6/7, 2015
HÀ NỘI 7-6 (NV) - Đó là nhận định của nhiều người Việt, sau khi Việt Nam công bố dự tính sẽ bỏ ra $63.2 triệu để mua 13 tàu điện của Trung Quốc cho tuyến metro Cát Linh – Hà Đông.
Giàn giáo xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông sập xuống hôm 28 tháng 12 năm 2014. (Hình: VnMedia)
Theo báo chí tại Việt Nam, 13 tàu điện vừa kể do Công ty Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất. Mỗi tàu có bốn toa. Mô hình của loại tàu điện này sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay. Sang năm sau, Công ty Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sẽ giao sản phẩm.
Trước các chỉ trích của công chúng, một vài tờ báo ở Việt Nam phân trần rằng, sở dĩ Việt Nam phải mua tàu điện của Trung Quốc là vì trong một hiệp định được ký vào năm 2008, Việt Nam đã hỏi vay và Trung Quốc đồng ý cho vay hàng trăm triệu Mỹ kim để thực hiện các dự án đường sắt với điều kiện phải sử dụng cả công nghệ lẫn trang thiết bị của Trung Quốc.
Tuy chưa có dự án đường sắt nào thực hiện bằng vốn vay của Trung Quốc hoàn tất nhưng quá trình thực hiện những dự án này, ví dụ như tuyến metro Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội đã tạo ra hàng loạt scandal, khiến mọi người vừa lo ngại, vừa phẫn nộ.
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 13 cây số, lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Tuy nhà thầu Trung Quốc cam kết sẽ hoàn tất công trình vào tháng 6 năm 2015 nhưng gần đây, thời điểm khánh thành được thông báo là tiếp tục dời lại đến cuối năm.
Hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái, tại điểm xây dựng một nhà ga trong tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ở đoạn chạy qua quận Thanh Xuân, do cẩu bị đứt cáp, ba thanh dầm bằng thép đã rớt xuống đường, đè chết một người và làm hai người trọng thương. Lúc đó, Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam đã ra lệnh cho nhà thầu Trung Quốc tạm ngưng thi công để kiểm tra toàn bộ qui trình giám sát – bảo đảm an toàn. Nửa tháng sau, nhà thầu Trung Quốc được phép tiếp tục thi công và chỉ trong hai tuần lại gây thêm tai nạn khác.
Rạng sáng 28 tháng 12 năm 2014, giàn giáo trong công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ở đoạn sát Bến xe Hà Đông đột nhiên sụp xuống lúc đang đổ bê tông. May mắn là tai nạn xảy ra vào lúc rạng sáng, đường chưa đông người qua lại nên không có tổn thất nhân mạng. Sắt thép, bê tông chỉ đè nát phần đầu của một chiếc taxi vừa trờ tới. Tài xế taxi và ba hành khách trong xe không bị thương. Theo một số chuyên gia, giàn giáo sập do bị dịch chuyển lúc đang đổ bê tông.
Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông không chỉ thiếu an toàn, kém chất lượng mà còn nổi tiếng vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư dự án từ $553 triệu lên $892 triệu. Tuy yêu sách này phi lý, Việt Nam vẫn bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, vay thêm của Trung Quốc $339 triệu để đáp ứng đòi hỏi của… nhà thầu Trung Quốc!
Lúc đó, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại cuộc họp với ông Chu Hằng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hữu hạn của Cục 6 ngành đường sắt Trung Quốc, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Việt Nam, nhận định, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là công trình giao thông tồi tệ nhất ở Việt Nam. Công trình này khiến dân chúng Việt Nam lo ngại về mức độ an toàn, chất lượng và phẫn nộ vì nhà thầu Trung Quốc không thèm đếm xỉa đến những yêu cầu của Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam.
Ông Thăng yêu cầu nhà thầu Trung Quốc phải tìm một người “có trình độ và lương tâm” để thay thế Tổng Chỉ huy công trường, đổi ngay công ty Trung Quốc đang giữ vai trò giám sát (Công ty Giám sát xây dựng thuộc Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh). Cũng đến lúc đó, Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam mới đòi nhà thầu Trung Quốc phải sử dụng công ty giám sát do bộ này chỉ định và loại toàn bộ các nhà thầu phụ để trực tiếp ký hợp đồng với các tổng công ty xây dựng công trình giao thông của phía Việt Nam.
Ông Thăng khẳng định, nếu nhà thầu Trung Quốc không chấp nhận những yêu cầu đó thì ông sẽ đề nghị chính phủ Việt Nam loại họ để kiếm một nhà thầu khác. Cũng phải đến lúc đó, đại diện nhà thầu Trung Quốc mới nhượng bộ, mới xin lỗi hứa sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của ông.
Tuy nhiên chuyện “cảnh cáo” nhà thầu Trung Quốc của ông Thăng bị cả báo giới lẫn cựu viên chức ngoại giao của Trung Quốc cho là kích động “bài Trung”.
Hồi đầu năm nay, Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời ông Tề Kiến Quốc, từng là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, khuyến cáo, lẽ ra, ông Thăng không nên làm như thế đối với nhà thầu Trung Quốc, không nên làm sự việc trở thành rùm beng vì tai nạn ở các công trường tại Việt Nam là... bình thường. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment