt ăn.v.v…

No comments:

Post a Comment