6/16/2015

Muốn chống lại Trung Quốc, Việt Nam cần phải làm gì?




Trong bài “Ba kịch bản trên Biển Đông”, tôi nêu lên ba tình huống chính có thể xảy ra trong những năm sắp tới: Một, chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ; hai, chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam; và ba, Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành, nghĩa là, họ cứ tiếp tục theo đuổi chính sách tằm ăn dâu trên Biển Đông và Việt Nam cứ tiếp tục nhịn nhục, cho đến một lúc nào đó, họ có được tất cả những gì họ muốn mà không cần gây chiến tranh với ai cả.

Cả ba tình huống ấy đều là những bi kịch, đặc biệt đối với phận một nước nhỏ và yếu như Việt Nam.

Vậy, có cách gì Việt Nam thoát khỏi những bi kịch ấy?

Theo tôi, có. Có nhiều biện pháp. Nhưng biện pháp đầu tiên sẽ phải là: dân chủ hoá.

Chính quyền Việt Nam lúc nào cũng cố tìm cách trì hoãn quá trình dân chủ hoá với ba lý do chính: Một là do dân trí còn thấp, dân chúng không biết cách hành xử thích hợp khi được tự do; hai là cần giữ sự ổn định về chính trị để kinh tế được phát triển; và ba, chính trị trong nước cần ổn định và mạnh mẽ để đối phó với hiểm hoạ xâm lược từ Trung Quốc.

Ở đây, tôi chỉ tập trung vào lý do thứ ba vừa kể. Theo tôi, đó chỉ là một nguỵ biện. Sự thật không phải độc tài mà chính dân chủ mới bảo đảm độc lập và chủ quyền của Việt Nam trong thế trận đối đầu với Trung Quốc.

Khẳng định như thế, tôi có bốn lý do chính:

Thứ nhất, chỉ có dân chủ và cùng với nó, sự minh bạch của chính phủ cũng như sự tự do, trước hết là tự do ngôn luận, của dân chúng, mới bảo đảm tránh được những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Chúng ta dễ dàng thấy rõ điều này trong các chính sách kinh tế, xã hội, môi trường và giáo dục tại Việt Nam: Nhà nước cứ lẳng lặng làm, đến khi dân chúng phản đối, mới thú nhận là…sai sót. Trong lãnh vực quốc phòng cũng vậy. Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng như các cam kết khác của Việt Nam và Trung Quốc mà biểu hiện cụ thể nhất là các phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng” là những sai lầm tai hại, nhầm thù là bạn và gây nên sự mất cảnh giác không những của dân chúng mà còn của cán bộ các cấp trước những âm mưu xâm lấn hiểm độc của Trung Quốc. Ngay chính sách “ba không” (không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không tham gia liên minh; không liên minh với nước này để chống lại hay phá hoại nước khác) cũng là một chính sách dại dột bởi vì trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay không có nước nào thực sự cô lập, một nước nhỏ và yếu đang bị uy hiếp bởi một quốc gia giàu, lớn và mạnh hơn mình cả mấy chục lần lại càng không thể nào chọn thái độ tự cô lập, không liên minh với các quốc gia khác. Tuyên bố như thế chả khác gì đầu hàng hay tự trói tay mình trước trận đấu. Nếu Việt Nam có dân chủ và dân chúng có quyền góp ý, những sai lầm dại dột và tai hại ấy sẽ dễ dàng tránh khỏi.

Thứ hai, có dân chủ mới thực sự có sự thống nhất thực sự giữa chính quyền và nhân dân. Những sự thống nhất dưới một chế độ độc tài khi mọi người dân đều bị bịt miệng chỉ là một sự thống nhất giả. Cách đây mấy tháng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thấy dân chúng ai cũng ghét Trung Quốc, ông “lo quá”. Cái “lo” ấy rõ ràng phản ánh sự khác biệt to lớn giữa lãnh đạo và quần chúng. Sự khác biệt ấy cho thấy hai điều: Một, về phía giới lãnh đạo, họ không hiểu dân hoặc hiểu, nhưng làm ngơ và tiếp tục hô những khẩu hiệu hoang đường về mối quan hệ môi hở răng lạnh với Trung Quốc; và hai, về phía dân chúng, họ nhìn giới lãnh đạo như những kẻ nhu nhược, bất lực, thậm chí, bán nước, và hậu quả là, người ta đồng loạt quay lưng lại chính quyền. Đến lúc chiến tranh bùng nổ thật, sự quay lưng ấy là một tai hoạ. Ngày xưa, đối diện với nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly hỏi ý kiến con trai về phương sách đánh giặc. Con trai ông, Hồ Nguyên Trừng, đáp: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Khi dân không theo chính quyền, cái gọi là thống nhất trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng. Mà không chỉ có tình cảm của dân chúng đối với Trung Quốc. Trong vô số các vấn đề khác, kể cả vấn để then chốt nhất là sự lãnh đạo mặc nhiên và độc tôn của đảng Cộng sản, dân chúng cũng bất đồng với giới lãnh đạo. Chỉ có dân chủ mới cho phép dân chúng nói lên sự thật và cũng buộc giới lãnh đạo nói sự thật: Trên căn bản của những sự thật như thế, người ta mới có thể nói đến sự đồng tâm và thống nhất.

Thứ ba, chỉ có dân chủ mới giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới. Ai cũng biết một sự thật đơn giản: trong trận đối đầu với một nước lớn và mạnh như Trung Quốc, Việt Nam cần phải nhận được sự hỗ trợ của càng nhiều quốc gia trên thế giới bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng trong thời đại ngày nay, không có một quốc gia dân chủ nào lại muốn hỗ trợ một chế độ độc tài. Không ai có thể phủ nhận được thực tế là hình ảnh của Việt Nam trên thế giới rất xấu với những vụ đàn áp nhân quyền thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan truyền thông quốc tế.

Thứ tư, còn độc tài, Việt Nam càng không thể tạo thành liên minh với các quốc gia Tây phương, đứng đầu là Mỹ. Muốn liên minh, người ta phải có những điểm chung. Cái chung về các quyền lợi trên Biển Đông chỉ là một. Người ta cần một điểm chung sâu sắc và căn bản hơn: điểm chung của các bảng giá trị. Đó chính là quyền làm người. Trước đây, Lý Quang Diệu từng biện minh cho các chính sách độc tài của ông tại Singapore bằng cách đề cao những bảng “giá trị Á châu” vốn được xem là khác biệt hẳn với các bảng giá trị ở Tây phương. Càng ngày người ta càng thấy đó chỉ là một sự nguỵ biện. Hiện nay, người ta xem nhân quyền và việc tôn trọng nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các cuộc đối thoại với Việt Nam, Mỹ cũng như các quốc gia Tây phương luôn luôn đề cập đến vấn đề nhân quyền. Họ xem việc tôn trọng nhân quyền là một điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại. Đối với việc liên minh về quốc phòng, điều kiện ấy lại càng cần thiết hơn.

Có thể khẳng định: Sẽ không có nước nào sẵn sàng chung vai sát cánh với Việt Nam để đương đầu với Trung Quốc nếu Việt Nam cứ độc tài mãi.

Nguyễn Hưng Quốc
16.06.2015





dv

No comments:

Post a Comment