6/18/2015

Mười Chín Tháng Sáu, một thoáng 50 năm



19/6/1971
Saigon hoa lệ, hậu phương yên bình rầm rộ tiếng bánh xích xe tank nghiến trên đại lộ, phi cơ vần vũ múa trên bầu trời thủ đô Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tiếng quân đi rầm rập dưới bóng quân kỳ hòa trong tiếng kèn đồng của dàn quân nhạc, tiếng loa phát thanh oang oang thêm vào thanh âm của hàng ngàn hàng vạn đồng bào nói bằng đôi tay vỗ hoan hô ngày thành lập Ngày Quân Lực VNCH.
Một bản thiên anh hùng ca hoành tráng.
Một trang Quân, Quốc Sử cận đại viết xuống.

Trong cái hào khí ngút trời ấy, những người lính tác chiến các quân binh chủng, đánh giặc bảo an ngày đêm ngoài chiến địa không có cái vinh dự được các em gái hậu phương xinh tươi như mộng choàng vòng hoa chiến thắng, kèm theo một nụ hôn, hôn phơn phớt cho có lệ, có e ấp, hay hôn đậm đà nghe chút chít, chùn chụt, chan chát!
Cũng may cho tôi không được một lần đỏ mặt, tê má cứng người với sự biểu hiện "hết sức mặn nồng" tình quân dân cá nước của các nữ sinh Trưng Vương, Gia Long, Lê văn Duyệt, Sương Nguyệt Ánh, Bồ Đề Saigon. Chẳng may, thật không may... tôi còn đang thụ huấn ở quân trường Thủ Đức, và chưa biết, chưa dám yêu ai... xin thề như thế! Bởi anh không muốn Em hóa đá Vọng Phu, bởi anh không đủ can đảm chứng kiến cái thảm cảnh ...kinh hoàng "Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ, Em ở nhà lấy... Mỹ nuôi con" hay "Anh trở về bại tướng một chân, em khăn tang miệng cười hí hí" bưng đàn nhảy ùm qua thuyền khác cái đùng.


19/6/1973
Ngày tổ chức Mừng Ngày Quân Lực cuối cùng của chính quyền, quân đội và đồng bào Miền Nam Việt Nam.
Ngày chứng tỏ cho thế giới và Đồng Minh thấy sự trưởng thành và độc lập của Quân đội VNCH sau các chiến thắng vang dội Bình Long, An Lộc, Quảng Trị. Những trân chiến đi vào quân sử VNCH nói riêng, quân sử Thế Giới nói chung. Ngày quân dân cán chính Việt Nam hãnh diện ngẫng cao đầu, vỗ ngực xưng tên với các lực lượng võ trang, bán võ trang và chính qui, trừ bị và hiện dịch của các lực lượng Quân Sự Châu Á Thái Bình Dương.
Ngày này năm ấy, đơn vị Tổng Trừ Bị TQLC chúng tôi vẫn từng phút từng giây hành quân giành lại từng tất đất nền nhà với cộng phỉ ở tỉnh Quảng Trị.


19/6/1979
" ...Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt. Chân nghe lạ từng khu chiến thuật. Áo nhà binh thương lính, lính thương ai, nhìn đời mà đi..."
Tôi bỏ ly rượu đế xuống, đẩy tô canh chua cá bông lau qua một bên, bỏ lại chiếc túi xách cũ xì trên bàn bước vội ra lộ.
Lần nào cũng vậy, từ Saigon ngồi xe đò xuống Cần Thơ đi "hát chui", trong khi ăn trưa chờ qua phà đều tấp vào đây. Quán cơm bên này Bắc Mỹ Thuận có món chim mía rô ti xỏ xâu béo ngậy và quán cô Tám Canh Chua (thuở ấy, cô Vân Trần Facebook hãy còn bé xíu chưa mở quán cơm bình dân để cạnh tranh với cô Tám Chua, và tôi đi Tu Nghiệp Khổ Sai mới hồi cư chưa bao lâu) dáo dác tìm xem tiếng hát rất quen này phát xuất từ đâu?
Chiếc áo rằn ri màu sóng biển bệt 72 đã sờn như cây tây ban cầm, chiếc nón bo xé tưa vành đội lệch, chiếc nạng gỗ loang lổ nước vẹc ni đã tróc lốm đốm, hai hốc mắt đã múc đồng tử lũng sâu tô thêm nét bi ai cho gương mặt hốc hác vì thiếu ăn thiếu ngủ của thằng Thường !!!
Nó, người lính mang máy truyền tin của tôi chớ còn ai vô đây nữa chứ? Bỗng dưng hình ảnh người âm thoại viên trước mặt mờ đi, nước mắt tôi ràn rụa nhỏ lên cái lon sữa bò chỉ vỏn vẹn dăm ba đồng bạc vụn kẹp bằng cọng kẽm trên cần đàn Binh Nhất Thường.
Tôi dắt nó vô quán. đẩy vai bảo ngồi xuống :
- (Giả giọng BaKe 75) Này, cậu là lính thủy đánh bộ Ngụy phải không? Cớ sao lại ra nông nỗi thế này?
- Địt mẹ anh, anh là bộ đội à? Có cho tiền thì vất vào lon, không cho thì cút mẹ anh đi! Tôi đéo sợ các anh đâu!
- Gượm tí đã nào, hề hề, sao bạn mình hung hăng thế? Đúng là lính con bà Phước! Chú rên như thế nghe tệ quá, làm sao có tiền, để anh làm hộ cho chú mày mấy bãi nhé, cứ gọi là tiền vô như nước đấy! Anh là văn công mà.
- Văn cái củ bùi!

Nếu không theo phản xạ tự nhiên thì tôi đã lãnh nguyên cái thùng đàn vào mặt rồi. Thường giận tím mặt định phang nguyên cây đàn "đui què sứt mẻ" giống chủ nhân của nó vào tôi.
Đùa đến đây cũng đủ rồi, tôi ôm cứng vào tay xiết chặt vào lòng người anh em sống ăn chung bịch gạo sấy, lắc đò Sông Hương lắc chung một... chỗ, nằm chung một bệnh viện dã chiến, nó trên giường, tôi dưới đất, giọng nhòe đi:
- Địt mẹ thằng bắc kỳ rau muống cành cạch lửa Bùi Tru Phát Riệm, tao nè, mày nhớ không?
Đôi mắt Thường không biết nói, không phải thế. Nói cho đúng là hai cái lỗ đen sâu hoắm kia nhăn nhúm lại, rồi khô khốc. Nước mắt ấy đã lau khô rồi! Nhưng tôi biết hai cái lỗ đen như đêm Trường Sơn, sâu như giao thông hào ấy đang lệ ngược vào trong.
Thường khóc tồ tồ:
- Ông Thầy! Ông Thầy? Ông còn sống à? Địt mẹ em nghe thằng Minh đại liên nó nói ông chết chìm ở bờ biển Sơn Trà rồi mà!
- Chết đéo gì được. Mạng tao lớn lắm. Cái nanh heo rừng hộ mạng thằng Thạch Căn cho, tao bán mẹ nó rồi, lấy tiền mua vé xe đò lủi xuống đây theo anh Đinh Việt Lang hát chui kiếm bạc cắc nè!
Mừng mừng tủi tủi, cứ như thế hai thầy trò tôi ôn lại chuyện ngày xưa bên chai rượu trắng Gò Đen cho đến khi tiếng người lơ xe quang quác kêu hành khách lên phà qua bắc nhét đầy tai.
Tôi trả tiền nhậu, dắt Thường theo làn sóng người buôn thúng bán mẹt lên phà, quyết định bỏ đi hát chuyến này, ểnh cổ lên mà rống chung một cặp với thằng em suốt cả tuần. Bến sông Tiền Giang sau ngày mất nước sao mà giống Tiền Đường thế nhỉ?

Ngày hát trên sương khói lênh đênh, hát cắm mủi vào mảng phù sa miền tây đỏ quạch, và trên hết hát cho thân phận người thương binh, hát trên nỗi đau máu đỏ da vàng nhược tiểu tang thương thống khổ.Tôi ký... miệng cho Thường một tuần phép "miễn lao động bằng mồm". Tôi bao sân với một đống Boléro mùi, không hát Boston như ông Quan Một Hùng Nhô Ó Biển đã viết, đã nói trên đài phát thanh phát ớn Australia sau này "Lính hát boléro, quan chơi boston!"
Cám ơn Bồ Tát Quan Âm, ngày Quân Lực năm ấy, cả tuần lễ sau ngày 19/6/1979 thầy trò tôi trúng một mẻ lưới bạc lẻ cũng kha khá...
Không còn nhớ rõ cho lắm, nhưng ngoài vài ba ca khúc "đỏ" mà tôi đã nhuộm xanh cho Thường, nó khoái chí nhất ê a cả ngày có đoạn:
"Anh ỉa đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước dòm rõ mông! Thương nhau đã thúi ba mùa lúa, anh đón em về ỉa đầy sông, em cõng anh về ngủ ...vần công! Và thêm khúc nữa: "Quê em miền trung du, ngày đêm muỗi lu bù, giặc về như lũ cú..."
Cái thằng em "khỉ khô" này cũng gan to bằng cái thớt, tru tréo om xòm, riết rồi dân cư hai bờ Bắc Mỹ Thuận, cả bầy đỉnh cao trí tệ của loài khỉ bị, hay được nghe riết cũng bắt ghiền luôn! Thời tranh tối tranh sáng, chắc chẳng ai quỡn mà đi làm khó dễ chi cái đám Ngụy quân tàn binh chế độ cũ đó làm khỉ gì...
Cứ thế, mở mắt là nhậu, dợt "tuồng", đến lúc sương sương thầy trò mới dắt díu nhau mò đi rên kiếm cháo, đổi bạc hóa mồi... mai lại nhậu tiếp, đời trôi như dề lục bình, bến trong bến đục, bến xe bến phà gì cũng chơi tuốt luốt. Ối, bịnh gì mà cử chớ!
...
Mấy năm sau, tôi chuyển "nghề" đi buôn lậu thịt heo và thuốc lá Samit, tạt ngang quán cũ ăn cơm và "giao hàng".
Nghe cô Tám Chua nói thằng Thường đã nhảy sông tự tử sau trận nhậu xỉn quắc cần câu, bạt tai thằng Du kích dích cu, bị tụi nó bề hội đồng hộc máu. Tiên sư bố chúng mày! Quân chết tiệt cộng sản cướp nước hèn hạ...Tôi thương thằng Thường muốn ứa nước mắt, nhưng không thấy có giọt nào. Hẳn là nước mắt tôi nó cũng khô từ lâu...
...
Hôm nay, nghe lời xúi nhèo nhẹo của cô em hài xanh áo đỏ trên Facebook, tao nấu tô mì ăn liền này cúng mày đó thằng em.
Sống khôn thác thiêng, em nhớ chia cho anh em ở trên trời mỗi thằng mấy cọng nghen Thường! Không nêm nếm được em trai à, bữa nay tao ăn chay, uống chai, mày không thông cảm thì cũng đếch làm gì được tao đâu! haha.


19/6/2015
Còn gì để nói, nếu không là ngồi đây còng lưng gõ xuống những con chữ trên bàn phím mà nhỏ lệ tiếc thương cho anh em, những thằng "Ra Đi Chẳng Hẹn Ngày Về", những anh em "đui què sứt mẻ" đã bỏ lại một phần thân thể chín tháng cưu mang máu mẹ tinh cha trên sa trường thuở ấy.
Nhắc cho mình, cũng là nhắc với anh em đồng đội là những ai còn cố mà thở cho xong hết một kiếp người luân lạc, cho chiến hữu và cho các thế hệ mai sau, cái gì quên được thì quên, cái gì không bao giờ quên được thì phải luôn ghi nhớ trong lòng.
Nước mất thì đã mất rồi, nhà tan thì cũng đã tan hoang.
Nhưng Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm với tôi chưa bao giờ không nhớ!
Anh em chúng mình, chí ít là những ai còn nhớ số quân, ai còn giữ Thẻ bài, Quân phục, chưa quên Khu Bưu Chính, còn đứng nghiêm trang chào kính Quốc, Quân Kỳ vào những mùa giỗ Tổ Hùng Vương, Tết Nguyên Đán, Quốc Hận Tháng Tư Đen...
Còn luân lưu trong tim dòng máu đỏ da vàng Lạc Việt, Hồng Bàng tha hương luân lạc, chúng ta làm sao quên?
Chứ gì nữa! Phải không?
Chẳng thể nào quên ngày 19 tháng sáu; NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Một thoáng... 50 năm.

Rạng sáng ngày 19/6/2015 giờ Miền Nam Việt Nam
thunglũnghoavàng.ThảoVânAm 11:36 :12 Pm USA.DzuyLynh






dv

No comments:

Post a Comment