6/30/2015

Tham vọng của hai cựu cường quốc Cộng sản Nga-Trung gặp nhau?

 

 Thiện Ý

29.06.2015


Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vào trung tuần tháng 6-2015 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những tuyên bố bên lề lĩnh vực kinh tế và thể hiện nhiều hơn lập trường ngoại giao của Nga. Ông khẳng định Nga "không liên minh với Trung Quốc", "Nga không theo đuổi địa vị bá chủ hay siêu cường thế giới, mà chỉ mong xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ cùng các quốc gia Âu-Á...".

Có thật vậy không?

Theo chúng tôi, không hẳn là như vậy. Những tuyên bố của ông Putin, người từng đứng đầu cơ quan mật vụ KGB của Liên Xô, chỉ có ý nghĩa như lời cảnh cáo Hoa Kỳ nói riêng và các cường quốc G7 nói chung là đừng ép Nga quá đáng đến độ buộc Nga phải liên minh quân sự với Trung Quốc.

Vì cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Putin khẳng định “Nga từng nhiều lần đề nghị hợp tác, song vẫn bị dồn ép tới giới hạn không thể nhượng bộ.", cho dù ông nhấn mạnh "Trong bối cảnh NATO liên tục bành trướng, Nga và Trung Quốc sẽ không trở thành bất kỳ quan hệ đồng minh quân sự nào". Một số học giả Trung Quốc cho những lời tuyên bố của Tổng Thống Putin thể hiện thái độ "nhượng bộ" của Moscow với Mỹ và đồng minh liên quan tới vấn đề Biển Đông; nhà bình luận thời sự Trung Quốc Tăng Kim Nhuận cho rằng, cả bài phát biểu "rào trước đón sau" của ông Putin chỉ nhằm "làm đệm" cho tuyên bố "không liên minh với Trung Quốc".

Thực ra, hai cựu cường quốc cộng sản hàng đầu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh này, dường như từ lâu đã và đang có nỗ lực tiến tới, không chỉ là liên minh quân sự, mà là sự liên kết toàn diện để cùng thực hiện một tham vọng chung.

I/- Tham vọng đó là gì?

Một cách tổng quát, Nga và Trung Quốc có chung ý đồ liên kết tạo thế lực mới (G2 chẳng hạn) nhằm đối trọng và cạnh tranh với thế lực cũ (G7) nhằm thực hiện tham vọng tạo lập uy thế trong nền trật tự quốc tế mới, tức Chiến lược Toàn cầu mới của các cường quốc hiện nay (dân chủ hóa toàn cầu về chính trị và thị trường tự do hóa toàn cầu về kinh tế), với uy thế không hơn thì ít ra cũng phải bằng uy thế như trong nền trật tự quốc tế cũ. Trong chiến lược quốc tế cũ này Nga (Liên Xô cũ) đã đóng vai trò cường quốc số một và Trung Quốc là cường quốc số hai, với uy thế tuyệt đối trên khối các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa và vị thế đối trọng với các cường quốc trong phe tư bản chủ nghĩa (G7). Uy thế và vị thế này đều đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã của toàn hệ thống cộng sản quốc tế, dẫn đến sự cáo chung của nền trật tự quốc tế cũ, hình thành nền trật tự quốc tế mới (Chiến lược toàn cầu: chính trị dân chủ hóa, kinh tế thị trường tự do hóa trong một thế giới độc cực đa đầu G7 + Nga= G8).

II/- Nga-Trung đã thực hiện tham vọng chung như thế nào?

Sau khi cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản kết thúc vào đầu thập niên 1990, cả hai cựu cường quốc cộng sản hàng đầu Nga - Trung cảm thấy như bị thất thế trong nền trật tự quốc tế mới hay chiến lược toàn cầu mới và bị coi thường.

Trong nền trật tự quốc tế cũ, Nga được coi là một siêu cường đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) và được các nước trong phe XHCN tôn vinh là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, ngang hàng với siêu cường Mỹ đứng đầu “phe tư bản chủ nghĩa” và được thế giới vị nể. Trong nền trật tự quốc tế mới, Nga mất vị thế siêu cường và bị thất thế so với các cường quốc tư bản phát triển hàng đầu trong nhóm G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canda và Nhật), mặc dầu Nga cũng đã được kết nạp vào nhóm G7 để có được vị thế ngang hàng khi trở thành G8 (dù nước Nga chưa đạt trình độ một nước phát triển kinh tế hàng đầu, chỉ mạnh về quân sự). Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nga dường như vẫn cảm thấy uẩn ức vì bị nhóm G7 đối xử như một đối tượng vẫn cần phải đề phòng và đương đầu dù đã là thành viên của nhóm G8. Họ còn bất bình khi thấy các hành động tế có tính kỳ thị, bao vây, tranh giành ảnh hưởng, giành giật thị trường với nước Nga mới (khủng hoảng Ukraine là một điển hình…) khi vẫn duy trì và tăng cường các hoạt động phòng bị của các tổ chức quân sự phòng thủ có từ thời Chiến tranh lạnh (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương- NATO) như có ý nhằm vào nước Nga và tìm cách lôi kéo các nước cựu XHCN Đông Âu tham gia liên minh quân sự này, cũng như gia nhập tổ chức liên kết kinh tế vùng Châu Âu (Liên Hiệp Châu Âu). Trong khi các tổ chức liên minh quân sự và kinh tế tương tự trong vùng do Liên Xô cầm đầu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh nay đã giải tán hoàn toàn (như Khối Warsaw, Hội đồng Tương trợ Kinh tế…).

Chính cách cư xử này của các cường quốc Phương Tây đã thúc đẩy Nga đi đến tham vọng tạo lập một uy thế riêng trong vùng, liên kết với cựu cường quốc Cộng sản Trung Hoa để đương đầu, tranh giành ảnh hưởng với nhóm G7. Tham vọng này đã manh nha từ lâu, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một cơ hội thuân lợi giúp cho Nga thực hiện tham vọng nên không dễ dàng từ bỏ cơ hội này. Chính vì vậy mà hội nghị bốn bên Ukraine, EU, Mỹ và Nga tại Genève hôm 17-4-2014 dù đã đạt được sự đồng thuận về một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine song cho đến nay vẫn không thực thi được. Trên thực tế tình hình Ukraine ngày càng nghiêm trọng, mọi biện pháp chế tài Nga của G7 vẫn không buộc được Tổng thống Putin nhượng bộ. Sau khi sát nhập được Crimea, Nga vẫn tiếp tục hổ trợ cho các cuộc nổi dậy ở các vùng phía Đông có đông người Ukraine gốc Nga, để nếu không sát nhập được bằng các cuộc trưng cầu dân ý, thì cũng biến thành các khu độc lập tự trị lệ thuộc Nga, chứ không để Liên Hiệp Châu Âu độc chiếm Ukraine.

Thành ra, quyết định tiếp tục và đẩy mạnh biện pháp cấm vận Nga của G7 mới đây, cũng như việc tăng cường trang bị xe tăng, khí tài quân sự phòng thủ tại một số nước cựu Cộng sản ở Đông Âu hay một số nước thuộc Liên Xô trước đây, sẽ có tác dụng làm gia tốc nỗ lực của Nga nhằm thành đạt tham vọng chung với Trung Quốc.

Bước qua nền trật tự quốc tế mới, lúc đầu do trình độ phát triển về kinh tế chưa đạt tiêu chuẩn mà lại vẫn duy trì chế độ độc đảng, độc tài toàn trị nên Trung Quốc đã không được kết nạp vào nhóm G7 như Nga. Nhưng trong vòng hai thập niên qua Trung Quốc đã cố gắng vươn lên bằng chính sách “Mở cửa” làm ăn theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mặc dù vẫn không chuyển đổi qua chế độ đa đảng dân chủ pháp trị. Nhờ chính sách Trung Quốc đã đạt được một trình độ phát triển cao, có sức cạnh tranh ngang ngửa với các cường quốc tư bản hàng đầu (G.7).

Thế nhưng sự cố gắng của một nước Trung Hoa vươn lên trong nền trật tự quốc tế mới để bước vào hàng ngũ các nước phát triển hàng đầu không phải để được kết nạp vào G8 thành G9 như một thế lực duy nhất trên thế giới để cùng thực hiện chiến lược toàn cầu. Các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh từ Đặng Tiểu Bình cho đến sau này đã tiếp nối thực hiện tham vọng bá quyền.

Vì tham vọng này, nên Trung Quốc đã không chấp nhận đứng dưới trướng nước Nga trong nền trật tự quốc tế cũ và nay cũng không chịu đứng chung hàng ngũ với các nước G7 trong nền trật tự quốc tế mới. Tham vọng này của Bắc Kinh còn bị thúc đẩy phải thực hiện bởi “chính sách xoay trục về Châu Á” của Hoa Kỳ vì coi đó như là sự thách thức tranh giành ảnh hưởng nơi các nước trong vùng, bao vây nước Tầu, mặc dù Hoa Kỳ đã khẳng định nhiều lần không có ý định đó.

Điển hình rõ nét là chuyến đi Châu Á của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào cuối tháng 4 năm 2014 đến Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines để tái khẳng định trách nhiệm của Hoa Kỳ trong các hiệp ước an ninh song phương với các nước đang bị Trung Quốc đe dọa. Tổng thống Obama cho rằng sự cam kết bảo vệ các nước này chỉ là “một vấn đề lịch sử” chứ không phải nhằm gây hấn với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình.”.Thế nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn hoài nghi và vẫn coi chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ như một thách đố.

Phải chăng như một trong những đáp trả ngay sau chuyến đi Châu Á của Tổng Thống Mỹ Obama, nên Bắc Kinh đã hành động ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam? Đây là hành động xâm lăng mới nhất nhưng chưa phải là hành động xâm lăng cuối cùng của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong vùng nằm trong tham vọng xâm lấn của Bắc Kinh nói chung. Hành động xâm lược trắng trợn này là hành động tiếp theo nhiều hành động xâm lược trắng trợn trước đó của Trung Quốc, từ xâm lăng các nước láng giềng bằng bản đồ tự vẽ đến hành động xâm chiếm thực địa. Họ đã từng bước xâm chiếm vùng biên giới phía Bắc Việt Nam sau trận chiến biên giới 1979, xâm chiếm Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988), và âm mưu xâm lược tiềm ẩn bằng chính sách di dân tập trung vào một số tỉnh thành Việt Nam (Bình Dương, Cao nguyên Trung phần, vùng biên giới phía Bắc Việt Nam…).

Trắng trợn hơn nữa là mới đây Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp và xây dựng sân bay, cơ sở vật chất, căn cứ quân sự trên một số hải đảo trong các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa Việc làm này đã khiến hầu hết các nước trên thế giới bất bình, trong đó Hoa Kỳ đã công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải ngưng ngay các hành động trái phép với ý đồ độc chiếm và khống chế vùng biển giao lưu quôc tế quan trọng ở Biển Đông. Đồng thời, để thể hiện lập trường và thái độ kiên quyết trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã điều động đa số lực lượng hải quân đến vùng biển Đông

III/- Kết luận

Từ hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine đến hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, phải chăng tham vọng của hai cựu cường quốc cộng sản này đã gặp nhau? Những biện pháp mà Hoa Kỳ và đồng minh thực hiện tại Ukraine và Biển Đông sẽ có tác dụng gia tốc nỗ lực thực hiện tham vọng chung Nga-Trung.

Tham vọng của Nga hhông phải là không liên minh quân sự với Trung Quốc như Tổng thống Putin đã nói. Thực tế còn hơn thế nữa, Nga-Trung sẽ tiến tới liên kết toàn diện tạo thành một cực lưỡng đầu (Nga-Trung), tạm gọi là G2, đối trọng và đối đầu với khối G.7 để cuối cùng sẽ hình thành hai trung tâm quyến lực. Hai trung tầm quyền lực này sẽ cạnh tranh trong hòa bình, nhưng không loại trừ biện pháp quân sự khi cần răn đe, gián chỉ lẫn nhau và để lôi kéo các nước khác đi vào quỹ đạo của mình, một hình thái chạy đua vũ trang tương tự như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Tất nhiên đôi bên vẫn cố tránh đụng độ, nổ ra chiến tranh cục bộ phá vỡ “nhân tố hòa bình cạnh tranh thị trường, các bên đều có lợi” của chiến lược toàn cầu mới; càng không muốn nổ ra một cuộc Thế Chiến III, vì các bên đều ý thức là như thế chỉ có hại chứ không có lợi và cũng chẳng bên nào tồn tại để là kẻ chiến thắng, nếu xung đột mở rộng thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu, trừ khi có những nguyên nhân đưa đến chiến tranh bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát hay do qyết định của những cái đầu lãnh đạo điên loạn.

No comments:

Post a Comment