Dương Hoài Linh - Bảy năm trước, năm 2008 các giáo sư của trường Đại học Havard đã đưa ra lời cảnh báo với Thủ tướng Việt nam,Nguyễn Tấn Dũng về thực trạng kinh tế Việt Nam:
“Các quốc gia cạnh tranh trên cơ sở lao động rẻ không thể vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Các quốc gia này phải chật vật để có được một tỉ lệ lợi nhuận mỏng manh trong khi thị trường thế giới ngày càng trở nên tinh vi, thâm dụng vốn và công nghệ hơn.”
Trong suốt những năm gần đây, giới quan sát đang cho rằng lao động giá rẻ hiện tại đang là nguyên nhân khiến Việt Nam phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”, khi nền kinh tế bị kìm hãm bởi mức thu nhập thấp của người dân.
Tuy nhiên chất lượng giáo dục đứng vào bậc thấp nhất so với các nước đang phát triển đồng khu vực hiện sẽ không đủ giúp Việt Nam sản sinh ra những lao động chất lượng cao hơn để thay đổi điều ấy.
“Số lượng, chất lượng giảng viên hết sức hạn chế và hơn phân nửa sinh viên ra trường tại Việt Nam không được làm đúng ngành đào tạo."
Quản lí yếu kém đồng thời cũng khiến người giàu tránh không phải trả những khoản thuế ... Khi nguồn thu quan trọng của ngân sách bị xói mòn thì nhà nước sẽ không đủ tiền tài trợ cho chi tiêu công” -
Một thể chế chính trị độc đảng,không có nhà nước pháp trị mà dám hội nhập sâu rộng với các nước có nền kinh tế phát triển thì chẳng khác gì một cầu thủ một chân thi đấu với các cầu thủ có đủ hai chân.Phần thất bại đã nắm chắc trong tay. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: "Chúng tôi thấy hết sức lo lắng, bởi vì nếu như các hãng nước ngoài như ngươi Thái nắm siêu thị Metro, rồi nhiều công ty khác như Malaysia thì có siêu thị Parkson, người Nhật có siêu thị Aeon và Family ..v..v lúc bấy giờ khi thuế suất hàng hóa nước ngoài vào nước ta sẽ bằng 0, họ sẽ đưa hàng hóa của họ vào siêu thị và sẽ đẩy hàng hóa của chúng ta ra khỏi các siêu thị. "
Đây là một nhận định đúng.Tất cả mọi yếu tố của Việt nam đều chưa sẵn sàng. Nếu muốn vào TPP Việt Nam phải cải cách thượng tầng chính trị ngay từ bây giờ và phải chờ đợi ít nhất 10 năm nữa, khi các doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh mới có thể bước vào sân chơi này. Ngay cả Hàn Quốc và Thái Lan hai nước có nền kinh tế mạnh hơn hẳn Việt nam cũng rất dè dặt trước sức ép phản đối của nông dân.
Nước Mỹ nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP nhưng lại chiếm 50% sản lượng nông nghiệp toàn thế giới, thế nhưng khi vào TPP dù họ là người đặt ra luật chơi vẫn bị phản đối dữ dội ở Đảng Dân chủ và các nghiệp đoàn. Tỷ phú Donal Trump và mới đây là ứng viên Tổng thống Hilary cũng đã bày tỏ lập trường của mình là không đồng tình với TPP, chưa kể hạ viện Mỹ, một cửa ải rất khó vượt qua.Đơn giản vì TPP giống như một chiếc chăn, nếu kẻ này đắp vừa vặn thì kẻ kia sẽ bị hụt, một số ngành nắm được cơ hội sẽ làm giàu trên sự phá sản của những ngành khác.
Việt nam là một nước nông nghiệp lạc hậu,nền tảng chăn nuôi cũng chẳng có gì. Công nghiệp chế tạo hầu như bằng 0, xuất khẩu tài nguyên dưới dạng thô để ăn, 68 % kim ngạch xuất khẩu là của nước ngoài. Vậy mà không hiểu sao lại cần các nước giảm thuế về 0 để thâm nhập thị trường Mỹ và các nước để làm gì. Trong khi đó lại mở cửa giảm thuế để hàng ngoại vào giết chết nền sản xuất non kém của mình. Thấy trước mắt là đất nước này không muốn làm chủ mà chỉ thích làm thuê. Nhưng trong kinh tế thị trường một người làm chủ có khi đóng thuế, làm giàu cho đất nước bằng hàng trăm hàng ngàn người làm thuê. Các doanh nghiệp nước ngoài nếu đầu tư vào VN sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, phá hoại môi sinh.Thế nhưng họ thoả sức tận dụng nhân công giá rẻ, lợi nhuận đem về cho nước họ, để lại cho nền kinh tế VN một sự tăng trưởng giả tạo.
Ấy vậy mà các nhà đấu tranh dân chủ vẫn mong cho VN vào TPP để được thoát Trung, gần Mỹ. Họ không nghĩ rằng TPP chỉ là cơ hội để các mặt hàng độc quyền cơ bản của các nhóm lợi ích tư bản đỏ như xăng, điện, gas, than...đắt hàng. Các công ty nước ngoài khi thu mua,thôn tính hết các thương hiệu Việt sẽ tự động nâng giá lên ngang bằng với giá tại Mỹ và các nước trong khối TPP. Khi đó người dân lao động và người ăn lương VN sẽ sống như thế nào với bẫy thu nhập thấp và trung bình? Khi giết chết các doanh nghiệp Việt, sau này nếu nước có dân chủ họ cũng sẽ mất một thời gian khá lâu để làm lại từ đầu. Còn trông mong TPP sẽ khiến cái chế độ coi trọng quyền lực này sẽ cải cách thể chế một cách triệt để là chuyện xa vời.
Nói tóm lại tương lai phía trước của Việt Nam là rất u ám. Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm lĩnh khiến ngư nghiệp và ngành khai thác dầu khí có nguy cơ trắng tay. Rừng bị khai thác cạn kiệt tài nguyên. Các con sông bị lấp dòng chảy,các cánh đồng quê bị đô thị hoá. Nông nghiệp đang bị bức tử, chăn nuôi phá sản. Công nghiệp nhẹ đang bị thôn tính bởi làn sóng đầu tư, công nghiệp nặng bị tư bản đỏ bòn rút. Giáo dục xuống cấp,y tế nghèo nàn, đầu tư công xập xệ, lạm phát gia tăng, chủ quyền quốc gia bị xâm lấn.
Người dân sắp tới chỉ còn biết mãi mãi kiếp làm thuê. Nhưng rồi với đà tăng giá của thị trường cộng với đòi hỏi tăng lương có thể cũng sẽ đến ngày họ không cạnh tranh nổi với lực lượng nhân công chất lượng cao của nước ngoài. Lúc ấy tình trạng thất nghiệp sẽ xảy ra. Và có lẻ mọi chuyện sẽ chỉ còn trông mong vào quy luật "cùng tắc biến", quy luật của muôn đời.
Dương Hoài Linh
No comments:
Post a Comment